Sau khi đi qua hai giai đoạn “Từ bỏ” và “Chuyển hóa” trên con đường Trong suốt.
Với chánh kiến vững vàng, để đến được với giác ngộ, một người cần bước tiếp trên đoạn đường “Nhận biết tự nhiên”:
Cái gọi là Phật tính chính là khả năng nhận biết vốn sẵn đủ trong mỗi chúng sinh
Tuy nhiên việc nhận ra, quen thuộc và an trụ không lay chuyển trong nó
Chính là sự khác biệt giữa giác ngộ giải thoát với lang thang trong đau khổ của luân hồi vô tận
Người đã quen thuộc với trạng thái Trong suốt có thể ở trong sự nhận biết tự nhiên này trong bất cứ lúc nào: đi lại, ăn nói, xem phim, làm việc, thể thao…
Đối với người ấy, không có vấn đề gì cho dù các suy nghĩ và các sự việc liên tục “quấy rầy” các giác quan
Ngược lại, bất cứ thứ gì khởi lên đều là bạn của hành giả, vì chúng làm sáng rõ hơn sự nhận biết tự nhiên vốn có
Giải thoát không phải là rời khỏi một nơi có nhiều việc phải làm đến một nơi không phải làm gì
Giống như một tấm gương luôn tự do dù mọi hình ảnh tuyệt vời hay khủng khiếp phản chiếu bên trong nó
Dù tham gia nhiều hoạt động phức tạp lớn lao, người ấy chỉ đơn giản thưởng thức vẻ đẹp của “cái đang là” trong sự tự do, rỗng rang, trong suốt.
Tuy nhiên với người bắt đầu, để có thể cảm nhận trực tiếp sự tự do này, hãy tập như sau:
Đầu tiên, cần đi đến một hiểu biết đúng đắn, dứt khoát về cái Nhận biết nguyên thủy, sẵn có, tự nhiên
Về loại nhận biết này, Đức Phật đã khai thị đặc biệt trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Và nó chính là trung tâm trong các tantra của Dzogchen – Đại Toàn Thiện
Để hiểu được nó thôi, có thể cần nhiều năm học hỏi, suy ngẫm và thực hành theo đúng thứ tự của “Thế nào là tu tập?”
Nhưng kể cả hiểu đúng đắn cũng vẫn là chưa đủ,
Cần xác quyết về nó bằng một kinh nghiệm cá nhân
Nếu đủ may mắn, tốt nhất hãy tìm đến một vị thầy đã chứng ngộ và nắm giữ nó rõ ràng giống như cầm một đồ vật trên tay
Ở thời đại này, một người như vậy thật khó tìm!
Những lời sau được viết ra để hướng dẫn thực hành cho những người có duyên với con đường Trong suốt:
Có hai loại nhận biết, nhận biết của tâm trí thông thường và tự nhiên nhận biết
Để tiện sử dụng và phân biệt với loại nhận biết thông thường, xin gọi đó là “Nhận biết Tự nhiên”
Thiền Trong Suốt không sử dụng các cố gắng của tâm trí bình thường
Như loại thiền chỉ, trong đó một người tập trung vào một đối tượng bên ngoài hay được tâm quán tưởng
Hay như loại thiền quán trong đó có một người quan sát cố gắng nhìn vào đối tượng được quan sát
Như quan sát hơi thở, quan sát cảm thọ, quan sát suy nghĩ v.v…
Những cách thiền như vậy có thể làm tăng những phẩm tính tốt của tâm, như tập trung, an tĩnh, sáng suốt , trong lành…
Và chúng là các phương pháp quan trọng trên một số con đường tu hành đúng đắn
Nhưng chúng không phải là trạng thái giác ngộ vốn siêu việt khỏi tâm lý trí bình thường!
Tuy cùng được gọi là “nhận biết”
Nhưng Nhận biết Tự nhiên thì vượt khỏi loại nhận biết của tâm trí thông thường
vốn luôn chia ra chủ thể và đối tượng được nhận biết,
và luôn đòi hỏi sự nỗ lực hay cố gắng
Nhận biết Tự nhiên thì tự xảy ra mà không cần phải cố gắng hay nỗ lực,
Không có ai là người biết và cái được biết nào
Tất cả là không thể chia tách trong không gian trống không, sáng tỏ, vượt khỏi mọi tạo tác của tâm
Chỉ có sự nhận biết diễn ra, tự động, tự nhiên, liên tục
Dù có cố gắng ngăn chặn thì không gì có thể làm ngừng nó lại
Sự nhận biết tự có, không ngừng nghỉ, không có điểm bắt đầu, không kết thúc
“Kỳ diệu thay!”, khi khám phá ra sự nhận biết bạn sẵn có này, chắc bạn sẽ phải kêu lên!
Do không phân biệt được hai loại nhận biết này, nên đây là điểm mà nhiều người vẫn hiểu lầm,
Họ thường phát biểu rằng: “hãy quan sát”, “hãy nhận biết” và “chỉ nhận biết thôi là đủ” !
Khi nhầm lẫn giữa nhận biết thông thường và nhận biết tự nhiên
Các ý niệm về “đối tượng” và “chủ thể” không bao giờ dừng dứt trong tâm của họ
Cho dù có ai đó chỉ cho họ về sự nhận biết tự nhiên này
Do không đủ phước đức, họ cũng nghi ngờ và không bao giờ tin rằng nó là sự thực!
Với những người bạn yêu quý đang bước trên con đường Trong suốt
Và với tất cả những người chưa nhận biết điều này nên đang lang thang trong biển khổ luân hồi
Cầu chúc cho mọi người đều nhận ra sự nhận biết tự nhiên vốn có của mình!
*
Sau khi tự bạn, hay nhờ sự giúp đỡ của một vị thầy, đã nhận ra “nhận biết tự nhiên” bằng một kinh nghiệm cá nhân
Bạn đi vào giai đoạn tham thiền tự nhiên trên con đường Trong suốt
Nếu không rèn luyện chút nào, bạn sẽ bị phân tán bởi đời sống hàng ngày và thường xuyên quên mất
Bạn sẽ lại trở thành con vẹt, hót liên tục về Bát nhã, tính Không, giác ngộ hay giải thoát mà chưa thực sự trải nghiệm điều này
Vì vậy hãy cẩn thận trước mong muốn tụ tập học trò, dạy dỗ, làm thơ..
Thực hành thiền để trở nên quen thuộc với trạng thái nhận biết tự nhiên, mới là điều cốt yếu
Cho dù bạn đã biết thế nào là trạng thái nhận biết tự nhiên,
Bạn vẫn có thể còn bị quy định bởi những gì xảy ra trong tâm trí
Nếu trong tâm vẫn còn thấy có chủ thể và đối tượng
Nếu các suy nghĩ vẫn chưa được kinh nghiệm như tự khởi lên và tự giải phóng đồng thời
Bạn sẽ còn bị ràng buộc trong vòng luẩn quẩn của tâm trí mà thôi
Đó là dấu hiệu của một tâm chưa thực sự tự do, giải thoát
Thiền Trong suốt, là cách ở trong sự nhận biết tự nhiên mọi nợi mọi lúc:
Lúc bắt đầu, hãy để thân thể ngồi một cách thoải mái, tự nhiên
Không nhất thiết theo một tư thế đặc biệt nào, như bán, kiết già …
Tư thế nào cũng được miễn là thoải mái, không gắng sức
Để miệng trong một tư thế thoải mái,
Không cố nói, không tụng chú, cũng không cố mím môi hay cố đặt lưỡi vào vị trí trên vòm miệng
Để hơi thở vào ra một cách bình thường, không cố gắng hít vào, không cố giữ lại hay thở sâu, hay bất kỳ một cách đặc biệt nào
Cứ để yên, không cần làm việc gì với tâm trí của mình
Nói với tâm trí rằng “hãy cứ đi bất cứ đâu theo ý nhà ngươi muốn”
Sau đó đừng ngăn cản bất cứ thứ gì xảy ra trong tâm trí, cho dù đó là một ý nghĩ bạn cho là không tốt
Cũng đừng theo đuổi một ý nghĩ đặc biệt nào, cho dù đó là một ý nghĩ mà bạn cho là thật tuyệt vời
Đừng tập trung vào một đối tượng nào
Như thiền định trên hơi thở, trên đồ vật, hay trên hình ảnh quán tưởng trong tâm
Đừng cố quan sát suy nghĩ , đừng cố quan sát cảm thọ, thân thể hay hơi thở
Cũng đừng ý niệm hóa rằng phải đặt tâm vào một trạng thái tâm thức đặc biệt nào, như “trạng thái tự nhiên” hay “trong suốt”
Hãy để tâm tự nhiên trong bất cứ trạng thái nào nó đang là, không ngặn chặn nó làm bất cứ điều gì
Dù suy nghĩ có đôi lúc tán loạn hay trở nên mệt mỏi hôn trầm
Chỉ cần đặt câu hỏi “liệu sự nhận biết tự nhiên còn ở đó không?”
Nhờ câu hỏi này, cảm giác về sự nhận biết tự nhiên sẽ quay trở lại
Các suy nghĩ vẫn diễn ra, mà nhận biết tự nhiên không hề mất
Sau đó, để kệ những gì đang xảy ra trong tâm trí,
Hãy cảm nhận sự sống động tự nhiên của cái đang là
Phương pháp này thích hợp cho cả lúc ngồi lẫn lúc làm việc, đi lại, nói năng
Khi bạn quên, chỉ cần “siết chặt” bằng cách đặt câu hỏi “liệu nó có còn ở đó không?”
Sau đó cảm nhận trực tiếp sự nhận biết vốn luôn tỏa sáng tự nhiên là đủ
Giống như không cần giữ chặt tay vào công tắc khi đã bật một ngọn đèn,
Sau khi đã nhận ra, bạn chỉ cần từ từ “thả lỏng”,
Bằng cách hoạt động bình thường trong sự nhận biết tự nhiên
Cứ mỗi khi quên, lại lặp lại quá trình này
Tiếp tục như vậy, bạn sẽ dần quen thuộc và ở lâu hơn trong nó
Cho đến khi đạt được sự ổn định không thể lay chuyển, thực hành này là không thể thiếu
*
Trên đây là đôi lời ngắn gọn về cách thực hành Nhận biết Tự nhiên
Nhưng bạn đừng quên một lưu ý vô cùng quan trọng:
Phương pháp này chỉ thích hợp với người đã nhận ra thế nào là Nhận biết Tự nhiên bằng kinh nghiệm cá nhân
Có thể nhờ lòng tốt của một vị thầy giác ngộ, hoặc do vô số công đức và trí tuệ tích tập từ đời trước
Với những người chưa nhận ra điều này, những hướng dẫn như “để mọi thứ tự nhiên”, “không cần làm gì cả” đến sai lúc và có hại
Tiếc thay, đây cũng là một loại nhầm lẫn phổ biến trên nhiều con đường tu tập hiện nay!
Tìm hiểu lời Đức Phật một cách cẩn thận, không vội vàng và không bỏ qua các bước cơ bản
Và nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ một vị thầy có đầy đủ phẩm chất, sẽ giúp bạn tránh khỏi điều này
Mong rằng những người bạn yêu quý của Trong suốt sẽ luôn đi trên con đường đúng đắn
Thật tốt lành!
Nam mô Phật tính

Bài viết liên quan

10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông

Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...

Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản

Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...

Xuân

Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...

PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH

Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...

Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN

Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...

Thuyết luân hồi

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...

Trả lời