Hãy nhất tâm thiền định về cái chết, trong mọi lúc và mọi tình huống. Khi đứng lên, khi ngồi hoặc nằm xuống, hãy tự nhủ: “Đây là hành động cuối cùng của tôi trong thế giới này,” và hãy thiền định về điều đó với lòng xác tín mãnh liệt nhất. Trên đường đi tới bất kỳ nơi đâu, hãy tự nói: “Có thể tôi sẽ chết ở đây. Không có gì chắc chắn là tôi sẽ trở về.” Khi bạn sắp đặt một cuộc hành trình và tạm dừng chân nghỉ ngơi, hãy tự hỏi: “Tôi sẽ chết ở đây chăng?” Bất kỳ bạn ở đâu, bạn nên tự hỏi phải chăng bạn sẽ chết tại nơi đây. Ban đêm, khi nằm xuống, hay tự hỏi liệu bạn sẽ chết trong giường đêm nay hay có thể quả quyết được rằng sang mai bạn sẽ thức dậy hay không. Khi nhỏm dậy, hãy tự hỏi liệu bạn có thể chết vào lúc nào đó trong ngày, hoặc quán chiếu rằng chẳng có gì chắc chắn là bạn sẽ còn sống để đi ngủ vào buổi tối.

Hãy chỉ thiền định về cái chết một cách nhiệt thành và tận đáy lòng bạn. Hãy thực hành giống các Geshe phái Kadampa ngày xưa, các Ngài đã luôn luôn nghĩ tưởng về cái chết trong từng giây phút. Ban đêm, các Ngài lật úp cái tô của mình xuống; quán chiếu rằng biết đâu ngày mai có thể khoog cần đốt lửa, các ngài đã không bao giờ vùi than hồng vào ban đêm.

Tuy nhiên, chỉ thiền định về cái chết thôi thì sẽ không đủ. Pháp chính là điều ích lợi duy nhất vào lúc chết, vì thế bạn cũng cần tự khuyến khích mình phải nên thực hành Giáo Pháp trong một cách chân thực, không bao giờ để cho mình lẩn trốn vào sự quên lãng hay mất cảnh giác, và phải luôn luôn ghi nhớ rằng các hoạt động của sinh tử thì thoáng qua và không có chút ý nghĩa nào. Tự bản chất, sự nối kết của thân và âm này thì vô thường, vì thế đừng trông cậy vào sự nối kết ấy như là một cái gì của riêng bạn; đây chỉ hoàn toàn là một sự vay mượn.

Mọi con đường và lối đi đều vô thường, vì thế dù bạn đang đi đâu, hãy hướng bước chân bạn về Pháp. Như có nói trong Bát Nhã Tập Kệ:

Nếu bạn vừa đi vừa nhìn phía trước với một khoảng cách

bằng bề dài một cái ách trong chánh niệm,

tâm bạn sẽ không bị mê mờ.

Bất kỳ bạn ở đâu, mọi nơi chốn đều vô thường, vì thế hãy giữ các cõi Phật thanh tịnh trong tâm. Đồ ăn, thức uống và bấ kỳ điều gì bạn vui hưởng đều vô thường, vì thế hãy nuôi sống bạn bằng công phu thiền định sâu xa. Giấc ngủ thì vô thường, vì thế khi bạn ngủ, hãy tịnh hóa các lọc lừa của giấc ngủ thành tịnh quang. Tài sản, nếu bạn có, thì cũng vô thường, vì thế hãy tinh tấn để sở hữu bảy món tài sản cao quý. Những người thân yêu, bạn hữu và gia đình thì vô thường, vì thế ở một nơi cô tịch, hãy khơi dậy lòng khát khao giải thoát. Địa vị cao và danh tiếng thì vô thường, vì thế luôn luôn giữ một vị trí thấp. Ngôn ngữ thì vô thường, vì thế hãy tự phấn chấn để trì tụng các thần chú và những bài cầu nguyện. Lòng tín tâm và ước muốn giải thoát cũng vô thường, vì thế hãy nỗ lực giúp cho thệ nguyện của bạn trở nên vô ngại, không gì lay chuyển được. Những ý niệm và tư tưởng thì vô thường, vì thế hãy tiếp tục phát triển một bản tánh tốt đẹp. Các kinh nghiệm tu tập và chứng ngộ thiền định thì vô thường, vì thế hãy tiếp tục tinh tấn cho đến khi bạn đạt tới chỗ mà mọi sự đều tan lẫn vào trong bản tánh của thực tại. Khi ấy, mối nối kết giữa cái chết và sự tái sinh biến mất và bạn đạt được sự xác tín rằng bạn hoàn toàn chuẩn bị sẵn sang đối với cái chết. Bạn đã đoạt được thành trì bất tử; bạn giống như con chim đại bang tự tại bay vút lên tột đỉnh của những cõi trời. Sau đó, không còn cần đến bất kỳ pháp thiền định buồn thảm nào về cái chết đang tới gần của bạn.

Như Ngài Jetsun Milarepa đã hát:

Sợ hãi tử thần, ta bỏ vào núi cao

Ngày đêm thiền định liên tục về cái chết xảy đến không thể

đoán trước

Và xây thành lũy của bản tánh bất tử bất biến

Giờ đây ta không còn sợ hãi và đã vượt qua mọi kinh sợ về cái chết!

Và Đức Dagpo Rinpoche vô song cũng nói:

Lúc đầu, bạn phải để cho nỗi sợ hãi sinh tử rượt đuổi như một con hươu đực trốn thoát cái bẫy. Vào lúc giữa, bạn cần làm sao để không còn gì phải hối tiếc cho dù bạn phải chết, như một chủ trại đã thận trọng canh tác những cánh đồng của mình. Vào lúc cuối, bạn nên thấy an ổn và sung sướng, như một người vừa hoàn tất một công việc khủng khiếp.

Lúc đầu, bạn phải biết rằng không có thời giờ để phí phạm, giống như một người bị một vết thương chí mạng vì trúng tên độc. Vào lúc giữa, bạn phải thiền định về cái chết mà không nghĩ tưởng về điều gì khác, giống như người mẹ mất đứa con duy nhất vừa qua đời. Vào lúc cuối, bạn phải hiểu rằng không còn gì để làm, giống như một người chăn cừu mà đàn thú của anh ta đã bị kẻ thù lùa đi mất.

Hãy nhất tâm thiền định về cái chết và sự vô thường cho tới khi bạn đã đạt tới cấp độ đó!

Đức Phật đã nói:

Thiền định bền bỉ về vô thường là cúng dường tất cả chư Phật.

Thiền định bền bỉ về vô thường

là được tất cả chư Phật cưu thoát khỏi đau khổ.

Thiền định bền bỉ về vô thường là được tất cả chư Phật dẫn dắt.

Thiền định bền bỉ về vô thường là được tất cả chư Phật gia hộ.

Trong tất cả các dấu chân, dấu chân voi thì to lớn nhất; cũng vậy, trong các chủ đề thiền định đối vối một Phật tử,

không gì so sánh được với suy niệm về lẽ vô thường.

Và Đức Phật đã nói trong Luật Tạng (Vinaya):

Nhớ tưởng trong giây lát về lẽ vô thường của mọi sự duyên hợp thì còn vĩ đại hơn việc hiến tặng thực phẩm và vật cúng dường cho các đệ tử của ta là những bình chứa hoàn hảo, như các tỳ khưu Xá Lợi Phát và Mục Kiều Liên.

Một đệ tử cư sĩ hỏi Geshe Potowa rằng nếu phải chọn một pháp duy nhất để thực hành thì pháp nào là quan trọng nhất. Vị Geshe đã trả lời:

Nếu con muốn sử dụng một pháp môn hành trì duy nhất, thì thiền định về vô thường là thiền định quan trọng nhất.

Lúc đầu, thiền định về cái chết và vô thường khiến con nắm giữ lấy Pháp; vào lúc giữa, thiền định về cái chết và vô thường dấn đến việc thực hành tích cực; vào lúc cuối, thiền định về cái chết và vô thường giúp con chứng ngộ tánh nhất như của mọi hiện tượng.

Lúc đầu, thiền định về vô thường khiến con cắt đứt những ràng buộc với mọi việc của đời này; vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn đến việc từ bỏ mọi bám luyến vào sinh tử; vào lúc cuối, thiền định về vô thường giúp con bước lên con đường đi tới Niết bàn.

Lúc đầu, thiền định về vô thường khiến con phát triển tín tâm, vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn đến sự tinh tấn trong thực hành; vào lúc cuối, thiền định về vô thường giúp con phát sinh trí huệ.

Lúc đầu, cho tới khi con hoàn toàn xác quyết, thiền định về vô thường khiến con tìm cầu Pháp; vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn con đến với thực hành; vào lúc cuối, thiền định về vô thường trợ giúp con đạt được mục đích tối hậu.

Lúc đầu, cho tới khi con hoàn toàn xác quyết, thiền định về vô thường khiến con thực hành với một sự tinh tấn, như chiếc áo giáp che chở con; vào lúc giữa, thiền định về vô thường dẫn dắt cho con thực hành với một sự tinh tấn trong hành động; vào lúc cuối, thiền định về vô thường trợ giúp con thực hành với một sự tinh tấn vô bờ.

Và Ngài Padampa Sangye nói:

Lúc đầu, lòng xác quyết về lẽ vô thường sẽ khiến bạn nắm lấy Pháp; vào lúc giữa, lòng xác quyết về vô thường sẽ thúc giúc bạn tinh tấn; và vào lúc cuối, lòng xác quyết về vô thường sẽ đem lại cho bạn Pháp Thân chói lọi.

Trừ phí bạn cảm nhận sự xác quyết chân thành này trong các nguyên lý vô thường, bất kỳ giáo lý nào bạn có thể cho rằng mình đã thọ nhận và đưa vào thực hành sẽ chỉ khiến bạn càng thêm trơ lì đối với Pháp. Ngài Padampa Sangye cũng có nói:

Tôi chưa bao giờ thấy một hành giả Tây Tạng duy nhất nào nghĩ tưởng về sự chết.

Cũng chưa bao giờ thấy ai sống mãi!

Nhìn họ thích thú góp nhặt của cải một khi đã khoác chiếc y vàng, tôi tự hỏi

Phải chăng họ sắp mua chuộc Thần Chết bằng

thực phẩm và tiền bạc?

Nhìn cách họ tích lũy những vật dụng giá trị nhất, tôi tự hỏi

Phải chăng họ sắp lo đút lót trong địa ngục?

Ha, ha! Nhìn họ thấy các hành giả Tây Tạng đókhiến tôi phải phì cười!

Người thông thái nhất là kẻ tự phụ nhất,

Những thiền giả xuất sắc nhất chất đống thực phẩm và của cải,

Các ẩn sĩ cô tịch mê mải giữ những theo đuổi tầm thường,

Những kẻ từ bỏ nhà cửa và quê hương không biết xấu hổ.

Những người đó không bị ảnh hưởng bởi Pháp!

Họ miệt mài trong tà hạnh.

Họ có thể thấy người khác chết nhưng không hiểu rằng

bản thân họ cũng sắp chết.

Đó là lỗi lầm đầu tiên của họ.

Như vậy, thiền định về vô thường là khúc dạo mở đầu để khai mở con đường cho tất cả các pháp thực hành của Phật Pháp. Khi được thỉnh cầu ban giáo huấn về cách giải trừ nghịch cảnh, Geshe Potowa đã trả lời bằng những lời sau đây:

Hãy suy tưởng dài lâu về cái chết và sự vô thường. Một khi bạn quyết chắc rằng bạn sắp chết, bạn sẽ không còn thấy khó khăn khi gạt các tà hạnh sang một bên, và cũng không khó khăn để làm những điều đúng đắn.

Sau đó, hãy thiền định lâu dài về lòng từ và bi. Một khi lòng bi tràn ngập trái tim bạn, bạn sẽ không thấy khó khan để hành động vì lợi lạc của người khác.

Rồi hãy thiền định lâu dài về tánh Không, trạng thái tự nhiên của mọi hiện tượng. Một khi bạn hoàn toàn thấu suốt tánh Không, bạn sẽ không còn thấy khó khăn để loại trừ các mệ lầm của bạn.

Một khi chúng ta có được sự xác quyết như thế về lẽ vô thường, thì mọi hoạt động tầm thường của đời này dường như trở nên cực kỳ ghê tởm, như một miếng thịt mỡ khiến người ta bị ói mửa. Đạo Sư tôn kính của tôi thường nói:

Bất kỳ thứ quyền cao chức trọng, của cải hay sắc đẹp nào ta thấy trong thế giới này cũng không khơi dậy được lòng tham muốn trong ta. Đó là bởi khi ta nhìn thấy các bậc cao quý khi xưa đã sống cuộc đời của các Ngài như thế nào, thì ta có được chỉ một chút hiểu ít ỏi về lẽ vô thường. Ta không còn giáo huấn nào sâu xa hơn điều này để ban cho con.

Thật ra thì bạn có thể thấm nhuần được ý niệm về lẽ vô thường một cách sâu sắc như thế nào? Bạn nên giống như Geshe Kharak Gomchung, Ngài đi vào những vùng núi non cô tịch ở Jomo Kharak trong tỉnh Tsang để thiền định. Trước hang của Ngài có một bụi gai, nó vướng vào quần áo Ngài.

Lúc đầu ngài nghĩ: “Có lẽ ta nên chặt nó đi”, nhưng rồi Ngài tự bảo: “Nhưng xét cho cùng, ta có thể chết trong hang này. Ta thực sự không nói trước được là liệu mình còn sống sót để trở ra nữa không. Hiển nhiên rằng đối với ta điều ấy còn quan trọng hơn nữa để ta tiến bộ trong việc thực hành.”

Khi trở ra ngoài, Ngài lại bị những chiếc gai móc vào quần áo. Lúc này Ngài nghĩ: “Ta chẳng dám chắc là sẽ còn trở vào hang lại nữa hay không? và sự việc này tiếp diễn như thế trong nhiều năm cho tới khi Ngài là một Đạo sư thành tựu. Khi Ngài rời hang, bụi gai vẫn chưa được cắt.

Vào mùa thu, trong thời gian chòm sao Risi xuất hiện, Ngài Rigdzin Jigme Lingpa luôn luôn ở tại một con suối nóng nào đó. Các sườn vực không có bậc thang khiến Ngài khó xuống tới mặt nước và ngồi trong suối. Các đệ tử của Ngài tỏ ý muốn làm vài bậc thang, nhưng Ngài trả lời: “Tại sao phải quá bận tâm khi chúng ta không biết năm tới có còn ở đây nữa hay không?” Đạo sư của tôi đã kể cho tôi rằng Ngài luôn luôn nói về sự vô thường như thế.

Chúng ta cũng thế, chừng nào mà ta chưa hoàn toàn thâm nhập được một thái độ hiểu biết về lẽ vô thường như thế, thì hãy nên thiền định về lẽ vô thường. Hãy bắt đầu bằng việc phát khởi Bồ Đề Tâm, và những thực hành chính, hãy rèn luyện tâm thức bạn bằng tất cả những phương tiện khác nhau cho tới khi sự vô thường thực sự thấm nhập vào từng tư tưởng của bạn. Cuối cùng, hãy kết thúc bằng cách niêm phong thực hành với sự hồi hướng công đức. Khi thực hành theo cách này, hãy nỗ lực với khả năng tốt nhát của bạn để nỗ lực thi đua với các bậc vĩ đại trong quá khứ.

Vô thường thì có mặt khắp nơi, tuy thế con vẫn cho rằng mọi thứ sẽ tồn tại.

Con đã đi tới cánh cổng của tuổi già,

tuy thế con vẫn giả đò như mình còn son trẻ.

Xin từ bi ban phước cho con và những chúng sinh lạc lối như con, để chúng con có thực sự thấu hiểu lẽ vô thường

Trích sách: Lời vàng của thầy tôi – Đức Patrul Rinpoche

 

 

 

 

Bài viết liên quan

CÁI GIÀ Ở SẴN TRONG TRẺ .

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ. Một hôm Phật đi khất thực trong thành...

Mohamed Aziz – Người bán sách được chụp ảnh nhiều nhất thế giới

Đây là Mohamed Aziz, 72 tuổi, người bán sách được chụp ảnh nhiều nhất thế...

Một vĩ nhân

Người đàn ông này không phải là một kẻ ăn xin hay một kẻ lang...

Thiền Sư Minh Chánh và bài thơ nổi tiếng

Không nói ngắn chẳng nói dài,Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai.Tìm hay, lại hóa...

“Công danh cái thế màn sương sớm,…” Thiền Sư Minh Chánh

Giảng tại chùa Phổ Đà TP Hồ Chí Minh – Mùa an cư 2001 Hôm...

TIẾNG GỌI THẦY TỪ PHƯƠNG XA

Khốn khổ thay! Chúng sinh như con với ác nghiệp và ác hạnh, Ðã trôi...

Trả lời