Đạo sư Padmakara sau đó nói với hoàng tử Tây Tạng và các bộ trưởng, “Bậc Chúa Tể Đại Bi, Đức Quán Thế Âm Avalokiteshvara đã liên tục dõi theo sáu loài chúng sinh với lòng bi mẫn. Lòng bi mẫn có nghĩa là tình thương mến, và lòng bi mẫn đó hướng về sáu loài chúng sinh tựa như tình thương mến của một người mẹ hướng về đứa con độc nhất của mình. Đức Quán Thế Âm Avalokiteshvara đã đăm đăm với lòng bi mẫn tràn khắp đối với tất cả sáu loài chúng sinh, những người đang bị dày vò bởi đau khổ.
Lòng từ bi đó mang theo Giáo Pháp tập trung lên sáu chủng tự của OM MANI PADME HUNG.
OM làm an dịu đau khổ luân hồi các vị thiên trải nghiệm và khiến họ đạt được hạnh phúc.
MA làm an dịu sự đau khổ kéo dài bất tận gây ra bởi sự tranh đấu của các bán thần atula và khiến họ đạt được hạnh phúc.
NI làm an dịu đau khổ thân phận nô lệ, nghèo đói của con người phải trải qua và khiến họ đạt được hạnh phúc.
PAD làm an dịu đau khổ của sự ngu muội mà loài súc sinh phải cam chịu và khiến chúng đạt hạnh phúc.
ME làm an dịu đau khổ của cái đói và khát của loài ngạ quỷ phải kinh nghiệm và khiến họ đạt được hạnh phúc.
HUNG làm an dịu đau khổ của cái nóng và lạnh mà các chúng sinh địa ngục phải lãnh chịu và khiến họ đạt được hạnh phúc.
Nếu tất cả các con, đứng đầu là nhà vua, thực hành thập thiện, các con sẽ đạt được trạng thái của một chư thiên trong các cõi cao hơn. Nhưng, dù cho các con đạt được quả vị chư thiên, thì các con vẫn không thoát khỏi đau khổ. Khi thọ mạng của một chư thiên kết thúc, vị thiên ấy phải trải qua những đau khổ của việc đọa rớt cũng như trầm luân trong luân hồi. Thân thể họ bắt đầu phát ra mùi hôi khó chịu, và sự chói sáng của sắc thân dần mất đi. Những công đức vun trồng của họ trước đó tăng trưởng, không bị hao hụt, thì nay dần tiên biến và những hồ nước tắm của họ bị khô cạn. Những con chiến mã của họ và đàn gia súc ban điều ước đều chạy đi mất. Đấng Chúa Tể Lòng Đại Bi đã nhìn thấy sự đau khổ tràn khắp của các vị thiên, những người mà chính năng lực siêu nhiên của mình, họ đã tự thấy rằng công đức thiêng liêng của mình đã bị cạn kiệt và họ sắp bị đọa rớt xuống những cõi thấp hơn.
Do can dự vào việc thực hiện những điều không đức hạnh như hận thù và ganh tị, các con sẽ bị tái sinh như các loài bán thiên atula. Khi các chư thiên và các atula đánh nhau, vì các chư thiên có công đức lớn hơn, nên các atula luôn bị thua. Họ bị cắt, bị thương, bị giết và bị đánh bại bởi các loại vũ khí giống hình bánh xe của các chư thiên. Thêm vào đó, họ tranh đấu và cãi vã lẫn nhau, trải qua đau khổ nặng nề, tràn ngập. Họ cũng nhận thức được rằng khi chết đi mình sữ phải tới những cõi thấp. Đau khổ của họ thật vô cùng tận.
Mặc dù được sinh ra như một con người, các con cũng không nằm ngoài đau khổ. Lúc bắt đầu, trước khi sinh ra có sự đau khổ của việc nằm trong tử cung thai tạng người mẹ, nơi giống như con bị ném vào một vực thẳm khi người mẹ của các con nâng người lên; con như bị đè bẹp giữa những vách đá khi người mẹ ăn no; như bị rung chuyển trong gió khi người mẹ của các con đứng lên; như bị đè ép bởi một ngọn núi khi người mẹ nằm xuống; như bị nghiền nát khi người mẹ của các con mải mê làm việc, đứng lên hoặc ngồi xuống; như bị bóp nghẹt cổ khi vào lúc sinh; như bị ném vào một đống gai khi được đặt xuống; và như một con chim bị vồ chộp bởi một con chim ưng khi người mẹ của các con cắp các con lên trở lại.
Khi các con già đi có một số lượng không thể nghĩ bàn của những đau khổ, chẳng hạn như những việc sinh sống, làm việc, tranh đấu, cố gắng để hoàn thành một điều gì đó, đi lại, tồn tại, trở nên mất tự do và thiếu thốn, và v.v…
Với nỗi đau khổ của tuổi già, các đại ( đất, nước, gió, lửa) trong thân các con trở nên hao mòn, làn da của các con dần sạm đi, và các cơ quan, quan năng dần bị thoái hóa. Thị lực các con trở nên mờ tối và đôi tai các con trở nên lãng đãng; nước mũi chảy ra, răng rụng và giọng nói các con lắp bắp, thì thào; các con không thể tự mình đứng lên hay ngồi xuống; các con bị khinh ghét bởi lũ con trẻ của mình và những người khác. Các con cảm thấy khổ sở trong những suy nghĩ khốn khổ rằng: “Tôi đang già đi!”
Về nỗi đau khổ của cái chết, thân thể các con, thứ được thương mến, chăm chút vô cùng thì bị bỏ lại phía sau. Các con bị chia tách khỏi những người thân thuộc và bạn bè. Dù cho bao nhiêu của cải hay tài sản mà con có, con cũng không thể mang chúng theo. Bị vứt ra ngoài bởi con cái và những người hầu của mình theo đúng nghĩa đen, thân thể các con sẽ bị liệng đi như một hòn đá.
Và rồi, tiếp theo đó là những suy nghĩ khổ sở: “Thần thức tôi bây giờ chắc hẳn sẽ phải đi tới những cõi thấp!”
Trước khi chết, có sự khốn khổ của việc không đạt được những gì mà các con đã tranh đấu suốt cả một đời cùng sự đau đớn của cảm giác đói khát, kiệt sức, sự đau khổ vì không thể giữ lại và bảo vệ những gì các con đã có, nỗi sợ hãi toàn diện của việc không thể đối mặt với những kẻ thù của mình, những sợ hãi, lo lắng vô hạn của việc giờ mình đã không có khả năng chăm sóc cho gia đình mình, những lo lắng về việc không thể hỗ trợ, nuôi nấng con trai của các con, những lo lắng về việc không thể hoàn tất hôn nhân cho con cái của con, và nỗi đau đớn, mệt mỏi về việc bận rộn, kiệt sức do phải liên tục lo toan, lao tâm khổ tứ.
Do dấn thân vào mười điều không đức hạnh, các con sẽ đi đến những cõi thấp, nơi con sẽ bị vướng mắc vào những nỗi khổ đau dữ dội. Loài vật chắc chắn không vượt ra ngoài được sự đau khổ; vì họ đang bị nô lệ bởi loài người, bị cột vào cái cày làm ruộng, phải mang vác vật nặng và bị làm thịt. Trong số các loại vật không sở hữu thì nai bị giết bởi thợ săn, cá bị giết bởi ngư dân và những loài yếu đuối, nhút nhát hơn thì bị ăn thịt bởi các loài ăn thịt lớn mạnh hơn, thậm chí ngay cả các loài ăn thịt lớn hơn này cũng tự cắt xén lẫn nhau. Đặc biệt, các loài vật trong các biển lớn sống gần nhau như những hạt cám ngâm trong bia gạo; chúng ăn thịt lẫn nhau; ngay cả những con côn trùng nhỏ cũng ăn những loài động vật lớn hơn, như những con ong bị biến thành thức ăn cho những con ngựa, con lừa hay những con côn trùng ăn thịt. Có vô số không thể nghĩ bàn những đau khổ như thế.
Những chúng sinh bị tái sinh thành ngạ quỷ cũng không thoát khỏi sự đau khổ. Họ thấy thực phẩm đồ ăn như sắt nung và đồ uống như máu mủ. Thân thể họ bị cháy xém khi họ cố gắng ăn một thứ gì đó. Hơn nữa, họ có sự đau khổ của việc không kiếm được thức ăn và, ngay khi họ tìm thấy nó, họ lại không thể nuốt chúng. Nếu họ thành công trong việc cố đẩy nó xuống cổ họng, thì bụng của họ cũng không cảm thấy no đủ. Hơn nữa, các thực phẩm được bảo đảm rằng họ không có năng lực để ăn hoặc sẽ có người khác đến lấy mất ngay khi họ tìm thấy thức ăn. Các ngạ quỷ đang sống trong không gian không có quyền hạn ngay cả với bản thân mình và gây hại đối với con người. Các loại khác được gọi là shin và serak thì chết vì bệnh tật của mình. Không thể tìm ra một cách chữa trị, họ truyền nhiễm bệnh tật của họ và con người. Khi những người khác đánh trống và ném những hạt trừ tà, họ phải trải qua nỗi khổ đau to lớn.
Các chúng sinh bị tái sinh trong địa ngục chịu đựng nỗi khổ sở nóng và lạnh thì thật quá sức tưởng tượng. Như tám địa ngục nóng, trong Địa Ngục Chết Đi Sống Lại, các con bị chết và phải hồi sinh lại 100 lần một ngày. Trong Địa Ngục Đường Vạch Đen, thân thể các con bị đánh dấu bằng một thước dây, sau đó các con bị các binh lính địa ngục chặt đứt thân thể thành một nửa với một cái cưa. Trong Địa Ngục Nghiền Nát, các con bị đập nát với một cái chày trong một chiếc cối sắt. Trong Địa Ngục Khóc Than, một người hét lên sau khi bị thắt bởi một sợi dây thừng quấn quanh cổ. Trong Địa Ngục Gào Khóc, một người gào rú lên sau khi bị đưa vào một chảo đồng có kích cỡ của bầu trời. Trong Địa Ngục Nóng Khắc Nghiệt, các con bị đốt cháy và nấu sôi trong khi bị cột chặt lại bởi những sợi dây sắt. Trong Địa Ngục Không Gián Đoạn, các con bị đè ép xuống bởi gió nghiệp đến nỗi thậm chí các con không có ngay cả một phút giây nào thoát khỏi sự đau đớn đến mức không chịu nổi.
Như tám địa ngục lạnh, trong Địa Ngục Rên Xiết, các con bị đóng băng và tạo ra những tiếng kêu than khổ sở ồn ào. Trong Địa Ngục Phồng Rộp, gió nghiệp khiến cho các vết phồng rộp nứt ra. Trong Địa Ngục Nước Bùn Bỏng Rát, các vết bỏng cháy mở miệng và chảy mủ. Trong Địa Ngục Răng Run Lập Cập, các con bị lạnh đóng băng tới mức răng các con đập vào nhau lập cập. Trong Địa Ngục Chia Tách Như Hoa Sen Xanh Dương, các con bị đóng băng tới mức bị chia thành bốn mảnh. Trong Địa Ngục Chia Tách Như Hoa Sen Xanh Dương Lớn, thân các con bị phân thành tám mảnh. Trong Địa Ngục Chia Tách như Hoa Sen Đỏ, thân các con bị phân thành 16 mảnh, và trong Địa Ngục Chia Tách như Hoa Sen Đỏ Lớn, các con bị đóng băng đến mức thân các con bị chia tách thành 32 mảnh.
Trong Các Địa ngục Tạm Thời, các con chịu đau khổ trong ngày và bị chết vào ban đêm. Trong Địa Ngục Lân Cận, các con bị chết 100 lần một ngày. Như những nỗi khổ sở thông thường, các con phải lội đầu gối sau trong Hố Than Hồng và phải đi qua những Đầm Lầy Tử Thi Thối Rữa. Thịt và xương của các con bị xẻ ra từng mảnh trên Con Đường Lưỡi Dao, và những thanh kiếm rơi xuống như mưa trong Trận Mưa Gươm. Trên Đồi Shalmali Sắt, thân các con bị tách ra và xé nhỏ trong khi các con cố gắng leo lên rồi trèo xuống một ngọn núi có gai sắt với kích thước 16 ngón tay. Có một số lượng không thể tưởng tượng nổi của đau khổ trong các cõi địa ngục.
Bằng cách này, Đấng Chúa Tể Đại Bi, Đấng Tôn Quý Quán Thế Âm Avalokiteshvara, liên tục thấy rằng chúng sinh không bao giờ vượt qua được đau khổ.
Lòng từ bi vượt lên khỏi một sự chú tâm để nhận thấy sự gián đoạn của những đau khổ luân hồi trong sáu loài chúng sinh: OM MANI PADME HUNG. OM làm gián đoạn vực thẳm tái sinh như một vị thiên và làm trống rỗng các cõi chư thiên. MA làm gián đoạn vực thẳm tái sinh như một bán thần atula và làm trống rỗng cõi các atula. Ni làm gián đoạn vực thẳm tái sinh như một con người và làm trống rỗng cõi người. PAD làm gián đoạn vực thẳm tái sinh như một loài súc sinh và làm trống rỗng cõi súc sinh. ME làm gián đoạn vực thẳm tái sinh như một ngạ quỷ và làm trống rỗng cõi ngạ quỷ. HUNG làm gián đoạn vực thẳm tái sinh như một chúng sinh địa ngục và làm trống rỗng các cõi địa ngục. Làm trống rỗng các trú xứ của 6 loài chúng sinh, các cõi luân hồi sinh tử được làm rỗng không thành sự thuần tịnh nguyên thủy. Như vậy, Thần Chú Sáu Âm, tinh hoa cốt tủy của Đấng Đại Bi có sức mạnh và năng lực dẫn dắt chúng sinh đi đến các Phật Quốc.
( Trích trong cuốn Tiểu sử cuộc đời ĐẠO SƯ LIÊN HOA SINH – Biên soạn bởi YESHE TSOGYAL – trang 169-173)
Bài viết liên quan
10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông
Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...
Th9
Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản
Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...
Th8
Xuân
Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...
PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH
Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...
Th5
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN
Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...
Th5
Thuyết luân hồi
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...
Th5