Từ khi sinh ra, con người đã vô thức tìm kiếm sự kết nối với các đối tượng bên ngoài, ban đầu là sự hiện diện và tình thương yêu của cha mẹ, và sau đó thế giới của họ bắt đầu được nới rộng ra các đối tượng mà tiềm thức họ hãy còn lưu giữ.
Mỗi một giai đoạn, chúng ta thường tìm kiếm sự hài lòng thông qua việc nương tựa các đối tượng bên ngoài, dù có sự khác biệt nhưng điểm chung vẫn là tâm hướng ngoại. Ta tin rằng hạnh phúc hay sự thăng hoa trong đời sống là khi gặp được một hoàn cảnh thuận lợi, nơi có những con người mà ta tìm thấy ở họ sự đồng thuận và sẻ chia. Vì thế, thực ra hành trình tìm kiếm tri kỷ theo định nghĩa thông thường thực chất là tìm kiếm sự đồng điệu về mặt tâm hồn và thậm chí là thể xác nhằm đáp ứng cho mong cầu thuộc về bản năng dục của chúng ta. Nhiều người tin rằng hạnh phúc là khi ta tìm thấy một ai đó có thể sẻ chia cùng chúng ta phần đời con lại. Và thế, ta đang thực sự trao phó sự thăng hoa và niềm an lành của chính mình vào tay kẻ khác. Ta có lúc tin mạnh mẽ, và đó có thể là một niềm tin đã ăn sâu trong tiềm thức rằng, hạnh phúc chỉ có thể xuất phát khi ta tìm thấy một ai đó mà cả hai chân thành yêu thương và chia sẻ mọi điều được với nhau. Đối với họ, sự viên mãn chỉ có thể xảy ra khi cùng với một ai đó.
Vì thế, trên thế gian, ta nghiễm nhiên thấy một mô-tip luôn lặp đi lặp lại, đó là việc mỗi người mải mê trong hành trình tìm kiếm sự đồng điệu ở bên ngoài. Khi bạn gặp một ai đó, và nảy sinh tình cảm sâu sắc với họ, bạn lập tức trao cho tình cảm ấy một định nghĩa gì đó thật thiêng liêng. Bạn nghĩ rằng chẳng trở ngại nào có thể làm cả hai chia xa nhau, và yêu thương thế thì làm gì đau khổ cho được. Nhưng rốt cuộc, thứ tình cảm nào trên đời này cũng đều có hai mặt, hạnh phúc và phiền não. Bạn chọn một mặt, thì cũng đã vô tình chọn lấy mặt kia. Hai người dù có đồng điệu đến mấy, dù có như tri kỷ từ muôn ngàn kiếp nay gặp lại, thì bản chất nhị nguyên của đời sống rồi sẽ khiến bạn vỡ mộng nếu bạn đặt kỳ vọng quá nhiều vào sự tốt đẹp của mối quan hệ, hay bị mù quáng trong màu hồng chớp nhoáng thuở ban đầu. Bởi thế, việc tìm kiếm sự đồng điệu ở bên ngoài không bao giờ có thể mang đến một hạnh phúc vững bền, và khi có một tri kỷ để sớt chia mọi nỗi niềm cũng không có nghĩa là ta hoàn toàn tự do khỏi đau khổ và thất vọng. Sự vận động của nhân duyên bao giờ cũng theo chu kỳ sinh diệt, sinh lúc nào, diệt lúc nào, ta vốn dĩ không thể kiểm soát hay đoán biết một cách chính xác. Vì thế, sự xúc chạm trong đời sống chỉ có một mục đích duy nhất là để ta nhìn vào chính mình để nhận ra một tri kỷ đã có sẵn từ bên trong.
Sẽ đến một lúc nào đó, người ta phải tỉnh ngộ tất cả mọi cuộc tìm kiếm mê mải ở bên ngoài chỉ là vì người ta tin rằng chúng có thể khỏa lấp sự trống trải bí ẩn bên trong họ. Nhưng bạn có nhận ra, càng tìm kiếm càng mệt mỏi. Càng tìm kiếm bên ngoài, càng lạc hướng về chính mình. Bởi thế, đó chỉ đơn giản là một cuộc trốn chạy khỏi việc đối diện với bản thân mà thôi. Và điều đó cũng dễ hiểu, vì mỗi cá nhân đều mang nỗi sợ sống thật với chính mình. Họ chây lười hoặc khó đối diện và giải mã chính mình. Vì thế, họ chỉ muốn quẩn quanh vô thức trong các cuộc vui bên ngoài để có một niềm hỷ lạc chớp nhoáng nhưng sau cùng, vẫn phải gặm nhấm chính sự trống rỗng và như vỡ ra từng mảnh vụn ở nội tâm. Đây là thời điểm tốt đẹp để người ta bắt đầu những chiêm nghiệm…
Tất cả mọi tìm kiếm bên ngoài dù không hề mang đến hạnh phúc bền vững, nhưng con người ta phải trải qua chúng một hành trình quá dai dẳng và như thể bất tận, với những mỏi mệt, thất vọng, đau đớn, dằn vặt,… cho đến khi họ tỉnh ngộ, thì sự tỉnh ngộ ban đầu ấy vẫn phải đối diện với quá nhiều thử thách và mâu thuẫn giữa phần con phần người, giữa phần hữu ngã và vô ngã. Nhưng kể từ đây, họ có sự quan sát thấu đáo bản thân nhiều hơn, nhận ra muôn mặt đời sống vốn đã được biểu lộ bên trong mình. Khi đó, họ thấy rằng tâm thức mình quả nhiên đã chứa đựng tất cả mọi thứ, mà chỉ cần quay về thấu hiểu nó, thì họ bớt sự bám víu bên ngoài. Bớt đi sự bám víu bên ngoài thì tâm ít dao động. Khi tâm ít dao động, họ bắt đầu có sự thăng bằng trong đời sống. Sự tìm cầu hạn chế, tri kỷ bên trong họ được bộc lộ, và nâng họ vực dậy khỏi những sa ngã.
Khi chúng ta tìm thấy vị tri kỷ bên trong mình, thì khi đó, tình yêu trong sáng của chúng ta cũng bỗng nở hoa, để ta ban phát điềm lành ấy đến với những người xung quanh. Cũng chính từ đây, người ta nhận ra tình yêu vốn không thể đến từ việc kết duyên với bất cứ ai, mà tình yêu ấy phải sẵn có trong chính lòng họ trước. Khi ta nuôi dưỡng cho mình một tình yêu thực sự đủ đầy và bao la, tình yêu đó sẽ trải rộng ra bên ngoài theo cái cách mà ta vun trồng tưới tắm. Bởi tình yêu ấy là tự do, nó không dính mắc và bị giới hạn vào một đối tượng nào, nên sẽ chẳng còn đau khổ và phiền não trong một thứ tình yêu vốn bất tận như thế
TPS

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời