Hồng trà và lục trà là 2 loại trà đều được làm từ cây trà (Camellia sinensis). Thế nhưng do cách chế biến khác nhau nên chúng ta có hai loại trà khác nhau. Về cơ bản thì lục trà là loại trà không được lên men. Còn hồng trà được lên men ít nhất là 80% cho đến 100%.

Mặc dù cùng được làm từ cây trà. Nhưng cả 2 loại trà này rất khác nhau ở những điểm sau:

  1. Cách chế biến
  2. Màu sắc và hương vị
  3. Thành phần hoá học
  4. Cách pha
  5. Lợi ích cho sức khoẻ

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn sự khác nhau cơ bản giữa hồng trà và lục trà.

1. Cách chế biến

Mỗi vùng trà và mỗi nhà sản xuất sẽ có cách chế biến trà khác nhau. Thông thường thì để làm hồng trà và lục trà thì đòi hỏi khá nhiều công đoạn. Hình trên đã được tối giản để giúp bạn dễ hiểu hơn.

Về cơ bản thì hai loại trà của chúng ta khác nhau nhiều nhất ở 2 công đoạn. Diệt men đối với lục trà, và lên men đối với hồng trà.

‘Diệt men’ là công đoạn mà lá trà được xao ở nhiệt độ cao. Men hay enzyme là chất xúc tác giữa oxy có trong không khí và các thành phần hoá học của lá trà. Khi chúng ta xao trà ở nhiệt độ cao thì men bị loại bỏ. Oxy mất đi chất xúc tác này thì không thể thay đổi thành phần hoá học của lá trà nữa. Thế nên lục trà giữ được phần lớn các thành phần hoá học của lá trà tươi. Do vậy khi pha lục trà thì bạn sẽ thấy nước trà có màu sắc và hương vị như lá trà tươi vậy.

Khác với lục trà thì hồng trà lại được lên men. Lá trà được vò để làm rách lớp biểu bì. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho oxy tiếp xúc với các thành phần hoá học của lá trà. Sau khi lá trà được vò thì công đoạn lên men bắt đầu. Oxy có trong không khí sẽ oxy hoá và làm thay đổi các thành phần hoá học của lá trà. Như sắc tố, chất dễ bay hơi, tannin, caffeine và rất nhiều thành phần khác nữa.

2. Màu sắc và hương vị

Lục trà được tạo ra với mục đích là giống lá trà tươi nhất có thể. Thế nên loại trà này có màu sắc và hương vị giống lá trà tươi nhất. Nước trà thường sẽ có màu xanh lá cây hoặc màu vàng. Còn hương vị cũng sẽ giống lá trà tươi. Tuỳ theo loại lục trà thì hương vị cũng sẽ khác nhau một chút. Chẳng hạn như lục trà Thái Nguyên thì sẽ có hương cốm ngọt, vị ngọt bùi, đắng chát, và hậu ngọt.

Hồng trà thì ngược lại. Trà thường sẽ có sắc thái từ vàng, đỏ cam cho đến nâu đen. Những loại hồng trà cao cấp có nguồn nguyên liệu là búp trà non, được lên men vừa phải thường có màu vàng sẫm. Còn trà làm từ nguồn nguyên liệu là lá trà già hơn và lên men nhiều hơn sẽ có màu đỏ cam. Hương vị hồng trà cũng vô vàn. Chẳng hạn như mùi chocolate đặc trưng của vùng trà Assam của Ấn Độ. Hay mùi ngọt như mạch nha của vùng trà Vũ Di của Trung Quốc. Hay mùi trái cây khô của mộ số loại hồng trà Đài Loan.

3. Thành phần hoá học

Thành phần của lá trà bị thay đổi phần nào trong quá trình lên men. Qua trình lên men bắt đầu ngay khi lá trà được vò. Khi lên men thì các hợp chất polyphenol bị oxy chuyển hoá thành theaflavin và thearubigin. Hai nhóm chất này tạo nên màu sắc đặc trưng của hồng trà. Theaflavin tạo nên màu vàng-cam, còn thearubigin tạo nên màu đỏ nâu.

Hai thành phần này kết hợp với caffeine, EGCG, catechin và các thành phần amino acids tạo nên vị của hồng trà. Các thành phần kết hợp lại sẽ tạo nên vị đắng chát, ngọt, béo ngậy và vị ngon (umami) của hồng trà.

Hồng trà có mùi hương rất dễ chịu. Chẳng hạn như mùi ngọt, hương hoa hay trái cây. Các mùi này đều được hình thành từ tinh dầu và amino acids có trong lá trà bị oxy hoá.

Lục trà giữ được phần lớn thành phần hoá học của lá trà xanh. Thế nên loại trà này cũng chứa nhiều các thành phần chống oxy hoá nhất. Khả năng chống oxy hoá của lục trà chủ yếu đến từ nhóm chất catechin. Thành phần catechin mạnh nhất của lục trà có tên là epigallocatechin-3-gallate (EGCG). Thành phần này có rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Lục trà cũng có hương vị khác với hồng trà. Lý do là lục trà có chứa nhiều hơn một số thành phần mùi hương. Chẳng hạn như 1-Penten-3-ol tạo nên mùi tươi xanh và béo ngậy. Hay benzaldehyde tạo nên mùi ngọt như hạnh nhân. Một số loại lục trà còn có hương hoa tự nhiên, thậm chí là mùi tươi mát như bạc hà.

Lục trà thường có vị đắng chát nhiều hơn hồng trà. Lý do là các nhóm chất polyphenol thường có nhiều hơn trong lục trà. Những thành phần này giúp lục trà trở thành loại trà có nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Thế nhưng những thành phần này lại tạo nên vị đắng chát cho lục trà. Tuy nhiên, polyphenol có thể góp phần tạo nên ‘hậu ngọt’ đặc trưng thường thấy ở lục trà ngon.

