Trà là thức uống hàng ngày, phổ biến trên thế giới, chỉ đứng thứ hai, sau nước. Nước trà giúp tỉnh táo, tốt cho tim mạch, mát gan, thông mật, phòng tránh các bệnh răng miệng, tiêu hóa… Không chỉ thế, uống trà còn là nét văn hóa ẩm thực độc đáo.

Với đa số người Việt Nam, trà gắn bó suốt cả vòng đời. Mới sinh thì được cha mẹ hái lá trà đun nước tắm cho khỏi hăm da; lớn lên thì uống trà, ăn trà; lễ vật của đám cưới không thể thiếu trà; chết thì được người thân rải một lớp trà khô vào áo quan rồi mới liệm để khử mùi tử khí; trong đám ma hồn người chết cũng được mời uống trà rồi mới được tiễn ra mộ; xong lễ tang thì hồn cũng được mời uống trà rồi mới lên bàn thờ tổ tiên; ngày giỗ ngày tết thì được con cháu cúng trà…

“Trà Thái gái Tuyên” là câu cửa miệng của rất nhiều người Việt Nam, đến độ nó làm nhiều người nhầm lẫn rằng chỉ có trà Thái Nguyên mới là ngon, lấy trà Thái Nguyên làm chuẩn mực, thậm chí nhiều người lầm tưởng chỉ có ở Thái Nguyên mới trồng trà. Rồi đến Thái Nguyên, người ta cũng mặc định chỉ có ở vùng trà Tân Cương mới ngon. Đến nỗi nhiều người làm trà ở La Bằng, một vùng trà ngon của Thái Nguyên, cũng phải mạo danh trà Tân Cương để bán hàng. Rất nhiều người khách khi đến chỗ chúng tôi uống trà, được mời những chén nước trà không “xanh như nước rau muống luộc” đã bình phẩm ngay rằng đó không phải là trà ngon, bất luận chưa uống lấy một ngụm. Bằng ấy thứ đã đủ thấy người Việt Nam thiếu thông tin thế nào với chính trà Việt Nam, nói gì đến người nước ngoài.

Mê uống trà nên phải lục lọi mọi thứ liên quan đến trà. Đến bất cứ đâu tôi cũng để tâm tìm cây trà, hỏi người dân cách làm trà, uống trà, những phong tục tập quán liên quan đến trà. Thật may, càng ngày tôi càng khám phá ra rằng chính những dân tộc H’mông, Dao, Tày, Thái, Hà Nhì, Cao Lan, Giáy… ở những vùng “thâm sơn cùng cốc” lại là những cư dân trà chính hiệu. Họ có những rừng trà cổ truyền đời hàng ngàn năm, có nền văn hóa trà đồ sộ thể hiện qua các tri thức bản địa về cách trồng trà, hái trà, sao trà, bảo quản trà, uống trà, cúng trà…

Người xưa có câu “Cao sơn xuất hảo trà” (Núi cao thì có trà ngon). Quả vậy, những vùng có trà ngon thường nằm ở độ cao từ 800m so với mực nước biển trở lên, có biên độ thời tiết chênh lệch ngày và đêm lớn nên khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục với núi cao mây phủ, vực sâu suối lượn sông dài… càng ngắm càng mê. Cảnh sao người vậy, người vùng trà hào sảng, lăng mạn, kiên cường, có đời sống văn hóa vật chất và tinh thần phong phú.

Cuốn du ký này là hành trình của tác giả theo chân những tao nhân mặc khách đi tìm cảnh đẹp, trà ngon để thưởng thức; theo chân những thương nhân đi khám phá những vùng trà quý, những vưu vật của đất trời, để mở mang cơ hội giao thương và chia sẻ của ngon vật lạ với nhiều người. Thế nên, cuốn sách sẽ không liệt kê đủ các vùng trà của Việt Nam mà chỉ tập trung đa số vào các vùng trà shan tuyết cổ thụ, những cách làm trà độc đáo, những phong tục tập quán thú vị liên quan đến trà. Mỗi lần tác giả chuẩn bị hành lý để đến những vùng trà là mỗi lần nhận được những câu hỏi từ người thân, bạn bè, tỉ như: “Tưởng đến đấy nhiều lần rồi mà?”, “Đi mãi chỗ ấy rồi mà chưa chán à?” Quả thật, có những vùng trà tác giả đã đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần đến là một lần có cảm xúc mới, khám phá ra những điều lý thú mới. Chính vì thế, nếu như những ghi chép này của tác giả gợi được cảm hứng để độc giả lên đường khám phá những vùng trà, gặp gỡ những người đang ngày ngày trồng, chăm sóc, chế biến những búp trà ngon cho đời… thì thật là vinh hạnh.

Lịch sử học không phải là chứng minh mà là nguồn tri thức để phân tích. Lịch sử ẩm thực thực chất không thể hiện như các bộ phim mà trong đó còn bao hàm cả kinh tế, chính trị và xã hội. Youngha Joo (2013), tác giả cuốn sách Korean History

on the Dining table đã viết như vậy. Tác giả đã thấu hiểu điều ấy khi viết cuốn sách này. Hi vọng rằng sẽ nhận được sự đồng cảm của quý vị!

Trích trong sách Ngang Dọc Đường Trà của Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời