Phần này xin chủ yếu nói về Kiến hay cách nhìn, để chia sẻ với các bạn cái thấy trên con đường tu tập. Nó không có mục tiêu lý luận mà tập trung vào những gì cần thiết để giúp một người thực hành và tiến bộ trên con đường.
Mong rằng hạnh phúc và giác ngộ sẽ đến với bất cứ ai có duyên và mang nó vào thực hành
Yêu quý các bạn
Trong Suốt
Nguyên tắc của con đường Trong suốt là tu tập không thể tách rời với đời sống bình thường. Cách hành xử của một người trong thế gian và thái độ của họ trước các sự việc trong đời sống đều có thể đem vào tu tập và dùng để chuyển hóa chính bản thân họ.
Với cách tiếp cận như vậy, tu tập không bó hẹp trong ngồi thiền, tụng chú, quán tưởng… mà nó sử dụng mọi kinh nghiệm sống như chính con đường để giúp một người tiến bộ. Toàn bộ kinh nghiệm của một người như ăn, uống, đi lại, suy nghĩ, chuyện trò, làm việc, giải trí, nghỉ ngơi… thậm chí cả giấc ngủ đều được đem vào tu tập. Khi sự tu tập trở nên không có một khe hở nào thì sự thay đổi sẽ trở nên mãnh liệt nhất.
Hơn thế nữa, bất cứ ai đến với con đường Trong suốt nên ghi nhớ rằng mọi vấn đề, khó khăn, đau khổ trong cuộc sống là cơ hội tốt nhất để chuyển hóa tâm thức. Vấn đề càng lớn lao và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn, thì bài học càng to lớn và sâu sắc. Trong hàng trăm người tìm đến gặp Trong Suốt trong những năm qua, không ít người đang ở trong tình huống tồi tệ nhất đời họ, thậm chí chỉ muốn tự tử ngay hôm đó, nhưng đã trở nên thay đổi hoàn toàn sau một thời gian tập và hạnh phúc đã bắt đầu đến với họ không lâu sau đó. Vì vậy nếu đang gặp đau khổ thì bạn chớ có nản lòng, với con đường Trong Suốt thì phiền não nên được xem là một kho báu, và đừng kỳ vọng tìm giác ngộ ở đâu khác, bởi đây chính là cơ hội, phiền não càng mạnh thì cơ hội giác ngộ càng lớn đối với bạn.
Tại sao lại như vậy? Khi bạn đau khổ (đau khổ nên hiểu theo nghĩa có những điều không hài lòng hoặc những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, giận dữ, nuối tiếc… chứ không nhất thiết là một nỗi khổ lớn nào đó) bạn sẽ tự nhiên muốn tìm cách giải quyết, bạn trở nên sẵn sàng lắng nghe hơn. Nếu có một phương pháp phù hợp bạn sẽ dễ dàng muốn thực hiện hơn. Nếu thực hành có kết quả, giúp bạn hết đau khổ thì bạn sẽ trở nên có niềm tin sâu sắc và trân trọng sự tu tập hơn… Bạn sẽ có cảm hứng với tu tập và bạn cũng biết không tu tập thì đau khổ sẽ quay trở lại. Bạn sẽ không quên thực hành khi cần thiết và kết quả sẽ tiếp tục đến nhờ sự chăm chỉ đó.
Đau khổ của bạn bắt nguồn từ Vô minh, cái nhìn sai lầm, không đầy đủ về thực tại hay về vấn đề bạn đang gặp phải. Với cái nhìn này tâm bạn luôn xao động, không được bình an và dễ kinh nghiệm các cảm giác tiêu cực. Còn hành động của bạn thì chịu chi phối mạnh mẽ của các thói quen tiêu cực nên dẫn tới đau khổ mới.
Từ trạng thái thông thường mà hầu như ai cũng đang trải nghiệm là Vô minh – Đau khổ, Trong Suốt là con đường đi tới Trí tuệ – Hạnh phúc. Nó nhấn mạnh vào ba điểm:
Kiến – cái nhìn trong trí tuệ đúng đắn trái với cái thấy sai lầm của vô minh,
Thiền – giúp tâm ở trong trạng thái yên tĩnh, sáng suốt nhưng cũng luôn sẵn sàng sáng tạo, trái với tâm náo động, sao lãng và lặp lại theo thói quen thông thường.
và Chuyển hóa – hành động khéo léo để biến một kinh nghiệm đau khổ và vị kỷ thành một kinh nghiệm của trí tuệ, phúc lạc và lợi ích cho mọi người.
Về Kiến, hay cái thấy, có ba giai đoạn như sau:
– Giai đoạn đầu:
Qua sách vở, băng đĩa hoặc các vị thầy… bạn cần nhận thức đúng về Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo, Vô thường… và phát sinh mong muốn làm lành, tránh dữ và thay đổi tâm mình.
Sau đó cần hồi tưởng hoặc liên hệ đến các nỗi khổ đang có của mình và hiểu chân lý của Đức Phật về Khổ – bản chất không toại nguyện của đời sống này. Hơn nữa, bạn cần thấy rõ rằng nguyên nhân của khổ đến từ vô minh bên trong mình chứ không phải hoàn cảnh bên ngoài. Hiểu rõ hai điều này, bạn sẽ không còn kỳ vọng rằng, bằng các thành tựu trong cuộc đời như tiền bạc, danh tiếng, vợ chồng… bạn có thể có hạnh phúc lâu dài được nữa.
Ở giai đoạn này, sự tiến bộ về hành động là khi làm điều gì bạn có ý thức được nhân quả, và hành động của bạn có ngày càng ít gây nghiệp xấu cho bạn cũng như ngày càng ít gây hại và đem lại nhiều ích lợi hơn cho người khác hay không? Về nhận thức, trong tâm bạn luôn biết rằng khổ đau thì thường trực. Thay vì việc theo đuổi các mục tiêu thế gian, bạn sẽ thực sự sợ Vô thường và nảy sinh mong muốn tu tập theo Bát chánh đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để dẫn đến giác ngộ – kết thúc mãi mãi mọi khổ đau.
– Giai đoạn giữa:
Lúc này bạn nên tìm một Người thầy có khả năng giúp mình tu tập đúng đắn. Như Đức Phật đã nói, một người hai tay còn bị trói thì không thể mở trói cho người khác. Người Thầy tối thiểu phải là người đã giải quyết được nỗi khổ của chính họ, có thể sống hạnh phúc, tự tại giữa các ràng buộc của cuộc đời. Hơn nữa, người thầy nên là người đối xử với mọi người bằng lòng từ ái, cảm thông và luôn hành động không mệt mỏi vì lợi ích của người khác hơn là lợi ích của chính mình.
Một người thầy tốt trong khi dạy dỗ không bị bám chấp vào kết quả của việc dạy dỗ, và cũng không để học trò bị bám chấp vào mình. Lời giảng của Ngài phải phù hợp với chánh kiến, tâm của Ngài thường trong chánh định và hành xử của Ngài tương xứng với những gì Ngài giảng dạy…
Nếu chưa đủ duyên để gặp được một người thầy như vậy, hãy đọc về Đức Phật và các bậc thầy vĩ đại trong quá khứ hoặc hiện tại để khởi phát lòng tin tưởng, sau đó nương tựa và thực hành theo lời dạy qua sách vở các Ngài để lại.
Nếu bạn may mắn gặp một người thầy như vậy, có thể trong hình thức một người thầy hay một người bạn đạo, hãy tìm cơ hội nghe những giáo lý khẩu truyền trực tiếp từ Ngài. Khi bạn nghe với một thái độ tôn kính, cầu thị thì cái bạn nhận được không chỉ là những kiến thức quý báu mà toàn bộ dòng tâm thức giác ngộ của Người thầy đang đổ sang cho bạn, hãy hòa tan tâm bạn vào dòng tâm thức đó.
Tâm giác ngộ, hay Bồ Đề tâm, là nền tảng của toàn bộ sự tu tập, và cũng là nền tảng của con đường Trong Suốt. Với người mới khởi đầu thì đó là lời nguyện đạt được giác ngộ như một vị Phật để làm lợi ích và giác ngộ cho mọi chúng sinh. Không có nó thì mọi tu tập đều sẽ sai lầm hoặc bế tắc. Dù xuất phát điểm bạn có thấp thế nào, cũng hãy suy nghĩ về điều này cho tới khi bạn có thể quyết tâm phát ra lời nguyện đó.
Hãy nhìn vào đau khổ của mình và mọi người xung quanh, những đau khổ mà nguồn gốc của nó là sự vô minh, rồi bạn nhìn vào Đức Phật và các vị thầy giác ngộ và suy nghĩ: các Ngài được như vậy đều là do đã phát Bồ đề tâm và thực hành Bồ đề tâm trong quá khứ. Ngày hôm nay mình biết đến Phật pháp và con đường tu tập cũng là nhờ Bồ Đề Tâm của các Ngài. Dù là một hành giả nhỏ nhoi ta cũng nên gieo hạt giống bồ đề – hành động quy y và phát Bồ đề tâm – vì quả của nó chính là sự giác ngộ viên mãn như Phật và nhờ nó ta mới có khả năng cứu giúp mọi người xung quanh ta hết khổ và giác ngộ.
Sau khi đã quy y và phát Bồ Đề Tâm, bạn sẽ có cảm hứng thực hành và không muốn phản bội lại lời thề này. Trong mọi hành động, hãy đặt Bồ đề tâm lên cao nhất. Hãy trau dồi những thói quen của một hành giả Bồ đề tâm. Khi quyết tâm giác ngộ của bạn đã lên cao, trong cuộc sống thường nhật bạn ngày càng nghĩ nhiều hơn và quan tâm hơn đến việc làm thế nào để giác ngộ và giúp mọi người giác ngộ, cho tới khi nó chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của bạn. Bạn mong muốn tìm được một con đường phù hợp nhất với mình để nhanh chóng giác ngộ cho mình và giúp ích cho mọi người. Nếu làm được như vậy, bạn bắt đầu thực sự đi vào trạng thái Bồ Đề Tâm nguyện.
Với trạng thái tâm phù hợp, bạn nghiên cứu một cách có hệ thống những giáo lý của Đức Phật. Nhờ sự chỉ dẫn của người thầy, hoặc sách vở, cùng với sự suy ngẫm đối chiếu vào thực tế bạn sẽ có cái nhìn ngày càng đúng đắn hơn về thực tại. Hiểu đúng về Vô ngã và Tính Không, bạn dần bớt đi các bám chấp vào các đối tượng hoặc tình huống trong cuộc sống.
Về nhận thức, mức độ tiến bộ ở đây là việc các mâu thuẫn có xảy ra hay không trong tâm trí bạn.
Về cảm xúc, đó là việc các cảm xúc tiêu cực khi xuất hiện còn ảnh hưởng mạnh mẽ và quy định hành xử của bạn hay nó thường bị tan ra dưới cái thấy đúng đắn của bạn.
Về hành động, đó là bạn có hành động hay không vì hạnh phúc của mọi người, và có hay không có những hi vọng và sợ hãi, có thể buông xả hay vẫn bám chấp vào kết quả của việc bạn làm v.v…
Ở giai đoạn giữa này sẽ có nhiều kinh nghiệm và nhận thức mới xảy ra với bạn, những nhận thức sau có thể phủ nhận những nhận thức trước nhưng bạn không cần hoang mang bởi thực ra là vì nó ở một tầm mức cao hơn. Hãy giữ vững Bồ Đề Tâm và nương tựa vào lời chỉ dạy từ những bậc thầy giác ngộ. Khi đó kể cả các nghịch cảnh xảy ra cũng là những nâng cấp của thực hành.
Không chỉ đơn thuần nâng cao kiến – cái thấy, bạn cần phải có thiền định đúng đắn và hành động thiện xảo vì lợi ích và giác ngộ của mọi chúng sinh. Tiếp tục như vậy cái thấy và hành động của bạn sẽ thực sự trở nên “cao như bầu trời và mịn như hạt bột” như lời của Đức Liên Hoa Sanh vĩ đại đã nói.
– Giai đoạn cuối:
Nhờ đã tích tập đầy đủ công đức và trí tuệ từ đời này hoặc đời trước. Và nhờ sự ban phước từ người thầy vô hình hoặc hữu hình. Cái thấy chân thật sẽ đến với bạn trong một kinh nghiệm trực tiếp, thoát khỏi mọi khái niệm.
Lần đầu nhìn thấy điều này, bạn sẽ có niềm hoan hỉ giống như tìm ra một cái gì đã mất từ vô số đời nhưng hóa ra nó lại ở ngay đây và luôn ở ngay đây. Bạn sẽ có sự tự tin kiên cố vào điều này đến mức, dù Phật hiện ra trước mặt bạn bảo là không phải, sự tự tin của bạn cũng không còn bị thoái chuyển nữa.
Tiếp tục giữ vững cái thấy này bằng thiền định tự nhiên, bạn sẽ dần kinh nghiệm mọi sự vật hiện tượng đều chỉ là Pháp thân, rỗng lặng và sáng tỏ. Ở giai đoạn này, mọi sự đều được kinh nghiệm rằng đang xuất hiện và vận hành tự nhiên, kể cả những hình tướng bên ngoài hay suy nghĩ bên trong, và cũng không còn biên giới giữa trong và ngoài bạn.
Tùy theo hạnh nguyện bạn làm mọi điều trong Bồ Đề Tâm để lợi ích cho mọi chúng sinh, nhưng không thấy có gì đang tạo tác…
Kỳ diệu thay!
Nam mô Tính Giác!
Trạng thái này không còn có thể mô tả bằng ngôn từ, nhưng để dễ sử dụng trong những bài viết sau xin tạm gọi là trạng thái Trong suốt .
Đến đây là kết thúc phần 2, phần về Cái thấy của con đường Trong suốt. Phần tiếp theo xin nói về Thiền định và Chuyển hóa, ngay giữa đời thường, đặc điểm riêng của con đường này.
Bài viết liên quan
10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông
Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...
Th9
Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản
Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...
Th8
Xuân
Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...
PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH
Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...
Th5
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...
Th5
Thuyết luân hồi
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...
Th5