Những tình huống xảy ra trong gia đình nói riêng, hay trong đời sống nói chung đều là bài học để mỗi người thấy ra bản thân mình và cuộc sống. Ngay đó mỗi người chỉ có thể điều chỉnh thái độ nội tâm của mình thôi, còn những vấn đề bên ngoài thì khó có thể điều chỉnh hay giải quyết ứng xử cho hoàn hảo được, vì mỗi người mỗi ý. Giải quyết ứng xử bên ngoài chỉ là tùy duyên, tùy hoàn cảnh, chứ khó được tất cả đều ổn thỏa.

Thầy nhớ trong Kinh Cựu Ước bên Công Giáo có câu: “…Ta đến không phải để đem lại hòa bình trên đất, mà bèn là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ cha với con, vợ với chồng, anh với em…”

Mới đầu Thầy cũng không hiểu câu nói tưởng như rất phi lý này, nhưng về sau mới thấy là đúng. Đức Phật nói bản chất cuộc đời là vô thường, khổ & vô ngã, như vậy thì không thể nào hoàn hảo theo ý muốn bất cứ ai, nên Đức Chúa nói vậy đâu có sai. Chưa có lúc nào thế giới này được hoàn toàn hòa bình, mà lúc nào cũng là chiến tranh không ở chỗ này thì cũng ở chỗ khác. Có hòa bình thì cũng chỉ là để chuẩn bị cho chiến tranh mà thôi. Câu nói ấy của Đức Chúa có thể hiểu là:

“Sự thật về cuộc đời này không phải là hòa bình mà là gươm giáo, sự thật về cuộc đời này không phải là hạnh phúc mà là khổ đau…”

Cuộc đời không bao giờ vận hành như ý của bất cứ ai, nên ai mà cầu toàn thì chỉ chuốc lấy khổ đau. Trong tu học cũng vậy, nếu đặt mục tiêu của tu học là để được an lạc hơn thì cái gọi là “tu học” cũng chỉ là chạy theo ảo mộng mà thôi.

Thầy phát hiện ra cuộc đời luôn âm thầm hỏi mỗi người chúng ta một câu, và trả lời chúng ta một câu:

CUỘC ĐỜI LUÔN HỎI MỖI NGƯỜI: “ĐÃ THẤY RA SỰ THẬT CHƯA?”

Qua mỗi tình huống gay cấn hay khó chịu đến với mỗi người, cuộc đời luôn âm thầm hỏi người ấy “đã thấy ra chưa?”, xem thử qua sự kiện vừa xảy ra, người ấy đã thấy ra sự thật chưa? đã thấy tình yêu là như thế nào chưa? đã thấy ra được danh vọng & tiền tài sự thật là gì chưa? đã thấy ra được gia đình là đối với nhau như thế nào hay chưa?..v.v…

Khi sống mỗi người thường vẽ ra ảo tưởng về cuộc sống và mong rằng sẽ được sống như những ảo tưởng ấy, trong khi những gì đến với mỗi người trong cuộc đời chỉ là để giúp mỗi người đã thấy ra được những gì mình còn vướng mắc, những gì mình còn ảo tưởng, chứ không phải để mình đạt được điều gì, hay giải quyết thế nào tình huống xảy ra thế nào để được như ý.

CUỘC ĐỜI LUÔN TRẢ LỜI MỖI NGƯỜI: “KHÔNG NHƯ Ý MUỐN CỦA NGƯƠI ĐÂU”

Cho dù có thành công cách mấy thì cũng chưa ai cảm thấy được hoàn toàn hài lòng cả. Mọi người thường chúc nhau “vạn sự như ý”, nhưng thật ra ai ai trong đời cũng gặp những tình huống hay hoàn cảnh bất toàn, bất như ý. Người này thì gặp điều bất toàn trong cuộc sống gia đình, người kia thì không được như ý trong vấn đề tài chính, có ai được hoàn toàn thỏa mãn bao giờ đâu.

Cuộc đời không thể nào được như ý mình, nên câu chúc “vạn sự như ý” không nên hiểu là “muốn gì được nấy” mà nên hiểu “nếu không còn muốn gì tức mọi sự đều như ý”. Và nếu còn muốn gì thì câu trả lời của cuộc đời sẽ luôn là “không như ý muốn của ngươi đâu”

Nguồn: (Thầy Viên Minh trả lời Hỏi & Đáp trong khóa thiền số 19 tại chùa Bửu Long năm 2019.

Bài viết liên quan

Trị bệnh như thế nào cho đúng

Tất cả chúng ta có bệnh, Phật dạy lấy thuốc mà trị chớ không phải...

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

Trả lời