Bằng việc sáng lập thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đưa Thiền tông ở Việt Nam trở thành Thiền tông Việt Nam. Đặc trưng, đồng thời là nét đặc sắc nhất của Thiền Trúc Lâm là tính dân tộc và tinh thần nhập thế. Chính bởi đặc trưng ấy nên trải qua thời gian dài, có những lúc tưởng chừng như không còn tồn tại độc lập, nhưng những năm gần đây, Thiền tông Việt Nam đã – đang phát triển trở lại. Lý do cơ bản chính là những giá trị và vai trò của nó trong cuộc sống đương đại ngày nay: góp phần tạo nên một xã hội ổn định, phát triển kinh tế, gìn giữ chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp, định hướng hành vi cá nhân và hành vi xã hội.

Sự hình thành và phát triển của Thiền tông Việt Nam

Từ lâu, Phật giáo đã trở thành một bộ phận hữu cơ của văn hóa Việt Nam. Mỗi tông phái Phật giáo, trong quá trình tồn tại đều có những đóng góp quan trọng để tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, song có lẽ, nổi trội nhất là Thiền tông. Ngoài những đóng góp về tư tưởng, Thiền tông và sau này là Thiền tông Việt Nam còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội Việt như: văn học, nghệ thuật, kiến trúc, lối sống… của con người Việt Nam.

Trước nay, khi nói đến Thiền tông Việt Nam, các nhà nghiên cứu và cả các tu sĩ Phật giáo đều thống nhất cho rằng, chủ đạo của dòng này chính là thiền phái Trúc Lâm -Yên Tử. Dòng thiền Trúc Lâm -Yên Tử từ khi ra đời đã có những đóng góp tích cực vào nền văn hóa dân tộc và do chính người Việt Nam sáng lập – đức vua Trần Nhân Tông – người đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước Việt Nam trên cả 2 lĩnh vực: Đời và Đạo.Với Đời, Ngài là người có công dựng nước, giữ nước, mở nước; còn với Đạo, Ngài là người khai sáng và làm rạng danh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – một thiền phái riêng có của người Việt Nam, xây dựng nền Phật giáo nhập thế tích cực.

Trần Nhân Tông sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7/12/1258), là con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu; lên ngôi năm 1278, mất ngày 1/11 năm Mậu Thân (tức ngày 16/11/1308). Vua huý Trần Khâm, Nhân Tông là miếu hiệu, ngoài ra còn có tên là Phật Kim và Nhật Tôn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi đức vua sinh, được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần tuý, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng…gọi là Kim Tiên đồng tử, ở vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn…”(Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 2 – Nxb KHXH, H.,1998. Tr.44).

Ở cả 3 phương diện giữ nước, dựng nước và mở nước, Trần Nhân Tông đều có những đóng góp lớn lao. Điểm nổi bật nhất trên con đường xuất gia của Ngài là việc sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm – Yên Tử – dòng thiền của riêng người Việt. Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của 4 dòng thiền đã có mặt ở nước Việt: thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế kỷ VI), Vô Ngôn Thông (thế kỷ XI), Thảo Đường (thời Lý) và Lâm Tế (thế kỷ XIII). Như vậy, chỉ riêng sự ra đời của dòng thiền này cũng đã thể hiện tinh thần, khả năng đoàn kết và dung hội của nó. Không chỉ là sự kết hợp giữa các dòng thiền, ta còn có thể thấy giáo lý của thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, là sự thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”… . Nhưng quan trọng nhất, bằng sự kiện thiền phái Trúc Lâm được sáng lập, Thiền tông ở Việt Nam đã chuyển thành Thiền tông Việt Nam.

Sau khi thiền phái Trúc Lâm ra đời, Phật giáo Việt Nam cũng chuyển sang giai đoạn mới, đó là thời kỳ Phật giáo thống nhất. Trước nhất, Trần Nhân Tông cho xây dựng cơ sở hạ tầng, mở trường giảng dạy, hóa độ tăng chúng để đào tạo lớp kế cận và truyền bá tư tưởng của thiền phái. Sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát huy những giá trị văn hóa bản địa, văn hoá truyền thống. Ðây cũng chính là sự đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng người ở từng thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể. Chính Ngài đã đem giáo lý ngũ giới, thập thiện đi khắp nơi để giáo hoá người dân, khuyên họ nên phá bỏ “dâm từ”, giúp họ trở nên hiền hoà và đạo đức hơn.

Có thể nói, Thiền phái Trúc Lâm -Yên Tử đã tạo nên lực hấp dẫn mạnh mẽ, là nền tảng cho sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, tập hợp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành mang đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Không những thế, sự ra đời của dòng thiền này còn mở ra phong trào học Phật mới. Lấy tôn chỉ Thiền tông: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” làm chủ đạo, Đức đệ nhất Tổ đã khéo léo kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển những lời kinh chết trong sách vở thành những bài kinh sống nơi người, chứng minh cho tâm thiền sáng ngời không có gì sai khác.

Sau thời Trúc Lâm tam tổ ( sơ tổ Nhân Tông, nhị tổ Pháp Loa và tam tổ Huyền Quang), do điều kiện lịch sử và thời gian, hầu hết các tài liệu đều cho rằng thiền phái Trúc Lâm không còn truyền thừa. Có lẽ chỉ có bảng danh sách của Hòa thượng Phúc Điền trong Kế đăng lục là tài liệu duy nhất chứng tỏ thiền phái Trúc Lâm vẫn tiếp tục truyền thừa sau khi Huyền Quang mất. Tuy không còn nhiều tài liệu ghi lại, song chắc chắn, tư tưởng và nội dung của Thiền phái này vẫn tồn tại và hòa vào văn hóa dân tộc. Đến thế kỷ XVIII, Ngô Thì Nhậm – một nhà Nho nhưng am hiểu và kính tín Phật giáo đã nêu lại những nguyên lý quan trọng của thiền phái Trúc Lâm bằng những luận giải vô cùng sâu sắc của mình trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, với ý muốn kế tục tinh thần của thiền phái Trúc Lâm đời Trần.

Sau thời kỳ này, Thiền tông Việt Nam hòa mình vào dòng chảy chung của Phật giáo dân tộc, nhưng những năm gần đây lại có xu hướng phục hưng và phát triển, với các biểu hiện hết sức cụ thể. Người được đánh giá là có công trong việc phục hưng Thiền tông Việt Nam ở trong nước là Hòa thượng Thích Thanh Từ. Thiền sư đã có nhiều công sức trong việc hướng dẫn tu thiền và tạo dựng nếp sống thiền bằng cách áp dụng nghi thức “Lục thời sám hối” của Trần Thái Tông và dịch thuật, giảng dạy các tác phẩm tiêu biểu của thiền phái Trúc Lâm như Ngữ lục, Khóa hư lục, Thiền tông bản hạnh, Kiến tánh thành Phật… và cho rằng: “Chúng ta nên học theo gương đời Trần để làm sáng tỏ tinh thần độc lập của dân tộc mình”(Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng, Thích Đạt Ma Quán Hiền s.t, b,s; Thích Nhật quang giới thiệu, 2013, thiền tông Việt Nam trên con đường phục hưng và hoằng hóa, tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.566). Trên tinh thần ấy, Hòa thượng đã Việt hóa các nghi thức tu tập hàng ngày, từ câu niệm Phật đến kinh văn tụng đọc và lấy hai chữ “Trúc Lâm” để đặt tên cho các thiền viện do ngài hưng công xây dựnghoặc có liên quan. Bên cạnh đó, Hòa thượng Thanh Từ cũng liên tục tổ chức các khóa tu thiền, giảng giải giáo lý Thiền tông Việt Nam, gắn tư tưởng Thiền tông Việt Nam với thực tiễn xã hội, đưa Thiền hòa nhịp với cuộc sống đương đại.

Cùng chung mục đích với thiền sư Thích Thanh Từ, thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã bỏ nhiều công sức cho việc giới thiệu và truyền bá Thiền tông Việt Nam ở nước ngoài. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kế thừa tinh thần nhập thế tích cực của Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm, đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism). Qua ngài, tinh thần của Thiền tông Việt Nam được truyền bá rộng rãi ra nước ngoài, như tinh thần bình thản, cư trần lạc đạo…. Sư Ông đến thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền trên nền tảng tư tưởng Thiền tông Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới.

Về cơ bản, tư tưởng của Thiền tông Việt Nam cũng mang tư tưởng của Thiền tông nói chung, khi cho rằng Phật tại tâm ( Phật tính có trong mỗi con người), Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác (Phật pháp ở tại thế gian và không tách rời thế gian) và kiến tính thành Phật ( không cần tìm cầu ở bên ngoài, mà dùng trí tuệ để nhìn thấy chân tính của tâm mình thì có thể giác ngộ); nói cách khác, có thể tìm sự giác ngộ qua những hành động, việc làm trong cuộc sống hàng ngày, tức là nếu con người hướng thiện bằng cách phục vụ nhân sinh, vì cuộc sống con người, người đó sẽ tiến dần đến giải thoát.Tuy nhiên, dường như những tư tưởng ấy của Thiền tông được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng hơn, tạo nên nét đặc trưng của Thiền tông Việt Nam, đó là tính dân tộc và tinh thần nhập thế xuyên suốt tư tưởng và hành động của Thiền tông Việt Nam trong lịch sử phát triển và tồn tại. Nhập thế vốn là thuật ngữ được hình thành từ Nho giáo, với việc đòi hỏi con người phải có ý chí tiến thủ mạnh mẽ, tinh thần tự cường không nghỉ, có ý thức về sứ mệnh lịch sử của bản thân và trách nhiệm đối với xã hội, nhưng nhập thế theo quan điểm của thiền phái Trúc Lâm là nhập vào đời sống xã hội và tích cực hơn là đóng góp, cống hiến sức mình cho nhân dân, cho dân tộc, cho sự phát triển của xã hội. Cũng là nhập thế nhưng sự nhập thế của các thiền sư Trúc Lâm mang mục đích xã hội, hướng về xã hội mà phụng sự, lo lắng và có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước, sự an nguy của dân tộc, của nhân dân; còn hành động nhập thế của các thiền sư Trung Hoa thì cơ bản chỉ trong phạm vi sinh hoạt cá nhân hoặc nội bộ thiền viện. Đây cũng là nét đặc sắc trong tinh thần nhập thế của Thiền tông Việt Nam.

Vai trò của Thiền tông Việt Nam đối với cuộc sống đương đại

Thiền tông Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của mình trong đời sống xã hội, đời sống tinh thần của người dân bởi các được vai trò, giá trị vốn có của mình:

Góp phần tạo nên một xã hội ổn định

Chúng ta đều biết, sự dân chủ, bình đẳng và tinh thần từ bi hỉ xả sẽ tạo ra một xã hội ổn định, mà tư tưởng của Thiền tông Việt Nam lại thể hiện khá rõ ràng những đặc tính này. Như đã đề cập, tư tưởng của Thiền tông Việt Nam là Phật tại tâm, kiến tính thành Phật, tính dân tộc và tinh thần nhập thế. Theo tinh thần đó, ai cũng có thể thành Phật và chính điều đó tạo ra sự bình đẳng cho mọi người, để họ có tinh thẩn hợp tác, tham gia tích cực vào xã hội, hướng tới sự nhân ái hòa bình – biểu hiện của tinh thần bác ái, cải cách xã hội bằng cách cải cách từng thành viên và đi vào gốc rễ thâm sâu nhất, đó là tâm của mỗi người.

Tinh thần dân chủ, bình đẳng được thể hiện khá rõ ràng trong các sinh hoạt thiền tại các thiền viện. Trong những năm gần đây, khá nhiều các tự viện tổ chức và tổ chức thường xuyên các khóa tu thiền. Số lượng người tham gia cũng ngày một đông và hứng thú hơn. Tại đây, không có sự phân biệt giàu nghèo, địa vị, nghề nghiệp, lứa tuổi, tôn giáo của các thiền sinh. Điều này thể hiện sự bình đẳng trong chủ trương tổ chức và chiêu mộ thiền sinh đến sinh hoạt thiền. Ngoài ra, những biểu hiện như trang phục giống nhau giữa các thiền sinh, bữa ăn không dùng đũa mà chỉ dùng thìa để xẻ thức ăn (thìa cá nhân và thìa chung để chia phần thức ăn từ đĩa/bát đựng thức ăn ra bát cá nhân) thể hiện sự tôn trọng với người ăn sau. Điều này cho thấy sự bình đẳng với mọi thiền sinh khi tham gia khóa tu thiền. Nhìn rộng hơn, sự bình đẳng giữa các cá nhân trong cộng đồng là yếu tố cần thiết cho một xã hội ổn định. Sự dân chủ thể hiện ở việc một số vấn đề của xã hội được đưa ra bàn luận, các thiền sinh có thể trao đổi, đóng góp ý kiến của mình, còn lối sống lục hòa giúp thiền sinh được tôn trọng và đối xử bình đẳng như nhau trên tinh thần hòa hợp, yêu thương, điều đó sẽ giúp các thiền sinh tôn trọng mọi người, tương thân tương ái..

Bên cạnh đó, một hiệu quả khác mà các khóa tu thiền đem lại, đó là góp phần hạn chế các vấn nạn xã hội. Hiện nay xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân. Vấn nạn tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng đã làm không ít người chạy theo lối sống vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Các tệ nạn xã hội khác đang có chiều hướng gia tăng với nhiều hình thức, biểu hiện khác nhau như mại dâm, ma túy, cờ bạc, rượu chè và đặc biệt là HIV/AIDS… Điều này tạo ra tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí mất niềm tin vào thế giới hiện thực của một bộ phận nhân dân. Họ tìm nhiều điểm tựa tinh thần, trong đó có Phật giáo để vượt qua những khó khăn, bất hạnh. Nhiều người đã chọn những khóa tu tại các chùa để tìm cho mình và tạo lập lối sống lành mạnh, tự tạo ra “kháng sinh” cho bản thân mình. Trong các khóa tu, sau giờ học, các bạn trẻ được học hát, tham gia trò chơi cộng đồng, chăm sóc và bảo vệ mội trường thiên nhiên xung quanh, được giao lưu, đốt lửa trại, đọc sách, sám hối… Đây là lúc mỗi thành viên nhìn lại những việc mình đã làm, thành thật với bản thân những điều chưa tốt để sửa chữa và cố gắng hơn. Ở góc độ nhất định, các khóa tu là hình thức giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng theo tinh thần thương yêu (bi), hiểu biết (trí) và can đảm (dũng). Ngoài ra, những sinh hoạt cộng đồng như đã nói ở trên giúp mỗi cá nhân quan tâm hơn đến những người xung quanh, không còn bàng quan trước cuộc sống. Đạo lý duyên sinh (mọi người nương nhau) và lục hòa ( sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp) cho thấy Phật giáo đã và đang hướng con người tới lối sống cộng đồng, tự nguyện chia sẻ vui buồn, hạnh phúc, khó khăn với những người quanh mình, bồi đắp tình thương yêu và ý hướng tiến bộ. Những điều đó sẽ giúp tạo ra một xã hội ổn định, an lành.

Góp phần ổn định và phát triển kinh tế

Thiền tông Việt Nam với tinh thần nhập thế tích cực, dấn thân để phục vụ xã hội là tư duy cần thiết để phát triển kinh tế, đặc biệt là thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. Tư tưởng ấy tuy không tác động trực tiếp vào việc hoạch định đường hướng phát triển kinh tế của mỗi địa phương song sẽ ảnh hưởng tới đời sống kinh tế xã hội, làm thay đổi nhận tức về tư duy xây dựng kinh tế. Vì mục đích tư tưởng Thiền tông Việt Nam là xây dựng đời sống an lạc và giải thoát, nhưng muốn an lạc thì đời sống kinh tế phải vững mạnh, phát triển kinh tế bền vững và hài hòa… Điều đó sẽ tạo cho con người ý thức tiết kiệm trong sinh hoạt, để từ đó gây dựng nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tập trung phát triển kinh tế. Một trong những thay đổi dễ nhận biết nhất, đó là một số hủ tục như ma chay dài ngày, cưới hỏi nhiều hủ tục đã dần được thay thế bởi các nghi lễ Thiền tông Việt Nam trang trọng, đơn giản. Ngoài ra, khi hiểu cốt lõi tư tưởng Thiền tông Việt Nam, người dân sẽ hiểu được truyền thống của Thiền tông Việt Nam và lịch sử dân tộc là “luôn đồng hành” để có tinh thần xây dựng và cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Sinh hoạt thiền với các hoạt động thiện nguyện, từ thiện xã hội như tham gia cứu trợ nhân đạo, xây dựng nhà dưỡng lão, cô nhi viện,… là sự đóng góp tích cực về mặt kinh tế với xã hội. Ngoài ra, thông qua việc phát tâm công đức, cúng dường của Phật tử; việc kinh doanh dịch vụ phục vụ khách hành hương, chiêm bái, tham dự khóa thiền như phát hành kinh sách, băng đĩa hình, trang phục dành cho Phật tử, đồ lưu niệm… góp phần tạo ra nguồn lực vật chất, nguồn lực kinh tế nhất định trong việc duy trì khóa thiền, chỉnh trang và trùng tu các tự viện là di tích lịch sử – văn hóa, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước khi thực hiện công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Đạo đức, lối sống Thiền tông với đặc trưng là thực tế, giản dị, linh hoạt, lạc quan, phát huy lối sống lục hòa, thực hành thập thiện. Trong đó, nhân sinh quan thực tế, linh hoạt, nhập thế tích cực để tạo ra sự an lành, hạnh phúc cho xã hội là tư duy nhạy bén cần thiết trong hoạt động kinh tế. Tinh thần lạc quan là yếu tố cần thiết đối với một người làm kinh tế trước áp lực của cạnh tranh, “thương trường như chiến trường”, để từ đó có quyết sách phù hợp, giảm thiểu stress. Lối sống lục hòa, thực hành thập thiện giúp người làm kinh doanh hướng tới sự tôn trọng khách hàng, tôn trọng những người cùng kinh doanh “buôn có bạn, bán có phường”. Như vậy, đạo đức, lối sống Thiền tông có khả năng góp phần tạo ra văn hóa kinh doanh, để lợi nhuận của các doanh nghiệp được tạo ra một cách chính đáng và bền vững, thương hiệu của doanh nghiệp được duy trì trên cơ sở uy tín, việc làm giàu của các doanh nhân dựa trên cơ sở lợi ích của cộng đồng và vì cộng đồng.

Góp phần gìn giữ chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp và định hướng hành vi

Tư tưởng Thiền tông Việt Nam thể hiện rõ tinh thần từ bi, hướng thiện, đoàn kết, hòa hợp, khuyến khích tinh thần tham gia hợp tác xã hội và hoạt động có tính cộng đồng. Đây cũng là những điểm nổi trội của thiền phái này.

Tính hướng thiện là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo; tư tưởng bình đẳng, hoà bình, sống hòa hợp hoàn toàn phù hợp với xu hướng hoà đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay; lòng từ bi cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ….

Thêm vào đó, những không gian của các tự viện, thiền viện luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận…. Tất cả những điều đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo hóa con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản, coi trọng thiên nhiên…. Bên cạnh đó, lối sống của Thiền tông Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “cư trần lạc đạo” đã góp phần xây dựng lối sống có trách nhiệm với một ý thức không tham quyền cố vị, không bám lấy lợi ích vật chất, sống thanh cao tự tại. Bởi theo đức Phật, tham và sân là hai năng lực tiêu cực mạnh mẽ nhất trong tâm thức của con người, chúng che khuất tầm nhìn và làm nhiễu loạn sự phán đoán của ta. Diệt trừ được tâm sân, đích thực là một thành tựu to lớn nhất của con người, như thế Phật giáo đã góp những giá trị văn hoá tích cực vào việc xây dựng đạo đức lối sống cho con người, nhất là cho tầng lớp trẻ hiện nay.

Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền Tông nói riêng còn góp phần rèn luyện cho mỗi người một lối sống kham nhẫn, khắc kỷ. Đó là những hình thức tu tập kiên nhẫn, vượt qua những cám dỗ của cuộc đời để lòng được thanh cao, tâm hồn được giải thoát. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có không ít người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, có lối sống liều lĩnh, bất chấp tất cả, thiếu kiên nhẫn, ít khả năng chịu đựng, gặp thất bại dễ buông xuôi,… thì lối sống khiêm cung, nhẫn nại của Phật giáo mang ý nghĩa giáo dục tính cách, lối sống cho bộ phận này.

Ngoài ra, những hoạt động cứu trợ nhân đạo, tổ chức lớp học tình thương, xây dựng nhà dưỡng lão, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí,…do các thiền viện chủ trì đã dần tạo cho các Phật tử, các thiền sinh và cả thanh thiếu niên tham gia tinh thần “mình vì mọi người”, “lá lành đùm lá rách”…. Cũng chính nhờ những hoạt động này mà con người được giác ngộ, hướng tới tâm Phật và có lối sống tốt đẹp hơn, hành vi hướng thiện hơn.

Với những giá trị tốt đẹp vốn có của Phật giáo và những đóng góp của Thiền tông Việt Nam trong xã hội đương đại, chắc chắn tư tưởng, tinh thần của Đức sơ tổ Giác Hoàng Điều Ngự sẽ trường tồn cùng nền văn hóa Việt Nam và dân tộc Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Duy Anh,Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964.
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2- Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1998.
  3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học. Hà Nội, 2000.
  4. Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
  5. Thiền học thời Trần, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, năm 1995.
  6. Thích Thanh Từ, Trúc Lâm Tam tổ giảng giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 1997.
  7. Hoàng Thị Thơ, Sự hình thành tư tưởng Thiền Phật giáo, Luận án tiến sĩ Triết học, Viện Triết học, 1988
  8. Nguyễn Quốc Tuấn, Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012
  9. Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng, Thích Đạt Ma Quán Hiền s.t, b,s; Thích Nhật quang giới thiệu, Thiền tông Việt Nam trên con đường phục hưng và hoằng hóa, tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013,
  10. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học- Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Tác giả:HT.TS Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bài viết liên quan

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Đại diện duy nhất cho tôn giáo được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” 2021
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Đại diện duy nhất cho tôn giáo được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” 2021

Gần 50 năm đi theo Phật, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Ban Trị...

Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam
Sơ Tổ Trúc Lâm – Trần Nhân Tông (1258 – 1308)

Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng...

Chuyện Trà – Trần Quang Đức
Chuyện Trà – Trần Quang Đức

TRÍCH “TỰ TỰA”Trần Quang Đức[…] Xét ra, con người ai chẳng có hai phần tính...

THẤT TÌNH LỤC DỤC KHIẾN CON NGƯỜI TA PHẢI SA ĐỌA 6 NẺO LUÂN HỒI…!!!
THẤT TÌNH LỤC DỤC KHIẾN CON NGƯỜI TA PHẢI SA ĐỌA 6 NẺO LUÂN HỒI…!!!

1.Thất tình: Bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như: Vui mừng,...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam

Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái...

“Ông hoàng kinh doanh Nhật Bản” Kazuo Inamori qua đời, để lại 3 chân lý về ý nghĩa cuộc sống
“Ông hoàng kinh doanh Nhật Bản” Kazuo Inamori qua đời, để lại 3 chân lý về ý nghĩa cuộc sống

Có thể nói, tất cả chuyện phát sinh đều là do cái tâm tạo ra,...

Để lại một bình luận