1.1. Tám địa ngục nóng
Tám địa ngục nóng nằm chồng chất lên nhau giống như các tầng cảu một tòa nhà, từ Địa Ngục Chết Đi Sống Lại trên đỉnh nằm cao nhất xuống tới Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ ở dưới cùng. Trong mỗi tầng địa ngục, mặt nền và vành đai đều nóng bỏng như sắt nung chảy ở lò rèn – hoàn toàn không có chỗ nào bạn có thể đặt chân an toàn. Mọi sự chìm trong sự thiêu đốt hừng hực của ngọn lửa bùng cháy dữ dội.
- Địa Ngục Chết Đi Sống Lại
Ở tầng địa ngục này, giữa những than hồng bao phủ mặt nền kim khí nóng chảy, vô số chúng sinh như những bông tuyết trong một trận bão tuyết do nghiệp cảm của họ mà gom tụ lại do năng lực các hành vi của họ. Vì những hành vi đưa dẫn họ tới địa ngục này bị thúc đẩy bởi sự thù ghét, nên hậu quả tương tự như nguyên nhân đã đưa họ đến đó, khiến họ nhìn nhau như những kẻ tử thù, và xông vào đánh nhau dữ dội. Vung lên những vũ khí kỳ lạ – một kho vũ khí ma quái tạo ra bởi nghiệp lực của họ – họ đánh nhau cho tới khi mọi người đều bị giết chết. Vào lúc đó, một giọng nói từ trên cao bỗng cất lên: “Hãy sống lại!” và lập tức họ trở lại cuộc đời và lại bắt đầu đánh nhau y hệt như trước. Và họ bị hành hạ như vậy, liên tục chết đi rồi sống lại.
Họ sống ở đó bao lâu? Năm mươi năm trong đời người tương đương với một ngày ở trong Cung Trời của Tứ Thiên Vương. Ba mươi ngày ở đó thành một tháng, và mười hai tháng làm thành một năm; năm trăm năm như thế tương đương một ngày trong Địa Ngục Chết Đi Sống Lại. Trong địa ngục này, mỗi tháng có ba mươi ngày, mười hai tháng làm thành một năm. Họ chịu đau khổ ở đó trong năm trăm năm như thế.
- Địa Ngục Đường Vạch Đen
Ở đây những thuộc hạ của Thần Chết (Yama) đặt các tội nhân trên nền kim khí nóng chảy như những khúc củi cháy dở và gạch lên thân họ những đường vạch đen – bốn, tám, mười sáu, ba mươi hai và v.v…- mà các thuộc hạ của Yama dung làm những đường mẫu để xẻ cắt các nạn nhân bằng những chiếc cưa nóng đỏ. Vừa bị cắt thành từng mảnh xong là họ lập tức trở lại nguyên vẹn, chỉ để bị chặt ra thành từng phần và bị băm đi băm lại.
Đối với tuổi thọ của họ ở đó, một trăm năm làm người tương ứng với một ngày của các vị trời trong Cõi Trời thứ Ba mươi ba (cõi trời Đao Lợi), và một ngàn năm trong Cõi Trời thứ Ba mươi ba tương đương với một ngày trong địa ngục này. Dựa theo phỏng ước đó thì các chúng sinh này sống ở địa ngục này một ngàn năm.
- Địa Ngục Vây Bắt Và Nghiền Nát
Trong địa ngục này, hàng triệu chúng sinh bị ném vào những thứ cối giã khổng lồ bằng sắt có kích thước bằng toàn thể các thung lũng. Những thuộc hạ của Thần Chết (Yama) xoay tít những chiếc búa khổng lồ bằng kim loại nóng đỏ lớn như Núi Tu Di quanh đầu họ, và giã nát các nạn nhân ra. Những chúng sinh này bị nghiền nát cho tới chết, họ kêu khóc trong nỗi thống khổ và kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi. Khi những chiếc búa được nhấc lên, thì họ lại sống lại, chỉ để phải tiếp tục chịu đựng liên tục những cực hình như vậy.
Đôi khi, núi nong ở cả hai bờ thung lũng biến thành đầu hươu, nai, dê, cừu và những thú vật khác mà những chúng sinh trong địa ngục từng giết hại trong những đời quá khứ của họ. Những con vật húc đầu vào nhau bằng những đầu sừng phun lửa của chúng, và vô số chúng sinh trong địa ngục bị lôi kéo tới đó bởi nghiệp lực của mình, tất cả đều bị nghiến nát cho tới chết. Rồi, thêm một lần nữa, khi những rặng núi tách ra, họ lại sống lại chỉ để bị nghiền nát một lần nữa.
Hai trăm năm làm người tương đương với một ngày của những vị trời trong Cung Trời Vô Chiến. Hai ngàn năm trong cõi đó tương đương với một ngày trong Địa Ngục Vây Bắt Và Nghiền Nát, và chúng sinh trong địa ngục này sống hai ngàn năm.
- Địa Ngục Gào Khóc
Ở đây, chúng sinh đau khổ vì bị quay nướng trong những tòa nhà bằng kim loại nóng đỏ không có lối thoát. Họ gào khóc và la thét, có cảm tưởng sẽ không bao giờ thoát ra được.
Bốn trăm năm làm người tương đương một ngày trong Cung Trời Đâu Suốt. Bốn ngàn năm trong cõi trời đó tương đương với một ngày trong Địa Ngục Gào Khóc, ở đó đời sống tiếp tục trong bốn ngàn năm.
- Địa Ngục Gào Khóc Vĩ Đại
Một đám đông thuộc hạ của Thần Chết, trang bị vũ khí và trông thật khủng khiếp, xô đẩy hàng triệu nạn nhân vào những nhà kho bằng kim khí với những bức tường đôi đang cháy hừng hực, đánh họ bằng búa và những vũ khí khác. Những cánh cửa bên trong lẫn bên ngoài đều bị niêm phong bằng kim loại nóng chảy và chúng sinh địa ngục kêu rú trong đau đớn khi nghĩ rằng, cho dù họ có thể vượt qua cánh cửa đầu tiên, họ cũng sẽ không bao giờ có thể đi qua cánh cửa thứ hai.
Tám trăm năm làm người tương ứng với một ngày trong Cung Trời Hóa Lạc. Tám ngàn năm ở đó tương đương với một ngày trong Địa Ngục Gào Khóc Vĩ Đại. Chúng sinh ở địa ngục này có thọ mạng tám ngàn năm.
- Địa Ngục Thiêu Cháy
Ở đây, vô số chúng sinh đau khổ vì bị nấu sôi trong những vạc sắt khổng lồ có kích thước bằng toàn thể vũ trụ gồm một tỉ thế giới (tam thiên đại thiên thế giới), ở đó họ bị nấu sôi trong chất đồng nóng chảy. Dù nổi lên ở chỗ nào, họ cũng bị những thuộc hạ của Thần Chết chộp lấy bằng những móc kim khí và bị đánh vào đầu bằng búa, đôi khi cho đến bất tỉnh; ý niệm về hạnh phúc của họ là những giây lát bất tỉnh hiếm hoi này khi họ không còn cảm thấy đau đớn nữa. Ngoại trừ những giây phút này, họ luôn phải chịu những đau khổ cùng cực.
Một ngàn sáu trăm năm làm người tương đương một ngày sống giữa những vị trời trong Cung Trời Tha Hóa. Mười sáu ngàn năm của những vị trời này có thọ mạng mười sáu ngàn năm như thế.
- Địa Ngục Thiêu Cháy Dữ Dội
Chúng sinh trong địa ngục này bị giam cầm trong những ngôi nhà bằng kim khí nóng rực, và những thuộc hạ của Thần Chết dung các chĩa ba sắt nóng đỏ đâm họ qua gót chân và qua hậu mon cho tới khi các nạnh chĩa được đẩy sâu vào tận vai và đỉnh đầu. Cùng lúc đó thân họ bị trói bọc trong những miếng kim loại nóng đỏ. Họ phải chịu đau đớn biết bao! Những đau đớn này kéo dài liên tục trong nửa trung kiếp, là một thời gian vô tận nếu tính theo năm tháng của con người.
- Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ
Đây là một dinh thự rộng mênh mông bằng kim loại nóng hực, vây quanh nó là mười sáu Địa Ngục Lân Cận. Trong đó các thuộc hạ của Thần Chết ném vô số chúng sinh vào giữa một ngọn núi gồm những miếng sắt nóng đỏ, rực như than hồng. Bằng những ống thổi làm bằng da cọp và beo, họ làm cho lửa cháy bùng lên cho tới khi thân thể các nạn nhân và ngọn lửa trở nên không còn phân biệt được nữa. Nỗi khổ của các nạn nhân là vô cùng tận. Ngoài những tiếng kêu khóc tuyệt vọng thì không còn dấu hiệu nào về sự hiện diện của những thân xác thực sự nữa. Các chúng sinh không ngớt mong mỏi được trốn thoát, nhưng điều ấy không xảy ra. Thỉnh thoảng có một lỗ hổng nhỏ trong ngọn lửa và họ nghĩ rằng mình có thể thoát ra, nhưng các thuộc hạ lại đánh họ bằng dùi cui, giáo, búa và những vũ khí khác. Họ cũng phải chịu mọi đau đớn hành hạ của bảy tầng địa ngục ở trên, chẳng hạn như bị đổ chất đồng nóng chảy vào miệng.
Thọ mạng ở đây dài cả một trung kiếp. Nó được gọi là Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ (Địa Ngục Vô Gián), bởi vì không đâu có thể có nỗi khổ khủng khiếp như vậy. Địa ngục này là nơi tái sinh của những kẻ phạm năm trọng tội bị quả báo tức thì và những hành giả Kim Cương Thừa nào phát khởi những quan điểm đổi nghịch lại vị Thầy Kim Cương cũng bị tái sinh vào đó. Ngoài ra không có hành vi nào khác đủ năng lực để gây nên sự tái sinh ở địa ngục này.
1.1.9 Những Địa Ngục Lân Cận
Ở bốn hướng chung quanh Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ, đều bao phủ hào sâu đầy than hồng cháy bỏng, đầm lầy đầy những tử thi thối rữa, cánh đống vũ khí tua tủa và rừng cây có lá sắc như lưỡi dao cạo. Trong mỗi phương Bắc, Nam, Đông và Tây đều có các địa ngục này, tất cả hợp lại thành mười sáu địa ngục. Trong mỗi phương trung gian – Đông nam, Tây nam và Đông bắc – là một đồi cây salmali bằng sắt.
Hố than hồng nóng đỏ. Khi chúng sinh đã trả xong hầu hết các nghiệp tội ở Địa Ngục Đau Khổ Tột Độ và thoát khỏi địa ngục này, họ sẽ thấy ở đằng xa một cái gì giống như một cái mương rợp mát.
Thế là họ vui mừng lao xuống đó, chỉ để thấy mình chìm xuống một hố than nóng đỏ thiêu đốt thịt xương họ.
Đầm lầy chứa tử thi thối rữa. Tiếp theo đó họ sẽ thấy một con sông. Sau khi bị quay nướng trong một lò than suốt cả một đại kiếp, họ khát tới nỗi chỉ nhìn thấy nước là họ đã tràn ngập sung sướng và họ vội lao tới đó để làm dịu cơn khát. Nhưng dĩ nhiên là không có nước. Không có gì ngoài những tử thi – những xác chết, xác ngựa, xác chó – tất cả đang thối rữa và lúc nhúc giòi bọ khi chúng phân hủy, bốc ra mùi hôi thối khủng khiếp. Họ lún sâu vào bãi lầy này cho tới khi đầu họ bị chìm nghỉm, trong khi những con sâu với những cái mỏ sắt cấu xé, ngấu nghiến họ.
Cánh đồng dao cạo. Khi thoát khỏi đầm lầy tử thi, họ sung sướng khi nhìn thấy một cánh đồng xanh tươi. Nhưng khi tới đó họ nhận ra rằng nó lởm chởm đầy những vũ khí. Toàn thể mặt đất bị bao phủ bởi những lưỡi dao sắt nóng đỏ mọc lên nhiều như cỏ, chúng đâm xuyên thủng chân họ mỗi khi họ bước đi. Khi họ nhấc chân lên thì bàn chân lành lặn – chỉ để lại bị đâm nát thật đau đớn, ngay khi họ đặt chân xuống.
Rừng gươm. Được tự do một lần nữa, họ sung sướng khi được nhìn thấy một cánh rừng đẹp đẽ và vội vã tới đó. Nhưng khi tới nơi thì chẳng có cánh rừng xinh đẹp nào cả. Nó hóa thành một bụi cây mà trên những cành cây kim loại mọc đầy gươm đao thay cho những chiếc lá. Khi cây lay động trong gió, những lưỡi gươm cắt thân họ thành từng miếng nhỏ. Thân họ sau đó trở lại như cũ và lại liên tục bị băm nhỏ như vậy.
Đồi cây salmali bằng sắt. Đây là nơi tái sinh của những vị tăng, ni phóng túng vi phạm giới nguyện giữ thân trong sạch và những người đắm chìm trong sự tà dâm. Hậu quả của những hành vi như thế đã khiến họ phải đến chân đồi cây salmali bằng sắt khủng khiếp. Họ có thể thấy trên đỉnh đồi những người tình cũ đang kêu gọi họ. Khi họ hăm hở leo lên để gặp những người ấy thì tất cả những lá cây sắt chĩa xuống và đâm thủng da thịt họ. Khi lên tới đỉnh, họ chỉ nhìn thấy những con quạ, kên kên, và những con cùng loại, chúng móc mắt họ để hút lấy mỡ. Lúc này họ lại thấy những người bạn tình đang gọi họ từ dưới đồi. Họ leo xuống và những lá cây lại quay ngược lên liên tục đâm vào ngực họ. Khi xuống tới mặt đất, những người đàn ông và đàn bà bằng sắt hình thù gớm ghiếc ôm chầm lấy họ, cắn đứt đầu họ và nhai cho tới khi óc chảy ròng ròng ở khóe miệng. Đó là những đau khổ phải trải qua ở địa ngục này là như vậy.
Hãy thấm nhuần mọi chi tiết của những đau khổ của tám địa ngục nóng, mười sáu địa ngục lân cận, những địa ngục phụ và những đồi cây salmali bằng sắt. Hãy lui về một nơi yên tĩnh, nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng bạn đang thực sự sống ở đó, thì hãy khởi lên trong tâm những tư tưởng sau:
“Mặc dù tôi không thực sự ở đó nhưng tôi cảm nhận được nỗi khiếp sợ và đau khổ khủng khiếp như thế khi tôi vừa hình dung những nỗi thống khổ đó. Ngay giờ đây, có vô số chúng sinh đang sống trong những địa ngục này, và tất cả họ đã từng là cha mẹ của tôi trong những đời quá khứ. Chẳng biết cha mẹ, những người thân yêu và bằng hữu của tôi có bị tái sinh vào đó sau khi chết hay không. Việc tái sinh vào những cõi này chủ yếu là do những hành vi thù ghét, và bản thân tôi cũng đã từng tích lũy vô số hành vi như vậy trong đời này cũng như tất cả những đời quá khứ của tôi. Tôi biết chắc rằng sớm muộn gì thì chính tôi cũng sẽ phải tái sinh vào những cõi địa ngục đó.
“Vào lúc này, tôi có được một thân người với đầy đủ mọi điều kiện tự do và thuận lợi. Tôi đã gặp được một vị Thầy tâm linh chân chính và nhận được những lời dạy thâm sâu để có thể đạt được Phật quả. Do vậy, tôi phải thực hành tốt nhất những phương pháp sẽ cứu tôi không còn bị tái sinh một lần nữa trong những cõi thấp đó.”
Hãy quán chiếu nhiều lần như thế về nỗi khổ trong các địa ngục. Hãy sám hối những hành động bất thiện trong quá khứ của bạn với sự ân hận mãnh liệt và hãy lập một quyết tâm bất thối chuyển rằng, cho dù phải bỏ thân mạng này, bạn sẽ không bao giờ còn vi phạm những hành vi dẫn đến việc tái sinh trong các cõi địa ngục. Với lòng bi mẫn bao la đối với những chúng sinh hiện đang ở đó, hãy cầu nguyện rằng ngay giây phút này tất cả họ có thể được giải thoát khỏi những cõi thấp. Hãy đưa giáo lý vào thực hành, hoàn tất những phương pháp cho sự khởi đầu, phần chính và phần kết thúc.
- Tám địa ngục lạnh
Trong tất cả những địa ngục này, toàn thể khung cảnh được tạo bằng núi tuyết và bang hà, thường xuyên bị bao phủ trong những trận bão tuyết.
Những chúng sinh ở đây, hoàn toàn phải chịu trần truồng, và bị sự giá lạnh hành hạ. Trong Địa Ngục Phồng Rộp, cái lạnh buốt giá làm cho thân họ phồng rộp lên. Trong Địa Ngục Phồng Rộp Nứt Nẻ, những mảng phổng rộp trên thân họ bị nứt bật ra. Trong Địa Ngục Nghiến Răng, chúng sinh không thể chịu nổi cái lạnh buốt nhức đến mức không thể chịu nổi và hàm răng họ nghiến chặt lại. Trong Địa Ngục Than Khóc, tiếng than khóc của họ chẳng bao giờ dứt. Trong Địa Ngục Rên Rỉ, giọng họ bị vỡ ra và chỉ có những tiếng rên dài thoát ra từ đôi môi. Trong Địa Ngục Nứt Nẻ Như Hoa Ưu Bát La, da của họ trở nên xám xanh và thân họ nứt ra thành bốn mảnh như cánh hoa Ưu Bát La. Trong Địa Ngục Nứt Nẻ Như Hoa Sen, có thể nhìn thấy màu thịt đỏ dưới da họ, và sự giá lạnh làm thân họ phải bị nứt thành tám mảnh như hoa sen. Cuối cùng, trong Địa Ngục Nứt Nẻ Như Hoa Sen Lớn, máu thịt của họ trở nên đỏ sậm và nứt ra thành mười sáu, ba mươi hai mảnh và sau đó thành vô số mảnh. Những con sâu bọ đục thẳng những mảnh thịt vỡ nứt và ngấu nghiến chúng bằng những cái mỏ kim khí. Tên của tám địa ngục này bắt nguồn từ những đau khổ khác nhau mà chúng sinh phải chịu đựng ở đó.
Về thọ mạng trong những địa ngục lạnh này, hãy hình dung một cái thùng có thể chứa được hai trăm thước bộ Câu Tát La (Kosala), đựng đầy hột mè. Đời sống trong Địa ngục Phồng Rộp kéo dài cho đến khi cái thùng rỗng đó bị trống rỗng bằng cách cứ một trăm năm lại lấy ra một hột mè duy nhất.
Đối với những địa ngục lạnh khác, thọ mạng và các nỗi khổ mỗi thứ tăng gấp hai mươi lần. Do đó đời sống trong Địa Ngục Phồng Rộp Nứt Nẻ dài gấp hai mươi lần. Do đó đời sống trong Địa Ngục Phồng Rộp Nứt Nẻ dài gấp hai mươi lần đời sống trong Địa Ngục Phồng Rộp; thọ mạng trong Địa Ngục Nghiến Răng thì dài gấp hai mươi lần đời sống trong Địa Ngục Phồng Rộp Nứt Nẻ và tương tự như vậy đối với các địa ngục khác.
Bằng tâm thức, hãy nhận vào mình những nỗi khổ này và hãy thiền định về những nỗi thống khổ này theo cách thức thiền định đối với tám địa ngục nóng. Hãy nghĩ tưởng rằng sẽ lạnh lẽo khủng khiếp biết bao khi bạn phải đứng trần truồng dù chỉ trong chốc lát giữa con gió bão mùa đông lạnh giá trong thế giới con người hiện tại. Làm sao bạn có thể chịu đựng được nếu bị tái sinh vào tám địa ngục lạnh? Hãy sám hối những lỗi lầm của bạn và cam kết không bao giờ tái phạm chúng. Sau đó hãy phát triển lòng bi mẫn đối với chúng sinh đang thật sự sống trong những thế giới đó. Hãy thực hành như trước, áp dụng các phương pháp thực hành vào lúc khởi đầu, trong phần thực hành chính, và phần kết thúc.
- Các địa ngục phù du
Những Địa Ngục Phù Du hiện hữu ở nhiều tầng khác nhau và những nỗi khổ được kinh nghiệm ở mỗi nơi cũng biến đổi rất nhiều. Chúng sinh có thể bị nghiền nát giữa các tảng đá, hoặc bị giam cầm trong một hòn đá, bị cóng lạnh trong bang tuyết, bị nấu chín trong nước sôi hay bị thiêu đốt trong lửa đỏ. Khi có người đang đốn cây thì một số người có cảm tưởng mình là cái cây mà những cành lớn bị chặt đứt. Một số chúng sinh đau khổ bởi đồng hóa thân thể họ vối những dụng cụ liên tục đem sử dụng như: cối giã, cây chổi, xoong chảo, cánh cửa, kèo cột, đinh đầu lớn và dây thừng…
Những ví dụ trong các câu chuyện về những địa ngục này là các tường thuật về con cá mà Ngài Lingje Repa nhìn thấy trong Hồ Yamdrok và con ếch mà thành tựu giả Tangtong Gyalpo tìm thấy bên trong một hòn đá.
Yutso Ngonmo, Hồ Lam Ngọc xuất hiện trong lúc Dakini Yeshe Tsogyal đang thiền định ở Yamdrok, khi một miếng vàng ròng do một người tu theo đạo Bonpo ném xuống đã biến thành hồ nước. Nó là một trong bốn cái hồ nổi tiếng ở Tây Tạng, và dài đến nỗi từ đầu hồ tại Lung Kangchen tới cuối hồ ở Zemaguru phải đi bộ mất vài ngày. Một ngày nọ, khi đại thành tựu giả Lingje Repa đang quan sát cái hồ này thì Ngài bắt đầu bật khóc và than rằng: “Con vật đáng thương! Chớ lạm dụng những vật cúng dường! Chớ lạm dụng những vật cúng dường!”
Khi những người ở cùng với Ngài xin Ngài giải thích, Ngài nói: “Tâm thức của một Lạt ma lạm dụng của cúng dường đã bị tái sinh trong một Địa Ngục Phù Du trong cái hồ này, và đang phải hứng chịu cực kỳ đau khổ.”
Những người này muốn được nhìn thấy, vì thế vị thành tưu giả làm nước hồ khô cạn một cách kỳ diệu trong chốc lát, phơi bày một con cá khổng lồ, nó lớn tới nỗi chiếm trọn bề rộng và bề dài của cái hồ. Nó đang quằn quại trong đau đớn vì toàn thân bị những sinh vật nhỏ phủ kín và ăn sống. Những thị giả của Ngài Lingje Repa hỏi Ngài người có nghiệp xấu như thế là ai, và Ngài đã trả lời đó là Tsangla Tanakchen, một Lạt ma của phái Ngựa Đen ở tỉnh Tsang. Ông là một Lạt ma mà lời nói có năng lực và sự gia hộ thật mạnh mẽ. Chỉ một cái liếc mắt của ông là đủ để chữa lành cho một người nào đó bị những tinh linh quấy nhiễu. Vì lý do này ông rất được kính trọng ở bốn tỉnh của U và Tsang. Nhưng khi ông thực hiện pháp chuyển di tâm thức trong những tang lễ, mỗi lần phát ra tiếng “P’et” là ông đòi phải được trả công bằng một số lượng lớn gồm ngựa và trâu bò của người chết.
Một ngày nọ, khi Thành tựu giả Tangtong Gyalpo đang thực hành những bài pháp du già (yoga) về kinh mạch và khí lực trên một tảng đá lớn làm tảng đá bể ra làm hai. Bên trong đó là một con cóc lớn. Vô số sinh vật bé nhỏ đang bám vào và ăn sống nó, làm nó mở hoác cái miệng đen của nó rồi ngậm lại và đau đớn ghê gớm. Khi những người đồng hành hỏi Ngài tại sao lại xảy ra điều này, Tangtong Gyalpo giải thích rằng người bị tái sinh trong hình tướng đó là một thầy tu đã dung những con vật để cúng tế.
Hãy nhìn những Lạt ma ngày nay! Mỗi lần một tín chủ giết một con cừu béo tốt và bày ra thịt cỗ, những trái cật và những bộ phận khác cùng với thịt và máu, chất đống nó cùng những miếng thịt sườn trâu yak còn run rẩy, những Lạt ma của chúng ta kéo áo choàng ra khỏi đầu và mút bộ lòng như trẻ em bú mẹ. Sau đó, họ dung dao lạng miếng thịt và ung dung nhai nuốt chúng một cách ngon lành. Khi ăn xong, cái đầu của họ mới ngẩng lên, nóng hổi và bốc hơi. Miệng họ loáng mỡ và râu họ có màu đỏ nhạt. Nhưng họ sẽ gặp hậu quả nặng nề trong đời sau, ở một trong những Địa Ngục Phù Du, khi họ phải trả lại bằng chính thân thể của họ tất cả những gì họ đã ăn quá nhiều lần trong đời này.
Có lần, Ngài Palden Chokyong, Tu viện trưởng Tối cao xứ Ngor, có mặt ở Derge. Ngài bố trí nhiều tu sĩ dọc theo bờ song Ngulda, ra lệnh cho họ không được để bất kỳ thứ gì trôi qua. Tới chiều, họ thấy một thân cây lớn trôi trên mặt nước nên lôi vào bờ và đem lại cho vị Tu viện trưởng, nói rằng ngoài khúc cây này họ không thấy vật gì khác.
“Chắc hẳn là nó,” Ngài nói. “Hãy chẻ nó ra.”
Ở bên trong thân cây họ thấy một con cóc lớn đan bị vô số côn trùng ăn sống. Sau khi thực hiện một nghi lễ tịnh hóa, vị Tu viện trưởng nói rằng con cóc từng là một thủ quỹ tên là Pogye ở vùng Derge. Ngày nay những người có vẻ có mọi quyền lực, nhưng tất cả những người lãnh đạo đó và những kẻ quyền cao chức trọng thâm lạm của công nên suy nghĩ về những Địa Ngục Phù Du và phải vô cùng cẩn trọng.
Vào thời Đức Phật, có một người đồ tể của làng lập một lời nguyện không giết súc vật vào ban đêm. Ông ta bị tái sinh vào một Địa Ngục Phù Du. Vào ban đêm ông ta được trải qua sự hỷ lạc quyễn rũ và họ ra sức phục vụ các đồ ăn thức uống và những thú vui khác cho ông. Tuy nhiên, vào ban ngày những bức tường của tòa nhà biến thành kim khí nóng đỏ và bốn phụ nữ biến thành bốn con chó nâu thật khủng khiếp ngấu nghiến ăn thịt ông ta.
Ngày xưa, Ngài Srona thấy một người đàn ông ngoại tình thề giữ giới không tà dâm vào ban ngày. Ngược với người đồ tể, ông ta chỉ bị đau khổ vào ban đêm.
Trước đây có một tu viện rất an vui có khoảng năm trăm tu sĩ. Khi chuông đổ vào giữa trưa những nhà sư tập họp để dùng bữa, vào bữa trưa tu viện biến thành một căn nhà bằng kim khí cháy nóng. Những bình bát, ly tách và v.v…biến thành các vũ khí và những vị tu sĩ đánh đập nhau. Khi hết giờ ăn trưa, họ tách ra và lại trở về vị trí cũ. Vào thời Đức Phật Ca Diếp, nhiều vị tăng đã tranh cãi vào giờ ăn trưa, và đây là hậu quả hoàn toàn chín mùi của việc đó.
Tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh, những địa ngục lân cận và những địa ngục phù du tạo thành mười tám cõi địa ngục. Hãy nghiên cứu kỹ càng số lượng của những địa ngục này, thời gian trải qua ở đây, những đau khổ phải chịu đựng và những nguyên nhân gây ra việc phải bị tái sinh vào đó. Hãy thiền định với lòng bi mẫn về những chúng sinh bị tái sinh trong đó. Hãy cố gắng để bảo đảm rằng, bản thân bạn lẫn bất kỳ người nào khác, sẽ không còn ai bị tái sinh vào những cõi đó.
Nếu bạn hoàn toàn bằng lòng với việc lắng nghe và hiểu biết về những địa ngục này về mặt kiến thức mà không biến những hiểu biết ấy thành một kinh nghiệm sống thực, thì bạn sẽ chỉ trở thành một trong những hành giả ngoan cố và kiêu ngạo, sẽ bị các bậc siêu phàm phê phán và các bậc thiện tri thức chỉ trích.
Ngày xưa có một tu sĩ có đức mạnh gương mẫu nhưng lại hết sức kiêu ngạo. Ông ta đến thăm Ngài Shang Rinpoche, Ngài hỏi ông ta hiểu biết Giáo Pháp gì.
“Tôi đã được nghe nhiều giáo pháp,” vị tăng sĩ trả lời.
“Vậy hãy kể cho ta tên của mười tám địa ngục,” Shang Rinpoche nói.
“Tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh…tổng cộng là mười sáu…và nếu Ngài thêm vào Mũ Đen và Đỏ của các vị Karmapa thì là mười tám.”
Không phải vì sự thiếu tôn kính đã khiến cho ông ta gộp chung các Lạt ma Karmapa với các địa ngục. Đó chỉ là vì ông ta quên tên các Địa Ngục Phù Du và Địa Ngục Lân Cận, và bởi vào lúc đó những vị đạo sư Karmapa Mũ Đen và Đỏ rất nổi tiếng, nên ông ta đã hấp tấp kể thêm các Ngài vào. Bây giờ bạn có thực hành những giáo lý đã nhận được hay không là một chuyện, nhưng nếu tối thiểu không biết tới những ngôn từ và thuật ngữ có liên quan thì thật đáng xấu hổ.
Trích sách: Lời vàng của thầy tôi – Patrul Rinpoche
Bài viết liên quan
Đức Tác Minh Phật Mẫu Kurukulle
Từ sâu thẳm bên trong trái tim con là một bông hoa vô ưu đang...
Th11
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP ĐẠI GIỚI ĐÀN NHỰT HUỆ 2024 (SA DI – SA DI NI và THỨC XOA MA NA)
Phần I: LỊCH SỬ Câu 1: Theo “Phật học phổ thông” của HT. Thiện Hoa, giới...
Th11
Những lời khai thị từ Đức Liên Hoa Sinh
Có thể nói thân người là cực kỳ khó. Thế nên, thật là ngu mê...
Th8
Bài thơ về sự vô thường – Tế Công đời nhà Tống
Tế Công đời nhà Tống có làm bài thơ về sự vô thường: Tiếc thay...
TU TRONG MỌI HOÀN CẢNH
HỎI Thưa Thầy, khi xưa đức Phật và các thầy Tỳ-kheo không phải lao động...
Th8
Phật học tham vấn – độ chúng sanh
PHẬT HỌC THAM VẤN ( Sư Ông Trúc Lâm Tôn Sư ) Độ Chúng Sanh…?...
Th8