Uống trà là bản sắc văn hoá truyền thống Á Đông. Ở các nước phương Đông như Việt Nam, Nhật Bản, và Trung Quốc, trà được tôn vinh là “quốc ẩm”. Cùng với cầm, kỳ, thư, họa, thi, tửu, trà được các văn nhân Trung Quốc coi là một trong bảy nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống. Điều này cho thấy trà đã trở thành một thứ truyền tải văn hóa-nghệ thuật truyền thống ở phương Đông.
Trà đạo Nhật Bản
Vào năm Thiệu Hy thứ hai thời Nam Tống, có một vị cao tăng người Nhật là Eisai sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ông mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này, ông cũng là người viết cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki), ghi lại mọi chuyện liên quan tới việc uống trà.
Từ đó, người Nhật đã kết hợp việc uống trà với tinh thần thiền định của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, trở thành trà đạo, một nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản.
Từ việc uống trà tới cách pha trà, rồi nghi thức thưởng thức trà, cho đến khi đúc kết thành trà đạo là một nét văn hóa được người Nhật coi là tôn giáo. Hiển nhiên ở đây trà đạo không đơn thuần là phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện làm trong sạch tâm hồn: trước tiên cần hòa mình với thiên nhiên để tu sửa nội tâm, nuôi dưỡng tính và đạt tới giác ngộ.
Bốn nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật trà đạo của Nhật Bản là: “Hòa, kính, thanh, tịch” – đó cũng là ảnh hưởng từ nghệ thuật trà đạo Trung Hoa. Khác với trông chờ vào ngoại cảnh, trà đạo thuộc về lối sống tự làm chủ bản thân mình.
Trà đạo Trung Hoa
Chứa đựng nội hàm thâm sâu, trà đạo cũng là một biểu tượng văn hóa của Trung Hoa. Trong văn hóa trà, người Trung Quốc không chỉ coi trọng việc lựa chọn lá trà, mà còn chú trọng về trình tự uống trà, tức là nghệ thuật thưởng trà.
Nghệ thuật uống trà bao gồm hai phần: một là phương pháp thưởng thức trà, gồm: thế (ngâm) trà, thưởng trà, văn (ngửi) trà, ẩm (uống) trà; mặt khác là tu dưỡng, tức là phải thông qua tu thân, nuôi dưỡng tinh thần, nâng cao tư tưởng cá nhân thông qua việc ẩm trà.
Thưởng trà và ẩm trà có thể giúp tĩnh tâm, vững tinh thần, khiến tình cảm trở nên sâu đậm hơn. Điểm này hòa nhịp với tư tưởng “thanh tịnh, yên tĩnh” của triết học phương Đông và cũng phù hợp với tư tưởng “tu tâm hướng nội” của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Tinh thần trong trà đạo chính là hạt nhân trong văn hóa trà, cũng là linh hồn chính trong văn hóa trà đạo.
Người sáng lập nghệ thuật trà đạo Trung Hoa đời Đường là Lục Vũ. Ông đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về trà đạo và viết nên cuốn sách nổi tiếng “Trà Kinh”. Đồng thời, ông cũng là người khởi xướng việc dung nhập tất cả các cảnh giới cần có trong cầm, kỳ, thi, họa vào trong trà đạo, coi trọng giá trị nhân văn, thông qua đó đề cao cách sống tiết kiệm, đạm bạc, yên tĩnh.
Lời nói, ngôn ngữ, cũng như cử chỉ hành động của người uống trà cũng phải toát lên sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên. Không có những tạp âm hỗn loạn ồn ào nơi phố xá, không có những tranh đấu bon chen nơi thế tục, chỉ có tiếng chim hót và hương thơm của hoa cỏ, tiếng đàn cổ du dương và mây trôi lững lờ, tất cả làm tinh thần người thưởng trà trở nên thư thái, thanh thản, tâm hồn như được thăng hoa.
Đó cũng chính là phản ánh tâm tư của người thưởng trà, hy vọng xã hội này bớt đi sự tranh giành ganh đua vì danh vì lợi, có nhiều thêm sự yên tĩnh an lành; bớt đi sự hào nhoáng bề ngoài, có nhiều thêm sự chân thành giữa người với người.
Có thể nói “trà đạo” chính là một sự kết hợp hoàn hảo của “nghệ” (nghệ thuật) và “đạo” (tinh thần). Nếu chỉ có “nghệ” thì cũng giống như chỉ có hình thể mà không có thần thái, nếu chỉ có“đạo” thì cũng như có thần mà vô hình vô dáng.
Trà đạo Việt Nam
Không giống như “trà kinh” của Trung Quốc hay “trà đạo” của Nhật Bản, tại Việt Nam, các bậc tiền nhân cho rằng uống trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức.
Cách thưởng trà của người Việt cũng mang nét văn hóa riêng: trước khi uống thường đưa qua mũi để tận hưởng hương vị trà, sau mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ thấy chát đắng, sau đó chuyển sang vị ngọt dịu, lòng sảng khoái luận về trà.
Người Việt thường dùng trà mộc ướp với nhiều hương liệu khác nhau thành trà sen, trà hoa nhài, trà bạch ngọc, trà mật ong, trà long nhãn, trà nhân sâm… Mỗi loại trà làm nên một hương vị khác nhau, trong đó trà sen là thứ trà quý nhất trước kia chỉ dành cho bậc vua chúa.
Nói về thưởng trà, người Việt thưởng trà theo cách độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), hay quần ẩm (nhiều người). Trà dùng khi độc ẩm thường là lúc thưởng nguyệt ngâm thơ, nếu đối ẩm thì cùng cởi mở văn bài tiêu dao, thậm chí hưng phấn thì cầm kỳ thi họa và cùng nhau thưởng thức tiếng oanh nỉ non ngoài vườn. Trà cũng như người bạn tâm giao của con người, giúp cho người ta nhớ đến tri ân, tri kỷ hoặc suy ngẫm về người, về mình, về nhân tình thế thái những năm tháng qua.
Người Việt có câu rằng: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Bởi “nhất thủy, nhì trà”, nên nước dùng pha trà phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời hay từ suối nguồn tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen vào buổi sớm mai. Cách đun nước cũng phải phải đảm bảo giữ được độ thanh tĩnh và không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà. Người trong Hoàng cung xưa khi pha trà thường rất cầu kỳ và công phu, phải hứng từng giọt sương trên búp sen vào lúc chưa có nắng. Còn các bô lão xưa thường dùng nước mưa để giúp cho nước trà tăng thêm vị ngọt, sau khi uống sẽ thấy vị ngọt lưu lại nơi cổ họng.
“Tam bôi, tứ bình” chính là bộ ấm pha và 4 chén quân cùng với 1 chén tống để chuyên trà. Trước khi pha trà phải tráng ấm bằng nuớc sôi cho nóng trước rồi cho trà vào, khi pha xong đậy nắp kín tiếp tục rót nước sôi từ trên nắp xuống như tắm ấm để giữ nhiệt độ trong ấm, giúp cho các cánh trà được thấm đều.
Còn “ngũ quần anh” là tìm bạn trà, khó hơn tìm bạn rượu. Vì bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm hay bàn chuyện nhân tình thế thái để cảm nhận trong trà có cả trời đất, cỏ cây.
Như vậy, trong văn hóa của phương Đông, trà đạo vừa ẩn chứa vẻ đẹp tinh anh và thanh tao của Phật giáo, vừa ẩn chứa vẻ đẹp thầm kín huyền ảo của Đạo giáo, lại vừa ẩn chứa vẻ đẹp nho nhã hàm xúc của Nho gia. Nói một cách ngắn gọn, “trà đạo” ẩn chứa nội hàm của tu dưỡng. Vậy mới nói, văn hóa giống làn gió xuân, âm thầm nuôi dưỡng để hình thành nên bông hoa tinh khiết tuyệt vời – và đó chính và văn hóa trà đạo.
Kiên Định tổng hợp
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên TV
Bài viết liên quan
Bát nhã tâm kinh
Tâm kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn Khi bồ tát Quán Tự Tại hành...
Th7
Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải(1996)
Đạo Phật lấy giác ngộ làm cội gốc, Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhàrtha) tọa thiền dưới...
Khoá học giúp ra quyết định sáng suốt
Nếu bạn bỏ lỡ khoá học này, mình sẽ tiếp tục ra những quyết định...
Th4
Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ Tát – Quán Thế Âm – HT THÍCH THANH TỪ
Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời...
Th3
Bài thuốc ngâm chân và Văn hóa Đạo Hiếu của Người Dao
Và cái văn hóa đạo hiếu người dao nó có một câu chuyện rất là...
Th1
Giới thiệu về CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA
CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA là đơn vị chuyên về các bài...
Th1