( S P. Hòa thượng Thường Chiếu )
Pháp của Phật là những phương tiện giả lập để trị bệnh của chúng sanh. Người khéo nhận ra chỗ này thì ứng dụng Phật pháp có thể tiêu dung, hóa giải được tất cả bệnh tật điên đảo, si mê lầm chấp. Trái lại, không nhận được chỗ này thì càng học Phật pháp càng đầy ắp vọng chấp. Chỗ này chư huynh đệ nên hiểu và mổ xẻ thật kỹ để chúng ta có kinh nghiệm tăng tiến công phu. Rõ ràng chúng ta không thể ngừng học Phật pháp, nhưng phải học trong tinh thần nào mới đúng. Nghĩa là phải dùng được pháp đó. Giống như người tiêu thụ thức ăn biến thành máu huyết để nuôi cơ thể thì tốt, ngược lại thức ăn sẽ trở thành độc tố giết chết kẻ ấy. Phật pháp cũng vậy, là phương tiện để tiêu hóa, đẩy lui, dẹp sạch tất cả tâm bệnh của chúng ta.
Tâm bệnh gồm những gì? Mỗi người tự nghiệm lại mình thì biết. Bệnh giận, bệnh buồn, bệnh hay nói, bệnh hay đi, bệnh hay ăn, bệnh hay ngủ… đủ thứ bệnh. Cho nên khi học được Phật pháp, chúng ta cấp thời đưa vào hóa giải, trị bệnh của mình. Phật dạy người nóng nảy thì lấy từ bi để hóa giải. Nóng nảy là sao? Nghe câu gì đó chưa hết là đã nổi sùng lên, không làm chủ được tay chân miệng mồm nữa, quơ quào, hầm hét, trợn trừng thấy phát sợ. Bây giờ học Phật pháp rồi, biết nóng giận thì không đẹp, ai nhìn thấy cũng xa lánh, vì thương xót mình mà không nên nóng giận nữa. Lại nóng giận uất độc thành bệnh gan. Nếu ngũ tạng mỗi ngày cứ bị đốt bởi lửa sân hận, nhất định nó sẽ cháy khét thôi. Biết vậy rồi, dùng Phật pháp nuôi dưỡng tâm từ bi, rưới vào nước thanh lương sẽ trị được bệnh nóng giận. Đó là giá trị của Phật pháp.
Phật dạy tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật, mình cũng là Phật sẽ thành. Muốn thành Phật, phải áp dụng tu hành mới thành Phật được chứ. Bây giờ mình làm trái lời Phật dạy, đem ông Phật này xúc phạm ông Phật kia thì không được rồi. Nếu tất cả chúng ta đều nghĩ đến chuyện tu hành của mình, sẽ không bao giờ có chuyện chống đối nhau. Bởi vì chúng ta đều là những ông Phật đang cố gắng để thành tựu viên mãn Phật đạo của mình. Giả tỷ tôi cố gắng vươn lên trước được, thấy chư huynh đệ còn lặn hụp dưới bùn lầy, tôi phải thương, phải đưa dây kéo lên, chứ tại sao ghét bỏ?
Chư huynh đệ hiểu như vậy rồi, thấy vị nào nổi sùng la hét gì đó, nhớ đưa dây kéo lên. Kéo hết sức khéo, đừng để người ta kéo ngược lại mình thì nguy to. Nhìn trên bàn Phật chúng ta thấy đó, có vị bằng gỗ, vị bằng xi măng, bằng đồng, bằng đá. Mỗi vị mỗi nét, nét nào cũng đẹp và trên hết tất cả đều là Phật. Chúng ta cũng vậy, ai cũng là Phật nhưng đường nét không giống nhau. Trong giai đoạn tu hành, áp dụng công phu cố gắng đừng để mọc gai mọc góc, cho quá trình làm thành ông Phật đẹp không mất thời gian. Quá trình tu tập cần nhất là tiến đều đặn, không nhất thiết tiến nhanh. Đều đặn, bình thường là tương đối ổn nhất.
Trong khi tu hành, có lúc vọng tưởng hành hạ mình, nhưng cũng có lúc ta sử dụng được vọng tưởng để tạo cho mình một khí thế vươn lên. Trong khoảng thời gian đầu chúng tôi về đây, cỏ gai mịt trời, ban ngày làm ruộng rẫy, ban đêm đi họp hành theo dân. Hòa thượng từ núi về, thấy đàn con của mình vất vả như vậy Ngài cũng mang giày, vác cuốc ra đồng, đồng sự với Tăng Ni. Thấy quí thầy cô không có kinh nghiệm tỉa lúa, tỉa đậu, Ngài đích thân hướng dẫn chúng tôi làm. Hồi ấy những vị lãnh đạo các thiền viện Viên Chiếu, Linh Chiếu… đều được Hòa thượng dạy dỗ cách thức làm ruộng rẫy. Ngài giao phải tới đâu mới nghỉ, không được muốn nghỉ thì nghỉ. Hòa thượng vừa làm vừa kể chuyện, đồng thời nhìn xem có đứa nào bỏ cuộc không. Do vậy, không một ai dám bỏ cuộc khi có mặt thầy.
Giai đoạn đầu là như vậy. Tăng Ni phải trôi tròn mọi việc trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn. Lạ một điều, càng gian nan khốn khó chừng nào, con người càng phát tiết tinh hoa chừng ấy. Nhiều anh em ăn xong một bữa cơm dưới mái tôn nóng bức như thiêu, trong đầu nảy ra không biết bao nhiêu câu thơ. Thế là ra ngoài bóng cây làm thơ, tối lại tụng kinh xong xúm nhau ngâm thơ. Đó là một cách tiêu dung vọng tưởng điên đảo của mình. Nếu không như thế anh hào sẽ rút lui khỏi cái chỗ thiếu cơm thiếu gạo, đất đai chai cứng, toàn sỏi đá này. Thời ấy, có anh cuốc đất không nổi đã bàn ra “đất này để làm sân banh là vừa”, có anh bảo “đất này chỉ có nước trồng cao su”.
Đến khi Hòa thượng trên núi xuống bảo ai muốn tu thiền theo Ngài thì phải chịu khó làm rẫy, trồng lúa, gieo hoa màu để có phương tiện sống tu. Cứ làm như vậy, bao giờ có Phật tử ủng hộ chừng đó hẵng hay, bây giờ mình còn nghèo thiếu thì phải tự lực cánh sinh. Hòa thượng nói thế, một số anh em vui vẻ vâng lời làm theo, một số cứ than thở viển vông. Do vậy, trong khoảng ấy có rất nhiều người xách gói lên đường, việc tu hành vì thế cũng không tiến bộ. Những ai còn lại mới thấy đường lối chỉ dạy của Hòa thượng hoàn toàn đúng đắn và kết quả của một Thường Chiếu ngày hôm nay quả là không cô phụ tấm lòng đại chúng ngày xưa.
( Trích trong “NIỆM TƯỞNG CỦA NGƯỜI TU” – S P. H T. Thích Nhật Quang giảng giải )

