Nơi tôi đang sống nay thuộc đường Bưởi, gần ngay công viên Thủ lệ- Sở thú Hà nội mới. Ngày xưa thuộc vùng Kẻ Bưởi ven sông Tô lịch. Nghe anh bạn hàng xóm nói ngày xưa đất trống, đường vắng nên nhiều trộm cắp, cướp đường. Dân các vùng xung quanh thường rất ngại gọi dân sống ven đó là dân Kẻ Bưởi thường là những người Lao động vất vả bươn chải bằng nhiều nghề khác nhau du nhập về đây sống tạm vì không phải ai cũng dám về vùng này sống. Vùng Kẻ Bưởi trước kia thực chất là 1 vùng khá rộng lớn kéo dài từ các làng xã cổ ven hồ Tây, Ven sông Tô lịch nay thuộc các phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Thái… sau dần nâng cấp trong quá trình đô thị quá thành Đường Bưởi, Phố Thụy Khuê, Võng Thị, Lạc Long Quân, Yên Thái nhưng văn hóa làng xã vẫn rất đậm nét. Người Pháp khi tới đây đã đặt nhiều tên khác nhau tùy theo nghề cho vùng này như Làng Giấy, Làng Lợn hay Làng Bưởi. Có lẽ vì Làng Bưởi đã gắn đậm với nét văn hóa xa xưa của vùng Kẻ Bưởi mà dù bao phố phường ra đời, đặt tên cả danh nhân mới và cũ như Phố Nguyễn Khánh Toàn, Đào Tấn, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám…nhưng cái tên Đường Bưởi, rồi phường Bưởi vẫn được giữ nguyên dù đôi khi có lệch nhau đôi chút như khu nhà tôi sống lại thuộc phường Ngọc Khánh thuộc quận Ba đình dù tên đường phố vẫn là Đường Bưởi. Theo tích xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lich. Thiên Phù là chi lưu của Nhị Hà, tuy không còn nữa, nhưng nó lưu vết tích trong tên làng Võng Thị (có nghĩa là chợ bán lưới) . Bãi nổi lúc đầu hoang vắng, triều đình nhà Lý sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây vì thế tên gọi đầu tiên của bãi là Đống Ma phường, sau đổi thành Tích Ma phường. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này gọi là phiên chợ Ma phường. Phải chăng vì thế mà mỗi khi qua chơi bên nhà bác Tổ trưởng dân phố đã sống lâu năm tại Phố này kể rằng khi Bác đi xem Bói, có ông Thầy nào đó nói rằng Khu Đất gần nhà cô (tổ trưởng) thì vui thật, như một khu rừng nhỏ, có vượn, có chim công phượng, dê , cừu, có Hổ báo cáo chồn đủ loại… nhưng thi thoảng cũng có những bác Quỷ không đầu đi lang thang tìm lại phần thân thể đã mất của mình. Nói rằng chợ Bưởi văn hóa cổ xưa là vậy nhưng ngày nay chợ Bưởi bị bê tông hóa thành 1 cái chợ bé xíu chỉ để điểm trang cho mấy Khu Chung cư cao cấp Hoàng Hoa Thám, nhưng văn hóa của chợ Bưởi đã không chỉ ở khu chợ này nữa, nó đã lan xa thành nhiều chợ truyền thống mang đậm tính văn hóa hơn vào mỗi dịp giáp Tết.
Người ta nói: dẫu có đi Nam về Bắc, đi xa quê hương tận nơi đâu nhưng tuổi thơ ai đó có một vùng quê yên bình thì trong tâm người ấy luôn có chốn để trở về. Dẫu rằng khi ta trở lại những vùng đất đó đã thay đổi do đô thị hóa hay do thời thế nhưng nó gắn liền với ký ức tuổi thơ của bạn nên nó mãi là ký ức làm tâm bạn trở lên bình an bồi hồi gợi nhớ về. Tuổi bé thơ của tôi gắn liền với vườn cây ăn quả xum xuê tốt trái, những chùm quả dâu gia chua chua ngòn ngọt hay những quả dừa cùi già ngọt nước, những cây hồng xiêm quả ngọt tới tận gốc lưỡi khi ăn. Những kỷ niệm tuổi thơ là những buổi chiều trốn học tới gần nửa lớp rủ nhau ra Hồ Tây, Hồ Thủ lệ, Sông Hồng tắm mát. Nhưng Hồ Thủ lệ có lẽ là nơi tôi nhớ nhất, nơi mà không ai dạy tôi học bơi mà chỉ cần 1 mùa hè hàng ngày ra Hồ tắm, nhìn đồng bạn xung quanh nô đùa rồi mình bỗng biết lặn biết bơi từ bao giờ không biết. Khi mới biết bơi trên Hồ Thủ lệ, tôi bơi qua Hồ và mỗi ngày lại lặn xuống vài chục điểm để kiểm tra độ nông sâu của Hồ, cuối cùng rút ra kết luận là Hồ Thủ lệ chỉ sâu nhất là 5-6m không sâu hơn. Bẵng đi một thời gian vì cuộc sống học hành,mưu sinh tôi và gia đình phải chuyển nhà qua nhiều nơi, khi ở Kim Mã, lúc ở Đê La Thành, Khi về gần Hồ tây nhưng đều không nhớ tới cái Hồ nhỏ gắn với tuổi thơ của mình, rồi đến một ngày gia đình tôi cùng chuyển về Đường Bưởi sống trong một ngõ nhỏ êm đềm. Tưởng những kỷ niệm xưa dần lãng quên tới khi cả gia đình cùng bác hàng xóm mỗi buổi tối ra Công Viên Thủ lệ dạo mát. Thú thật là không biết rằng bao lâu mình được ở gần một nơi tuyệt vời như vậy mà không nhớ tới. Công viên Thủ lệ vào buổi chiều tà nắng đẹp, bạn có thể đạp xe quanh hồ khi không còn khách du lịch, đi bộ, nằm trên thảm cỏ hay thậm chí trèo lên cây Phượng, cây Đa ngồi mà không e ngại điều gì. Vào buổi tối những ánh đèn sáng rực bên kia Hồ từ khách sạn Daewoo, các chung cư cao tầng và tương lai là đường sắt trên cao Cát Linh rọi về làm cảnh ven Hồ thật đẹp. Mặt nước hồ trong xanh, đón gió mát lồng lộng. Vào buổi tối những trưa hè nóng bức nơi đây trở thành tụ điểm cho người dân xung quanh thưởng gió mát của Hồ và đi bộ tập thể dục. Vào buổi chiều tà hay buổi tối bạn có thể mang Một bộ ấm chén, một gói trà sen Tây hồ hoặc trà shan tuyết cổ thụ như các phẩm Trà Tiên Thiên ở Tả Thàng có hương thơm tự nhiên lạ kỳ như Tiên thiên Bạch Trà hay Hồng Trà cùng với một ấm nước nóng là bạn có thể nằm trên thảm cỏ thưởng thức hương hoa hồng thơm nhẹ, trong vắt của Bạch Trà hay mùi hoa Lan+ mật ong man mát Từ Hồng Trà Tiên thiên và nhìn mây trời, ngắm mặt Hồ Thủ lệ phẳng lặng trong xanh gợn sóng. Không khí lúc đó thật tĩnh lẵng. Khung cảnh và hương vị Trà nơi núi rừng Tây bắc như quyện vào nhau làm ta có thể ngửi thấy cả mùi hoa Lan, hoa Hồng, hay thoảng thoảng mùi mật ong rừng trong một khung cảnh giữa thành phố ồn ào tấp nập. Xa đó vài chục mét trên đảo Khỉ, mấy chú Khỉ già đang gắt lên như đòi được thưởng trà cùng hay có lẽ đang khó tính vì thức ăn hôm nay toàn là chuối xanh. Xa xa bác Voi già đang ngủ, mấy bác Hổ, Sư tử thì chắc đã đi ngủ từ lâu rồi. Tôi chợt muốn lưu giữ lại những điều này như một ký ức đẹp để cô bé gái dễ thương của chúng tôi – Bánh Mỳ dù sau này đi xa bao lâu sẽ nhớ về nơi mình đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Những kỷ niệm mỗi chiều tập đạp xe ven hồ cùng bé hàng xóm sẽ khiến cháu nhớ rằng, tự hào rằng mình đã từng được sống, vui chơi và có những kỷ niệm đẹp như thế. Đâu đây thoảng mùi hoa hồng thơm và mùi lá cỏ, chắc không phải từ cỏ hoa xung quanh mà có lẽ từ dư vị Bạch trà măng tím còn đậm trên lưỡi. Khe khẽ trong không gian đâu đây có bài hát nào đó của nhạc sĩ An thuyên vang lên: “Tuổi ấu thơ ta lớn lên ở đó, Cây muỗn xanh quả bồng quân chín đỏ, Ðầu cầu thang ngồi đón mẹ về…”
Tác giả: anh Trần Kiến Quốc – Người Yêu Văn hóa & Trà

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời