Khi ăn, ta muốn ăn nhanh cho xong để còn làm việc khác. Khi nói, ta cố gắng nói nhanh vì còn nhiều chuyện để nói, hoặc không kìm được cảm xúc. Khi đi, ta tranh thủ đi nhanh để sớm về đích, đạt mục tiêu, hoành thành sớm nghỉ sớm. Cứ vậy mà ta luôn tất tả, vội vàng, hấp tấp….như thể nếu chậm lại một chút là ta sẽ bị bỏ đằng sau hay bị huỷ diệt. Cứ vậy mà ta lao như điên về tương lai.
Khi ta đặt ra B là đầu óc ta lúc nào cũng nghĩ về B, mất ăn mất ngủ vì B, quên hết bổn phận trách nhiệm khác cũng vì B, giận hờn đến làm khổ nhau cũng vì B, chiêu trò đủ kiểu cũng vì B, mất hết phong độ cũng vì B, không thở nổi không sống nổi,…. cũng vì B. B là bằng cấp, là chức vị, là sở hữu căn hộ đắt tiền, là trở thành người nổi tiếng, là chiếm được người mình yêu thích,…Ta gần như bỏ qua tiến trình đi tới B, mà có khi tiến trình ấy phải mất nhiều năm trời.
Ta sống trong căng thẳng,mệt mỏi, thậm chí là đau khổ để đạt được cái gọi là hạnh phúc. Thời gian sống trong đau khổ có khi gấp chục gấp trăm gấp nghìn lần thời gian có được hạnh phúc. Mà, thời gian hạnh phúc khi đạt được mục tiêu thường diễn ra không bao lâu, vì liền sau đó ta lại mong muốn có C. Ta lại nghĩ C là quan trọng nhất, nếu không có C thì ta không thể nào hạnh phúc được.
Theo cách đó, cuộc đời ta chỉ là những chuyến ra đi, và hạnh phúc của ta thật ngắn ngủi mong manh. Mong manh vì ta chưa từng được hưởng hạnh phúc nào thuần là hạnh phúc cả, luôn có những nỗi bận tâm chen lẫn trong đó. Ta lo cho ngày mai, cho bất lợi xảy ra cho B, hay thuận lợi không xảy ra cho C.
Ta có nôn nóng đọc xong cuốn sách này để xem có thêm điều gì hay ho nữa không? Những trang kế tiếp cũng sẽ tiếp tục cống hiến phương thức làm chủ và thưởng thức cuộc sống. Chỉ vậy thôi! Nhưng mỗi trang đã là một cơ hội để ta nhìn lại và thực nghiệm rồi. Đừng chờ đến cuối cuốn sách, không có gì hấp dẫn hơn cái ta đang trải nghiệm đâu. Thử đọc hết đi rồi biết!
(Trang 32,33 trong cuốn ” Làm Như Chơi của tác giả Minh Niệm)
Ta đang có hạnh phúc, ta có biết không?
“Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình
Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình.”
(Phạm Duy)
Trải qua nhiều ngày phi nước đại hướng tới ngọn đồi xanh lơ tận cuối chân trời, chú ngựa hoang đã thấm mệt. Chú đành phải dừng lại, ăn cỏ và uống nước trên thảo nguyên quen thuộc. Nhưng hôm nay cũng đồng cỏ này, cũng dòng nước này, sao thấy thơm ngon quá, sao thấy thanh bình quá. Hạnh phúc là đây sao?
Có những ” cái muốn” mang lại thêm giá trị hạnh phúc, nhưng cũng có những ” cái muốn” kéo ta ra khỏi hạnh phúc mà ta không hề hay biết. Bởi cái muốn đó quá lớn, mạnh quá, còn sức ta thì yếu quá. Để rồi ta không còn cảm nhận những gì mình đang có là điều kiện hạnh phúc nữa, đến nỗi ta thấy những thứ ấy chỉ mang lại sự chướng ngại, phiền toái. Phải ra đi, phải dẫm nát hạnh phúc trong hiện tại để có được ” đồng cỏ xanh hơn” như trong mơ thì ta mới yên lòng.
Rõ ràng, ta không có hạnh phúc không phải vì ta không có gì để hạnh phúc, mà chỉ vì ta không thể cảm nhận cái gì là hạnh phúc. Tâm ta có quá nhiều vọng động, quá nhiều mong muốn và đòi hỏi, nên sự nhàm chán phải xảy ra thôi.
Chẳng lẽ, phải để đói thật lâu thì ăn mới cảm thấy ngon, phải trải qua mùa đông lạnh thấy xương thì mới yêu quý ngày nắng ấm, phải xa cách với thời gian đủ lâu thì mới ý thức nuôi dưỡng và bảo vệ giây phút gần bên nhau,….?
Có cách nào khác không? Có cách nào không phải chịu khổ đau rồi mới có hạnh phúc không? Có cách nào để ta luôn hài lòng với những gì mình đang có mà không để cho những ham muốn hay sự nhàm chán lấn át không?
Có! Sống trong tỉnh thức! Luôn biết rõ ta đang làm gì và những gì ta làm sẽ mang lại kết quả như thế nào. Sống trong tỉnh thức còn cho ta sức mạnh để dám làm ” những gì nên làm”, và dứt khoát không làm những gì ” không nên làm”.
(Trang 34,35 trong cuốn ” Làm Như Chơi” của tác giả Minh Niệm)
Ta đang làm gì đây?
Khi xắt cà rốt mà biết mình đang xắt cà rốt, khi chùi nồi mà biết mình đang chùi nồi, khi gọi điện thoại mà biết mình đang gọi điện thoại, khi lái xe mà biết mình đang lái xe,… chứ không nghĩ ngợi chuyện gì khác, tức là ta đang hành động trong tỉnh thức. Khác với thói quen vô thức đang hình thành trong ta : làm mà không biết mình đang làm cái gì, làm cái này mà nghĩ đến cái khác, trong khi làm luôn bị vọng tưởng kéo đi, nhiều khi xảy ra sự cố mới giật mình bừng tỉnh.
” Ta đang làm gì đây?”, hay ” Ta đang tiếp xúc với đối tượng nào đây?” là câu ” thần chú” mà ta nên nằm lòng để luôn tự nhắc mình, đưa mình về thực tại. Hỏi mà không cần câu trả lời. Nhưng nếu không lôi kéo nổi tâm mình trở về thì cứ đọc câu thầm câu trả lời một cách rành mạch và duy trì sự nhận biết càng lâu càng tốt. Duy trì bằng cách chú ý thật lâu vào đối tượng trong khả năng hết mức có thể.
Để cho sự nhận biết rõ ràng và sâu sắc hơn, từ trạng thái chú ý ta chuyển qua trạng thái quan sát. ” Đối tượng ấy, công việc ấy đang diễn ra như thế nào?”, câu hỏi này sẽ giúp ta nhìn kỹ, nhìn sâu, nhìn từng đường nét chi tiết về đối tượng. Thí dụ : đoá hoa đang héo rũ, thức ăn chưa chín tới, cái nồi còn chút dơ, giọng nói người ấy hơi run, nồi khoai đang bốc hơi, trăng đã lên tới đầu núi,…
Nhận biết rõ về tình trạng của đối tượng không chỉ giúp ta thấy rõ giá trị của đối tượng để hết lòng nâng niu, mà còn giúp ta nâng cao ý thức trách nhiệm để kịp thời giúp đỡ đối tượng. Điều quan trọng hơn nữa, là ta bắt đầu hình thành thói quen ” hay biết” để đẩy lùi thói quen “không thấy”, “không biết”, ” không để ý”, ” không quan tâm”…. đang là chứng bệnh nan y của thời đại.
( Trang 35,36 trong cuốn “Làm Như Chơi” của tác giả Minh Niệm)

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời