Dương Khiết (1929–2017), quê ở Macheng, Hồ Bắc, đạo diễn và nhà sản xuất phim truyền hình thế hệ đầu tiên của Trung Quốc, được bình chọn là một trong mười đạo diễn phim và truyền hình quốc gia hàng đầu trong kỷ nguyên mới (1978-1987).
Vào ngày 29 tháng 5 năm 2018, lễ tưởng niệm và hạ thổ cho đạo diễn Dương Khiết đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Đạo diễn Dương Khiết qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 15 tháng 4 năm 2017, thi hài được hỏa thiêu và tro cốt để nhờ trong chùa một năm và lễ an táng chính thức được tổ chức vào ngày hôm nay (như trên đã viết).
Sau khi tham khảo nhiều nơi để tìm địa điểm thích hợp, gia đình đã quyết định chôn cất tro cốt bà tại khu đất phong thủy báu địa ở núi Cửu Công Sơn, Bắc Kinh. Công viên Cửu Công Sơn đã lên kế hoạch chu đáo để tổ chức lễ an táng cho bà với tiêu đề nằm trong hai câu thơ:”“杨柳一枝伴西游,洁身一梦踏云归” (Dương liễu nhất chi bạn Tây du, Khiết thân nhất mộng đạp vân quy). Diễn dịch là “Một cành dương liễu đồng hành trong cuộc hành trình về hướng Tây, một tấm thân trong sạch với một giấc mộng đạp mây trở về ”.
Hình dáng tấm bia mộ của Dương Khiết được gọi là “Cửu Mã Hoạ Sơn” chính là hình dáng của núi Cửu Mã Hoạ Sơn ở Quảng Tây, là một điểm quay chính của Tây Du Ký. Tương truyền đây là ngọn núi mà Tôn Hành Giả từng đặt chân đến tìm một con ngựa bị mất khi lão Tôn làm Bật Mã Ôn trên thiên đình.
Mặt trước bia có khắc những bức ảnh của bà khi sinh thời và những bức ảnh cha mẹ bế bà khi còn nhỏ và những câu nói truyền đời của bà.
Mặt sau của tấm bia là đóa hoa Sen, một loài hoa mà Dương Khiết yêu thích. Hoa Sen tượng trưng cho phẩm chất thanh cao thoát ra khỏi bùn, không bị vấy bẩn, như ta thường nói :”Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trước bia mộ có một tấm cuốn thư bằng đồng, ghi lại cuộc đời nghệ thuật và di sản văn hoá thâm hậu chói lọi của bà.
Đường Tăng Trì Trọng Thụy trong buổi lễ nói: “Chọn một ngày tốt lành như vậy cho vị đạo diễn mà chúng ta vô cùng thương mến được yên nghỉ… “Anh nói đến đây thì nghẹn ngào xúc động không thể nói thêm được nữa.
Ngoài Trì Trọng Thụy xuất hiện tại lễ tang, Tôn Ngộ Không – Lục Tiểu Linh Đồng, Trư Bát Giới – Mã Đức Hoa, Sa Hoà Thượng – Lưu Đại Cương, Tiểu Bạch Long – Vương Bá Chiêu và một Đường Tăng khác là Từ Thiếu Hoa cũng đến. Có thể nói tất cả các thành viên đều có mặt. Trong cuộc phỏng vấn, mọi người đều bày tỏ lòng tưởng nhớ sâu sắc của họ đối với đạo diễn Dương Khiết. Lục Tiểu Linh Đồng nói, đạo diễn Dương Khiết đã đưa sự nghiệp của anh lên đỉnh cao mà còn thành tựu cho anh một gia đình, hoá ra đạo diễn Dương Khiết đã làm mối cho anh một người vợ cùng đoàn làm phim. Vợ anh là Vu Hồng, thư ký trường quay cho Tây Du Ký và đóng hai vai nhỏ trong phim: Sứ giả nước ngoài ở tập 18 và Hoàng hậu Thiên Trúc ở tập 24.
Trư Bát Giới Mã Đức Hoa nhớ lại cảnh Dương Khiết quay phim. Bà tràn đầy nhiệt huyết trong cuộc sống, nhưng lại rất nghiêm khắc trong công việc, thậm chí hơi dữ dằn. Nếu bà chuẩn bị quay phim lúc 8 giờ sáng và nhân viên vẫn không sẵn sàng, sẽ bị chửi thậm tệ. Sa Tăng – Lưu Đại Cương gửi lời cảm ơn đến đạo diễn vì “vì sự tỉ mỉ của bà trong khi quay phim, khiến kỹ năng diễn xuất của chúng tôi tiến triển rất nhanh”.
Dương Khiết đã mang đến cho chúng ta một tác phẩm với sự giả tưởng vô hạn, “Tây Du Ký” cho chúng ta thấy rằng ma quỷ cũng có tình, yêu quái cũng có yêu!
Khi còn nhỏ đọc Tây Du Ký, trí tưởng tượng được chắp cánh bay xa vô tận, được tung hoành trong “Tây Du Ký”, cũng muốn học Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông, luyện mãi trong hang núi, rồi cầm hòn đá lên hô “biến”, định biến thành trọn bộ Tây Du Ký để khỏi phải đi mượn, mà biến mãi cũng chẳng ra. Rồi lại thử lộn cân đẩu vân, nhưng lại lộn tùng phèo ngã từ sườn núi xuống chân núi đau ê ẩm. Nhiều đêm trong giấc mộng, mơ thấy mình như Ngộ Không cưỡi mây bay xa…quả là hoang đường. Nhưng nhờ Tây Du Ký, nhờ sự giả tưởng vô bến bờ ấy mà lão PP đã trở thành một cây viết với trí tưởng tượng tương đối ác liệt. Ngay từ khi còn học trung học phổ thông, cậu bé đã giấu giếm âm thầm viết “Tục Thuỷ Hử”, “Tục Tây Du Ký”, các hậu duệ của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc tiếp nối võ nghệ và lý tưởng của cha ông lại kéo lên Lương Sơn Bạc, lại kéo cờ “Thế thiên hành đạo”, lại những trận đánh giết bọn tham quan vô lại diễn ra đầy kịch tính và ly kỳ…Còn “Tục Tây Du Ký” thì do một cơ duyên, bốn thầy trò được lệnh của Ngọc Hoàng lại cùng nhau xuất phát. Lần này họ vượt biển sang tận châu Âu, đến tận La Mã, Vatican để thỉnh kinh của chúa Giê Su. Do sự bất đồng ngôn ngữ, xẩy ra muôn vàn chuyện cười, hiểu nhầm, ẩu đả, hàng phục ma quỷ trời Âu…Tiếc rằng Việt Nam thời đó chỉ toàn in sách chính trị và văn học lựa chọn, muốn đưa đến nhà xuất bản cũng khó được chấp thuận. Chắc chắn họ sẽ nhìn cậu bé bằng con mắt lạ lẫm, rất có thể lại trói gô lại đưa cậu ta đi bệnh viện tâm thần. Tiếc rằng hai bản thảo viết tay bị thất lạc khi lão vượt biên ra nước ngoài. Nếu còn đến nay chỉnh sửa viết tiếp để phát hành, chắc chắn bán chạy như tôm tươi.
Ở độ tuổi 20, Dương Khiết xinh đẹp như hoa đã gặp Châu Truyền Cơ, một người đàn ông định mệnh để lại dấu ấn trong cuộc đời bà. Khi đó, Châu Truyền Cơ là một người yêu nghệ thuật và có những hiểu biết riêng về điện ảnh và truyền hình. Anh ta hơn Dương Khiết 4 tuổi, phong độ và đẹp trai, thông thạo ngoại ngữ Anh, Nga. Sau này anh giảng dậy tại trường điện ảnh Bắc Kinh, là thầy của Trương Nghệ Mưu.
Dương Khiết là một mỹ nữ am hiểu nghệ thuật, có cá tính, cô thực sự đầy quyến rũ khiến Châu Truyền Cơ nao lòng. Anh bắt đầu theo đuổi nàng, hai người cùng có máu nghệ thuật, nên rất hợp với nhau, họ yêu nhau và tiến đến chuyện thành lập gia đình. Tuy nhiên, bố mẹ Dương Khiết không đồng ý với cuộc hôn nhân này bởi cho rằng không môn đăng hộ đối. Bởi bố mẹ Dương Khiết là cán bộ cấp cao trong hàng ngũ cách mạng bấy giờ, còn gia đình Châu Truyền Cơ chỉ là một gia đình trí thức nhỏ. Nhưng với cá tính của Dương Khiết, đã yêu thì không có gì ngăn cản được. Cô ta dọn đến ở cùng Châu Truyền Cơ, bất chấp sự phản đối của cha mẹ, bất chấp con mắt của người đời. Họ sống với nhau 10 năm, có cùng nhau 3 đứa con. Và cũng 10 năm ấy, họ đi hết đoạn đường duyên phận của nhau. Dương Khiết đem theo 3 đứa con chia tay với Châu Truyền Cơ, người đàn ông mà cô từng yêu say đắm, từng theo đuổi cô, người mà cô đã bất chấp sự phản đối của cha mẹ để đến với anh, chung sống cùng anh.
Ái tình không giống như cánh diều, sợi dây bị đứt có thể nối lại. Ái tình giống như hoa bồ công anh theo gió tản bay đi rồi rơi đến đúng chỗ và lại bén rễ sinh thành. Dương Khiết cáo biệt một cuộc tình, bẵng đi một thời gian và như hoa bồ công anh rơi đúng chỗ, nàng lại bắt gặp một cuộc tình khác. Anh là Vương Sùng Thu, quay phim trong đoàn làm phim Tây Du Ký do bà đạo diễn ( lúc này không gọi là nàng nữa, mà là một phụ nữ gần 60). Khi gặp Dương Khiết, anh vẫn còn độc thân và kém Dương Khiết 14 tuổi. Trong Tây Du Ký đầy ắp những giai thoại về ái tình, trên trời, dưới đất, thần tiên, trần tục, yêu ma quỷ quái, đâu đâu cũng thấy được bóng dáng ái tình. Trong những thước phim ấy, Vương Sùng Thu là người tiếp cận gần nhất, là người thực hiện những ý tưởng, tình cảm của đạo diễn qua lăng kính, nên anh ta đã ngấm, đã thẩm thấu thế nào là một thái độ đúng đắn, một sự hiến dâng thánh thiện trong ái tình. Từ những cọ sát về tinh thần với Dương Khiết, anh ta cũng chẳng biết mình đã rơi vào thung lũng ái tình từ lúc nào.
Trong phim có đoạn miêu tả về Nữ Nhi Quốc. Chu Lâm thủ vai quốc vương Nữ Nhi Quốc. Cô được xây dựng là một nhân vật si tình Đường Tam Tạng song lại rất đoan trang và chừng mực. Tuy vậy, Đường Tăng vẫn một lòng hướng Phật. Dù bị từ chối nhưng nữ vương vẫn đối xử điềm đạm đưa tiễn Đường Tăng và các đồ đệ lên đường thỉnh kinh.
Tình yêu không thành, khiến lòng thê lương nuối tiếc, muốn giữ chân chàng lại, nhưng bóng chàng đã đi xa…Dương Khiết chỉ đạo cảnh quay này với một tâm tư đầy ắp những nỗi trớ trêu của ái tình khiến quay phim Vương Sùng Thu cũng đắm đuối chìm theo trong cuộc tình bất chợt, chợt đến rồi đi. Đêm về, nằm trong lều bạt, anh mất ngủ, trong óc diễn đi diễn lại những lời nói, ánh mắt, của Dương Khiết khi chỉ đạo diễn viên diễn xuất về ái tình. Anh vẫn còn độc thân, chưa hề dính bụi đời, lần đầu tiên anh chạm mặt với ái tình qua đạo diễn Dương Khiết. Dần dần, một ngọn lửa tình bùng cháy trong anh chính đêm nay. Anh say đắm bởi những câu chuyện tình yêu tuyệt vời trong kịch bản, anh càng say đắm hơn lý thuyết tình yêu mà Dương Khiết truyền đạt. Ái tình thôi thúc trong tim, anh thực sự đã đem lòng yêu “nàng”.
Anh bắt đầu theo đuổi Dương Khiết, nhưng điều gì đã xảy ra? Dương Khiết cũng bàng hoàng khi Vương Sùng Thu bày tỏ tình yêu với mình trong một đêm trăng khuyết. Bà nghĩ rất nhanh và quyết định cũng nhanh. Chàng trai này, thật thà, ngay thẳng, đam mê nghệ thuật, tuy kém mình 14 tuổi, nhưng anh đã vượt qua mọi rào cản để đến với mình. Anh bất chấp tuổi tác, bất chấp quá khứ hôn nhân của mình, bất chấp 3 đứa con mình để đến với mình. Vậy thì mình còn ngại ngùng điều gì? Tình yêu không cần thề thốt bạc đầu răng long, không cần câu nệ biển cạn núi mòn. Tình yêu đến với nhau trong nhu cầu tình cảm thực tại, trân trọng và hoà mình vào nhau. Chỉ đơn giản vậy!
Trong Tây Du Ký có nhiều bài hát do Dương Khiết tham gia viết lời. Trong đó, bài “Thiếu nữ Thiên Trúc” là ca khúc mang âm hưởng của âm nhạc Ấn Độ, vui tươi, ngọt ngào, rộn ràng với ca từ đơn giản, trong sáng, nói về tình yêu đầu của nàng công chúa xinh đẹp nước Thiên Trúc (do Thỏ Ngọc biến thành) mà nàng dành cho phò mã Đường Tăng của mình:
“Là ai, là ai đã đưa chàng đến bên thiếp?
Là ánh trăng tròn trên cao, là tiếng suối chảy róc rách.
Thiếp như đóa hoa điểm thêm giọt sương mai, ngày ngày quấn quít bên chàng không rời xa…”.
Bài hát được thể hiện qua giọng ca của Lý Linh Ngọc. Cô cũng là diễn viên thể hiện vai công chúa nước Thiên Trúc. Khi tham gia viết lên bài ca này thì tình yêu giữa Dương Khiết và Vương Sùng Thu đã bén rễ, nở hoa.
Giờ đây, vào những ngày trời đẹp. Người ta thường thấy bóng một người đàn ông đã ngoại thất thập xuất hiện bên ngôi mộ của Dương Khiết. Ông trau chuốt lau chùi cho bia mộ đến bóng lộn rồi ngồi bên ngôi mộ đến khi mặt trời xuống núi.
Trên mặt trước bia mộ có khắc những dòng chữ do chính Dương Khiết viết cho chính mình:
“回首往事,有得意,有失意,有辉煌,有失落,有快乐,有悲伤,八十春秋,转眼飞逝,只为在时间长河中,留一抹淡淡的印痕”
“Nhìn lại quá khứ, có đắc ý, có thất ý, có huy hoàng, có thất lạc, có khoái lạc, có bi thương. Tám mươi Xuân thu, chớp mắt tan biến, chỉ màng để lại một dấu chân mờ nhạt, trên dòng sông dài của thời gian “.
Ôi, dòng chữ này khiến người ta tuôn lệ, Dương Khiết quả thực là một người chẳng màng danh lợi, chỉ màng để lại dấu chân mờ nhạt trên đời. Nhưng trên thực tế, bà đã để lại một dấu ấn sâu sắc cho mọi thế hệ chúng ta. Một di sản văn hoá không bao giờ phai mờ. Vĩnh biệt bà, một nhà nghệ thuật cương trực, thẳng thắn, bất chấp một đỉnh núi cường quyền như Ngũ Hành Sơn đè trên vai mình, vẫn thẳng tiến. Lấy “Tứ lượng bạt thiên cân” (bốn lạng địch ngàn cân), đem lại cho chúng ta một tác phẩm bất hủ.
Xin thắp một nén nhang tâm linh trước mộ bà!

Bài viết liên quan

10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông

Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...

Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản

Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...

Xuân

Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...

PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH

Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...

Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN

Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...

Thuyết luân hồi

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...

Trả lời