Bài viết liên quan

Chuyện khởi nghiệp xuất bản của ‘đầu tàu’ một công ty sách trẻ
Chuyện khởi nghiệp xuất bản của ‘đầu tàu’ một công ty sách trẻ

Đứng trước những khó khăn, thách thức do nhiều yếu tố thời đại mang lại,...

Nếu có lúc
Nếu có lúc

Nếu có lúc bạn thấy lòng trống trải Nên hiểu rằng đó là lẽ tự...

Bài thuốc đau răng của bạn – Bs. Tráng
Đơn thuốc đau răng của bạn – Bs. Lê Tráng

Thật may mắn và hạnh phúc khi có những người bạn học cũ, mỗi người...

Ý nghĩa Khóa tu Bát Quan Trai Giới 1 ngày 1 đêm
Ý nghĩa Khóa tu Bát Quan Trai Giới 1 ngày 1 đêm

Bát quan trai giới là một phép tu hành của người tại gia áp dụng...

VỀ HƯƠNG VÂN CÁI BỒ TÁT
VỀ HƯƠNG VÂN CÁI BỒ TÁT – Đạo Sa Môn

Phật Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát sống cách chúng ta 5.000 năm. Thời gian...

BÍ ẨN VỀ BỒ TÁT MINH VƯƠNG: VỊ CHÚA NGUYỄN THAY ĐỔI LỊCH SỬ VIỆT NAM
BÍ ẨN VỀ BỒ TÁT MINH VƯƠNG: VỊ CHÚA NGUYỄN THAY ĐỔI LỊCH SỬ VIỆT NAM

Bạn có bao giừo tự hỏi? Từ một quốc gia nhỏ bé ở vùng Bắc...

Để lại một bình luận