Chữ Tu có lẽ là một chữ đã có từ lâu lắm trong ngôn ngữ của người Trung Hoa và Việt Nam. Thế mà cho đến ngày nay còn không biết bao nhiêu người, cả trong và ngoài giới Phật tử còn quan niệm chữ ‘Tu” một cách sai lầm, chật hẹp, mập mờ…
Ít ai hiểu được một cách đúng đắn, toàn diện chữ “Tu”. Người đứng ở khía cạnh này của chữ “Tu” công kích người đứng ở khía cạnh kia, người cho mình tu thế này là đúng, kẻ khác lại bảo như thế là sai. Người này chấp chặt quan niệm thế này là phải, kẻ nọ chấp chặt quan niệm trái ngược lại, cuối cùng không ai biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là chánh, đâu là tà, đâu là hay, đâu là dở.
Những quan niệm sai lầm hay chật hẹp của người đời về chữ “Tu” không thể kể xiết được. Dưới đây chúng tôi chỉ xin nêu lên một số quan niệm sai lầm hay chật hẹp nhất, cần đả phá mà thôi. Đại loại chúng ta thường nghe phát biểu những ý kiến sau đây:
1.Trong thời khoa học, văn minh và vật chất này mà tu cái gì?
Người nói như thế là có ý nghĩa rằng, chỉ trong thời đại dã man, lạc hậu người ta mới tu, chứ không ngờ rằng càng văn minh, người ta càng tu và càng tu người ta càng tiến bộ.
Cũng có thể những người phát biểu ý kiến như trên, nghĩ lầm rằng trong thời đại này là thời đại chỉ để dành cho vật chất, là thời đại độc quyền của vật chất chứ tinh thần không có chỗ đứng. Nhưng xét cho đúng, thì không có thời đại nào có thể gọi là văn minh mà không chú trọng đến tinh thần. Vật chất càng phát triển mạnh thì tinh thần phải được đề cao, để giữ cán cân thăng bằng cho xã hội nhân loại, nếu không thì sự sụp đổ không thể tránh được.
2.Già mới tu, chứ trẻ mà tu cái gì?
Những người thốt ra câu nói này đã hiểu lầm chữ “Tu”. Họ xem nhà chùa như một nhà dưỡng lão, dành riêng cho ông già, bà cả không còn đủ sức để vật lộn với đời, nhựa sống sắp héo khô, hay mùi đời đã nếm trải, chán chường rồi, không còn thấy có sinh thú nữa. Họ cho rằng tu hành là một cách an hưởng tuổi già trong khi chờ chết, chứ người trẻ trung ai lại đi tu. Còn hạng thanh niên thì phải đấu tranh với đời, để tận hưởng những lạc thú, chứ sao lại lo chuyện tu hành?
Họ không ngờ rằng, người già hay trẻ gì cũng cần phải tu, và sự trẻ trung hăng hái cũng cần cho sự tu hành như cho bao nhiêu việc khác ở đời. Vả lại, chắc gì chúng ta còn có một tuổi già để tu hành hay tử thần đã tàn nhẫn đến gõ cửa ngay khi chúng ta còn ở tuổi hoa niên?
3.Những người tật nguyền, bệnh hoạn, côi cút mới tu, chớ còn khoẻ khoắn lành mạnh, làm ăn được mà tu cái gì?
Nói như thế là quan niệm rằng, nhà chùa cũng giống như một bệnh viện, một dưỡng đường, một nhà thương điên hay một nhà tế bần để cho những kẻ bị đời sa thải, vào chùa để nương nhờ tấm thân. Họ không ngờ rằng tu cũng rất cần cho những người khoẻ mạnh, có năng lực, có tài ba lỗi lạc, chứ không riêng cho hạng người tật nguyền, yếu đuối, côi cút…
4. Tu là phải xuất gia như chư Tăng, Ni; chứ tại gia , vợ còn, con đủ mà tu cái gì?
Những người nói như thế là vì đã quan niệm một cách sai lầm rằng, tu là nhiệm vụ của những người thoát trần, lìa tục, dành riêng cho những hạng Tăng, Ni là những người chán đời, yếm thế.
Họ không hiểu rằng: Tu không phải chỉ có một hình thức là bỏ nhà đi ở chùa, mà chính ở đâu tu cũng được, và cũng không phải chỉ dành riêng cho hạng Tăng, Ni mà tất cả mọi người đều cần phải tu.
5. Tu là phải ở núi, ở am, ở cốc, chứ ở chùa cao, Phật lơn, ngay giữa thành tị, đâu có phải là chơn tu?
Người nói như thế, vì tưởng rằng tu là phải xa lánh đời, trốn đời, không còn liên lạc gì với xã hội nữa. Tu như thế là đứng về phương diện tiêu cực, chỉ lo riêng phần mình. Chứ còn tu một cách tích cực, thì phải nhập thế, độ sanh, hoằng truyền chánh pháp.
6. Tu là phải ép xác, ăn chay nằm đất, ăn ngọ, ngủ ngồi v.v…mới là chơn tu?
Nói như thế là hiểu chữ tu một cách phiến diện, hình thức, lấy những hình tướng không quan trọng hay sai lạc mà cho là chính yếu.
Phật đâu có dạy tu là phải ép xác? Chính Ngài là người đầu tiên bài xích lối tu này nhất.
Ăn chay như phái Đại thưa là một hình thức tu đã đành, nhưng không ăn chay như phải Tiểu thừa đâu phải là không tu.
Ăn ngọ thì tốt, nhưng không ngọ không phải là không tu được. Còn ngồi để tham thiền, niệm Phật thì mới quý, chứ ngồi mà ngủ, thà là nằm ngủ còn khoẻ hơn. Luật của Phật đâu có cấm nằm và bắt ngủ ngồi? Nếu ngủ ngồi mà thành Phật thì hoá ra kẻ ngủ gật đều thành Phật cả hay sao?
Bài viết liên quan
10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông
Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...
Th9
Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản
Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...
Th8
Xuân
Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...
PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH
Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...
Th5
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...
Th5
Thuyết luân hồi
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...
Th5