Tôi được nghe kể lại một câu chuyện trong kinh Phật, nội dung đại khái thế này.

Ở một bến sông, có chú tiểu chuẩn bị về lại bờ bên kia thì thấy một người đàn ông cầm gậy đuổi đánh một chú chó nhỏ vì tội ăn vụng thịt, miệng ông ta liên tục hô “tao đánh cho mày chết, tao đánh cho mày chết”.

Phát lòng từ bi hỉ xả, chú tiểu xin người đàn ông được nhận chú chó về nuôi nấng. “Mong ông đừng đánh nữa, nếu không chú chó nhỏ này sẽ chết mất thôi”. Người đàn ông mặt đằng đằng sát khí không chịu nghe theo lời năn nỉ của chú tiểu. Sau cùng, ông ta cũng chấp thuận với điều kiện chú tiểu phải trả cho ông ta một số tiền.

Chú chó nhỏ rất ngoan ngoãn và hiền lành khi được chú tiểu chăm sóc, dạy dỗ, cùng ăn chay và nghe kinh Phật. Chú tiểu đặt cho chú chó tên gọi Hồi Tâm.

Những tưởng cuộc sống cứ thế yên ả trôi đi, thế nhưng một ngày kia, có người phu buôn đậu ghé vô bán đậu cho chùa. Khi ấy đã là chiều muộn. Vợ của người buôn đậu đang đặt bếp nấu cơm, nhưng có ý kiêng cữ nên chỉ nấu món rau, còn đồ mặn thì để đó chưa đụng tới.

Sau khi người chồng hoàn thành việc giao đậu cho chùa và đưa thuyền ra xa gần chục mét, người vợ mới đặt món thịt lên bếp lò để nướng. Chẳng ngờ mùi thơm theo gió vẫn bay tới nhà chùa và không thoát khỏi cái mũi nhạy bén của Hồi Tâm.

Dù từ bé đến giờ được cho ăn chay, đã quên mất mùi thịt cá nhưng bản năng của loài chó vẫn khiến Hồi Tâm chạy ra phía bờ sông và kêu lên ăng ẳng.

Chú tiểu thấy thế mới hướng ra phía Hồi Tâm và nói thật nhẹ nhàng nhưng dứt khoát “Hồi Tâm, quay lại đi con, bờ bên đó nguy hiểm lắm”.

Thế nhưng đúng lúc này trời bắt đầu nổi gió, cuốn theo mùi thơm nức mũi của món thịt nướng vần vũ đổ về bao vây lấy Hồi Tâm. Sau một phút giây do dự, nó lấy trớn và phóng xuống nước, bơi vội về phía chiếc thuyền của người bán đậu.

Chú tiểu hốt hoảng chạy vội ra phía bờ sông và kêu lên “Quay lại đi con, nguy hiểm lắm”. Khi này Hồi Tâm đã nghe được lời gọi của Thầy, nó quay đầu bơi trở lại. Được chừng 2 thước thì lại có cơn gió từ xa đưa mùi thịt nướng bay tới khiến nó không cầm lòng được nên… lại bơi trở lại phía thuyền.

“Hồi Tâm, trở lại chùa ngay, bơi về phía đó là con sẽ chết. Con có nhớ ngày đó con đã gặp nguy hiểm thế nào ở bờ bên kia không?” – chú tiểu kêu lên và khơi gợi lại ký ức kinh hoàng của Hồi Tâm khi nó còn bé tí. Hồi Tâm nghe được tiếng chú tiểu đưa tới nhưng nó đã bơi gần sát chiếc thuyền. Thiện tính đánh thức tâm can của nó phải bơi ngược lại, nhưng được một chút thì bản năng lại kéo nó bơi gần hơn nữa về phía chiếc thuyền.

Hồi Tâm trở đi trở lại một hồi thì đuối sức và chìm xuống lòng sông.

Chú tiểu lòng buồn rười rượi quay lại chùa nói với Thiền sư rằng “Thầy ơi, Hồi Tâm đã chết đuối rồi, vì nó quá tham ăn”.

Thiền sư mới bảo, Hồi Tâm không chết vì nó tham ăn, mà nó chết vì định kiến của con. Có thể vì quá yêu quý Hồi Tâm nên con cứ nhớ mãi câu chuyện ngày xưa và mặc nhiên cho rằng nếu bơi về bờ bên kia thì Hồi Tâm sẽ gặp nguy hiểm vì bên đó toàn những người hung dữ như người đàn ông dạo trước. “Nhưng con ơi, thời gian đã đi qua, mọi thứ không còn như xưa nữa. Người đàn ông đó không chắc sẽ đánh đập Hồi Tâm như cách đây mấy năm về trước, mà nếu ông ta có đánh cũng chưa chắc đã đuổi kịp Hồi Tâm vì nó bây giờ đã lớn, có thể chạy rất nhanh, đâu còn là chú chó nhỏ yếu ớt như ngày con cứu nó về Chùa.

Mà giả sử mọi việc tái diễn lại đúng như xưa thì đó là do thuận duyên của Hồi Tâm với chùa đã hết, và trở thành nghịch duyên. Hồi Tâm đã lớn và sẽ tự quyết định, cũng như chịu trách nhiệm với hành động của mình. Con cho rằng việc quay trở lại chùa là tốt nhất cho Hồi Tâm nhưng cuối cùng lại thành ra làm hại Hồi Tâm mất rồi con ạ” Đó là câu chuyện đầy ý nghĩa và nhân văn của Nhà Phật.

Còn trong thực tế, thì có câu chuyện thế này. Trong một buổi học về chủ đề Quản trị cuộc sống mà tôi được tham gia, khi cả lớp đang say sưa nghe giảng, người trợ lý của Thầy xuất hiện và xin lỗi mọi người. Chị nói, Ban quản lý toà nhà gọi điện báo rằng có sự cố nên họ sắp phải ngắt điện toà nhà, mong lớp học thông cảm di chuyển qua hội trường lầu 1 để học tiếp vì nếu không, điện cúp, máy lạnh tắt thì nóng lắm, không thể nào học được.

Mọi người lui cui dọn đồ, kéo nhau ra thang máy chuẩn bị đi xuống lầu 1 thì chị mới nói lại rằng đó chỉ là tin giả để giúp mọi người làm bài kiểm tra nho nhỏ. Thế là tất cả lại lục đục quay về… phòng học tiếp!

Trên thực tế, điện chưa bao giờ bị cắt – kể từ khi chị trợ lý đưa ra thông báo, cho tới khi mọi người trở lại phòng. Thế nhưng trong suy nghĩ của mọi người thì “điện đã thực sự tắt” khi tất cả cùng đồng loạt đứng dậy và đi ra thang máy.
Tức là, cái gì được số đông mọi người tin tưởng thì đó là sự thật. Dù “sự thật” đó chưa hề diễn ra hoặc thậm chí sẽ không bao giờ xuất hiện.

Câu chuyện về chú chó mang tên Hồi Tâm cũng thế. Một sự thật “tưởng tượng” từ định kiến có được trong quá khứ kéo dài đến hiện tại của chú tiểu đã giết chết Hồi Tâm.

Dù cho, không ai có đủ khả năng để nói rằng “trong tương lai, Hồi Tâm sẽ chết khi bơi qua bờ bên kia”.

Sẽ thật khó để chúng ta có thể tiếp nhận mọi sự vật hiện tượng theo một cách đơn giản nhất mà nó vốn có. Trời mưa là trời mưa, trời nắng là trời nắng. Chứ trời mưa không có nghĩa là ai đó sẽ ướt người hay trời nắng nghĩa là ai đó sẽ bị cảm bất ngờ. Để suy nghĩ được như vậy thì rất khó, nhất là với những ai đã quen “sống vì người khác”, và luôn lo nghĩ trước mọi chuyện.

Nhưng nếu cứ để định kiến bao trùm lên mọi việc thì chính mình đã khép lại cánh cửa để khám phá mọi mặt đa dạng của sự sống vốn đã quá nhiệm màu và luôn biến đổi. Nên sẽ phải thế thôi! Phải sống đơn giản cho đời thanh thản, để không làm khổ mình, khổ người và làm khổ lẫn nhau.

Nguồn trích phần đầu tiên trong cuốn sách “Sự thật, Tử tế là…” của Nguyễn Ngọc Long

Bài viết liên quan

Trị bệnh như thế nào cho đúng

Tất cả chúng ta có bệnh, Phật dạy lấy thuốc mà trị chớ không phải...

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

Trả lời