Lịch sử y học thế giới mấy nghìn năm đã ghi ơn những bậc danh nhân vĩ đại mà tư tưởng và đạo đức của họ vẫn còn chói sáng mãi cho đến ngày nay. Hippocrate và Hải Thượng Lãn Ông là hai trong số những con người như vậy.

Hippocrate và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hippocrate sống cách đây khoảng gần 2500 năm (460-377 trước CN). Vị y sư ở đảo Cos (Hy Lạp) này đã tỏ rõ khí phách của một người thầy thuốc chân chính khi ông trả lời vua nước Ba Tư Artaxerxes: “Nghề thuốc của tôi là nghề để phục vụ nhân dân, chứ không phải để hầu hạ kẻ thù dân tộc”. Và ông kiên quyết từ chối ngọc ngà châu báu của vị hoàng đế hiếu chiến muốn mua chuộc ông để dập tắt một vụ dịch đang hoành hành trong quân đội Ba Tư. Vị y sư đó chính là tác giả của lời thề thiêng liêng mà ngày nay vẫn còn vang vọng trên các giảng đường y khoa, khắc sâu trong tâm hồn những người thầy thuốc: Lời thề Hippocrate.

Hơn 2000 năm trôi qua kể từ ngày Lời thề Hippocrate ra đời, vào những năm 60-70 của thế kỷ XVIII, ở phương Đông, ngay trên đất nước Việt Nam ta, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791), vị y sư của núi rừng Hương Sơn (Hà Tĩnh), trong chuyến lên kinh, một mực từ chối lời mời của Huy Quận công Hoàng Đình Bảo làm quan thái y cho phủ chúa Trịnh. Ông thường tâm sự với bạn bè: “Người ta chỉ vì  cái hư danh nên mới phải luỵ mình. Chi bằng trốn cái danh đi, về làm thuốc giúp đời, có phải thú hơn không?“. Vị y sư đó cũng chính là người đã thảo ra những điều y huấn cao quý cho tới bây giờ vẫn còn làm xúc động hàng vạn tấm lòng thầy thuốc Việt Nam: Y huấn Lãn Ông.

Ngày nay, đọc lại Lời thề Hippocrate và Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông, chúng ta phải ngạc nhiên đến khâm phục trước những nét tương đồng ở tầm cao trí tuệ và chiều sâu tâm hồn của hai bậc đại y tông.

Lý tưởng cuộc đời của người thầy thuốc đã được hai vị đại y tông xác định một cách rõ ràng và hai ông suốt đời phụng sự lý tưởng đó. Không ham giàu sang, chấp nhận cuộc sống vật chất thanh bạch để vươn tới những giá trị tinh thần cao quý, Hippocrate thề: “Tôi nguyện suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm, tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại”. Với nhân cách và phong thái của bậc hiền triết phương Đông, Hải Thượng Lãn Ông thường tự răn mình: “Nghề thuốc là thanh cao, ta càng phải giữ khí tiết thật trong sạch”. Mục đích của đời mình được ông ghi lại trong Y huấn: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, chuyên bảo vệ sinh mạng con người. Phải lo cái lo của người, vui cái vui của người. Chỉ lấy việc cứu mạng sống cho người bệnh làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công, tuy không có sự báo ứng ngay, nhưng để lại ân đức về sau…Than ôi! đem nhân thuật làm chước lừa dối, đem lòng nhân từ  đổi ra sự buôn bán, như thế người sống trách móc, người chết oán hờn, sao mà tha thứ cho được”.

Quan điểm phục vụ bệnh nhân của hai vị đại y sư có những nét tương đồng kỳ lạ. Trong Lời thề của mình, Hippocrate nhấn mạnh: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và chẩn đoán của tôi, tôi sẽ luôn tránh mọi điều xấu xa và bất công”. Còn trong Y huấn cách ngôn, Lãn Ông khuyên một cách cụ thể hơn: “Phàm người mời đi thăm bệnh, nên tuỳ bệnh cần kíp hay không, mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo hèn mà nơi đến trước, chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém”.

Việc thăm khám và chăm sóc bệnh nhân nữ được hai đại y tông đặc biệt chú trọng. Hippocrate tự răn mình: “Dù vào bất kỳ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại, nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ”. Hải Thượng Lãn Ông khuyên nhủ thật chân tình: “Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái và cho đàn bà goá, ni cô, cần phải có người nhà bên cạnh, mới được bước vào phòng thăm bệnh, để tránh hết mọi nghi ngờ…Chớ nên đùa cợt mà mang tiếng về tà dâm”.

 “Tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống văn hóa của mọi dân tộc trên trái đất này từ nghìn xưa tới nay. Tình cảm thầy trò, đồng nghiệp của hai vị y sư mãi mãi vẫn là tấm gương sáng với chúng ta ngày nay. Hippocrate nguyện: “Tôi sẽ coi thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi! Tôi sẽ coi con thầy như anh em ruột thịt của tôi. Tôi sẽ truyền đạt những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của thầy dậy tôi và tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề…”. Lãn Ông lại khuyên nhủ: “ Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm tốn hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người hơn tuổi mình thì mình kính trọng, người học giỏi thì mình coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì mình dìu dắt…”

Kỳ lạ thay, hai bậc đại y sư sinh ra từ hai phương trời vô cùng xa cách, sống trong hai thời đại hoàn toàn khác biệt, tuyệt nhiên chẳng có mối liên hệ nào, nhưng lại có nhiều điểm gặp nhau trong tư tưởng. Phải chăng, đúng như một câu châm ngôn của Pháp: “Những tư tưởng lớn thường gặp nhau”. Vì vậy, mặc dù thời đại có đổi thay, khoa học có tiến bộ, nhưng những chân lý đạo đức thì vẫn giữ nguyên giá trị vĩnh hằng, muôn thuở và vẫn xa lạ với mọi thứ cạm bẫy, vinh hoa.

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, khi kinh tế thị trường đang tràn ngập ăn sâu vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, thiết tưởng càng nên ôn lại những bài học y đức của người xưa đã làm rung động hàng triệu tấm lòng thầy thuốc trên trái đất này. Và trong bầu không khí tình thương mà người thầy thuốc trải qua suốt cuộc đời hành nghề của mình, y đức sẽ mãi mãi như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn, như một dòng suối trong tắm mát trí tuệ, đưa họ tới một cuộc sống cao đẹp và hạnh phúc.

Cách đây hơn một trăm năm, nhà ngoại khoa lỗi lạc người Đức Theodore Billroth (1829-1894) đã viết: “Chỉ người nào có tấm lòng cao cả mới có thể trở thành người thầy thuốc tài năng”. Với lời khuyên của Billroth, xin kết thúc bài viết nhỏ này.

GS.TS. Lê Gia Vinh – Nguyên Trưởng Phòng Sau đại học Học Viện Quân Y

Bài viết liên quan

Bát nhã tâm kinh

Tâm kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn Khi bồ tát Quán Tự Tại hành...

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải(1996)

Đạo Phật lấy giác ngộ làm cội gốc, Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhàrtha) tọa thiền dưới...

Khoá học giúp ra quyết định sáng suốt

Nếu bạn bỏ lỡ khoá học này, mình sẽ tiếp tục ra những quyết định...

Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ Tát – Quán Thế Âm – HT THÍCH THANH TỪ

Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời...

Bài thuốc ngâm chân và Văn hóa Đạo Hiếu của Người Dao

Và cái văn hóa đạo hiếu người dao nó có một câu chuyện rất là...

Giới thiệu về CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA

CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA là đơn vị chuyên về các bài...

Trả lời