Đăng dừng lại nhìn ông lão gánh hai rổ đá đi về phía bờ sông, nét mặt cam chịu buồn buồn. Lát sau ông trở lên, Đăng bước đến chào và hỏi:
– Ông cho con hỏi, ông gánh đá này làm gì vậy, sao không có ai phụ mà ông phải làm một mình vậy.
Ông lão nhìn xa xôi nói:
– Ta gánh đá chặn dòng nước đánh vào bờ làm xói mòn sụp lở bờ sông và con đường ven bờ sông. Đường mà sụp thì mọi người khó qua lại, bờ mà lở thì dân bị mất đất ruộng.
– À, ông làm thiện nguyện, nhưng sao ông không kêu ai phụ, thôi hôm nay con bỏ chuyến đi chơi để phụ ông nhé.
Hai người một già một trẻ gánh đá về vá bờ sông.
Đến khi nắng lên cao, hai người ngồi nghỉ ở gốc cây ven đường. Đăng lại tò mò hỏi:
– Thế gia đình vợ con ông ở đâu ạ?
Ông lão buồn buồn đáp:
– Vì ngày xưa ta sống sai lầm nên mọi người bỏ ta đi hết rồi.
– Con thấy tâm ông rất tốt mà..
– Bây giờ ta đang chuộc lại lỗi lầm của mình mà thôi.
– Ông có thể giải bày cho con hiểu thêm không ạ?
– Trước kia ta quan niệm mỗi người có quyền tự do bất khả xâm phạm, ai cũng được quyền có một khoảng trời riêng tư mà người khác không được can thiệp. Vì nghĩ như vậy nên ta chỉ sống cho mình, muốn làm gì thì làm, chẳng quan tâm ý kiến của cha mẹ vợ con. Ta hưởng thụ, xăm trổ, chơi bời lêu lổng, muốn nói gì thì nói chẳng cần biết có làm ai tổn thương hay không, đang làm muốn nghỉ thì bỏ việc ngang, thích đi du lịch thì vét tiền nhà mà đi chẳng cần biết ở nhà mọi người sẽ sống bằng cái gì.
Ta tôn thờ tự do cá nhân tột độ nên không còn yêu thương ai được nữa, không còn có trách nhiệm với ai được nữa, đến nỗi chuẩn bị đi vào con đường ra ngoài vòng pháp luật luôn.
Cho đến một hôm ta không còn lại gì nữa, tiền bạc hết, người thân yêu bỏ đi, thất nghiệp. Ta đứng trước mặt ai họ cũng tránh qua để gọi con chó đến ôm ấp vuốt ve. Ta trở nên vô hình với mọi người. Ta hiểu ra rằng ta đã sai. Tự do không phải là lẽ sống. Lẽ sống là cái gì khác nữa.
Ta gặp một bà cụ cho ta ăn uống qua ngày và dạy ta cách sống trở lại. Sự riêng tư là một trong những nhu cầu có thật của con người, nhưng nó chỉ chiếm 5 phần trăm nhu cầu của toàn bộ cuộc sống mà thôi. 95 phần trăm còn lại là trách nhiệm của con người với cộng đồng xã hội. Ta chỉ nên sống tự do riêng cho mình ở một tỉ lệ rất thấp thì sẽ hợp lý và hạnh phúc. Phần còn lại là trách nhiệm với gia đình và cộng đồng chung quanh.
Ta đã phạm sai lầm vì nâng tỉ lệ sống riêng tư cho mình lên mức cao quá, gần 100 phần trăm, nên hậu quả là đời ta thất bại, suýt trở thành người ăn mày.
Sau đó ta đi làm thuê buổi sáng, còn buổi chiều thì đi làm các việc công ích như nhặt rác, sửa ổ gà trên đường, phụ ai được thì phụ. Ta cứ sống như vậy suốt 20 năm mà chẳng ai có cảm tình với ta cả. Hôm nay là lần đầu tiên có cháu để ý đến phụ giúp ta gánh đá ngăn dòng, chắc mãi đến bây giờ ta mới có phúc trở lại chút xíu. Lối sống tự do cá nhân đã cướp mất cuộc đời ta, may mà ta đã hiểu để lấy lại, mất mấy mươi năm.
Đăng xót xa nói:
– Con chưa dám hứa điều gì, nhưng con sẽ phụ ông được 5 ngày nghỉ phép, sau đó con sẽ tính sau. Ông cho con bài học lớn quá.
Làm được điều mình thích là một niềm vui. Niềm vui đó có khi là hạnh phúc chân chính, có khi chỉ là khoái cảm tầm thường. Nếu điều ta thích trùng hợp với đạo đức, thì khi làm xong, ta có cảm giác hạnh phúc. Nếu điều ta thích là vô đạo đức, thì khi làm xong, ta chỉ có khoái cảm tầm thường.
Có những giai đoạn xã hội, con người bị bạo chúa ngăn cấm không được làm điều đúng đắn mà mình thích, ta gọi đó là giai đoạn mất tự do. Bức xúc vì sự mất tự do này, con người đã làm cách mạng tự do dân chủ tư sản.
Khi lật đổ được chế độ quân chủ, con người quá hứng khởi nên đã ca ngợi tự do đến tột đỉnh và mở đầu cho giai đoạn chuyển qua một cách sống sai lầm khác.
Thật ra sự riêng tư là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhưng nó chỉ chiếm khoảng 5 phần trăm thì hợp lý, không nhiều lắm đâu. Ai vượt khỏi mức 5 phần trăm này thì bắt đầu đáng ngại rồi, có thể phạm sai lầm mà không hay. Ta sẽ hỏi con số 5 phần trăm này lấy ở đâu ra. Đó chỉ là ước lệ cho một tỉ lệ rất nhỏ chứ không phải là con số chính xác.
Cuộc sống hạnh phúc không phải là Sống cho riêng mình, mà là Sống có trách nhiệm với cộng đồng chung quanh. Sống có trách nhiệm với cộng đồng thì cực, nhưng sau đó sẽ là hạnh phúc. Còn sống cho riêng mình thì khỏe, nhưng sau đó sẽ là tan vỡ tất cả.
Ta cứ nhớ tỉ lệ sống cho cộng đồng hay sống cho riêng mình để đánh giá mức độ đạo đức thánh thiện của một người. Người đạt mức quên mình để sống cho cộng đồng thì đó là người đang trở nên thánh thiện. Còn người sống theo ý thích của mình nhiều quá thì dần trở thành ác quỷ mà không hay.
Làm gì cũng nghĩ có lợi cho cộng đồng hay không rồi mới làm. Ban đầu thấy có vẻ như bó buộc hạn chế, nhưng sống được như vậy lâu ngày mới thấy đó là cả một nghệ thuật đẹp đẽ. Giống như người mới học đàn phải đánh cho đúng luật, đúng kỹ thuật, đúng nhạc lý, rất bó buộc. Nhưng đến khi đánh đúng nhạc lý rồi thì mới tấu lên được khúc nhạc hay. Nếu cầm đàn lên đánh loạn xạ không quy luật thì là ác mộng của hàng xóm.
Cũng vậy, sống không cần biết đến ai đúng là tạo ra ác mộng cho người chung quanh. Giữ sự riêng tư rất ít để có thể sống có trách nhiệm với mọi người, đó là khúc nhạc rất hay.
Nguồn: sưu tầm tại fanpage CLB An Lạc

Bài viết liên quan

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ!

* Ai đang sống nơi đây, phút giây phút giây ngày tháng? Muôn chim thú...

[ TIÊU CHÍ THỰC HIỆN ] Các chương trình của Clb An Lạc

Để đảm bảo cho Clb An Lạc hoạt động đúng định hướng xuyên suốt của...

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ…kỳ 3 – Phần III – LINH THIÊNG ĐỀN BÁC và HÀNH TRÌNH NHẶT RÁC TỪ TÂM

Hành trình Đi để trở về Ba Vì Dời khỏi nhà sàn, cả đoàn cùng...

Đi Để Trở Về Kỳ 3 – Phần 4: TRỞ VỀ VỚI NGÔI NHÀ CỦA TÂM AN LẠC

Tiếp nối dòng chia sẻ của Hành trình đi để trở về kỳ 3, Ngôi...

1 hành trình đáng nhớ… !

Hơn 3km đi bộ, trong không gian núi rừng, ánh điện nhập nhằng mờ ảo,...

HƯƠNG SEN ĐẦU HẠ

“Hương các loại hoa thơm Không ngược bay chiều gió Nhưng hương người đức hạnh...

Trả lời