Đúng là nhân duyên khi đi làm Trà, sau 10 năm lại được gặp lại bạn ấy mà thật khâm phục bởi sự vững vàng, sâu sắc mặc dù tuổi đời em có rất trẻ. Được sự đồng ý của Nguyên Minh mình xin chia sẻ vào đây nhưng bài note tâm huyết của bạn ấy.
ĐỒNG
Tiếng Việt mình có một từ rất hay là từ “đồng”. Ta có nền văn minh “trống đồng”, xã hội có nhiều “cộng đồng” chung sống “đồng thuận”, có tiền “đồng”. Các cụ ta đi hội “đồng”, đi làm “đồng”, đi “đồng” và tiễn nhau ra “đồng”….
Đồng theo nghĩa là sự quy ước, sự chấp thuận của con người với nhau cho ta những giá trị quy ước và những sự thật quy ước. Như tiền chỉ có giá trị khi chúng ta cùng quy ước nó có giá trị nên gọi nó là tiền đồng. Cộng đồng chỉ có thể hình thành và tồn tại khi các thành viên cùng quy ước những giá trị chung về niềm tin, quan điểm, tín ngưỡng, những câu chuyện, những huyền thoại…, sự quy ước chung đó cũng gọi là văn hoá. Đúng, sai, tốt xấu, thiện ác đều do chữ đồng mà thành nên mới có câu “có những điều chúng ta cho là đúng, nhưng đó chỉ là điều ta chấp nhận”. Một khi sự quy ước được làm lại, hay ta không chấp thuận nữa thì tờ tiền trở thành tờ giấy; và sự thật, đúng, sai, tốt xấu, thiện, ác theo đó mà thay đổi.
Bàn về những tiến bộ của con người, chúng ta cho rằng những hiểu biết về khoa học kĩ thuật sẽ đưa con người đến văn minh. Nhưng khoa học thực chất cũng là một loại tín ngưỡng, chính những tri thức, những khám phá của nó có được mà chúng ta cho là thành tựu thực chất lấy nền tảng từ chữ “đồng” hay sự chấp nhận không cần chứng minh những tiên đề, những nguyên lý căn bản của bộ môn đó. Nên giới hạn của khoa học cũng chính là ở bức tường “tiên đề” chúng ta dựng lên. Nên nói khoa học cũng là một dạng văn hoá là vậy.
Mà bản chất của văn hoá là những điều huyễn hoá, không thật. Vì sao? vì là thật thì không thể phụ thuộc vào “quy ước” được.
Nhưng một nền văn hoá có thể làm cho các cá thể tiến đến văn minh được đó là nền văn hoá “trống đồng”. Nền văn hoá đó chúng ta tin vào sự trống không của tự tính, của sự tự tồn tại để đi đến sự “hoà đồng vào toàn thể”. Và lúc đó chúng ta an lạc trong mọi sự đi làm đồng, đi hội đồng, đi đồng và tiễn nhau ra đồng. 😊
THƯƠNG
Thương nghiệp:
-Thương theo nghĩa là một loại vũ khí (cây thương). Nên theo nghĩa này “thương trường là chiến trường” và thương nghiệp là công việc mang tính chiến đấu, mang tính “sát thương”.
-Thương trong nghĩa “tình thương”. Nên thương nghiệp là công việc của tình thương. Công việc của sự thấu hiểu nỗi đau khách hàng và mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho họ.
Thương hiệu:
-Tương tự trên khi thương trường là chiến trường, khách hàng hay người dùng muốn có được là phải giành giật. Những gì ta có là phép trừ (hiệu) với phần còn lại.
-Khi thương là tình thương thì đó là thứ biểu đạt mà người mù có thể thấy, người điếc có thể nghe và là thứ ngọt ngào, thanh sạch, mát mẻ có thể đọng lại lâu nhất, trong lòng chúng ta. Nên “hiệu” đó là sự nhận biết (dấu hiệu), là phần đọng lại trong tâm trí khách hàng.
theo nghĩa nào, cảnh huống sẽ theo đó mà hiện tiền trước mắt bạn!
Chúc mọi người một ngày an vui, đầy ắp tình thương yêu ạ 🥰🥰🥰

“GIAN

Tiếng Việt mình có một từ rất hay đó là từ “gian”: không gian, thời gian, nhân gian, dân gian, pháp thế gian, gian nhà, gian phòng,…Gian đây có hàm ý là “sự phân chia”, như nhà 3 gian tức cái nhà chia ra làm 3, không gian là khoảng không được chia ra, thời gian là sự trôi của pháp được chia ra thành các thời, khắc,… và pháp thế gian là các pháp (sự vật, hiện tượng) do sự phân chia, đối đãi mà có.
Sự phân chia đó có phải là điều chân thật?
Nếu quán chiếu (nhìn nhận) cho sâu sắc thì ta nhận ra rằng chẳng thể phân chia cái gì ra khỏi cái gì hết cả, mọi sự đều liên hệ với nhau, ở trong nhau, đi vào nhau, cái này có thì cái kia có. Nên mọi sự phân chia, phân biệt chỉ là đặt điều của tâm thức hạn hẹp, chấp mắc. Vậy mà sao ta say sưa, hết mình trong vai diễn của mình đến thế. Mỗi ngày thức dậy ta ý thức về mình, về người, về sự kiện, về nơi chốn, về từng kế hoạch trong timeline và bắt đầu quay cuồng, vồn vã, nào buồn, nào vui, nào đối chọi nào tán đồng, nào hài lòng, nào phiền não…
Gian trong tiếng việt còn có nghĩa là gian dối. Cũng có nghĩa là mọi điều do phân chia, phân biệt chỉ là “đặt điều”, “không thật”. Vậy thì sao ta không buông hết những thứ đặt điều đó, để tâm thức được thả lỏng, để mọi thứ nhẹ nhàng đi vào, hoà quyện với ta?
Chúc mọi người một ngày cuối tuần thư thái, tâm trí buông mọi ý niệm ta-người, việc nọ, vai kia để thấy bên nhau ta trọn vẹn!

CHẤP
“Chấp vào cái gì thì bị cái đó chi phối”.
Thế nên chấp vào điều phù phiếm thì tâm vọng động;
Chấp vào điều thật, chất, cốt lõi, tất yếu, hiển nhiên thì vững vàng.
Nhưng đích thực sự là phá chấp vậy!
(Chẳng phải chấp, chẳng phải không chấp).
Chúc cả nhà ngày mới an vui và lựa được những điều tốt đẹp để “chấp” vào ạ! 🥰
————————
* “Chấp” cái gì đó nghĩa là: nương vào, phụ thuộc vào, dựa vào, bám víu vào, theo cái gì đó, dùng cái gì đó, ảnh hưởng bởi cái gì đó…
* “Không chấp” là chấp vào “không có” cái đó, tức bản chất vẫn là sự “chấp”. (Không chấp là một dạng bệnh của tâm, mà nhiều người tu tập mắc phải).
“Chấp” và “không chấp” vào cái gì thì đều vướng mắc và bị chi phối bởi cái đó.
* “Phá chấp” là không còn vướng mắc, không còn bị chi phối bởi cái đó, là giải thoát bởi cái đó. Phá chấp từ nhận thức chưa đến được với giải thoát thực sự, còn phải tích cực chuyển hoá “nghiệp” cho đến khi không còn “nghiệp” vướng mắc nữa!
Người quá hiểu thực trạng mà không có lý tưởng thì chẳng ”tự” vận động.
Người có lý tưởng lớn lao mà không nắm được thực trạng cũng chẳng “tự” vận động.
Bởi chính “CHÊNH LỆCH” giữa lý tưởng và thực trạng mới là nguồn động lực giúp ta tiến bước.
Cũng như:
Gió có được là do chênh lệch áp suất,
Dòng điện có được là do chênh lệch điện thế,
Nước chảy là do chênh lệch độ cao….
Chính vì vậy: hãy ước mơ, hoài bão thật lớn và thấm thía những gì đang xảy ra, tự ta sẽ có sức mạnh.
(Có lý tưởng mà ko biết thực trạng là viển vông – “giỏi” lý luận, có biết thực trạng mà ko có lý tưởng là kẻ “giỏi” phán, “giỏi” bao biện).
Trích: Học thuyết “Tâm – Thế – Lực”, Nguyên Minh

Nguyên Minh
#TinTamMinh
#Teatalk

Xưa thích kết duyên người nói hay, làm hay giờ chỉ tìm người nói thật, làm điều chân thật. Xưa thích kẻ hấp dẫn giờ chỉ muốn gần người có tấm lòng. Xưa thấy kẻ hơn người là bản lĩnh, nay thấy bản lĩnh là sống đúng với lẽ phải. Xưa thích tung hô, hợp ý nay thấy người nói điều đúng đắn với mình là hơn cả. Xưa thích hào nhoáng, đông đảo nay chỉ muốn chốn bình dị, an yên. Xưa cho rằng bên ngoài đầy đủ là đảm bảo, nay thấy rằng sáng suốt trong lòng mới là an ninh. Chúng ta mắc kẹt ở chỗ cho mình là riêng rẽ mà chẳng thấy ta với vạn vật, vạn sự là một. Ta chỉ cô đơn trong ham muốn của mình chứ không có cô đơn trong cảm thông, chia sẻ. Chúng ta chỉ có sự thất bại trong tham vọng chứ không có thất bại trong chan hoà. Hiểu biết của một tâm hồn hẹp hòi chính là lý do cho mọi tai nạn. Trí tuệ không thể nảy nở trên một trái tim khô héo!
Chúc mọi người mát mẻ trong lòng!
Đối xử với những người không màng tính mạng, không cần danh vọng, không cần cả quan vị, tiền tài rất khó. Nếu không có những con người “lớn” như thế sẽ không đạt được thành công trong việc xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, không thể phát hiện những người như thế bằng mắt thường. Trong “Mạnh Tử” có đề cập: “ở nơi thiên hạ ở, đứng đúng vị trí trong thiên hạ, làm việc lớn trong thiên hạ”. Lập chí rồi thì cùng dân hành đạo, nếu không có thì cần một mình mà đi. Người như vậy thì không làm vấy bẩn thân phận nếu giàu có, quyền uy; cũng không hạ mình luồn cúi nếu xuất thân thấp hèn, nghèo khổ. Ta cũng không thể dùng uy quyền, thế lực để khuất phục những người như vậy. Hỏi ông người như vậy mới đúng là trang nam tử phải không thì ông cười đáp “đúng vậy” bởi người không sống chân chính thì không thể có tinh thần đó được.
(Trích “Điều di huấn thứ 30” của Saigo trong sách
Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế của ngài Inamori Kazuo).
Còn đây là chia sẻ của bạn Nguyễn Đức Thiều một đồng nghiệp của Nguyên Minh, Thiều phụ trách bán sỉ Trà của bạn ấy mà mình rất yêu quý!
“Hôm nay doanh nghiệp của mình tròn 7 năm tuổi. Không biết viết gì cho ngầu.
Cá nhân mình thích một nền kinh tế “dịu dàng”, không có tính loại trừ. Tiếng Anh có một từ hay ho để mô tả là “inclusive” (not-exclusive).
Nền kinh tế hiện tại giúp nhiều người giàu nhanh chóng, và đẩy nhiều người hơn ra ngoài rìa xã hội; sinh ra nhiều trung tâm thương mại, đại đô thị, siêu nhà máy, và càng nhiều hơn những khu ổ chuột, những cánh rừng chết, những ngôi làng ô nhiễm đến nỗi dân phải bỏ ra đi.
Làm nông nghiệp, sản xuất, theo mình, thì muốn phát triển bền vững, phải cùng phát triển với người nông dân, với tự nhiên, với văn hoá. Chứ không thể bỏ lơ đi mấy yếu tố kia mà có thể một mình đi lên được.
Một con người, một cái cây, mọc lên được đều nhờ có cả hệ sinh thái nuôi dưỡng. Kinh tế dịu dàng, “inclusive”, tôn trọng hệ sinh thái nuôi dưỡng mình, là cách làm cân bằng, đúng với quy luật.
7 năm rồi, vẫn đi tiếp….
Để quan tâm nhiều hơn về thương hiệu Doanh nghiệp em ấy, bạn vui lòng xem thêm bài viết sau:

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời