Từ lâu sáu căn chúng ta đuổi theo sáu trần bên ngoài, lo biết những thứ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp chuyện trần cảnh xa xôi bên ngoài, dẫn chúng ta đi càng ngày càng xa mất tâm gốc. Giờ đây, nếu hỏi lại bản tâm của mình là cái gì, thì nhiều vị còn thấy xa lạ như là ở đâu, nhiều khi tưởng là không dính dáng gì tới mình. Nhưng nếu hỏi những tâm buồn, vui, giận, ghét… thì thấy gần và rõ hơn, đó mới là điều đáng buồn.
Pháp sám hối sáu căn này nhắc mọi người khéo thức tỉnh trở về chỗ thấy, nghe, hiểu biết hàng ngày ngay nơi sáu căn. Bởi vì mê cũng từ sáu căn dẫn ra sáu trần rồi tạo nghiệp sanh tử luân hồi, bây giờ cũng phải từ sáu căn đó mà trở về, cho nên sám hối là nhắc, là ăn năn hối lỗi để trở về bản tâm chân thật.
1- Đầu tiên, sám hối ngay căn mắt: Chúng ta sám hối ngay căn mắt để học để nhớ trở lại ngay khi thấy biết thì cái đó là gì? Thấy chỉ biết thấy thì ngay đó chân tâm hiện tiền sáng ngời, đâu có thiếu thốn, đâu cần phải đi cầu cái biết nào nữa.
2- Đến căn tai: Sám hối nghiệp căn tai để nhắc chúng ta nhớ lại tánh nghe luôn có mặt, luôn hiện hữu nơi mình, có tiếng hay không tiếng, nó cũng vẫn nghe. Khi nghe tiếng thì biết có tiếng, không nghe tiếng thì biết không có tiếng. Cái này không thuộc nơi tiếng, cũng không thuộc nơi lỗ tai, nó vẫn luôn sáng ngời, đó là chỗ chúng ta sám hối để trở về, sám hối được như vậy thì rất là hay.
3- Nghiệp căn mũi:
Xưa, Phật dùng những tiếng rất hay “hương trần”, nay chúng ta gọi là hương thơm. Nhưng dù nó thơm cách mấy thì cũng là trần là bụi, phải nhớ kỹ đừng để lỗ mũi nó lừa.
Thường đa số mọi người đều bị lỗ mũi lừa. Khi ngửi được mùi thì đều nói là lỗ mũi ngửi được mùi. Sự thật, lỗ mũi chỉ là mấy miếng thịt hợp lại làm sao biết ngửi mùi. Phải nhớ sống trở lại tánh biết ngửi, vì đó là cái luôn hiện hữu nơi mình, nó không thuộc nơi lỗ mũi, cũng không thuộc nơi mùi vì sao lại quên chỉ nhớ mùi, nhớ lỗ mũi đừng để lầm qua. Vì vậy, chúng ta cần phải sám hối nghiệp căn của mũi để nhắc sống trở lại.
4- Nghiệp căn lưỡi: “Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở”. Lưỡi theo đủ những mùi ngon dở, hôi thơm, cứ xét cái này ngon, cái kia dở mà quên mất lẽ thật khi nếm vị. Nếu khi nếm vị liền biết cái gì biết nếm đó. Như vậy, là hiện tiền sáng ngời.
Rồi lưỡi lại có công năng nói, vừa nếm vị vừa nói nữa. Căn này rất dễ gạt người. Khi nói thì chạy theo những tiếng bàn nói chuyện đâu đâu, gọi là “Bàn luận cổ kim, khen chê này nọ”. Bàn chuyện xưa chuyện nay, rồi khen chê việc này việc nọ, theo cái đó quên mất tánh biết hiện hữu là lẽ thật nơi mình.
5- Nghiệp căn thân “Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp, chấp cho là thật, quên mất pháp thân”. Tức là thân do gân, xương, máu thịt kết lại, chấp cho nó là thật mình, quên mất pháp thân chân thật, rồi theo đó mới sinh dâm sát trộm. Tức là tạo các nghiệp sát đạo dâm: sát sanh, trộm cắp, tà dâm… quên mất tánh chân thật của mình. Chứ còn ngay khi vừa chạm đến vật, khi vừa xúc chạm nó, biết liền. Tánh biết này đâu ở nơi vật, cũng đâu thuộc thân xác thịt, tuy nhiên vừa chạm thì nó biết được.
Cho nên, sám hối căn thân để nhớ trở lại lẽ thật không theo những xúc chạm bên ngoài, không tạo những nghiệp sát sanh, trộm cướp, tà dâm làm quên mất tánh chơn này và lúc nào cũng nhớ để sám hối trở về.
6- Nghiệp căn ý phải sám hối là “Nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mứu tình trần, kẹt tâm chấp tướng”
Trước khi suy nghĩ nó vẫn có sẵn, khi suy nghĩ thì nó có sau, nhưng hầu như chúng ta chỉ nhớ cái suy nghĩ mà quên mất cái có sẵn này, đó là lầm mê. Thế nên, người có học có tu chút ít khi ngồi thiền thì nó tạm yên lặng vừa có cái nghĩ khởi lên biết liền, vì nó có trước cái suy nghĩ nên niệm vừa khởi lên liền biết.
Bài Sám Hối Sáu Căn rất nhiều ý nghĩa, giúp chúng ta bớt được những lầm mê trong cuộc sống hàng ngày, vừa phát triển được trí tuệ đưa mỗi người đến lẽ thật.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.