Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ .
Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật có vô lượng phương pháp kể không hết.
Ở đây chúng tôi chỉ nói về phương pháp tu thiền.
Nhiếp tâm bằng cách nào để được “vào cửa Không”?
Ngày xưa dưới Tổ Huệ Năng có một cao đệ tên là Nam Nhạc Hoài Nhượng tức là Tổ Hoài Nhượng ở núi Nam Nhạc.
 Một hôm, nhân đi dạo Tổ Hoài Nhượng thấy một vị tăng ngồi thiền hết sức nghiêm chỉnh, ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, ngày nào đi ngang qua Ngài cũng thấy như vậy.
Ngài chú ý và một hôm Ngài lên tiếng. Vị tăng đang tọa thiền nhìn thấy Ngài, Ngài liền hỏi:
” Ông ngồi thiền mong làm gì?”
Vị tăng thưa:
“Con ngồi thiền mong làm Phật.”
 Ngài trở về không nói gì. Đến hôm sau cũng vào giờ đó, thấy vị tăng ngồi thiền, Tổ đem một hòn gạch đến tảng đá gần bên và mài. Ngài mài sột soạt hoài.
Vị tăng thấy lạ, hỏi:
“Hòa thượng mài gạch để làm gì?”
 Ngài trả lời:
“Ta mài gạch để làm gương.”
Vị tăng lắc đầu:
“Vô lý làm sao! Gạch làm sao mài thành gương được?”
 Ngài trả lời:
 “Nếu gạch mà không làm gương được thì ngươi ngồi thiền làm sao thành Phật được. Nếu ngươi nói ngồi là thiền thì ngươi đã hại thiền, ngồi là Phật là ngươi đã giết Phật…”
Chúng tôi xin giải thích tại sao Tổ Hoài Nhượng trả lời như vậy.
 🙏Thiền là một danh từ, theo tiếng Phạn nói đủ là Thiền-na Trung Hoa dịch là “định tuệ đẳng trì”, tức là một phương pháp gìn giữ bình đẳng giữa định và tuệ.
Tại sao?
 🙏 Bởi vì trước có danh từ chuyên môn xa-ma-tha Trung Hoa dịch là Chỉ, Tam-ma-bát-đề Trung Hoa dịch là Quán.
🙏 Rồi tới danh từ thứ ba là thiền-na tức là định tuệ đẳng trì, là Chỉ và Quán đồng tu.
🌺 Thế nên nói Thiền tức là nói một phương pháp tu gồm cả Chỉ và Quán.
Chỉ là định, Quán là tuệ, tức là định tuệ đồng tu.
Thường thường chúng ta nghe nói Giới Định Tuệ, thì tuệ sau định.
🙏Nhưng trong Thiền tông trái lại tuệ rồi mới định.
 Tại sao vậy?
Bởi vì trong nhà thiền chủ trương rằng “Kiến tánh mới khởi tu”, kiến tánh tức là trí tuệ, mới khởi tu tức là an định.
🌹 Song đây cũng là một lối nói, sự thật thiền là một phương pháp gìn giữ cả định và tuệ đồng thời.
Như vậy nếu chờ ngồi mới gọi là định tuệ thì khi đi đứng không có định tuệ sao?
Nếu chờ đến ngồi mới có định tuệ thì lối tu ấy quá sơ sót, quá lơi lỏng.
 🍁Đúng ra tu thì mọi hành động trong mọi thời gian đều là tu, đi đứng nằm ngồi đều sống với định tuệ.
Cho nên trong nhà thiền thường nói: đốn củi, hái rau, thổi cơm, gánh nước cũng là thiền, như vậy mới là biết tu thiền.
Đợi tới ngồi ngay thẳng mới là tu thiền thì một ngày chỉ tu một giờ hai giờ, còn mười giờ kia làm gì?
Nếu một ngày tu có hai tiếng thì thấm vào đâu?
🙏 Cho nên nếu biết tu thiền thì suốt mười hai giờ đều là giờ của mình tu.
Đợi ngồi mới thiền tức là giết thiền rồi.
Phật cũng vậy, quí vị thấy Phật ngồi hoài hay là Phật có khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm.
Nếu ngồi mới là Phật thì đứng là ai, nằm là ai?
Nếu nói ngồi là Phật thì đứng không phải là Phật, và nằm không phải là Phật.
Nhưng Phật có lúc nào không phải là Phật đâu?
Nếu chấp ngồi mới là Phật thì đã giết Phật.
Vì vậy chấp ngồi là Phật là chấp sai lầm.
Trở lại câu chuyện trên, vị tăng ngồi thiền đó là ngài Đạo Nhất, sau này gọi là Mã Tổ Đạo Nhất, một Thiền sư nổi tiếng ở Trung Hoa.
Ngài thắc mắc câu trả lời của Tổ Hoài Nhượng nên hỏi:
“Thưa Ngài, thế thì làm sao mới đúng?”
Tổ trả lời:
“Ví như con trâu kéo xe, nếu chiếc xe không đi, đánh trâu là phải hay đánh xe là phải?”
Thưa quí vị, xe không đi thì đánh cái gì?
Không ai dại gì mà đánh xe cho xe đi. Một ví dụ gần hơn, như hiện giờ chúng ta ngồi trên chiếc xe ô tô đang đậu, chúng ta muốn chiếc xe chạy thì phải làm sao? Thúc ông tài xế hay là thúc chiếc xe? Tức nhiên phải thúc ông tài xế xe mới chạy, nếu thúc chiếc xe thì nó không bao giờ chạy.
Như vậy ông tài xế là chủ động của chiếc xe, con trâu là chủ động của chiếc xe.
Muốn chiếc xe đi thì phải nhắm vào cái chủ động mà thúc, chớ không ai nhắm vào cái bị động mà thúc.
🙏Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì ý là chủ động.
Chúng ta muốn tu thì phải tu cái ý.
Nếu ngồi ngay thẳng, nhiếp phục thân mà ý cứ chạy đông tây thì đâu phải là đúng phương pháp nhiếp phục.
Cho nên muốn điều phục được ba nghiệp thì phải nhắm thẳng vào ý nghiệp.
Ý nghiệp dừng rồi thì thân, miệng tự nhiên tốt. Nếu ý nghiệp không dừng thì dù cho kềm thân, miệng đến đâu cũng sanh ra những việc lôi thôi.
🙏Vì vậy tất cả pháp tu của nhà Phật đều nhắm thẳng vào việc dừng ý nghiệp.
🙏🙏🙏 Cho nên làm cái gì cũng bảo đừng vọng tưởng, tụng kinh đừng vọng tưởng, trì chú đừng vọng tưởng, niệm Phật đừng vọng tưởng, tọa thiền cũng đừng vọng tưởng.
Chung qui đều nhắm thẳng vào cái chủ động để dẹp nó.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ .
Trích trong : VÀO CỬA KHÔNG .
Nguồn: Thiền Viện Quang Chiếu

Bài viết liên quan

Trị bệnh như thế nào cho đúng

Tất cả chúng ta có bệnh, Phật dạy lấy thuốc mà trị chớ không phải...

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

Trả lời