Đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền và đỉnh cao của thiền chính là kinh doanh. Hành trình “tỉnh thức” của tôi bắt đầu từ nhận thức đó.

Cơ duyên đến với thiền

Sau một thời gian dài làm kinh doanh, năm 2015, khi đang đạt đỉnh cao của nghề nghiệp, tôi gặp một số vấn đề về phát triển bản thân. Tôi nhận ra rằng năng lực lãnh đạo bản thân của mình còn nhiều hạn chế.

Tôi đã quyết định dừng công việc lãnh đạo và giao lại công ty cho các thành viên sáng lập lúc đó và đi học để phát triển bản thân. Một thời gian sau thì tôi mới biết đây chính là thiền và bắt đầu nhận được những giá trị to lớn từ thiền.

Tôi nhận ra rằng trước đây tôi không lãnh đạo được bản thân là do tôi bị nhầm lẫn giữa tôi và cái tôi. Trước đó tôi nghĩ rằng cái tôi của mình chính là tôi. Trong khi sự thật lại không phải như vậy. Cái tôi không phải là tôi, mà nó là những thứ không phải tôi, nhưng tôi lại bị nhầm nó là tôi. Chính vì bị nhầm lẫn như vậy, nên tôi đã trao quyền cho cái tôi. Đúng hơn là cái tôi đang chi phối và chiếm quyền nên tôi thường xuyên gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề.

Khi tôi sống trong thiền, tôi có sự phân biệt được rõ giữa tôi và cái tôi. Do vậy, tôi không cho phép cái tôi chiếm quyền, chi phối bản thân mình nữa, do vậy tôi làm việc hiệu quả hơn, luôn làm việc với niềm vui, tôi không có nhu cầu giải trí sau khi làm việc. Bởi vì làm việc đối với tôi chính là giải trí rồi.

Tôi hoàn toàn tận hưởng trong mọi phút giây làm việc của mình, dù mỗi ngày tôi làm việc với toàn bộ thời gian (trừ những thời gian ăn và ngủ). Tôi tôn trọng sự thật và loại bỏ những ý nghĩ chủ quan (ý tưởng của tôi, ý kiến của tôi…) hay cảm xúc cá nhân (sợ sệt, lo lắng, bất an…). Từ đó, tôi đi thẳng vào việc giải quyết vấn đề và đảm bảo hiệu quả trong mọi việc.

Lúc này, tôi mới kết nối được giữa thiền và kinh doanh và cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất, cốt lõi của mọi vấn đề ở công ty là về nhân sự, tài sản chính của công ty. Nói cách khác, khi chúng ta phát triển công ty nghĩa là chúng ta phát triển cái tập con người trong công ty, chứ không phải chỉ có phát triển các giá trị hữu hình như nhà máy, cửa hàng, tài sản hay độ nổi tiếng.

Thực chất, chúng ta phải tập trung phát triển các nguồn lực, cụ thể là con người. Khi có con người, chúng ta có công nghệ, có nhà máy và có được tất cả mọi thứ. Từ đó, năm 2020, khi đã hội tụ những năng lực về marketing, về con người, về đầu tư và về kinh doanh – tôi đã quyết định thành lập Koro.

Thiền – đỉnh cao trong kinh doanh

Thường chúng ta nghĩ rằng việc tu tập thiền và việc kinh doanh, kiếm tiền là những việc không liên quan đến nhau. Nhưng sau một thời gian tìm hiểu và trải nghiệm, tôi nghiệm ra một sự kết nối vô hình nhưng mạnh mẽ giữa thiền và kinh doanh: “Đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền và đỉnh cao của thiền chính là kinh doanh”.

Tu tập thiền chính là hành trình loại bỏ cái tôi của mình. Và để đạt được sự thành công lớn nhất trong kinh doanh, thì người doanh nhân cũng phải loại bỏ cái tôi của mình. Chính cái tôi của người doanh nhân, chứ không phải cái gì khác, là cội nguồn gây ra những thất bại trong kinh doanh của họ.

Thiền ở đây không phải chỉ là ngồi thiền, nhắm mắt hít thở, tâm yên bình… mà là hướng đến việc chuyển hóa bản thân, sửa đổi chính mình, loại bỏ cái tôi để sống với trí tuệ và làm chủ được cảm xúc, cũng như các lựa chọn, quyết định của mình, không để cho cái tôi chi phối.

Sự thành công trong kinh doanh, không đơn giản chỉ là có được nhiều tiền. Chúng ta còn phải quan tâm đến vấn đề là tiền đó của ai? Nếu đó chỉ là tiền mà chúng ta đi mượn của người khác, thì dù có nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, cũng sẽ đến lúc ta phải trả lại cho người chủ đích thực của nó.

Người có nhiều tiền nhờ đi mượn như vậy, thì không thể gọi là thành công trong kinh doanh. Chúng ta hãy xem, có rất nhiều doanh nhân, một thời lừng lẫy, tiền nhiều vô số kể, nhưng rồi cuối cùng cũng lại trắng tay, thậm chí còn vướng vòng lao lý. Vậy thì tiền của họ trước đây có khác gì với tiền đi mượn của người khác, cuối cùng cũng chẳng còn lại gì.

Do vậy nói đến sự thành công trong kinh doanh là phải nói đến sự bền vững, trường tồn. Để kiến tạo ra được một doanh nghiệp thành công một cách bền vững, trường tồn, đòi hỏi người doanh nhân không những phải có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng nhìn người, thu phục lòng người và dùng người để tập hợp đội ngũ, mà còn phải là một người sống có tâm, hướng việc kinh doanh đến giải quyết vấn đề xã hội, chứ không phải đơn giản chỉ là kiếm tiền.

Khi giải quyết vấn đề xã hội, doanh nghiệp sẽ kiếm được nhiều tiền từ những giá trị mà nó mang lại. Khi doanh nghiệp có được một tập khách hàng yêu mến mình, doanh nghiệp sẽ thực sự kinh doanh thành công. Ngoài đó ra, trong quá trình kinh doanh, người doanh nhân còn cần phải luôn hướng đến mục tiêu, không để cho những thành công bước đầu che mắt, hướng vào giải quyết vấn đề, thay vì tập trung vào chứng minh mình đúng, để cái tôi che mắt.

Chỉ khi nào người doanh nhân không còn nhầm lẫn giữa mình và cái tôi của mình, thì mới không còn bị cái tôi che mắt, mới có được những phẩm chất cần thiết như đã nói ở trên để kiến tạo ra được một doanh nghiệp thành công một cách bền vững, trường tồn.

Mà để người doanh nhân có được những phẩm chất quý giá này thì cần phải thực hành thiền trong chính quá trình kinh doanh của mình.

Thiền giúp người doanh nhân thay đổi cách nhìn, thái độ đối với cuộc sống và công việc theo hướng tích cực, chuyển hóa các tâm hành tiêu cực của định kiến, thù hằn, đố kỵ, thèm khát, tham đắm, trở thành lòng yêu thương chân thành, tôn trọng, hợp tác, khoan dung, khiêm tốn, tạo cho nhà kinh doanh một tâm hồn tràn đầy bình an, thân ái; một phong cách đẹp của ung dung, tự tại, trầm tĩnh, hiền hòa, bao dung mà bất cứ ai diện kiến cũng đều sanh tâm quý mến, nể vì… Từ đó, nhà kinh doanh đạt được nhiều thắng lợi, thành công.

Với những cộng sự, người doanh nhân khi có sự thấu hiểu chính mình thì sẽ có sự thấu hiểu đối với người đối diện. Thấu hiểu ở đây là một sự tôn trọng, ngang bằng, lãnh đạo bằng sự khiêm nhường (khác với sự khiêm tốn). Công ty, doanh nghiệp trở thành một môi trường phát triển và đồng chí hướng thực hiện sứ mệnh của mình.

Với các đối tác luôn có tinh thần hợp tác, từ đó những cơ hội kinh doanh mới có thể nảy sinh. Với đối thủ cạnh tranh, thay vì loại bỏ, gây nên oan trái thì cùng nhau tồn tại, phát triển theo hướng đôi bên cùng có lợi.

Mảnh đất tâm của người doanh nhân có tươi tốt, chân thiện thì sẽ đạt được mục tiêu cơ bản của đời mình: bình an, hạnh phúc, thành đạt, tạo ra tiền bạc của cải… nâng cuộc sống lên phẩm chất cao đẹp hơn.

Do vậy mới nói đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền. Đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền, nhưng ngược lại đỉnh cao của thiền lại chính là kinh doanh.

(*) Tác giả là Chủ tịch, CEO Công ty CP Koro

Bài viết liên quan

Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam

Tiết trời Hà Nội ngày 21-10-2021 (16-9 âm lịch) thật đặc biệt, sáng còn nắng...

Phật tử xúc động hướng tâm về Tổ đình Viên Minh
Phật tử xúc động hướng tâm về Tổ đình Viên Minh

Thông tin Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ...

Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt và hành trình tỉnh thức
Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt và hành trình tỉnh thức

Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt (Shark Nguyễn Thanh Việt) được đông đảo khán giả truyền...

Shark Nguyễn Thanh Việt và cơ duyên giác ngộ Phật pháp
Shark Nguyễn Thanh Việt và cơ duyên giác ngộ Phật pháp

Shark Nguyễn Thanh Việt là một doanh nhân tiêu biểu thấm nhuần tư tưởng Phật...

Lời Di Huấn Của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ
Lời Di Huấn Của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ

Chúng tôi thì trước đây vẫn tu pháp môn Tịnh Độ. Chứ còn về Thiền...

Lời dạy tha thiết của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Lời dạy tha thiết của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

‘Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì...

Để lại một bình luận