4. Cách pha

Thông thường thì hồng trà hay được pha ở nhiệt độ cao hơn lục trà. Lý do là hồng trà thường có những thành phần hoá học có độ ái lục thấp. Thế nên cần có nước pha nhiệt độ cao hơn để ‘lôi kéo’ những thành phần này ra khỏi lá trà.

Về cơ bản thì bạn nên pha trà theo gợi ý của người bán. Vì mỗi loại trà sẽ có một cách pha khác nhau. Cùng là hồng trà nhưng các loại trà có thể sẽ có cách pha khác một chút. Và lục trà cũng vậy. Và chính bản thân bạn cũng nên tự thử nghiệm. Để có thể đúc kết ra một phương pháp pha trà hợp lý.

Tuy nhiên, nếu bạn cần một số nguyên tắc cơ bản. Thì hãy xem hướng dẫn sau:

Cách pha hồng trà

Hồng trà nên được pha ở nhiệt độ khoảng 90 đến 100 độ C. Vì chỉ ở nhiệt độ cao này thì mới đủ chiết xuất được toàn bộ các thành phần hoá học của hồng trà. Hồng trà thường ít kén nước pha hơn so với lục trà. Nên bạn có thể dùng nước máy hay nước đóng chai gì đều được. Hồng trà cũng nên được ngâm ở thời gian lâu hơn lục trà. Khoảng từ 3 đến 5 phút đối với cách pha thông thường.

Cách pha lục trà

Lục trà nên được pha ở nhiệt độ khoảng 70 đến 80 độ C. Vì ở nhiệt độ quá cao thì các thành phần có vị đắng chát như tannin và caffeine sẽ thoát ra nhiều. Khiến trà đắng và chát hơn. Ngoài ra thì một số loại lục trà sản xuất ở Việt Nam thường được vò nhiều. Lớp biểu bì của lá trà bị rách nhiều. Thế nên không cần nước pha có nhiệt độ quá lớn để pha trà. Lục trà nên được ngâm ở khoảng thời gian từ 2-3 phút theo cách pha thông thường.

5. Lợi ích cho sức khoẻ

Về mặt lợi ích cho sức khỏe thì lục trà nổi tiếng hơn. Vì loại trà này cò chứa nhiều thành phần chống oxy hoá hơn. Tuy nhiên, hồng trà cũng có những lợi ích cho sức khoẻ của riêng mình.

Lưu ý: hồng trà và lục trà không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh. Bạn nên gặp ngay bác sĩ khi có bất kỳ vấn đề nào về sức khoẻ. Mọi thông tin bên dưới chỉ mang tính tham khảo.

Tác dụng của lục trà

  • Góp phần ngừa một số bệnh ung thư. Theo một số nghiên cứu, thì lục trà có khả năng góp phần ngừa và giảm nguy mơ mắc một số bệnh ung thư. Bao gồm ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư trực kết tràng, ung thư thực quản, ung thư phổi, ung thư da và ung thư ruột.
  • Giảm các triệu chứng về đường tim mạch. Lục trà có các nhóm chất polyphenol và catechin giúp bảo vệ và giảm nguy cơ gặp các triệu chứng của các bệnh về đường tim mạch.
  • Giảm cholesterol. Uống lục trà thường xuyên có thể giúp giảm cholesterol ‘xấu’.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu cho thấy việc uống lục trà hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, cần thêm nhiều bằng chứng để cho chứng inh lục trà thật sự có tác dụng thật sự lên loại bệnh này.
  • Giảm cân. Lục trà có thể góp phần giúp giảm cân bằng cách tăng cường quá trình chuyển hoá năng lượng.
  • Giảm viêm da. Uống lục trà thường xuyên có thể giảm các triệu chứng viêm ở da. Chẳng hạn như mụn hay bệnh chàm. Vì lục trà có khả năng kháng viêm rất tốt.
  • Tăng cường chức năng não. Nghiên cứu cho thấy uống lục trà thường xuyên giúp làm giảm chứng xuy giảm trí nhớ. Và cả giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nữa.

Tác dụng của hồng trà

  • Tốt cho tiêu hoá. Hồng trà có khả năng giúp thúc đẩy một số loại vi khuẩn tốt trong đường ruột. Trong khi đó lại hạn chế những vi khuẩn xấu phát triển.
  • Giảm nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy việc uống từ 4 tách hồng trà mỗi ngày có thể giảm nguy cơ đột quỵ đến 32%.
  • Giảm cholesterol. Uống hồng trà thường xuyên có thể giúp giảm cholesterol ‘xấu’ ở người thừa cân hoặc béo phì.
  • Góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu có thấy tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm hơn ở người uống hồng trà thường xuyên. So với những người không có thói quen uống hồng trà.

Bài viết liên quan

Khoá học giúp ra quyết định sáng suốt

Nếu bạn bỏ lỡ khoá học này, mình sẽ tiếp tục ra những quyết định...

Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ Tát – Quán Thế Âm – HT THÍCH THANH TỪ

Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời...

Bài thuốc ngâm chân và Văn hóa Đạo Hiếu của Người Dao

Và cái văn hóa đạo hiếu người dao nó có một câu chuyện rất là...

Giới thiệu về CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA

CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA là đơn vị chuyên về các bài...

Giới thiệu về thương hiệu “Cổ Trầm”

Từ thuở Bách Việt bờ cõi mênh mang cho đến Thăng Long ngàn năm thương...

Giới thiệu về Trầm Hương – About Agarwood – cổ trầm

Trầm hương là gì? Sự hình thành trầm hương trong các cây Dó bầu chứ...

Trả lời