Mọi người nghĩ là thân thể này mệt nhọc là do hoạt động nhiều. Không phải! Nhiều người hoạt động càng nhiều họ càng khỏe. Thân thể mệt nhọc là vì nó bị căng thẳng. Khi căng thẳng, thân thể tiết ra những chất làm yếu, khiến nó dễ bị xâm nhập bởi bệnh tật.
Có ba chỗ trên người để biết là mình có căng thẳng hay không.

1. Bàn tay

Bàn tay là chỗ biết dễ nhất và tập dễ nhất. Trạng thái tay của bạn nói là bạn đang căng hay không căng về mặt thân thể. Chỉ đơn giản xem tay mình đang nắm chặt hay thả lỏng? Nếu tay mình nắm hơi chặt thôi, nó thể hiện trạng thái thông thường của mình là căng thẳng.
Hãy chú ý vào bàn tay, cảm thấy tay hơi căng thì thả ra. Khi mình thả tay thì cái tâm căng thẳng của mình cũng tự thả. Thân thể, khí và tinh thần có liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi mình thả lỏng tay, mình thả lỏng cả tâm mình ngay lập tức, nên nó tốt cho cả tinh thần lẫn vật chất.
Hãy tập thành thói quen “Thả ra!”. Đi thả tay thả lỏng. Ngồi bình thường thoải mái, tay thả lỏng ra. Đây là chỗ thứ nhất dễ nhất để kiểm tra.
2. Hàm răng

Chỗ thứ hai là hàm răng. Trong cuộc sống mình rất hay nghiến răng, khi căng một cái là nghiến ngay. Nên là mình cũng tập bằng cách: Thả lỏng hàm răng của mình ra, đừng nghiến cái gì cả. Thả lỏng hàm. Thả lỏng tay.

3. Hơi thở

Còn một chỗ quan trọng nhất. Mọi người có biết là chỗ nào không? Hơi thở. Quan trọng nhất là hơi thở. Hơi thở là cầu nối rõ nhất, nối cả ba chỗ một lúc: cả khí, cả thân thể lẫn tinh thần. Hơi thở là chỗ tốt nhất để biết mình căng thẳng hay không. Khi mình căng thẳng quá là mình không thở được. Có ai đã từng có lúc căng thẳng đến nín thở, đến nghẹt thở chưa? Thở nhanh dồn dập cũng là hơi căng rồi đấy. Nín thở càng căng nữa.
Ngược lại là một hơi thở điều hòa, đều đặn. Hơi thở sâu là nơi rất tốt để điều hòa cả tâm lẫn khí, lẫn vật chất. Nên trong ba chỗ, thì chỗ quan trọng nhất là thở, tay và răng hàm là hai chỗ phụ cũng tốt.
Điều hòa hơi thở
Quan trọng nhất là mình tập cách điều hòa hơi thở. Điều hòa hơi thở là thở đều và thở sâu, nhưng không phải là do ép. Nếu ép để thở sâu thì còn căng thẳng hơn.
Đây là mình tập một thói quen thở đều và thở sâu. Để ý đến hơi thở xem nó có quá dồn dập hay không, quá tĩnh lặng hay không. Nếu có thì thả lỏng ra, thở một cách đều đặn, bình thường.
Còn thở sâu là gì? Thở sâu là mình tập cách thở bụng. Để tay lên bụng để cảm nhận: hít vào sâu bụng phình lên, thở từ từ ra bụng xẹp xuống. Cách đấy ai cũng đều tập được hết. Mình thực hành được thói quen đấy thì dần dần mình sẽ thở bụng, không phải thở ngực. Hơi thở chạy xuống tận dưới bụng thì thở sâu nhất. Và như thế là năng lượng cả khí, cả thân thể, cả tinh thần đều cân bằng nhất.
Nguyên tắc căn bản là THẢ LỎNG. Thả lỏng là căn bản trong cả ba thứ nêu trên chứ không phải cố hít thật sâu. Muốn thân thể khỏe mạnh, tinh thần bình an thì mình tập thói quen thả lỏng. Thả lỏng bàn tay ra. Thả lỏng cả dáng ngồi của mình ra. Hơi thở điều hòa, thở sâu, thở bụng. Tốt nhất là thở bụng. Không được thì thôi, đừng ép.
Và một trạng thái tinh thần nhiều thông cảm, nhiều yêu thương, nhiều tha thứ, ít lo lắng, ít ghen tị, ít sân hận, sợ hãi. Thế thôi. Đấy là bí kíp của việc tràn trề năng lượng.
Khi mình làm được ba thứ như thế thì sao?
Mình lúc nào cũng cảm thấy thừa năng lượng. Mình có nhiều năng lượng dành cho người khác hơn, có khả năng giúp được nhiều người hơn. Và bên trong mình có một sự thảnh thơi và tự do.
* Trích trà đàm “Hỏi đáp thực hành thiền trong cuộc sống (3) HCM tháng 9/12/2017

Bài viết liên quan

CÁI GIÀ Ở SẴN TRONG TRẺ .

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ. Một hôm Phật đi khất thực trong thành...

Mohamed Aziz – Người bán sách được chụp ảnh nhiều nhất thế giới

Đây là Mohamed Aziz, 72 tuổi, người bán sách được chụp ảnh nhiều nhất thế...

Một vĩ nhân

Người đàn ông này không phải là một kẻ ăn xin hay một kẻ lang...

Thiền Sư Minh Chánh và bài thơ nổi tiếng

Không nói ngắn chẳng nói dài,Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai.Tìm hay, lại hóa...

“Công danh cái thế màn sương sớm,…” Thiền Sư Minh Chánh

Giảng tại chùa Phổ Đà TP Hồ Chí Minh – Mùa an cư 2001 Hôm...

TIẾNG GỌI THẦY TỪ PHƯƠNG XA

Khốn khổ thay! Chúng sinh như con với ác nghiệp và ác hạnh, Ðã trôi...

Trả lời