TRANH SỐ 1: “TÌM TRÂU”
Lời dẫn: Thiền Sư Quách Am.
Dịch&Giảng: Hoà Thượng – Thiền Sư Thích Thanh Từ.
DẪN:
Từ lâu chẳng mất đâu cần kiếm tìm.
Do trái tánh giác trở thành xa cách.
Bởi theo vọng trần bèn thành khuất lấp. Quê nhà dần xa lối tẻ chợt lầm.
Được mất dấy lên phải quấy đua khởi.
GIẢNG:
Con trâu tượng trưng cho Tánh Giác sẵn có nơi mỗi người, lúc nào cũng hiển lộ nơi sáu căn, đâu có mất, thì cần gì kiếm tìm.
Học Kinh Luận thấy Phật nói mỗi chúng sanh có sẵn Tánh Giác, nên muốn tìm, nhưng không biết nó ở đâu mà tìm. Sở dĩ không biết là vì sống chạy theo bên ngoài, trái với Tánh Giác, nên thành xa cách.
Và cứ tiếp xúc là có phải, quấy, được, mất, dấy khởi không ngừng… Chúng ta học Phật ai cũng biết mình có Chân Tâm, nhưng không sống được với Chân Tâm là tại vì đối duyên xúc cảnh cứ thấy được, mất, phải, quấy, hơn, thua, tốt, xấu… mà không thấy cái chân thật.
TỤNG:
Mang mang bát thảo khứ truy tầm
Thuỷ hoạt sơn diêu lộ cánh thâm
Lực tận thần bì vô mịch xứ
Đản văn phong thụ vãn thiền ngâm
DỊCH:
Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe véo vắt giọng ve sầu
GIẢNG GIẢI:
Chú mục đồng lòng nao nao bồn chồn vạch cỏ bụi để tìm kiếm trâu. Chú lội qua suối sâu, chú trào lên núi cao, chú vượt đường dài xa thẳm. Sức chú đã kiệt, tinh thần chú đã mỏi mệt, nhưng chú vẫn chẳng biết trâu ở đâu mà tìm. Trời chiều, giữa cảnh rừng rậm, chú chỉ nghe trên cây tiếng ve ngâm.
Người mới tu với tất cả ý chí dõng mãnh thiết tha, muốn tu cho thành Đạo quả, nên hết đến Đạo tràng này, lại đến Pháp hội kia để học hỏi tìm tòi. Càng đi tìm tòi học hỏi thì càng nhọc sức, vẫn không nắm bắt được cái mà mình muốn kiếm tìm. Nhìn lại, chỉ thấy sinh hoạt cũ kỹ của ngày tháng qua.
TRANH CHĂN TRÂU SỐ 2: THẤY DẤU
DẪN:
Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý tìm dấu vết. Biết rõ vòng, xuyến… đều là vàng, cả thảy muôn vật là chính mình. Chánh tà chẳng cần biện biệt, chơn ngụy đâu cần phân chia. Chưa vào cửa này tạm gọi là thấy dấu.
GIẢNG GIẢI:
Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý tìm dấu vết: Người tu nhờ xem Kinh học giáo lý, mà biết mình sẵn có Tánh Giác; chỉ biết xuông, tin xuông chứ tự mình chưa tận mặt nhận ra. Biết rõ vòng, xuyến…đều là vàng, cả thảy muôn vật là chính mình: Tất cả đồ trang sức như vòng, xoa, xuyến, nhẫn, hoa tai…tuy hình dạng có sai khác, nhưng thể của nó vẫn là vàng.
Tâm thể tròn sáng sẵn có nơi chính mình là nguồn cội sanh ra muôn pháp muôn vật, nên nói cả thảy muôn vật là chính mình. Chánh tà chẳng cần biện biệt, chơn ngụy đâu cần phân chia: Tâm thể chơn thật không hình không tướng, nên ý nghĩa lời nói không đến được. Người tu hằng sống được với tâm thể chân thật của mình rồi, khi đối duyên xúc cảnh không cần phân biệt đây là chánh kia là tà, không còn phân chia đây là chơn kia là ngụy. Vì tất cả các pháp đều là dụng của tâm. Chưa vào cửa này tạm gọi là thấy dấu: Người chưa tự nhận ra tâm thể chơn thật của mình mà nhờ lời Phật Tổ dạy trong Kinh Luận, tin rằng mình sẵn có tâm thể ấy, nên tạm gọi là thấy dấu.
TỤNG:
Thủy biên lâm hạ tích thiên đa
Phương thảo ly phi kiến dã ma
Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ
Liêu thiên tỉ khổng tạc tàng tha
DỊCH:
Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Ví phải non sông lại sâu thẳm
Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi
GIẢNG GIẢI:
Bến bờ sông, trên bờ suối, dưới mé rừng dấu chân trâu rất nhiều. Nên chú mục đồng vạch cỏ cây lùm bụi để tìm trâu, chú cho rằng trâu sẽ ở đâu đây. Dầu cho là núi sâu lại ở chỗ sâu thẳm, nhưng mà lỡ mũi cao ngất trời dấu đâu được nữa. Tức là tìm kiếm mà thấy dấu rồi nhất định sẽ thấy trâu không nghi ngờ.
Lời Phật dạy trong Kinh, lời Tổ dạy trong Luận, trong ngữ lục, là mỗi chúng sanh đều có sẵn Tánh Giác. Hành giả tin Phật, Tổ không nói dối nên ráng sức tu tập theo lời Phật Tổ dạy, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ được thành Phật.
Bài viết liên quan
TƯ TƯỞNG BÁT NHÃ TRONG THIỀN HỌC CỦA THIỀN SƯ PHÁP LOA
Dẫn nhập Tư tưởng Bát Nhã là cốt tủy của văn hóa Phật giáo. Tư...
Th3
Hương người đức hạnh ngược gió bay khắp mười phương
Trong Kinh Pháp Cú số 54, Đức Phật đã dạy: Người Phật tử giữ đúng...
Th3
Tâm thái Thiền
Khi nói đến thiền ta thường liên tưởng đến vị Phật ngồi thiền tĩnh lặng...
Th3
Sơ Tổ Trúc Lâm – Trần Nhân Tông (1258 – 1308)
Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng...
Th1
THẤT TÌNH LỤC DỤC KHIẾN CON NGƯỜI TA PHẢI SA ĐỌA 6 NẺO LUÂN HỒI…!!!
1.Thất tình: Bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như: Vui mừng,...
Th1
Thiền Trúc Lâm Yên Tử – Dòng thiền Việt Nam
Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái...
Th1