Nằm trong một con phố tĩnh lặng và khá là khuất nẻo, có vẻ như Vô ưu trà quán – 68E Trần Quang Diệu – đã tìm được một chốn đắc địa cho những người muốn tịnh tâm.
Trà – như giới thiệu của chủ quán, chỉ là phương tiện để những người có chung mối quan tâm về văn hóa phương đông tụ họp. Chính vì không đặt nặng mục đích kinh doanh như thế cho nên quán có phong cách rất riêng, từ cách bài trí cho tới cách pha trà, phục vụ. Đến “Vô ưu trà quán” một lần, lại muốn đến tiếp những lần sau cho bớt nặng những lo toan ngày thường.

Không giống với một Trà hoa chật chội hay hiên trà Trường Xuân bí bức, Vô ưu trà quán có ngay được thiện cảm của khách với không gian rộng rãi và yên tĩnh, trang trí kiểu phương Đông (nhưng không cố định một phong cách nào: có đủ tranh ảnh của Ấn Độ, Nepal; thư pháp chữ Việt; nhân viên mặc cả kimônô và áo dài…). Phòng trà tầng 1 mở thông cửa ra hiên ngoài xanh mướt bóng cây, đặc biệt lúc chiều tối nhìn chếch sang phía bên đường đầy những đèn màu rộn rã, thấy lòng tự dưng nhẹ nhõm, thanh thản không ngờ.
Trà của quán được giới thiệu là trà sạch, ướp hương tự nhiên, không dùng tinh dầu song hương vị rất đậm đà với những cái tên nghe-đã-muốn-uống như: Vô ưu trà, Tịnh tâm trà, Tiêu dao trà… Bên cốc trà bách hoa thơm ngọt, luôn sẵn có dăm ba cuốn sách hay về tâm linh, triết lý phương Đông hay bàn luận về thiền định, nhân sinh. Nghe nói, mỗi buổi sáng sớm tất cả các nhân viên trong quán đều ngồi tập dưỡng sinh, thiền định, sau đó mới bắt tay làm việc để tinh thần khi pha trà được thư thái, nhẹ nhàng.
Tầng 2 của quán có nhiều phòng riêng, rất tiện để họp nhóm hoặc ngồi thiền. Tầng 3 là thư viện sách nơi chủ quán đã dày công sưu tầm và lưu giữ nhiều tài liệu về lịch sử, văn hóa phương Đông.

Trong số các quán trà mình đến, Vô ưu trà quán có một tinh thần nhất quán và rõ rệt hơn hẳn. Hãy khoan nói đến chiều sâu của phong cách, bởi với những kẻ ngoại đạo như mình thì quan sát bằng mắt thường có ích gì. Có điều, tinh thần thiền và ước muốn lưu giữ những nét đẹp của văn hóa phương Đông thì rất đậm nét và hiển hiện trong toàn bộ không gian và tinh thần của quán. Dù quán mở được hơn một năm song lượng khách đến có vẻ không nhiều và khá “chọn lọc” so với những quán trà thông thường. Có những người vừa uống trà vừa tập thiền “ngay tại trận”, dễ thấy cái tinh thần của quán đã ngấm sâu vào khách biết nhường nào.

Một vài “giá trị gia tăng” của quán: Vào tối thứ 4 và thứ 7 có biểu diễn nhạc dân tộc với đàn tranh, sáo, bầu, ghita… Ngoài ra, tại quán còn có các lớp học thiền, yoga… Nhân viên trong quán rất dễ chịu, nhiệt tình phục vụ và giải đáp những câu hỏi của khách về trà, về thiền, về…thập cẩm trên đời.

Tiếc một nỗi chưa được thử cơm chay của quán vì nhằm đúng hôm quán… được lên tivi, không kịp chuẩn bị cơm. Tự nhủ âu cũng là cái duyên, lần sau lại có cớ đến quán, và biết đâu lại ngấm được một chút tinh thần của quán để mon men học thiền?!

***

Đến “Vô ưu trà quán”, chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó đã giới thiệu:
“Chào người tri kỷ khách phương xa
Tới quán dừng chân uống chén trà
Tâm tư phiền muộn xin gửi lại
Vô ưu mang về một đoá hoa !…”

Có khi không phải là mang về một đóa hoa mà bỗng dưng tâm hồn mình đã nở một đóa hoa!

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời