Không nói ngắn chẳng nói dài,
Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai.
Tìm hay, lại hóa người chê vụng,
Bắn sẻ ai dè sói chực ngay.
Công danh cái thế màn sương sớm,
Phú quí kinh nhân giấc mộng dài.
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,
Công lao uổng phí một đời ai.

Thiền Sư MINH CHÁNH
.,…..

Thiền sư Thanh Đàm hiệu Minh Chánh là Trụ trì chùa Bích Động ở làng Đam Khê, phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình. Người khai sơn chùa Bích Động là hai vị sư Trí Kiên và Trí Thể đến đây năm 1700. Thiền sư Minh Chánh là vị Trụ trì sau này. Sư là đệ tử Thiền sư Đạo Nguyên lúc bấy giờ đang trụ trì thiền viện Nguyệt Quang, một tổ đình của môn phái Chân Nguyên. Sư xuất gia năm 1807, thọ giới cụ túc năm 1810. Khoảng này có lẽ Sư hai mươi hoặc trên hai mươi tuổi.

Sau khi xuất gia, một hôm Sư hỏi Thiền sư Đạo Nguyên:
– Tâm không phải ở trong thân, cũng không phải ở ngoài thân, cũng không phải ở chặng giữa, vậy rốt cuộc tâm ở chỗ nào?

Đạo Nguyên cười xoa đầu Sư và nói bài kệ:

Theo thời ứng dụng,
Gặp vật thấy cơ,
Tánh vốn như như,
Nào ngại trong ngoài.

(Tùy thời ứng dụng,
Ngộ vật kiến cơ,
Tánh bản như như,
Hà quan nội ngoại.)

Ngày thọ giới cụ túc, Sư cũng được Đạo Nguyên cho một bài kệ:

Quang phóng giữa mày không phải Phật,
Dưới chân mây trắng chẳng là Tiên.
Bảo ông nuôi dưỡng trâu cường tráng,
Hôm sớm cày sâu mảnh ruộng nhà.

(Quang phóng mi gian vô đạo Phật,
Vân sinh túc hạ vị ngôn tiên.
Nhiêu quân bảo dưỡng ngưu nhi tráng,
Triêu tịch thục canh bỉ thốn điền.)

Đến năm 1819, Sư sáng tác sách Pháp Hoa Đề Cương tại viện Liêm Khê. Trong đây, Sư có đặt ra một số câu hỏi để giải thích về Diệu tâm như:

Hỏi: Tại sao không chỉ thẳng cái thứ nhất là Diệu Tâm xưa nay, mà lại chỉ cái thứ hai là căn tánh để làm phương tiện tu hành?

Đáp: Tâm vốn vô hình, làm sao mà chỉ? Trước kia tôi đã nói một lần rồi, ngôn thuyết và biểu thị, không nắm được tâm. Tuy vậy, dù tâm vô hình, nhưng sự ứng dụng của tâm lại có vết tích, vì có vết tích nên có thể chỉ bày khiến cho người tu học có thể nhìn vết tích của sự ứng dụng, do ánh sáng ấy mà về được tâm.

Hỏi: Dấu vết ấy ở đâu?

Đáp: Ở trên đối tượng lục trần. Do sắc mà có cái thấy, do thanh mà có cái nghe, lục trần là dấu vết ứng dụng của lục căn. Nay muốn nắm được dấu vết của căn thì phải quan sát cái thấy cái nghe nơi đối tượng sắc thanh. Nên biết rằng công dụng của căn là công dụng của tâm, căn nhận biết là tâm nhận biết; cái khác nhau là căn có tới sáu công dụng, mà tâm chỉ có một bản thể tinh minh. Chư Phật truyền nhau là căn pháp này, các vị Tổ truyền nhau là tâm tông ấy. Đó là bí quyết mà các kinh điển chỉ bày để được căn bản trí. Pháp ấn truyền trao qua lại các thời đại cũng lấy cái ấy để phát giác sơ tâm. Chứng ngộ mau hay chậm là vì căn cơ rộng hay hẹp…

Hỏi: Tâm ấn làm sao mà truyền?

Đáp: Đức Thế Tôn đưa lên một cành hoa, Ca-diếp mỉm cười, sau đó các Tổ truyền lại, gìn giữ, trường hợp khác nhau, chỉ có người giác ngộ mới tự biết.

Hỏi: Tu làm sao?

Đáp: Thôi! Thôi! Đó là phương pháp, Thiền sư Đạo Xuyên nói:

Tri âm, tự khắc tùng theo gió,
Trăng trong gió mát đất trời nhàn.

Lại nói:
Nắm được ở tâm,
Ứng được nơi tay
Tuyết gió hoa trăng
Trời đất lâu dài.
Cứ hễ canh năm gà gáy sáng,
Xuân về hoa núi nở ngàn nơi.

Hỏi: Mục đích tối hậu là gì?

Đáp: Hòa thượng Phổ Hóa nói: “Tìm chỗ đi tới không được…” Thôi xin chào, xin chào! Có bài kệ về pháp như sau:

Vạn pháp tuy nhiều không đếm xiết
Chung qui cũng chỉ thức căn trần.
Huyễn duyên dư ảnh dù không thực
Chân tri chánh kiến vẫn bao dung.
Gặp thầy chỉ dạy đường mê ngộ
Thấy Phật tìm ra lẽ sắc không
Nếu muốn lên mau bờ bến giác,
Con đường trước mặt chớ lần khân.

Năm 1843, Sư sáng tác sách Tâm Kinh Trực Giải. Sư có niêm tụng đề tài Thuần Đà như sau:

Niệm:
Hay lắm, Thuần Đà !
Hay lắm, Thuần Đà !

Tụng:
Không nói ngắn chẳng nói dài,
Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai.
Tìm hay, lại hóa người chê vụng,
Bắn sẻ ai dè sói chực ngay.
Công danh cái thế màn sương sớm,
Phú quí kinh nhân giấc mộng dài.
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,
Công lao uổng phí một đời ai.

Bài thơ ngộ nghĩnh nhất của Sư là bài thơ Tìm Tâm, có âm hưởng tiếng trống đánh:

Ngang lưng đeo trống đối tri âm,
Duỗi thẳng hai tay, đánh trống tâm.
Tập tập tìm tâm, tâm tất tập,
Tìm tâm, tâm tập, tập tìm tâm.
*
Âm thanh hợp vận, âm trùng họa,
Tịch chiếu tâm tông, tức tập tâm.
Trăng sáng, gió thanh thường tự tại,
Tìm tâm chẳng được, nghỉ tìm tâm.
*
Thôi nhé, tâm ta chẳng thể tầm,
Tìm tâm dẫu được, chẳng chân tâm.
Mang đèn xin lửa thêm điên đảo,
Thà đứng bên song hát khúc ngâm.
( Kiên kình yêu cổ đối tri âm,
Thư thủ vô vi phách cổ tâm.
Tập tập tầm tâm tâm tắc tập,
Tầm tâm tâm tập, tập tầm tâm.
*
Cổ thanh hợp vận tùng thanh họa,
Tịch chiếu tâm tông tức tập tầm.
Minh nguyệt thanh phong trường tự tại,
Tầm tâm bất đắc, tức tầm tâm.
*
Chỉ chỉ ! ngộ tâm bất khả tầm,
Tầm tâm túng đắc tắc phi tâm.
Tương đăng cầu hỏa tư điên đảo,
Bất nhược song tiền thủ nhất ngâm.)

Sư cũng thuộc về phái Trúc Lâm. Không biết Sư tịch ở đâu và vào lúc nào

Bài viết liên quan

“Công danh cái thế màn sương sớm,…” Thiền Sư Minh Chánh

Giảng tại chùa Phổ Đà TP Hồ Chí Minh – Mùa an cư 2001 Hôm...

TIẾNG GỌI THẦY TỪ PHƯƠNG XA

Khốn khổ thay! Chúng sinh như con với ác nghiệp và ác hạnh, Ðã trôi...

ĐỪNG CÓ ẢO – TƯỞNG!

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Hôm nay Thầy có ít lời nhắc...

NHÌN LẠI MỘT ĐOẠN NHÂN DUYÊN.

( S P. Hòa Thượng Thường Chiếu ) Tôi đi tu từ lúc 7 tuổi,...

Ván Cờ Sinh Tử

Lời vào truyện. Có bao giờ chúng ta nghe từ miệng một vị thiền sư dạy Đạo cho môn sinh như...

Chiếc áo cũ

Câu chuyện được kể lại từ thời Phật giáo Thiền tông hưng thịnh, tức là thời đại Kiếm Thương (Kamukara), trong khoảng thế...

Trả lời