TRÍCH “TỰ TỰA”
Trần Quang Đức

[…] Xét ra, con người ai chẳng có hai phần tính cách, phần động hướng ngoại và phần tĩnh hướng nội. Tùy từng thời điểm, từng chặng đường phát triển, tâm tính bộc lộ ra có lúc này lúc khác. Khi sôi nổi thì hòa đồng, lăn xả, thích khuấy động cho ra trò; lúc trầm lắng lại rút về cô độc, tha thẩn chơi trong một góc riêng mình. Cái thú trước cuộc rượu bàn trà cũng như thế. Rượu có xu hướng hướng ngoại, trà thì hướng nội. Uống rượu ắt phải có hội bạn, cùng nhau ngả nghiêng vung chén, hò hét vang trời mới vui. Còn thưởng trà chỉ cần một đôi người, khi xem hoa sớm, lúc ngắm trăng khuya, nhiều khi chẳng cần bầu bạn, bất tất nhiều lời.

Rượu đa phần có sẵn, ẩm giả lấy rượu là men say, tạo hứng khởi hoặc xua tan phiền muộn, “hôm nay có rượu, nay say khướt; ngày mai sầu đến, ngày mai sầu” (La Ẩn), “chỉ mong già chết trong hoa rượu, chẳng muốn khom mình trước ngựa xe” (Đường Dần), mấy ai có nhu cầu tìm hiểu sử rượu, cũng như cách thức nấu pha. Trà lại khác. Trà phải để ý nước nôi, sắp đặt ấm chén chậm rãi thong thả, trà nhân cũng thường khoái cảnh nhâm nhi chén trà bên trang sách, “trà quện hương hoa mộc, sách xanh biếc tàu tiêu” (Cao Bá Quát), “kẹp sách im lìm song trúc biếc; chén trà thanh nhẹ án sen thơm” (Tuy Lý vương Miên Trinh). Người thưởng trà cũng thích tìm hiểu xem các phẩm trà ngon được chế tác thế nào, hương trà bởi đâu mà có, cách pha hãm làm sao để được chén trà thơm ngon, tinh tế. Đi xa hơn, còn thắc mắc, trà nguyên sản từ đâu; đất Việt có những danh nhân nào sành trà; các vị Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát thưởng trà, cách thức có khác nhau không? Nhu cầu tìm hiểu sử trà bởi vậy cần thiết hơn rượu. Chuyện Trà ra mắt bạn đọc là vì thế […]

TRÍCH “NHÂN DUYÊN TỪ TRÀ”
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Hồng
[…] Lần đầu tôi gặp Trần Quang Đức tại một quán trà ấm cúng, bàn luận về trà và một vài đoạn trích trong Trà kinh, rồi sau đó chúng tôi trở thành bạn trà từ lúc nào không hay. Một nhóm bạn thường xuyên tụ tập uống trà, luận bàn sách vở, lâu thành quen, không chỉ thử trà mới từ các vùng chè gửi về, còn kể cho nhau nghe những câu chuyện Đông Tây kim cổ về trà. Với kiến thức phong phú, Trần Quang Đức luôn kể cho chúng tôi những khám phá thú vị của anh về trà cũng như những câu chuyện lịch sử xoay quanh. Do chúng tôi khát cầu kiến thức nên luôn tìm cách hỏi thêm và lần nào cũng nhận được những câu trả lời đầy ắp thông tin, lại còn được gợi mở nhiều điều hay ho hơn nữa. Lâu dần, ai cũng nghĩ, sao Trần Quang Đức không viết một cuốn sách về trà, một cuốn sách mang tính khảo cứu dựa trên lịch sử, không võ đoán, không thiên vị, một cuốn sách kể lại lịch sử trà nhưng không khô khan mà được dẫn dắt bởi người kể chuyện đầy kinh nghiệm? Trần Quang Đức nhận lời, vì đó cũng là nỗi bận tâm của anh từ lâu.
Chúng tôi đã cùng Trần Quang Đức đi thăm một vài vùng chè, gặp gỡ nhiều người sản xuất chè đặc sản để anh hiểu rõ hơn về ngành chè Việt Nam. Các cuốn khảo cứu mang tính chuyên môn nhất của ngành chè cũng được gửi tới anh. Trần Quang Đức rất bận với nhiều lịch giảng dạy trong Nam ngoài Bắc, nhưng việc trải lòng với trà vẫn được anh giữ nhịp đều đặn. Còn nhớ quãng tháng Tư năm 2020 khi đại dịch Covid bắt đầu tràn lan trên thế giới và Hà Nội bắt đầu có những đợt giãn cách đầu tiên, tôi nhận được bản thảo của chương một, “Trà nguồn cội”. Thực tình, đêm đó tôi đã thức để đọc liền mạch và chẳng tài nào ngừng được. Lời văn tuôn chảy như có sẵn trên đầu bút, như mạch suối nguồn thông suốt, thanh tỉnh và mát mẻ, tràn đầy năng lượng. Sau đó, khi cuộc sống tạm trở lại bình thường, Trần Quang Đức có nói anh sẽ thay đổi cách viết một chút và cần thêm thời gian để nghiên cứu, và rồi anh đi Huế, Hà Giang v.v. Lần nào gặp lại, chúng tôi cũng đùa về việc thai nghén cuốn sách trà của anh, sao mãi vẫn chưa thấy chào đời. Thế mà bẵng đi đến giữa năm 2021, anh đã vào Đà Lạt “khăn gói ở ẩn” từ lúc nào, để “dụng tâm tận lực” hoàn thành cuốn trà thư.
Ngày gặp lại sau hai tháng với bản thảo cuốn Chuyện Trà, Trần Quang Đức đọc cho chúng tôi nghe một vài đoạn trong cuốn sách, cả phòng khi thì cười rộ, khi thì tâm đắc vỗ đùi, lúc lại trầm ngâm suy tưởng. Bản thảo lần này không chỉ như suối nguồn tuôn chảy về kiến thức mà nhiều quãng là sự cô đọng, nhấn nhá của từng ngụm trà được ủ vừa đủ, rót ra đúng lúc. Có hương thơm thoảng của hoa và cỏ lá rừng già, có cái chát nhẹ nhưng ngọt dịu cuống lưỡi, có cái thanh mát như bạc hà lẩn khuất, uống rồi vẫn còn dư vị đâu đây, còn muốn nâng chén lên tiếp tục thưởng thức […]

Bài viết liên quan

Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam
Sơ Tổ Trúc Lâm – Trần Nhân Tông (1258 – 1308)

Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng...

THẤT TÌNH LỤC DỤC KHIẾN CON NGƯỜI TA PHẢI SA ĐỌA 6 NẺO LUÂN HỒI…!!!
THẤT TÌNH LỤC DỤC KHIẾN CON NGƯỜI TA PHẢI SA ĐỌA 6 NẺO LUÂN HỒI…!!!

1.Thất tình: Bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như: Vui mừng,...

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam

Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái...

“Ông hoàng kinh doanh Nhật Bản” Kazuo Inamori qua đời, để lại 3 chân lý về ý nghĩa cuộc sống
“Ông hoàng kinh doanh Nhật Bản” Kazuo Inamori qua đời, để lại 3 chân lý về ý nghĩa cuộc sống

Có thể nói, tất cả chuyện phát sinh đều là do cái tâm tạo ra,...

THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ – HT. THÍCH THÔNG PHƯƠNG

Dầu ai quyết chí tu hành, Có lên Yên Tử mới đành lòng tu. DẪN...

ĐỈNH CAO CỦA ĐỜI NGƯỜI
ĐỈNH CAO CỦA ĐỜI NGƯỜI

Trong cuộc sống này, không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải thể hiện,...

Để lại một bình luận