“Netting” Jaruwan Supolrai, một cô gái nhỏ thó, xuất trên sân khấu TEDx Bangkok, với hàng trăm khán giả Thái Lan đang bị cuốn vào câu chuyện của cô: một hành trình 5.000km để nhìn thấy dòng sông Mekong chảy qua 5 quốc gia hạ nguồn.
Netting trong hành trình qua dòng sông Mekong
Cô kể về mình trong buổi diễn thuyết tại TEDx Bangkok: “Quê hương của tôi là một tỉnh nhỏ ở Thái Lan trên Ubon Ratchathani, tôi lớn lên cạnh cánh đồng và đi hái rau với em trai tôi. Nhà chúng tôi ở gần đập Pak Mun 40km, chỉ cách sông Mekong 40km. Và bên kia dòng sông là nước Lào. Tôi có thể nói tiếng Lào và giọng của tôi là giọng của người đông bắc Thái.”
Hành trình đầy hào quang và thú vị của cô sẽ khiến nhiều người trẻ nhìn Netting như một thần tượng của giới đi phượt như tôi thường thấy ở Việt Nam. Khi ấy, Netting đang làm phim tài liệu, dịch giả và nhân viên cho một tổ chức phi chính phủ ở Bangkok.
Nhưng cô không sống giữa giấc mơ mạng xã hội và đô thị mà trở về quê nhà và xắn tay áo lên trở thành một nông dân. Cô làm tôi nhớ đến vô số những người trẻ tôi từng gặp ở Việt Nam, đọc quyển “Cuộc cách mạng một cọng rơm” (Masanobu Fukuoka). Họ nói đến chuyện trở về với đất, với rau, thuận tự nhiên, hít thở không khí trong lành của nông thôn. Bức tranh “trở về” làm nông nghiệp được vẽ ra với màu sắc lãng mạn, sung túc, thậm chí… dễ biến nhiều người trở thành startup nông nghiệp.
Netting cũng khởi đầu trang trại của cô. Trồng rau không sử dụng hóa chất. Nuôi vịt bằng thức ăn tự nhiên. Thu trứng và ươm cây để bán. Cô đặt tên trang trại của mình là “Mekong Nomad” (Kẻ du mục Mekong).
Nhưng một ngày nọ, khi gặp cô ở Campuchia, chúng tôi chuyện trò, và Netting để tôi ghi lại đối thoại này, một chút thu hái sau hai năm cô trở về quê hương, trang trại rau nhỏ đã hình thành, liên kết với 5 trang trại khác trong tiểu vùng Mekong và bắt đầu những sạp hàng của họ tại hội chợ hay chợ địa phương.
Tại sao bạn lại trở về quê để làm nông dân sau nhiều năm làm ở Bangkok?
Hãy quay trở lại thời gian tôi làm việc ở Bangkok. Năm 2011, tôi thuê một phòng ở trong một ngôi nhà ở giữa thành phố. Đó là giai đoạn kiệt sức. Tôi bị căng thẳng. Tôi thuyết phục chủ nhà cho phép tôi sử dụng sân thượng để trồng cây. Chủ căn hộ là người yêu thiên nhiên nên bà rất vui lòng. Đó là lúc tôi có một khu vườn. Trong suốt bốn năm sau đó, tôi trở về với khu vườn sau những ngày quá tải công việc và trồng rau. Làm vườn trở thành liệu pháp thiên nhiên. Khi tôi chạm vào đất, nhìn thấy tay mình lấm lem, đó là cách dễ chịu để rời khỏi công việc, rời khỏi sự kiệt quệ đang đốt mòn tôi. Năm đó rất nhiều vấn đề xảy ra ở Thái Lan, xung đột biên giới ở Thái, một nhà hoạt động người Lào tôi biết bị mất tích. Hoạt động phi chính phủ cần tôi phải tham gia nhiều cuộc biểu tình, và tôi thất vọng vì mọi thứ tiếp tục xấu đi. Nhưng công việc ở đó cũng cho tôi tiếp cận với rất nhiều cách khác để khiến cuộc sống ổn định. Tôi yêu việc làm vườn. Tôi nghĩ đảm bảo lương thực, một lối sống bền vững là điều tôi mong muốn và có thể làm được. Nó cũng là một giải pháp cho cộng đồng.
Sau chuyến đi dọc dòng sông Mekong, tôi quyết định trở về nhà… nhưng làm vườn không phải một công việc lãng mạn… tôi đã làm nông từ nhỏ cạnh cha mẹ tôi, dù họ không phải là những nông dân chuyên nghiệp toàn thời gian.
Vậy nông nghiệp không phải một hành động lãng mạn?
Tôi đã hỏi rất nhiều người trẻ muốn bắt đầu trang trại. Họ tham dự rất nhiều hội thảo. Họ đọc nhiều sách. Họ trang bị nhiều triết lý… họ đang ở tuổi 20 đầy đam mê. Nhưng điều quan trọng nhất là hãy làm bàn tay bạn lấm lem. Bạn có thể đọc bất cứ gì nhưng nếu bạn chỉ đọc thôi và đặt quyển sách xuống, một thực tại giữa quyển sách và khi bạn áp dụng thứ được nói tới trong sách rất khác nhau. Tôi có đọc quyển “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, lý thuyết trong đó rất đúng, đúng từ lõi. Nhưng khi bạn áp dụng, sẽ có rất nhiều biến số xảy ra, đất, nước, thời tiết, gió, côn trùng…. mọi thứ đều sẽ làm thứ bạn trồng biến đổi.
Người trẻ làm nông, đó là ở đây, trái tim, là điều rất quan trọng. Bạn sử dụng não bộ để nghe các bài diễn thuyết, để đọc sách, học kỹ thuật… nhưng bạn cần thực hành công việc đó bằng trái tim. Bạn sẽ gặp nhiều sự cố. Loại hoa bạn trồng không ra đẹp như bạn tưởng. Cha mẹ bạn không thích bạn về quê. Rau bạn trồng sẽ bị côn trùng ăn, lá không ra vì trời lạnh. Đó là các bài kiểm tra dành cho bạn. Hãy làm việc, và mắc lỗi. Làm nông nghiệp là trải nghiệm đời sống thật. Bàn tay và trái tim bạn sẽ kết nối với nhau.
Với nhiều nông dân trẻ ở các quốc gia Mekong, họ gặp nhiều vấn đề. Họ phải điều chỉnh hoặc thay đổi suy nghĩ của thế hệ cha mẹ nếu muốn quay về làm nông dân. Phải thuyết phục thế hệ trước hiểu, và hai bên hiểu nhau. Ví dụ, tôi muốn trồng rau hữu cơ, trong khi cha mẹ tôi vẫn tin rằng có hóa chất vẫn tốt hơn. Xung đột như vậy. Hoặc bạn đang có việc làm ở thành phố, bạn muốn về nhà và mở nông trại. Họ hàng, hàng xóm sẽ hỏi tại sao bạn quay về, làm nông dân rất nghèo. Tại sao bạn bỏ việc? Hay bạn là kẻ thất bại?
Với riêng tôi, tôi trở về vì nhiều lý do hơn là được làm nông. Tôi sinh trưởng từ một trang trại. Cái gốc văn hóa của tôi là ở đây. Tôi không yêu thích nếu sống cả cuộc đời ở thành phố. Một số bạn bè tôi không muốn trở về. Họ yêu thích cuộc sống tiện nghi hơn và trở thành người đô thị. Chúng ta có những chọn lựa khác nhau. Riêng tôi cảm thấy mình gắn bó và thuộc về quê nhà. Tôi muốn được chăm sóc cha mẹ, và muốn làm cộng đồng của mình đáng sống hơn.
Làm nông dân khiến cộng đồng đáng sống hơn ở chỗ nào?
Khi tôi trở về, tôi và những bạn bè khác gieo trồng lương thực tốt dành cho gia đình mình. Sản phẩm làm ra, chúng tôi đem bán ở chợ. Tôi nói thực phẩm an toàn thôi, vì chúng tôi chưa làm được 100% hữu cơ. Chúng tôi bán sản phẩm, thúc đẩy kinh tế địa phương. Không chỉ là trang trại, vấn đề ở nông thôn còn là đời sống xã hội ở đây. Tôi trở về và thấy trẻ con chơi điện thoại và mạng xã hội quá nhiều. Chúng tôi nhìn quanh xem điều gì đang xảy ra, và lấp vào chỗ trống, bằng cách cho trẻ con đến nông trại, tổ chức các buổi chơi và tập trồng cây. Trong đợt vừa rồi khi đưa trẻ con về trang trại, tôi nhận ra một điều nữa, đó là người già đang rời bỏ chúng tôi. Họ chỉ co cụm lại với nhau, không còn kết nối với người trẻ. Kiến thức họ có, kinh nghiệm nông nghiệp họ có, chẳng đứa trẻ nào học được và sẽ mất đi khi họ mất đi.
Tôitìm kiếm những người trẻ giống như tôi, từ thành thị trở về và bắt tay làm nông nghiệp. Trong hai năm vừa qua, đã có 10 nông dân trẻ trong cộng đồng cùng làm những việc này với tôi.
Nhưng… một nông trại có kiếm ra tiền dễ không?
Tôi chỉ mới làm trang trại hai năm qua. Thu nhập chính chưa phải từ trang trại. Tôi vẫn làm dịch giả và thiết kế, làm phim tài liệu song song với trang trại. Dù đó không kiếm được nhiều tiền nhưng đủ để chi cho gia đình. Tôi nuôi vịt, bán trứng vịt, thịt vịt, trồng rau sà lách, và bán cây con các loại rau. Khi làm nông nghiệp, đầu tiên bạn sẽ không phải tốn tiền mua thực phẩm nữa. Đất sẽ dành cho bạn đủ sống. Các loại rau, thịt, trứng, và đời sống cân bằng.
Trong hai năm, tôi luôn đón tiếp những nông dân trẻ đến trang trại, tôi chỉ dẫn họ điều tôi biết và học từ họ kỹ thuật tôi muốn. Tôi không tính tiền ở của bất kỳ ai và biến trang trại trở thành nơi để các em học trò gần nhà có thể đến để học từ những người bạn từ nước khác. Năm tới chúng tôi sẽ bắt đầu một doanh nghiệp xã hội và tập trung vào sản phẩm nông nghiệp là các loại sản phẩm không sử dụng hóa chất.
Một người trẻ muốn về quê làm nông nghiệp và bắt đầu doanh nghiệp xã hội của họ, bạn nghĩ họ sẽ cần gì?
Trước khi trở về, hãy tự hỏi về tình yêu sâu kín trong bạn với nghề nông. Trở về nhà không bao giờ là điều dễ dàng. Họ cần có quá trình chuẩn bị: hãy chuẩn bị tiền để sống còn một thời gian. Nếu bạn đã lập gia đình và có con, hãy chuẩn bị đủ tiền lo cho con và cả tương lai của bé. Hãy chuẩn bị đất, nếu bạn may mắn, cha mẹ bạn đã có sẵn đất ở nhà, còn không, bạn sẽ cần tiền mua đất. Hãy chuẩn bị kiến thức làm nông. Bạn muốn làm gì, bạn muốn trồng cây gì. Bạn cần phải biết muốn làm gì ở trang trại và cách thức làm việc đó. Hãy chuẩn bị cả phương án thu nhập.
Nếu bạn không có sẵn nhiều thu nhập, cần chuẩn bị kỹ càng, phải tự tạo thêm việc làm cho mình. Bạn phải học cách làm việc đa năng. Tôi có thể trồng rau, thiết kế, và dịch tài liệu cho các công ty. Bạn có thể trồng cây, chụp ảnh hay nhận dự án làm tự do. Có lẽ bạn cần ít nhất ba kỹ năng kiếm ra tiền. Hãy phân chia thế này, thu nhập của bạn sẽ có 30% từ trang trại, 30% từ các sản phẩm làm việc tự do, và 30% khác từ một việc khác bạn làm. Một số bạn bè tôi quen đi dạy ở trường đại học thêm để có 30% này, hoặc họ thiết kế cho trang web. Bạn phải làm việc có phương pháp. Người trẻ giờ rất linh động. Họ hoàn toàn có thể làm được việc này.
Sản phẩm chính hiện nay cô và nông trại Mekong Nomad cung cấp là các loại rau xanh cho chợ địa phương và cây con các loại.Ảnh: Chantida Paphol.
Năm đầu tiên trở về không bao giờ là dễ dàng. Đó là bài kiểm tra cho bạn, cho gia đình bạn, và cả với những người sống xung quanh. Hãy tưởng tượng người xung quanh sẽ hỏi: Tại sao con có bằng thạc sĩ mà trở về làm nông dân làm gì, con có khùng không? – Đó là bài kiểm tra dành cho bạn và thế hệ người lớn. Họ chưa bao giờ nghĩ bạn sẽ làm nông dân. Bạn học cao. Bạn phải làm sếp, làm trí thức, có vị trí quan trọng… bạn phải trở thành người lãnh đạo mọi người. Đó là cách cha mẹ ở Châu Á dạy con. Bạn phải vượt qua được điều đó.
Nhưng với tôi, điều lớn nhất khi tôi khởi đầu trang trại của mình là gì? – Cố nhiên không phải tiền, tôi kiếm nhiều hơn khi làm ở Bangkok. Nhưng sâu xa hơn là tôi được trở về và kết nối với thiên nhiên, kết nối lại với những giá trị của đời sống đơn giản, chạm vào Mẹ Trái Đất. Đó là ước mơ lớn nhất của tôi. Khi bắt đầu trồng cây, tôi phải hiểu đất, hiểu hạt giống, hiểu thời tiết. Khi rau lớn lên, tôi nấu và thưởng thức loại rau đó… thiên nhiên đi vào cơ thể tôi… tôi thấy bình an hơn…
Và khi nhìn Netting vui sướng đem những sản phẩm của nông trại mình đến những phiên chợ cuối tuần tại địa phương, tôi như nghe lại một lần nữa cô nói trên sân khấu sáng đèn tại Bangkok: “Sự thay đổi của dòng sông Mekong nhắc nhở liệu ta có đang sống hòa thuận với thiên nhiên hay không. Những hệ quả mà ta gánh chịu không chỉ vì những gì chúng ta ứng xử với dòng sông mà nó còn tác động đến những người bạn sống xung quanh ta.”
Một giấc mơ thành thật không bao giờ có thể lãng mạn…
Khải Đơn
=====
Netting Jaruwan Supolrai (34 tuổi) là diễn giả của TEDx Bangkok năm 2016. Cô là nhà hoạt động xã hội và là thế hệ làm nông nghiệp hữu cơ mới nổi của Thái Lan. Cô là tác giả của phim tài liệu “Mekong Nomad” – kể về hành trình đi xuyên 5 quốc gia dọc theo dòng sông Mekong. Cô cũng là tác giả của quyển sách “Sống là kiếm tìm” (To live is to seek).
Năm 2015, sau nhiều năm làm việc ở Bangkok, cô trở về nhà ở tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) và khởi động trang trại “Mekong Nomad” trên mảnh đất của gia đình. HIện trang trại này liên kết với 5 trang trại khác của các nông dân trẻ trong khu vực tiểu vùng sông Mekong để phát triển sản phẩm và đưa người trẻ đến các trại thực hành và tìm hiểu nông nghiệp.
Bài đăng trên Báo xuân “Nhà Quản Lý”
Khải Đơn
Bài viết liên quan
10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông
Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...
Th9
Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản
Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...
Th8
Xuân
Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...
PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH
Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...
Th5
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...
Th5
Thuyết luân hồi
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...
Th5