THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3)
SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308)
Vua Trần Nhân Tông lúc còn làm Thái tử đã thông suốt Thiền tông do sự giáo dục của Tuệ Trung Thượng sĩ. Sau khi bỏ ngôi đi xuất gia, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài hòa hội các phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã truyền bá trên đất nước Việt Nam, lập thành phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đây là phái thiền hoàn toàn Việt Nam. Ở đây chúng tôi chỉ chắt lọc một vài nét nổi bật trong sự chỉ dạy của Ngài để làm tiêu chuẩn, đó là bài kệ Hữu Cú Vô Cú:
Hữu cú vô cú
Đằng khô thọ đảo
Cơ cá nạp tăng
Chàng đầu khái não.
Hữu cú vô cú
Thể lộ kim phong
Hằng hà sa số
Phạm nhẫn thương phong.
Hữu cú vô cú
Lập tông lập chỉ
Đả ngỏa toản qui
Đăng sơn thiệp thủy.
Hữu cú vô cú
Phi hữu phi vô
Khắc chu cầu kiếm
Sách ký án đồ.
Hữu cú vô cú
Hỗ bất hồi hỗ
Lạp tuyết hài hoa
Thủ chu đãi thố.
Hữu cú vô cú
Tự cổ tự kim
Chấp chỉ vong nguyệt
Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú
Như thị như thị
Bát tự đả khai
Toàn vô bả tỹ.
Hữu cú vô cú
Cố tả cố hữu
A thích thích địa
Náo quát quát địa.
Hữu cú vô cú
Đao đao phạ phạ
Tiệt đoạn cát đằng
Bỉ thử khoái hoạt.
Câu có câu không
Bìm khô cây ngã
Mấy kẻ nạp tăng
U đầu sứt trán
Câu có câu không
Thể bày gió thu
Hằng hà sa số
Va đao chạm bén.
Câu có câu không
Lập tông lập chỉ
Đập ngói dùi rùa
Trèo non lội nước.
Câu có câu không
Chẳng có chẳng không
Khắc thuyền mò kiếm
Tìm ngựa bản đồ.
Câu có câu không
Hồi hỗ hay không
Nón tuyết giày hoa
Ôm cây đợi thỏ.
Câu có câu không
Tự xưa tự nay
Nhìn tay quên trăng
Đất bằng chết chìm.
Câu có câu không
Như thế như thế
Chữ bát mở ra
Sao không nắm mũi.
Câu có câu không
Ngó tả ngó hữu
Lau chau mồm mép
Ồn ào náo động.
Câu có câu không
Đau đáu lo sợ
Cắt đứt sắn bìm
Đó đây vui thích.
Qua bài kệ này chúng ta thấy Ngài phản đối cái chấp hai bên biểu trưng bằng Có và Không. Song cái chấp hai bên có vô số loại: có không, phải quấy, hơn thua, tốt xấu, thắng bại, hay dở, lành dữ v.v… và v.v… Chính cái chấp hai bên là mầm tranh đấu, là nhân phiền não, kết quả khổ đau không thấy chân lý.
Cho nên chín đoạn trong bài kệ này, Ngài vừa quở trách, vừa chỉ dạy rất đầy đủ. Như đoạn một: “Mấy kẻ nạp tăng, u đầu sứt trán”, đoạn hai: “Hằng hà sa số, va đao chạm bén”, đoạn ba: “Đập ngói vùi rùa, trèo non lội nước”, đoạn bốn: “Khắc thuyền mò kiếm, tìm ngựa bản đồ”, đoạn năm: “Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ”, đoạn sáu: “Nhìn tay quên trăng, đất bằng chết chìm”, đoạn bảy: “Chữ bát mở ra, sao không nắm mũi”, đoạn tám: “Lau chau mồm mép, ồn ào náo động”, đoạn chín: “Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích”.
Đoạn một và hai, Ngài quở người chấp hai bên là tự chuốc khổ vào mình. Đoạn ba và bốn, Ngài chê kẻ chấp hai bên là dại khờ, chỉ nhọc nhằn luống công. Đoạn năm và sáu, Ngài trách những phương tiện tạm bợ mà người vì cố chấp hai bên nên không thấy chân lý. Đoạn bảy và tám, Ngài chỉ thẳng chân lý ngay trước mắt như lỗ mũi nằm sẵn dưới chân mày mà người ta không nhận, cứ lý luận ồn ào vô ích. Đoạn chín, Ngài nói ai dứt chấp hai bên mới thật vui thích. Ngay đoạn chín này, hẳn là chỗ Nhị Tổ trình kiến giải bằng ba lễ mà không có một lời. Không kẹt hai bên là căn bản của Thiền tông, cũng chính là cốt tủy của Phật giáo.
Lại một bài kệ kết thúc bài phú “Cư Trần Lạc Đạo” của Sơ Tổ Trúc Lâm là cô đọng những gì Lục Tổ đã thấy và ứng dụng:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Chỉ hai câu chót trong bài kệ cũng đủ kết thúc chỗ sở ngộ và mục tiêu dạy tu hành của Lục Tổ một cách kỳ diệu. Thấy hòn ngọc sẵn có trong nhà, chính là chỗ Lục Tổ thốt lên “Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh!…” Thiền là đối cảnh không tâm thì làm gì có niệm nhiễm, là vô niệm; không tâm thì đâu kẹt cảnh bên ngoài, là lìa tướng tức vô tướng, không tâm thì lấy gì để dính mắc, là vô trụ. Một câu kết này đã bao gồm cả Vô Niệm, Vô Tướng, Vô Trụ hay Tông, Thể, Bổn của Lục Tổ dạy. Thiền là đối cảnh không nhiễm, không kẹt, không mắc, chính đây là chủ trương của Lục Tổ. Ngài Trúc Lâm Đầu Đà đã ứng dụng tuyệt vời chỗ thấy của Nhị Tổ, chỗ ngộ và chỗ hành của Lục Tổ. Chúng ta là kẻ hậu học, tự hãnh diện ở Việt Nam xuất phát một phái thiền trọn vẹn mang dấu ấn của chư Tổ tiền bối và dung hội tài tình đường lối tu hành của người xưa làm kim chỉ nam cho hành giả Việt Nam chúng ta.
Trích Thiền tông cuối thế kỷ XX – HT Thiền sư Thích Thanh Từ

Bài viết liên quan

Trị bệnh như thế nào cho đúng

Tất cả chúng ta có bệnh, Phật dạy lấy thuốc mà trị chớ không phải...

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời