Tối qua trong lớp Tâm Lý Học Chuyển Hóa, một học viên đã hỏi tôi và cả lớp, “làm thể nào để thoát khỏi khủng hoảng hiện sinh?”
Suy nghĩ phải “tránh bằng mọi giá” những khủng hoảng hiện sinh là điều hoàn toàn có thể hiểu được, bởi lẽ khủng hoảng này thường đi kèm với lo âu và đôi khi là trầm cảm. Cho dù những triết gia và nhà tâm lý có thể biện biệt những lo âu và trầm cảm của hiện sinh và rối loạn tậm lý, nhưng có lẽ người trong xã hội, đặc biệt khi dự cảm về sự khủng hoảng này, đều cảm thấy lo âu về sự lo âu, trầm cảm về sự trầm cảm này.
Khi buộc phải đối diện với những câu hỏi nền tảng về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị tự thân và giá trị của người khác, chúng ta đều có thể rơi vào trạng thái xung đột nội tâm. Khủng hoảng hiện sinh làm lung lay hệ thống niềm tin, quan niệm, và mục đích mà chúng ta từng coi là chắc chắn; những lời giảng dạy hay giáo điều của gia đình và xã hội mà chúng ta từng dựa dẫm. Sự lung lay này dẫn đến bất hòa về nhận thức [cognitive dissonance] và cả về tình cảm [emotional dissonance], gây nên cảm giác bấp bênh, trống trải, và thậm chí có thể hoảng loạn.
Hơn nữa, khủng hoảng hiện sinh thường xuất hiện sau những sự kiện lớn trong đời – đặc biệt là mất mát. Mất mát này có thể là sự qua đời của người thân, tan vỡ một mối quan hệ, thất bại trong sự nghiệp, hoặc thậm chí là sự trống vắng do thay đổi môi trường sống. Những trải nghiệm này khiến chúng ta buộc phải xét lại ý nghĩa của chính mình và sự hiện hữu xung quanh. Không khó hiểu khi phần lớn mọi người e ngại hay tìm cách lảng tránh khủng hoảng hiện sinh, bởi cảm giác mất phương hướng, hoang mang và đau đớn đi kèm thường rất đáng sợ.
Trong bối cảnh xã hội đương đại, hầu hết mọi người thường khao khát một đời sống bình lặng, êm đềm, thậm chí vô tư vô lự. Khát vọng hạnh phúc dường như đồng nghĩa với việc liên tục tìm kiếm cảm giác dễ chịu, an nhàn và giải trí. Chúng ta cho rằng hạnh phúc là được “vui vẻ” không ngừng, một trạng thái tĩnh tại tránh xa mọi đau khổ hay thách thức. Đáng chú ý, có không ít người xem việc thực hành thiền định hoặc tham gia các truyền thống tâm linh như phương tiện để né tránh hiện thực mà chúng ta cảm thấy nhàm chán, không chịu đựng nổi hay chứa đựng quá nhiều khổ đau. Khi gặp điều bất như ý, chúng ta vội vàng ẩn nấp sau tấm màn “chánh niệm” mà chưa thật sự đối diện trực tiếp với thực nghĩa của hiện hữu, mà thật sự, sự đối diện này mới là chánh niệm. Chúng ta đi mua sắm từ hàng hóa đến những vị lãnh đạo tinh thần như một hình thức trốn chạy.
Thật ra lại có bốn sự thật nền tảng, không thể chối bỏ của kiếp người mà liệu pháp tâm lý cũng như triết học hiện sinh, ví dụ như trong tư tưởng của Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger, hay Friedrich Nietzsche, phát triển và bàn luận rộng rãi:
Đầu tiên là tự do. Chúng ta, với tư cách cá thể có ý thức, hoàn toàn tự do chọn lựa hành động của mình. Nhưng sự tự do này luôn song hành với trách nhiệm; chúng ta không thể trút bỏ hậu quả cho người khác. Không ai có thể hoàn toàn chịu trách nhiệm thay ta về mọi hành động, lựa chọn, hay thậm chí sự tồn tại của chính mình. Kế đến là cô đơn. Dù ta sống giữa cộng đồng, gia đình, bè bạn, cuối cùng mỗi người vẫn đối diện với chính mình trong sự cô độc tinh thần. Không ai, dù thân thiết đến đâu, có thể hoàn toàn thấu hiểu hoặc chia sẻ trọn vẹn kinh nghiệm sống cá nhân, bởi sự sống nội tâm vốn có bản chất độc nhất vô nhị.
Thứ ba là vô nghĩa. Nếu ta nhìn thẳng vào đời sống, ý nghĩa mà ta gán cho nó chỉ có thể là những cấu trúc tinh thần do con người tự kiến tạo, chịu ảnh hưởng từ truyền thống văn hoá, các đại tự sự [grand narrative] của xã hội, quốc gia, hay tôn giáo. Từ quan điểm hiện sinh, ý nghĩa không phải một chân lý khách quan sẵn có, mà là sản phẩm của sự lựa chọn và áp đặt chủ quan. Và cuối cùng là cái chết. Tử vong là sự thật cuối cùng mà mọi người đều phải đối mặt, dù sớm hay muộn. Cái chết không thể bị né tránh hay xoá bỏ. Ý thức về cái chết buộc chúng ta nhìn nhận lại cuộc đời, các lựa chọn, và giá trị của chính mình.
Tương đồng với nhận thức này, Phật giáo – đặc biệt trong Tứ Diệu Đế – nhấn mạnh sự hiện hữu của khổ (dukkha) như một chân lý đầu tiên. Nó có thể là sinh, lão, bệnh, tử, bốn trải nghiệm nhân sinh không thể trốn thoát. Khổ không chỉ ám chỉ nỗi thống khổ thông thường, mà còn biểu thị tính vô thường, bất toại nguyện, và hạn hữu của kiếp nhân sinh. Khi ta xem xét quan điểm Phật giáo, có thể thấy rằng việc tránh né khổ đau hay khủng hoảng tồn tại không làm tan biến bản chất khổ, mà đôi khi chỉ trì hoãn sự nhận diện và giải quyết triệt để vấn đề.
Với tri kiến đó, chúng ta cần đặt câu hỏi, có phải khủng hoảng hiện sinh là điều nên tránh bằng mọi giá hay không? Và thực tế, có tránh được hay không? Những đụn cát của sự an lạc giả tạo và đặc biệt là của các hành vi chạy trốn như tự bại hay tự hại, chúng ta sẽ không thể rúc đầu vào tránh mãi. Thực ra, khủng hoảng hiện sinh không đơn thuần là một chướng ngại, mà có thể được xem như một cánh cửa mở ra chiều sâu nhận thức, giúp ta tái định hình giá trị và ý nghĩa cuộc đời. Trải nghiệm khủng hoảng tồn tại đem lại nhiều lợi ích tiềm tàng, trong đó có:
Sống với lòng can đảm: Đối diện với tự do, trách nhiệm, cô đơn, vô nghĩa và cái chết đòi hỏi sự can đảm vượt thoát khỏi khuôn khổ an toàn giả tạo. Khủng hoảng buộc ta phải tự hỏi: “Ta là ai? Ta muốn điều gì? Ta có trách nhiệm ra sao đối với cuộc sống của mình?” Sự dũng cảm đối mặt với câu hỏi này giúp ta chuyển từ lối sống thụ động, chấp nhận “vui vẻ gượng ép” sang một tồn tại chủ động, ý thức và dấn thân.
Đào sâu tính phong phú nội tâm: Khủng hoảng tồn tại thúc đẩy quá trình tự phản tỉnh, buộc ta lắng nghe và hiểu hơn bản chất tâm thức. Thay vì liên tục trốn tránh sự trống rỗng hay nỗi buồn, ta học cách sống cùng chúng, thậm chí trân trọng chúng như những sự kiện tinh thần quan trọng. Điều này giúp đời sống nội tâm trở nên phong phú, sâu sắc, và chân thực hơn.
Tăng cường tính sống động: Khi hiểu rằng ý nghĩa cuộc đời không phải cái gì được “ban tặng” sẵn, ta chủ động xây dựng và định nghĩa nó. Sự ý thức sâu sắc về tính hữu hạn, về cái chết, khiến ta biết quý trọng từng giây phút, từng mối quan hệ, và từng lựa chọn. Ta không còn chỉ sống cho “niềm vui bề ngoài” mà sống với sự tỉnh thức, với ý chí tạo dựng một tồn tại có giá trị hơn. Đời sống trở nên sinh động, hiện tiền, không còn là một chuỗi ngày uể oải trống rỗng.
Khả năng đồng cảm và thức tỉnh tinh thần: Khủng hoảng hiện sinh cũng có thể dẫn đến sự đồng cảm lớn hơn với người khác. Khi ta hiểu rằng mọi người đều đối diện với nỗi cô đơn, trách nhiệm, vô nghĩa và cái chết, ta dễ dàng thấu hiểu, lắng nghe và chấp nhận họ. Điều này không những hỗ trợ diễn trình tương tác xã hội, mà còn giúp ta khám phá chiều kích tâm linh sâu xa, dần tiếp cận với trạng thái “tĩnh lặng giữa bão tố” – vốn là mục tiêu của nhiều truyền thống tâm linh, trong đó có Phật giáo.
Thực sự, khủng hoảng hiện sinh không nên bị xem như một khuyết điểm hay một “bệnh trạng” cần trốn tránh. Ngược lại, đó có thể là cánh cổng dẫn ta đến một đời sống can đảm, sống động với những chiều sâu tinh thần mới lạ. Đối diện với những chân lý không thể chối bỏ về tự do, trách nhiệm, cô đơn, vô nghĩa và tử vong, ta tiến gần hơn đến sự trưởng thành nội tâm.
Chính trong giây phút nhìn thẳng vào KHỔ mà con người mới thật sự cất bước trên đường chuyển hóa, đi tìm “bản lai diện mục” của mình, không phải trong lo âu, trong sợ hãi, mà bằng trí tuệ và từ bi của chính mình. Chỉ lúc đó, cả thế giới sẽ cùng ta đọc tụng: “gate, gate, paragate, parasamgate, boddhi svaha.”
* Tựa đề bài này lấy từ tựa cuốn sách “Escape from Freedom” của nhà tâm phân học và tâm lý học xã hội Erich Fromm xuất bản lần đầu tại Hoa Kỳ vào năm 1941 với tựa đề trên và một năm sau tại Anh với tựa đề “Fear of Freedom.” Trong tác phẩm này, Fromm cho rằng nếu nhân loại không thể sống chung với những bất trắc và trách nhiệm vốn có của tự do thì sự lựa chọn còn lại chỉ có thể là sự nô lệ tâm thức trong sự toàn trị.
Bài viết liên quan
“ĐỈNH CAO CỦA ĐỜI NGƯỜI”
Trong cuộc sống này, không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải thể hiện,...
Th12
BIỂU TƯỢNG HOA SEN
Trong đạo Phật biểu tượng hoa sen có những gì kỳ đặc? Hôm nay chúng...
Th12
Dũng mãnh bước đi
– Cuộc đời rất kiên nhẫn dạy đi dạy lại một bài học, vì bạn...
Th12
Những câu nói để đời của cố HT.Thích Phổ Tuệ
Những câu nói bất hủ để đời của Đức Pháp chủ HĐTS GHPGVN cố trưởng...
Th12
Bài luận này giảng về vô ngã của Đạo Phật.
Trí tuệ của ngài thật siêu việt, đúng là một bài viết thì không thể...
Th12
YẾU CHỈ THIỀN TÔNG (Hết)
…D. BỎ THỜI KHÓA CÔNG PHU TRỞ THÀNH LƯỜI BIẾNG.Người tu theo Thiền tông giờ...
Th12