PHƯƠNG PHÁP TẬP ĐỂ CHUYỂN HÓA KHI ĐÃ GÂY RA ĐIỀU XẤU VỚI NGƯỜI KHÁC
Bí mật chúc thầm, bí mật xin lỗi và bí mật vui sướng khi thấy người khác vui sướng
Học trò: Thưa thầy, con đã lỡ gây ra một hành động xấu cho một người, điều đó đã xảy ra mất rồi và khiến họ đau khổ. Bây giờ con muốn bù đắp gì đó cho người ấy, để họ tốt hơn, vui vẻ hơn thì có bù đắp lại được những điều xấu con đã gây ra không ạ? Hay một mặt con gieo nhân tốt, và một mặt con vẫn phải chịu quả do nhân xấu đã gây ra đó?
Thầy Trong Suốt: Nhân quả vốn rất công bằng. Khi mình đã gây đau khổ cho ai đó, nếu không xin lỗi thì có khi họ sẽ mang nỗi khổ cả đời, nhưng ba ngày sau mình xin lỗi ngay thì họ chỉ khổ ba ngày thôi. Vì vậy con cần luôn luôn có thái độ xin lỗi khi lỡ làm điều sai và nên làm điều tốt với mọi người. Tuy nhiên mình vẫn phải chịu nhân quả của cái giai đoạn đau khổ đó của họ. Chứ không phải xin lỗi xong là mình hết tội.
Có những người giỏi thì vừa gây khổ cho ai đó xong đã nhận ra và xin lỗi ngay, dù lỗi chỉ một tí tẹo thôi. Giỏi hơn nữa là không gieo nhân gây đau khổ nữa. Sẽ có trường hợp không xin lỗi trực tiếp được thì mình xin lỗi thầm trong lòng, mình cầu mong điều tốt cho người ta. Không phải ai mình cũng xin lỗi được trực tiếp được đâu. Nhiều người mình lỡ gây đau khổ cho họ rồi, nhưng mà họ ở xa, hay thậm chí là mình chưa đạt đến trình độ gặp trực tiếp họ để nói được, thì mình tập bằng cách: Nghĩ thầm trong lòng, thành tâm xin lỗi và cầu mong điều tốt lành cho họ.
Có 3 phương pháp tập thầy hay hướng dẫn với mọi người lúc mới bắt đầu là: Bí mật chúc thầm, bí mật xin lỗi và bí mật vui sướng khi người khác gặp điều vui sướng hay làm điều tốt.
1. BÍ MẬT CHÚC THẦM
Bí mật chúc thầm là mình thầm chúc những điều tốt lành cho mọi người, những người đối diện hoặc những người đã từng gặp mình: ví dụ gặp trong cầu thang máy, đi bộ hay bãi gửi xe, v.v… Hoặc những người chẳng thân quen gì mình cả, hoặc ai đó đang gặp đau khổ khi mình nghe trong câu chuyện nào đó. Bí mật là họ không hề hay biết gì hết. Mình làm việc đó mà không cần báo đáp nào hết.
Có nhiều người khi chúc cho một người xong thì nghĩ rằng: “À, ông kia từ nay trở đi sẽ thấy mình là người tốt đây!” Ở đây bí mật hoàn toàn luôn, người kia không hề hay biết khi mình chúc thầm. Đây là cách chuyển hóa tâm rất tốt. Bí mật chúc thầm thì chính mình sẽ hạnh phúc trước. Vì khi mình nghĩ điều tốt đẹp, tích cực, chính mình tự nhiên thấy trong lòng mình hoan hỷ, thoải mái.
2. BÍ MẬT XIN LỖI
Bí mật xin lỗi là bất kỳ khi nào mình có lỗi với ai đó thì tìm cách xin lỗi ngay, cho dù người kia có thể không biết hoặc có biết. Trong trường hợp mình chưa xin lỗi được vì nhiều người nghĩ phải đợi đến lúc gặp người ta thì mới xin lỗi, thì mình xin lỗi ngay khi cảm thấy có lỗi. Thầm xin lỗi người ta, mong người ta tha thứ và đặc biệt là quyết tâm không mắc lại một lần nữa. Phần xin lỗi mà không có phần quyết tâm không lặp lại thì vẫn chưa đầy đủ. Phải có một loại quyết tâm là “Tôi sẽ không mắc lại chuyện này một lần nữa với người khác”, thì xin lỗi của mình mới thực sự đầy đủ. Đây là cách mình có thể tập thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày.
3.BÍ MẬT VUI SƯỚNG KHI THẤY AI ĐÓ VUI SƯỚNG
Bí mật vui sướng là một cách rất hay, khi thấy ai vui sướng thì mình thầm vui sướng theo. Người kia có thể biết hoặc không biết. Ví dụ có ai đó đang vui vẻ kể là: “Anh ơi, hôm nay có chuyện này, chuyện kia vui lắm”, trong lòng mình sẽ thầm vui sướng, cảm thấy vui cùng niềm vui của họ.
Trong nhà Phật không gọi là bí mật vui sướng, mà gọi là tùy hỷ công đức. Trong Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim có nói: “Khi một người làm điều tốt, mình chỉ cần hoan hỷ, thấy thoải mái, hạnh phúc tuyệt vời với người đang làm điều tốt đó thì mình có công đức bằng với công đức người ta làm. Ngược lại, nếu mình ghen tỵ, ganh ghét thì mình mất công đức bằng công đức người ta làm được”. Vì thế mình cần tập phương pháp là thầm vui sướng, thấy ai vui mình thầm vui theo họ.
Nếu không tập cách tùy hỷ, hoan hỷ với hạnh phúc của người khác hoặc không để ý thì nhiều khi mình sẽ dễ trở thành ghen tỵ trong lòng. Thấy ai đó vui quá hay đang gặp điều tốt, mà người đó mình ghét là mình sẽ ghen tỵ. Nên mình sẽ tập cách thầm vui sướng, để điều đó trở thành thói quen trong cuộc sống.
– Trích Trà đàm: “Vẻ đẹp cuả khổ đau và cách thức chuyển hoá cảm xúc”, Sài Gòn 2012

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời