Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời hỏi thăm tất cả Tăng Ni và Phật tử. Đối với các Phật tử lớn tuổi, đi chùa học đạo nhiều năm, bây giờ có dịp gặp lại thăm viếng nhau, tôi rất mừng thấy quý vị vẫn còn có mặt trên thế gian, còn đến chùa học đạo, thật là quý báu. Nhân đây tôi cũng có vài điều nhắc nhở cho tất cả quý vị nhớ Phật pháp, an ổn tu hành đến ngày nhắm mắt, có hướng đi rõ ràng tốt đẹp.

Chùa này tên là chùa Quan Âm, vì vậy chúng ta sẽ nói về Bồ-tát Quán Thế Âm. Hầu hết các chùa Việt Nam đều có thờ tượng đức Quan Âm lộ thiên. Khi sang Trung Quốc hay Nhật Bản tôi thấy các nước này thờ tượng Quan Âm lộ thiên không nhiều như ở Việt Nam. Như vậy thờ tượng Quan Âm lộ thiên hay tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Đặc điểm đó như thế nào? Nếu không nói rõ Phật tử lại hiểu lầm, người Việt thờ đức Quán Âm để cầu cứu Ngài khi gặp khổ. Như thế vô tình Phật giáo Việt Nam trở thành mê tín ỷ lại. Đó là điều chúng tôi muốn nói để quý vị hiểu cho tường tận thấu đáo.

Thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm có những gì cao siêu kỳ đặc, mà tôi gọi đó là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam? Khi chúng ta thờ một đức Phật, một vị Bồ-tát cần phải hiểu thâm ý hình tượng các ngài. Trước tiên tôi xin hỏi quý vị tượng Bồ-tát Quán Thế Âm là nam hay nữ? – Nữ. Nhưng trong kinh Phổ Môn nói Bồ-tát là nam hay nữ? Không phải nam cũng không phải nữ. Bồ-tát Quán Thế Âm tùy theo nhu cầu thiết yếu của chúng sanh muốn Ngài cứu độ, nếu là đồng nam cầu cứu Ngài hiện thân đồng nam, nếu là đồng nữ cầu cứu Ngài hiện thân đồng nữ, cho tới trưởng giả v.v… Ngài đều tùy duyên thị hiện để cứu độ tất cả. Như vậy đâu bắt buộc cố định hình tượng Ngài là người nữ, vậy tại sao hầu hết các chùa thờ đức Quán Thế Âm đều tạc hình người nữ? Đó là vấn đề chúng ta cần hiểu rõ.

Ngày xưa ở Việt Nam, các cụ già thường hay răn dạy con cái phải luôn tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Nếu người cha nghiêm nghị dạy bảo con cái nên người, gọi là nghiêm phụ. Người mẹ hiền lành thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, chớ không rầy không đánh nên người ta gọi là từ mẫu tức mẹ hiền. Cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Bồ- tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, thường cứu khổ chúng sanh, nên người ta thường xưng tán Ngài là Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát. Hạnh đại từ đại bi của Ngài là lúc nào cũng an ủi, nhắc nhở, khuyên lớn, đem lại nguồn an vui cho tất cả chúng sanh. Ở đâu có tiếng than, có nỗi khổ, Ngài đều đến để cứu vớt. Vì vậy Ngài tượng trưng cho tâm hạnh từ bi. Hạnh từ bi thì gần với tình thương của người mẹ, nên người ta tạc tượng Ngài là người nữ. Đó là hình ảnh biểu trưng cho hạnh từ bi, chớ không phải Ngài thật là người nữ.

Thêm một điểm nữa, Bồ-tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Quý vị tụng kinh Phổ Môn có câu “Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quán Thế Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện”. “Thanh tịnh bình” là bình thanh tịnh, “thùy dương liễu” là cành dương liễu rủ xuống, “Quán Âm Như Lai cam lồ sái tâm” là nước cam lồ của đức Quán Âm rưới lên tâm. Ý nghĩa nguyên câu ấy là bình thanh tịnh đựng nước cam lồ, nhờ cành dương liễu rưới khắp làm cho tâm người được mát mẻ. Đó là câu nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm mà chúng ta thường lạy trong mười hai câu nguyện. Đây là những hình ảnh biểu trưng cho hạnh nguyện của Bồ-tát. Trong bình thanh tịnh chứa nước cam lồ, nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi. Đặc điểm của nước cam lồ là vừa ngọt vừa mát. Nước này rưới tới đâu là mát mẻ tới đó. Cũng thế lòng từ bi chan rải tình thương tới đâu, làm êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh tới đó. Bình thanh tịnh là biểu trưng cho người giữ giới nên tâm thanh tịnh giống như cái bình sạch sẽ. Như Phật tử giữ năm giới, nhờ giữ giới mà tâm trong sạch thanh tịnh. Người không giữ giới không bao giờ có tình thương chân thật hay lòng từ bi. Tôi hỏi quý vị, người phạm giới sát sanh có từ bi không? Nếu phạm giới sát sanh không thể gọi là người từ bi. Vì sát sanh thì không có lòng thương người thương vật mới nhẫn tâm sát hại. Hoặc người phạm giới trộm cắp, có từ bi không? – Không. Vì nếu trộm cắp thì làm cho người mất của khổ đau cũng không có lòng từ bi. Cho tới phạm giới uống rượu cũng không có lòng từ bi. Vì từ bi phải đi đôi với trí tuệ sáng suốt, uống rượu vô say sưa rồi không thể nào sáng suốt được. Cho nên dân quê Việt Nam gọi mấy người say rượu là ba ngầu ba phải, vì lúc đó đã mất bình tĩnh, không còn tỉnh táo sáng suốt phân biệt rõ ràng việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Nên không thể làm điều tốt đẹp giúp người. Do đó phạm một trong năm giới thì không có lòng từ bi, muốn lòng từ bi càng ngày tăng trưởng, đòi hỏi chúng ta phải giữ giới.

Vì vậy người giữ giới đức thanh tịnh thì tâm thanh tịnh nên tượng trưng cho bình thanh tịnh. Từ bình thanh tịnh mới chứa được nước cam lồ. Cũng thế người có giới đức thanh tịnh mới phát khởi lòng từ bi. Còn cành dương liễu để làm gì? Cành dương liễu biểu trưng cho đức nhẫn nhục. Vì cành dương liễu mềm yếu dẻo dai nên khó gãy, gió chiều nào nó lay theo chiều đó. Như vậy muốn đem lòng từ bi ban rải cho chúng sanh được an vui mà thiếu đức nhẫn nhục thì lòng từ bi khó thực hiện được. Tại sao? Gần nhất như chùa Quan Âm ở đây, quý Phật tử phát tâm xây dựng vì nghĩ rằng cất ngôi chùa này để huynh đệ hướng tâm về Phật pháp có nơi chốn lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp. Rồi lập hội Quan Âm để bảo trợ chùa, có đủ phương tiện tồn tại dài lâu. Đó là lòng từ bi. Có hội thì có họp, họp thì bàn cãi, mà bàn cãi thì nhiều ý kiến bất đồng. Nếu quý vị thiếu lòng nhẫn nhục thì lòng từ bi có thể đổ vỡ. Khi chúng ta thương mọi người muốn giúp họ đến với đạo để tu hành, tâm hồn được trong sạch an vui, đó là lòng từ bi. Nhưng nếu thiếu đức nhẫn nhục thì khó bảo vệ được Phật sự lâu dài, cho nên phải có đức nhẫn nhục. Khi có những ý kiến bất đồng, hoặc thấy những người làm những việc không hợp đạo lý, chúng ta cũng ráng ẩn nhẫn bỏ qua, để cùng hòa thuận với nhau, giúp đỡ xây dựng cho nhau. Như thế khả dĩ cùng nhau hợp tác làm Phật sự lâu dài. Hơn nữa khi làm Phật sự nếu không có tâm nhẫn nhục, gặp nghịch cảnh chúng ta dễ bực bội nản lòng.

Thí dụ ở Việt Nam các chùa quê, đến rằm tháng bảy hay phát quà cho những người nghèo khổ, bệnh tật. Giả sử quý Phật tử phát tâm bố thí cho hai trăm người. Hai trăm lá phiếu được phát cho dân nghèo đến lãnh quà. Có người khởi lòng tham nhận quà rồi họ trở lại xin nữa. Thành ra cuối cùng không đủ quà, những người đến sau không có quà họ chửi mình. Phật tử làm việc từ thiện vì thương họ, rốt cuộc lại bị họ chửi. Nếu không có đức nhẫn nhục, gặp trường hợp như thế, chắc quý vị sẽ bực bội và tự nhủ trong lòng từ nay không thèm làm nữa. Như vậy từ bi mà thiếu nhẫn nhục thì không thể thực hiện lâu dài.

Vì vậy Bồ-tát dùng cành dương rưới nước cam lồ, biểu trưng cho lòng nhẫn nhục nhu nhuyến. Thiếu cành dương không rưới nước cam lồ được. Cũng vậy, có lòng từ bi mà thiếu đức nhẫn nhục thì lòng từ bi đó không lâu dài, không đem đến lợi ích cho chúng sanh. Cho nên lòng từ bi và đức nhẫn nhục luôn luôn đi đôi với nhau, thiếu một đức thì đức kia không thể thực hiện.

Phật tử thờ đức Quán Âm, khi nào phiền não quá liền lạy cầu Bồ-tát rưới nước cam lồ cho con được mát mẻ phải không? Như vậy là đòi hỏi, xin xỏ chớ không nhớ chúng ta thờ đức Quán Âm là để nhắc mình phải học theo hạnh từ bi và đức nhẫn nhục của Ngài. Muốn học hạnh từ bi, đầu tiên phải giữ giới luật cho trong sạch. Kế đó phát tâm từ bi thương chúng sanh và khi thực hiện tâm ấy phải có đức nhẫn nhục. Đó là gương sáng, đức tính tốt. Mỗi khi Phật tử lạy Bồ-tát Quán thế Âm luôn luôn nhớ ba điều này thì tốt đẹp biết mấy.

Phật tử Việt Nam có đặc tính muốn đem tình thương của mình giúp đỡ mọi người một cách bền bỉ lâu dài, mới thờ Bồ-tát Quán Thế Âm với hình tượng như thế. Cho nên tinh thần từ bi và nhẫn nhục là tinh thần rất thiết yếu trong cuộc sống hiện tại. Người Việt Nam thờ đức Phật hoặc các vị Bồ-tát lộ thiên đều nhớ ý nghĩa ấy thì rất hay, Phật pháp sáng sủa biết bao nhiêu. Một chùa thờ đức Quán Âm, nhiều chùa thờ đức Quán Âm, để nói lên tinh thần người Phật tử Việt Nam khao khát thực hiện lòng từ bi và đức nhẫn nhục. Đó là mục tiêu trọng yếu của tinh thần Phật giáo Việt Nam. Tôi nhắc lại tinh thần này để quý Phật tử không quên ý nghĩa và mục đích việc học Phật và tu Phật của mình.

Quý vị lớn tuổi khi còn ở Việt Nam từng đọc mấy quyển thơ cổ như Lục vân Tiên, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện… Chúng ta thấy người Việt Nam yêu chuộng từ bi, đức nhẫn nhục nên ngoài hình tượng thờ, những đức tính cao đẹp ấy còn biểu trưng đầy đủ qua thơ văn. Quan Âm Thị Kính thường được dân quê Việt Nam gọi là Phật bà. Ở cách xưng danh này, tôi xin lưu ý quý Phật tử một chút. Gọi như vậy e sẽ bị kẹt, nếu người ta hỏi Quan Âm là Phật bà, vậy ai là Phật ông? Phật tử trả lời thế nào? Cho nên phải hiểu rõ, Phật là Phật không có bà có ông. Chỉ vì dân gian gọi theo cảm tính thôi, danh xưng ấy không có trong danh từ chuyên môn của nhà Phật.

Người ngoại quốc chưa rành về Phật giáo đến hỏi, chúng ta giới thiệu sai là lỗi lớn nên quý vị phải hiểu cho thật kỹ. Ai muốn tìm hiểu đạo Phật, chúng ta nói những ý nghĩa thâm trầm để người ta thấy Phật giáo Việt Nam có những cái hay cái đẹp, có tinh thần sâu xa tế nhị bên trong, chớ không phải chỉ những hình thức nổi bên ngoài. Đó là trách nhiệm lớn của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, không thể xem thường được.

Bài viết liên quan

Khoá học giúp ra quyết định sáng suốt

Nếu bạn bỏ lỡ khoá học này, mình sẽ tiếp tục ra những quyết định...

Bài thuốc ngâm chân và Văn hóa Đạo Hiếu của Người Dao

Và cái văn hóa đạo hiếu người dao nó có một câu chuyện rất là...

Giới thiệu về CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA

CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA là đơn vị chuyên về các bài...

Giới thiệu về thương hiệu “Cổ Trầm”

Từ thuở Bách Việt bờ cõi mênh mang cho đến Thăng Long ngàn năm thương...

Giới thiệu về Trầm Hương – About Agarwood – cổ trầm

Trầm hương là gì? Sự hình thành trầm hương trong các cây Dó bầu chứ...

Ý NGHĨA LOGO BIỂU TƯỢNG TIÊN THIÊN TRÀ

Logo của Tiên Thiên Trà gồm 2 vòng tròn được kết nối với nhau vô...

Trả lời