Trà và thú vui uống trà, tưởng vô cùng giản đơn nhưng khi đi qua các nền văn hóa, đi qua các vùng miền, cũng mỗi người mỗi vẻ. Vũ Thiên Tân là một, cô làm trà, mở không gian trà mưu sinh, nhưng xem ở Tân cách nghĩ, cách tiếp cận, đồng hành và gắn bó với trà, có phần khác lạ.
Bạn có thể xem thêm bài viết liên quan: Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân House
Duyên trà
Gặp lại Vũ Thiên Tân trong không gian thưởng trà của riêng mình, được đặt tên giản đơn là Tân House, tọa lạc kín đáo, bình yên trên tầng hai nơi khu chung cư cũ ở 23 Vũ Tông Phan, Hà Nội, Tân kể về mối duyên với nghề trà: “Năm 2011, khi bắt đầu kinh doanh trà, mình tiếp cận dòng trà Tân Cương của Thái Nguyên, thuộc trà giống cũ (chè hạt trung du – TG). Khi được một người bạn cho uống thử trà Tà Xùa, mình rất ấn tượng, và khi việc kinh doanh ổn định hơn, mình bắt đầu tìm về các vùng nguyên liệu trà.
Đầu tiên là vùng trà cổ thụ Suối Giàng, kế đến là Tà Xùa. Đến Suối Giàng thì không ấn tượng vì đất cằn cỗi, cây già nua, không thấy toát lên sức sống mạnh mẽ như trong suy nghĩ của mình về trà cổ thụ. Khi đến Tà Xùa, dù chưa được gặp những cây trà cổ thụ to lớn, nhưng nhìn qua những cây con, thấy phát triển tươi tốt, uống qua vị trà thấy ở đó sự khác lạ đặc biệt nên từ đó mình gắn bó với vùng trà cổ thụ Tà Xùa”.
Vũ Thiên Tân trong buổi chia sẻ về trà ướp hương ở sự kiện văn hóa “Thu hội ngộ”, Hà Nội 2016.
Nhớ lại trong sự kiện văn hóa “Thu hội ngộ” ở Hà Nội 2016, Tân đồng hành cùng những nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân hoa đạo, nghệ nhân làm bánh wagashi – đến từ Nhật Bản để chia sẻ câu chuyện trà của riêng mình.
Chén trà hôm ấy là giống ô long được Tân ướp hương hoa hoàng lan, sự kết hợp giữa một loại trà đã đượm hương phối với loại hoa cũng ngây ngất không kém, đã tạo ra ấn tượng thú vị với người thưởng trà hôm ấy.
Có thể nói, từ những năm mới vào nghề, Tân đã có một kiểu thức, một cách hành xử với trà rất riêng, không bị khuôn phép, áp đặt theo lối cũ kiểu như trà là phải chát, hậu ngọt, trà ướp hương là phải hoa nhài…
Theo nghề trà, Tân dần khám phá trong thế giới bao la ấy giống trà shan tuyết cổ thụ có những nét “duyên ngầm”, đó là hương là vị, là câu chuyện gian nan từ cánh trà khi đâm chồi, nảy lộc, đến khi hiện hữu trước mặt người yêu trà và tự do tỏa ngát hương thơm quyến rũ của chính nó.
Những chuyến đi – về giữa Hà Nội và vùng trà shan cổ thụ ở đỉnh núi Tà Xùa, những buổi lang thang vào núi hái trà với dân bản, xem dân bản sao sấy trà, Tân nghiệm ra khi chế biến, đa phần người làm trà chỉ biết làm cho trà khô đi, cánh đẹp, chứ không chú ý đến mối quan tâm của người uống. Nhờ lợi thế là người uống trà, yêu trà, Tân cho biết mình thích phải gọi ra cho được tố chất, tính cách, cái hay, cái quyến rũ của hương vị giống trà shan ẩn mình trong mây núi Tà Xùa.
Vậy là Tân lại bỏ phố lên vùng trà, say trong những búp trà của người dân tộc thu hái từng vụ mùa để chọn ra những búp non ưng ý. Tân gửi gắm nỗi niềm vào trà thông qua việc tự tay sao sấy thành những “đứa con” mang dấu ấn riêng.
Dẫn trà
Lấy trà làm chỗ dựa, làm bầu bạn, và trong số những “người bạn” kỳ diệu ấy, Tân kết nhất nguồn nguyên liệu trà Tà Xùa. Nhắc đến vùng núi này, dân văn chương nhớ đến Mị, đến vợ chồng A Phủ trong những câu văn của tác giả Tô Hoài; người yêu thích du lịch nhớ ngay đến sống lưng khủng long, nhớ đến những buổi săn mây, cùng bồng bềnh trên biển mây kỳ ảo.
Còn Tân lên Tà Xùa, lại là nguyên cớ gắn với trà, trước tiên là cái vị kỳ lạ: “Hương vị nó sâu, mạnh nhưng rất phóng khoáng, là loại trà shan đặc biệt nhất trong các loại mình từng uống qua”.
Theo Tân, hương vị trà sẽ khác biệt tùy người pha.
Thêm cái lý khiến Tân phải lên tận vùng nguyên liệu làm trà Tà Xùa theo kiểu riêng, bởi: “Người Tà Xùa khi sao trà, dùng củi, hạn chế dùng nhiệt của lửa to vì sợ cháy trà. Ngay lúc họ sao trà, lại dùng găng tay vì sợ nóng. Khi làm trà lại nhân tiện làm cả những việc khác chứ không dồn hết tâm vào mẻ trà đang làm. Sản phẩm khi ra thường có vị ngái, hương không dậy, không thanh khiết. Mình phải lên đó để tự tay làm các mẻ trà, cũng qua các công đoạn thông thường là diệt men, vò trà và làm khô, nhưng có khác là cách dùng lửa lớn, và dừng công đoạn làm khô đúng thời điểm”.
Nói lý thuyết là thế, nhưng thực sự, để làm ra mẻ trà, là cả kỳ công. Tân bảo chẳng có ai chỉ dạy, toàn dựa trên kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân. Tân kể lại: “Khi mở quán trà gần 4 năm, lúc đó mới bắt đầu tự tay làm trà, trong 4 năm mình có những hiểu biết và cảm về chất, vị và thấy trà có đời sống rõ ràng qua ba giai đoạn từ lúc trồng, chế biến ra trà khô, đời sống tiếp theo là trên bàn trà qua tay người pha.
Khi làm trà, mình không đeo bao tay, bởi việc chạm mang lại cảm nhận sâu sắc về cái mình tiếp xúc. Mỗi ngày làm trà thường túc trực bên chảo 10 tiếng đồng hồ, mình như trút hết sức lực vào mẻ trà, mệt sau đó lại nghỉ. Mình đúc kết muốn tạo ra mẻ trà ngon, cần các yếu tố lửa, người và trà, cùng bắt nhịp mới đạt kết quả ưng ý”.
Lang thang vào thế giới trà, chế biến trà thủ công, Tân nhận ra có nhiều mẻ trà khi làm chỉ vì ý thích, vì ngẫu hứng không theo nguyên tắc quen thuộc, để tạo thành “một loại trà chưa đặt tên”. Ngay trong những tự sự, Tân đã hơn một lần chia sẻ: “Trà vừa là chỗ dựa tinh thần, là thứ mình không thấy bị mất đi”.
Trà cũng được Tân đưa vào tình yêu, sánh với tình mẫu tử của Tân và người con trai nhỏ. Trong những chuyến lên núi làm trà, người yêu hương vị trà từ đôi tay của Tân biết đến một hành trình của mẹ – con, của tình yêu, của niềm đam mê với trà.
Không gian uống trà Tân House, nơi chia sẻ niềm đam mê của Tân.
Ở góc độ khác, trà và những sản phẩm Tân tự tay tạo tác, mang lại cho gia đình nhỏ nguồn sống, và càng qua những thăng trầm cuộc đời, Tân lại có cảm nhận về trà thêm thân thương, gần gũi và giản đơn hơn, như tinh hoa vốn có của nó.
Chẳng hạn câu chuyện những dòng trà ướp hoa, nhiều người có lý giải rất cầu kỳ, phức tạp nhằm đẩy giá trị những điều mình tác tạo, riêng với Tân mọi thứ giản đơn hơn rất nhiều: “Với tôi, trà – hoa là sự gặp gỡ nhờ duyên lành do người tác ý, rồi sẽ cứ tự nhiên mà thành vậy thôi, tôi không nghĩ đó là công phu, cũng không nghĩ là sự khổ công của hoa và trà, hoa cứ tự nhiên tỏa hương, và trà cứ tự nhiên đón nhận, hòa quyện vào nhau…”.
Đi sâu vào thế giới của trà, Tân vừa là người trong cuộc, cũng đồng thời trở thành nhân vật trung gian khởi phát nên khái niệm “dẫn trà”, tổ chức những khóa “dẫn” đưa người yêu trà và trà gặp gỡ nhau, tác duyên cho nhau bước trên đường trà.
Các khóa “dẫn trà” của Tân, như một cầu nối, người tham gia ít nhiều có được những kiến thức cơ bản về các dụng cụ pha trà, cách lựa chọn dụng cụ, tìm hiểu nguồn nước phù hợp, cách sử dụng nhiệt độ nước khi pha, các loại trà Việt, cách pha trà… cả cách sắp xếp một bàn trà theo cá tính riêng.
Mục đích của cô chủ nhỏ Vũ Thiên Tân khi “dẫn trà”, cũng hết sức giản đơn như cách nghĩ về trà, ấy là: “Mong một ngày nào đó, may mắn được làm khách, làm bạn trà, được uống, được nhìn và được nghe về trà từ bạn”.
Bài và ảnh: Lam Phong (báo Người Đô Thị)
Bạn có thể xem thêm bài viết liên quan: Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân House
Bài viết liên quan
10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông
Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...
Th9
Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản
Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...
Th8
Xuân
Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...
PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH
Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...
Th5
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...
Th5
Thuyết luân hồi
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...
Th5