Phần I: LỊCH SỬ
Câu 1: Theo “Phật học phổ thông” của HT. Thiện Hoa, giới tử điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn thiện các mốc thời gian liên quan đến lịch sử Đức Phật.
Thái tử Tất-đạt-đa Đản sanh vào ngày…(1)… dưới cội cây Vô ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni. Thái tử xuất gia vào ngày …(2)… khi ngài mới 19 tuổi. Sau 5 năm tầm sư học đạo, 6 năm khổ hạnh rừng già đều không thành công, Ngài quyết định từ bỏ lối tu khổ hạnh, chọn lối tu trung đạo. Cuối cùng, với quyết tâm và ý chí mãnh liệt, trong 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Tất-bát-la (cây Bồ đề), Ngài đã thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Lúc đó nhằm ngày …(3)…, khi đó Ngài được 30 tuổi.
Từ khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, trải qua thời gian hơn 49 năm, Đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn để truyền bá chánh pháp. Sự hóa độ viên mãn, Ngài nhập Niết-bàn vào ngày …(4)… trong rừng cây Ta-la (Song thọ). Khi ấy Ngài được 80 tuổi.
Gợi ý đáp án:
- Mùng tám tháng tư; 2. mùng tám tháng hai;
- Mùng tám tháng mười hai; 4. ngày rằm tháng hai.
Câu 2: Vì sao Thái tử Tất-đạt-đa đang sống trong cung vàng điện ngọc mà quyết chí vượt thành đi xuất gia, tầm đạo?
Gợi ý đáp án: Thái tử tuy sống trong cung vàng điện ngọc, nhưng vì Ngài ấn tượng trong ngày lễ Hạ-điền, chứng kiến bốn cảnh: khổ (sanh, già, bệnh, chết) của nhân sinh khi dạo chơi nơi 4 cửa thành, và đặc biệt là Ngài nhìn thấy hình ảnh vị Sa-môn với dung nghi siêu trần, thoát tục, Ngài vô cùng kính ngưỡng. Tất cả những ấn tượng ấy đã thôi thúc Thái tử sớm tìm đường giải thoát, để rồi cuối cùng, Ngài quyết tâm xuất gia tìm đạo.
Câu 3: Trước khi quyết định xuất gia, Thái tử Tất-đạt-đa đã gặp ai ở cửa Bắc của thành Ca-tỳ-la-vệ?
Gợi ý đáp án: Gặp vị tu sĩ.
Câu 4: Thái tử đã trình lên vua cha điều gì nếu vua làm được thì thái tử sẽ không xuất gia?
Gợi ý đáp án:
- Làm sao cho con trẻ mãi không già
- Làm sao cho con mạnh mãi không đau
- Làm sao cho con sống hoài không chết
- Làm sao cho mọi người hết khổ
Câu 14: Sau khi xuất gia, Thái tử học đạo với ai? Đã trải qua những thử thách gì?
Gợi ý đáp án: Sau khi xuất gia, Thái tử trải qua 5 năm tầm cầu học đạo với những vị đạo sĩ trứ danh như A-ra-ta-ca-la-ma, Uất-đầu-lam-phất,v.v… và trải qua 6 năm với các phép tu khổ hạnh, nhưng vẫn chưa tìm ra được chân lý (chưa làm chủ được sanh, lão, bệnh, tử). Sau cùng, Ngài quyết định từ bỏ các phép tu trên.
Câu 5: Ai là người cúng dường Đức Thế Tôn bữa ăn đầu tiên trước khi Ngài thành đạo?
Gợi ý đáp án: Nàng Su già ta.
Câu 6: Sau thời gian tu khổ hạnh, Thái tử đã quyết định như thế nào?
Gợi ý đáp án: Ngài đã quyết định chọn con đường Trung đạo để tiếp tục tu tập.
Câu 7: Đức Phật thuyết pháp độ năm anh em Kiều-trần-như tại đâu?
Gợi ý đáp án: Tại Lộc Uyển (vườn Nai).
- Ngài Xá-lợi-phất đã gặp ai và nghe được bài kệ gì mà theo Phật xuất gia? Gặp Assaji (Mã Thắng- một trong 5 anh em Kiều Trần Như), bài kệ về nhân duyên: các pháp do duyên sinh, cũng do duyên mà diệt, thầy tôi là đại sa-môn, thường nói như vậy đó.
Câu 8: Đức Phật Chuyển pháp luân với bài pháp đầu tiên có nội dung là gì?
Gợi ý đáp án: Tứ Diệu Đế: 1.Khổ Đế; 2. Tập Đế; 3. Diệt Đế; 4. Đạo Đế.
Câu 9: Trở về thăm vua Tịnh Phạn lần cuối lúc vua đau nặng sắp băng hà, Đức Phật đã thuyết bài pháp có nội dung gì?
Gợi ý đáp án:Phật thuyết về “Lẽ vô thường, khổ, không, vô ngã” cho vua nghe.
Câu 10: Ai là người cúng dường Kỳ Viên tinh xá cho Đức Phật và Tăng chúng?
Gợi ý đáp án: Ông Trưởng giả Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.
Câu 11: Vì sao đã thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà Đức Phật vẫn thường hay tọa thiền?
Gợi ý đáp án:
– Thứ nhất là: đức Phật thường tọa thiền để tự điều thân.
– Thứ hai là: đức Phật muốn răn nhắc hàng đệ tử về sau thường tinh tấn tọa thiền.
– Thứ ba là: vì 3 đời chư Phật đều do pháp môn Thiền định mà được thành đạo.
Câu 12: Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, ai triệu tập hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ I?
Gợi ý đáp án: Ngài Ma Ha Ca Diếp.
Câu 13: Hãy kể tên và công hạnh của Thập đại đệ tử Phật?
Gợi ý đáp án:
– Tôn giả Xá-lợi-phất trí tuệ đệ nhất
– Tôn giả Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất
– Tôn giả Đại Ca-diếp khổ hạnh đệ nhất
– Tôn giả A-nan đa văn đệ nhất
– Tôn giả Phú-lâu-na thuyết pháp đệ nhất
– Tôn giả Tu-bồ-đề giải không đệ nhất
– Tôn giả Ca-chiên-diên nghị luận đệ nhất
– Tôn giả A-na-luật thiên nhãn đệ nhất
– Tôn giả Ưu-ba-ly trì giới đệ nhất
– Tôn giả La-hầu-la mật hạnh đệ nhất
Câu 15: Nữ giới được phép xuất gia là nhờ công lao của những vị nào?
Gợi ý đáp án: Ngài A Nan và bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề.
Câu 16: Ai là người trùng tuyên tạng Kinh, ai là người trùng tuyên tạng Luật trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất?
Gợi ý đáp án:Ngài A Nan và Ngài U Ba Ly.
Câu 17: Ai là người cúng dường Đức Phật bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài nhập Niết-bàn?
Gợi ý đáp án: Ông Thuần Đà (Cunda) cúng dường.
Câu 18: Trong 49 năm giáo hóa, những Kinh Pháp của Đức Phật nói ra về sau được các đệ tử kiết tập chia làm bao nhiêu thời, gồm những gì?
Gợi ý đáp án: Chia làm năm thời: thời Hoa Nghiêm, thời Phương Đẳng, thời Bát Nhã, thời Pháp Hoa và thời Niết Bàn.
Câu 19: Bậc tôn đức, Tổ sư nào có công lớn với đạo pháp trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, gắn liền với Phật học đường Lưỡng Xuyên?
Gợi ý đáp án: Hoà thượng Tổ sư Thích (Lê) Khánh Hoà, Hoà thượng Thích Huệ Quang, Hoà thượng Thích Khánh Anh.
Câu 20: Hoà thượng Tôn chủ Đàn giới “Thượng Nhựt Hạ Huệ” có công đức với Đạo pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh?
Gợi ý đáp án: Là vị Tôn đức có nhiều cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngài là người đi đầu trong việc tái thành lập Phật giáo tỉnh Trà Vinh (được tách ra từ tỉnh Cửu Long từ năm 1993), tái thành lập Trường Phật học đào tạo Tăng Ni (năm 1999), khôi phục lại cơ sở Phật học đường Lưỡng Xuyên cái nôi Phật giáo Miền Nam; nơi đặt trụ sở Giáo hội Phật gíao tỉnh, Trường TCPH tỉnh Trà Vinh.
Phần II: KINH – GIÁO LÝ CĂN BẢN
Câu 1: Từ “Đạo Phật” có ý nghĩa gì ?
Gợi ý đáp án: Con đường giác ngộ
Câu 2: Xuất gia có mấy nghĩa? Kể ra?
Gợi ý đáp án: Xuất gia có 3 nghĩa:
– Xuất thế tục gia: ra khỏi nhà thế tục.
– Xuất phiền não gia: ra khỏi sự phiền não.
– Xuất tam giới gia: ra khỏi 3 cõi: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Câu 3: Tam Bảo là gì? Có mấy bậc?
Gợi ý đáp án: Tam Bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.
Tam Bảo có ba bậc: Đồng thể Tam Bảo, xuất thế gian Tam Bảo và thế gian trụ trì Tam Bảo.
Câu 4: Đồng thể Phật Bảo là gì?
Gợi ý đáp án: Phật và chúng sinh đều có Phật tính. Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành.
Câu 5: Hãy tụng một đoạn bài tựa chú Lăng Nghiêm?
Gợi ý đáp án: “Diệu trạm tổng trì bất động tôn,….. thị tắc danh vi báo Phật ân”.
Câu 6: Hãy tụng đệ Nhị chú Lăng Nghiêm?
Gợi ý đáp án: “Ô hồng rị sắc yết noa, … Ấn thố na mạ mạ tỏa”
Câu 7: Tam đề – Ngũ quán là gì?
Gợi ý đáp án:
Tam đề:
– Nguyện đoạn nhất thiết ác.
– Nguyện tu nhất thiết thiện.
– Nguyện độ nhất thiết chúng sanh.
Ngũ quán:
– Nhất kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ.
– Nhị thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng.
– Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông.
– Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khô.
– Ngũ vị thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực.
Câu 8: Sám hối là gì? Có mấy cách?
Gợi ý đáp án: Sám hối có nghĩa là ăn năn lỗi trước, ngăn ngừa lỗi sau. Sám hối có bốn cách:
– Tác pháp sám hối: sám hối bằng cách thỉnh cầu chư Tăng chứng minh cho mình sám hối.
– Thủ tướng sám hối: là sám hối bằng phương pháp lễ Phật khi nào thấy hảo tướng Phật, Bồ-tát hiện ra mới thôi.
– Hồng danh sám hối: là sám hối bằng phương pháp lễ lạy hồng danh chư Phật, Bồ-tát.
– Vô sanh sám hối: là sám hối bằng phương pháp quán tưởng tâm vô sanh và pháp vô sanh.
Câu 9: Đọc bài kệ Sám hối trong thời Sám hối Hồng danh?
Gợi ý đáp án: Ngã tích sở tạo… giai sám hối.
Câu 10: Tam tạng kinh điển nhà Phật bao gồm những gì?
Gợi ý đáp án: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng?
Câu 11: Thế nào là Tam Khổ và Bát Khổ?
Gợi ý đáp án:
– Tam khổ: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ.
– Bát khổ: (1) Sanh khổ (2) Lão khổ (3) Bệnh khổ (4) Tử khổ (5) Cầu bất đắc khổ (6) Ái biệt ly khổ (7) Oán tắng hội khổ (8) Ngũ ấm xí thạnh khổ.
Câu 12: Vô thường là gì? Vì sao phải thâm nhập sâu sắc giáo lý Vô thường?
Gợi ý đáp án: Vô thường là không có gì tồn tại mãi mãi. Phải thâm nhập sâu sắc giáo lý vô thường để tránh khỏi tham đắm ngũ dục lạc.
Câu 13: Thế nào là Ngũ dục lạc? Kể ra?
Gợi ý đáp án: Ngũ dục lạc là năm sự ham muốn khoái lạc của con người. Gồm có: Tài dục, sắc dục, danh dục, thực dục và thùy dục.
Câu 14: Nhân quả là gì? Có mấy loại nhân quả?
Gợi ý đáp án: Nhân quả là nguyên nhân (sự tạo tác) và kết quả (kết quả của sự tạo tác). Nhân quả có 3 loại: Nhân quả hiện báo, nhân quả sanh báo và nhân quả hậu báo.
Câu 15: “Lục đạo” chúng sanh là những cõi giới nào?
Gợi ý đáp án: Cõi Trời, A tu la, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Câu 17: Bố thí là gi? Bố thí để làm gì?
Gợi ý đáp án: Bố là rộng khắp, thí là ban cho. Bố thí để trừ lòng tham của bản thân, tăng trưởng phước báo và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Câu 18: Bố thí có mấy loại, kể ra và giải thích?
Gợi ý đáp án: Bố thí có 3 loại. Gồm có: Tài thí – ban cho tiền của, pháp thí – ban cho giáo pháp của Phật để cùng nhau tu tập và vô úy thí – ban cho những điều lành khiến người không còn sợ hãi.
Câu 19: Đọc bài kệ vô thường trong Mông Sơn Thí Thực?
Gợi ý đáp án: Thị nhật dĩ quá, … thận vật phóng dật.
Câu 20: Nghi thức Mông Sơn Thí Thực để làm gì?
Gợi ý đáp án: Nghi thức này dùng để cúng thí thức ăn cho loài Ngạ quỷ, đồng thời cầu cho các vị ấy được thoát khỏi cảnh giới khổ đau. Cũng là pháp tăng trưởng lòng từ bi của người cúng thí.
Phần III: LUẬT – TỲ NI – OAI NGHI
Câu 1: Năm giới căn bản cho người tại gia và xuất gia (tịnh nhơn) gồm những giới nào? Kể ra?
Gợi ý đáp án: Năm giới căn bản cho người tại gia và xuất gia gồm: Không sát sanh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống rượu.
Câu 2: Ngoài 5 giới căn bản của người cư sĩ tại gia. Khi thọ Bát quan trai giới, người tu phải thọ thêm 3 giới nào?
Gợi ý đáp án:
- Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem nghe múa hát.
- Không được nằm giường cao rộng đẹp đẽ.
- Không được ăn phi thời.
Câu 3: Vì sao Đức Phật cấm sát sanh ?
Gợi ý đáp án: Đức Phật cấm sát sanh vì:
- Tôn trọng sự công bằng
- Tôn trọng Phật tánh bình đẳng
- Nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi
- Tránh nhân quả báo ứng oán thù
- Duy trì sự tồn tại của muôn loài.
Câu 4: Vì sao Đức Phật cấm trộm cắp?
Gợi ý đáp án: Đức Phật cấm trộm cắp vì:
- Trái lẽ công bình: Trộm cắp là việc cố chiếm đoạt của người khác mà không có sự cho phép, điều này trái với lẽ công bình.
- Thiếu lòng từ bi: Khi trộm cắp, chúng ta gây ra khó khăn, đau khổ cho người khác, điều này chứng tỏ thiếu lòng từ bi.
- Mất nhân cách: Trộm cắp làm mất đi nhân cách, danh dự của con người.
- Tránh ác báo: Theo kinh Phật, kẻ trộm cắp sẽ bị những ác quả, nhẹ thì vất vả nghèo hèn, nặng phải làm Súc-sanh để trả nợ, hoặc bị đọa vào Địa-ngục.
Câu 5: Vì sao Đức Phật cấm tà dâm?
Gợi ý đáp án: Đức Phật cấm tà dâm vì làm mất đi hạnh phúc của mình và của người khác.
Câu 6: Năm giới của người xuất gia khác với năm giới của người tại gia ở điểm nào?
Gợi ý đáp án: Người xuất gia không được dâm dục còn người tại gia không được tà dâm.
Câu 7: Cho biết lý do và lợi ích của việc giữ giới không nói dối?
Gợi ý đáp án:
- Lý do giữ giới không nói dối: có ba lý do: Tôn trọng sự thật, nuôi dưỡng lòng từ bi, giữ gìn và xây dựng uy tín.
- Lợi ích của việc giữ giới không nói dối có 2: Được mọi người tin tưởng, tránh quả báo do nói dối gây ra.
Câu 8: Vọng ngữ có mấy thứ?
Gợi ý đáp án: Vọng ngữ có bốn thứ: Nói lời dối trá, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
Câu 9: Vì lý do gì người xuất gia nên ăn chay?
Gợi ý đáp án: Chúng ta ăn chay vì: Lòng từ bi, tánh bình đẳng. Tránh quả báo luân hồi. Hợp vệ sinh. Thân thể khoẻ mạnh, tinh thần nhẹ nhàng, trong sạch, trí tuệ sáng suốt dễ tu tập.
Câu 10: Hãy kể mười nghiệp lành (thập thiện nghiệp)?
Gợi ý đáp án:
- Không sát sanh; – Không trôm cướp;
- Không tà dâm; – Không nói dối;
- Không nói lời thêu dệt; – Không nói lưỡi đôi chiều;
- Không ác khẩu; – Không tham.
- Không sân; – Không si.
Câu 11: Hãy đọc bài kệ đắp Y man?
Gợi ý đáp án:
Đại tai giải thoát phục,
Vô tướng phước điền y
Phi phụng trì giới hạnh
Quảng độ chư chúng sanh.
Câu 12: Đọc bài kệ chú Thế phát?
Gợi ý đáp án:
Thế trừ tu phát
Đương nguyện chúng sanh
Viễn ly phiền não
Cứu cánh tịch diệt.
Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà da, sa bà ha.
Câu 13: Hãy đọc bài kệ Văn chung?
Gợi ý đáp án:
Văn chung thinh, phiền não khinh
Trí huệ trưởng, bồ đề sanh
Ly địa ngục, xuất hoả khanh
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh
Án già ra đế da sa ha.
Câu 14: Đọc kệ chú Thọ đãy lọc nước ?
Gợi ý đáp án:
Thiện tai lự thuỷ nan
Hộ sanh hành từ cụ
Xuất nhập thường đới dụng
Phương hợp Bồ-tát đạo.
Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Câu 15: Đọc bài kệ Ẩm thuỷ?
Gợi ý đáp án:
Phật quán nhất bát thủy
Bát vạn tứ thiên trùng
Nhược bất trì thử chú
Như thực chúng sanh nhục
Án phạ tất ba ra ma ni sa ha.
Câu 16: Hãy kể tên 5 oai nghi đầu tiên?
Gợi ý đáp án: Kính Tam bảo; Kính bậc đại Sa-môn; Thờ thầy; Theo thầy ra đi; Nhập chúng.
Câu 17: Oai nghi thứ 15 và thứ 18 là gì?
Gợi ý đáp án: Oai nghi thứ 15 là Nằm ngủ. Oai nghi thứ 18 là Đến nhà đàn việt.
Câu 18: Oai nghi thứ 22 dạy chúng ta điều gì?
Gợi ý đáp án: Oai nghi này dạy khi làm tất cả các việc như: ra vào đi về, mặc pháp y mới, làm việc chúng, cần vật dụng, nhận và tặng vật cho người nhất nhất đều phải được thầy chấp thuận.
Câu 19: Vì sao chúng ta thờ Phật, lạy Phật?
Gợi ý đáp án: Chúng ta thờ Phật, lạy Phật vì Phật là đấng tự giác giác tha giác hạnh viên mãn.
- Vì để tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ của chúng ta đối với bậc tối thượng bi trí siêu phàm, có ân đức lớn đối với nhân loại.
- Vì chúng ta muốn tiến tu đạo nghiệp để được thành tựu như Phật đã từng làm.
Câu 20: Kể tên các oai nghi 20, 21,22?
Gợi ý đáp án: Oai nghi 20, 21 và 22 là Nhập tụ lạc (vào chỗ dân cư), Thị vật (mua đồ vật), Phàm sở thi hành bất đắc tự dụng (làm gì cũng không được tự ý).
…………………………………………………………………..
Câu hỏi vấn đáp về Oai nghi phép tắc của người Xuất gia
- KÍNH ĐẠI SA MÔN
Hỏi: Vì sao đức Phật không làm hòa thượng (thường gọi là ân sư xuống tóc) độ La-hầu-la xuất gia?
Đáp: Đức Như Lai là Phật bảo, mười giới là Pháp bảo, hòa thượng là Tăng bảo. Để tam bảo không lộn xộn lẫn nhau nên đức Phật bảo Xá-lợi-phất làm hòa thượng độ La-hầu-la xuất gia.
Hỏi: Khi thấy thầy Sa-môn đi qua, sa di không được làm gì mà phải làm gì? Trừ những trường hợp nào thì không nhất thiết phải làm?
Đáp: không được cố ngồi, mà phải đứng dậy khi thầy Sa-môn đi ngang qua; ngoại trừ tụng kinh, thân thể bị bệnh, cạo tóc, dùng cơm, làm việc Tăng đoàn.
- THỜ THẦY
Hỏi: Khi dậy sớm, muốn vào phòng thầy cần phải làm gì trước tiên?
Đáp: Sáng sớm, muốn vào phòng thầy, trước phải gõ cửa nhẹ, hay khảy tay ba lần, thầy cho phép mới được vào.
Hỏi: Khi hầu thầy phải đứng như thế nào?
Đáp: Không đứng đối diện, không đứng chỗ cao, không đứng quá xa trong khi hầu thầy, để thầy nói nhỏ mà vẫn nghe được, không tốn sức thầy.
Hỏi: Nếu đệ tử phạm giới thì phải làm sao?
Đáp: Nếu phạm giới luật, không được che giấu, mau đến bên thầy, cầu xin sám hối, lắng nghe thầy chỉ dạy.
Hỏi: Ai hỏi tên húy hay pháp danh của thầy thì trả lời thế nào?
Đáp: Ai hỏi tên húy hay pháp danh thầy, nên đáp: Trên A dưới B.
Hỏi: Phàm người đệ tử, muốn xuất gia phải chọn thầy tế độ thế nào, để làm gì. Nếu vị thầy mình đã chọn không được như mong muốn thì phải làm sao?
Đáp: Phàm đệ tử, đương trạch minh sư, cửu cửu thân cận, bất đắc ly sư thái tảo. Như sư thực bất minh, đương biệt cầu lương đạo
- THEO THẦY RA NGOÀI
Hỏi: Nếu cùng sư phụ đến chùa khác, khi lễ Phật phải ra sao?
Đáp: Đi đến chùa khác, lúc thầy lễ Phật, hoặc mình lễ Phật, không được tùy tiện gõ chuông, mõ, khánh.
- NHẬP CHÚNG
Hỏi: Khi nghe ai gọi thì phải đáp thế nào
Đáp: Bất kỳ ai gọi, không được không đáp. Khi nghe người gọi, dùng câu niệm Phật để đáp lại người.
Hỏi: Khi xưng tên mình với cư sĩ nên xưng hô thế nào?
Đáp: Nên dùng pháp danh, không dùng từ “tôi” hoặc từ “tiểu Tăng.”
- ĂN UỐNG VỚI MỌI NGƯỜI
Hỏi: Khi xuất sanh cúng thí phải như thế nào?
Đáp: Cơm dùng cúng thí, không quá bảy hạt. Nếu dùng mì cúng không hơn một tấc, với bánh màn thầu không quá móng tay.
Hỏi: Bên trong thức ăn nếu có sâu, kiến, nên như thế nào?
Đáp: Nên giấu kín, đừng để người bên cạnh nhìn thấy nhòm gớm.
- LỄ BÁI
Hỏi: Khi lễ lạy Phật, nên như thế nào, vì sao?
Đáp: Không được chiếm vị trí ở giữa chánh điện, vì đó là chỗ của thầy trụ trì.
Hỏi: Khi chấp tay phải như thế nào?
Đáp: Chắp tay không được so le mười ngón, không được trống giữa, đặt tay ngang ngực.
- NGHE PHÁP
Hỏi: khi nghe pháp phải như thế nào?
Đáp: Khi nghe giảng pháp, cần tập trung nghe, nghe rồi suy gẫm, suy gẫm rồi tu. Không nghe nhớ suông để làm chuyện cười.
- TẬP HỌC KINH ĐIỂN
Hỏi: Muốn học kinh luật phải học như thế nào?
Đáp: Trước nên học luật, sau mới học kinh. Không được học sai vượt trình tự. Khi học kinh nào cần thưa thầy trước, học xong kinh này, trình thầy thỉnh ý, học tiếp kinh khác.
- LÀM VIỆC THƯỜNG NGÀY
Hỏi: Khi quét dọn phải như thế nào?
Đáp: Khi quét dọn, không được quét ngược chiều gió; không gom đất cát vào phía sau cửa.
- NĂM NGỦ
Hỏi: Khi nằm ngủ phải như thế nào?
Đáp: Nằm bên hông phải là ngủ cát tường. Không được nằm ngửa, không được nằm sấp, không nằm hông trái.
- TRONG PHÒNG
Hỏi: Trong chúng, nếu có người bệnh phải như thế nào?
Đáp: Nếu có người bệnh, nên dùng tâm từ, chăm sóc túc trực và chu đáo.
- ĐẾN NHÀ CƯ SĨ
Hỏi: Người xuất gia, về thăm gia đình thân quyến phải như thế nào?
Đáp: Không được kể lể với cha mẹ việc nghiêm nghặt của thầy, đi tu khó khăn, buồn tẻ đạm bạc, gian khó vất vả. Nên nói Phật pháp, giúp mở lòng tin, tăng trưởng phước báu cho những người thân.
Bài viết liên quan
Đức Tác Minh Phật Mẫu Kurukulle
Từ sâu thẳm bên trong trái tim con là một bông hoa vô ưu đang...
Th11
Những lời khai thị từ Đức Liên Hoa Sinh
Có thể nói thân người là cực kỳ khó. Thế nên, thật là ngu mê...
Th8
Bài thơ về sự vô thường – Tế Công đời nhà Tống
Tế Công đời nhà Tống có làm bài thơ về sự vô thường: Tiếc thay...
TU TRONG MỌI HOÀN CẢNH
HỎI Thưa Thầy, khi xưa đức Phật và các thầy Tỳ-kheo không phải lao động...
Th8
Phật học tham vấn – độ chúng sanh
PHẬT HỌC THAM VẤN ( Sư Ông Trúc Lâm Tôn Sư ) Độ Chúng Sanh…?...
Th8
Bài Pháp Hay – Ba Loại Chết
Một bài pháp của sư Buddharakkhita, con xin phép chia sẻ vì lợi ích của...
Th7