P1- Những dòng cô đọng về Con đường Trong Suốt
Xin cung kính đảnh lễ Đức Quán Thế Âm
Biểu hiện tối cao của trí tuệ, từ bi và hoạt động không ngăn ngại
Nhờ cảm hứng từ Người, con đã ngồi giữa thế gian trong vai diễn hư ảo này
Và hôm nay, dưới sự gia hộ của Người, con xin viết ra những dòng cô đọng về con đường Trong suốt
Mong rằng những người có duyên với con đường này sẽ thoát khỏi mọi khổ đau và đến với sự giác ngộ vốn có của mình
Kỳ diệu thay, mọi việc đều đã được hoàn thành!
Trong sự ban phước của Người.
OM MANI PADME HUM
* * *
Để đi trên con đường Trong suốt, người ta cần có ba loại niềm tin và loại bỏ ba loại nghi ngờ
Niềm tin vào Người thầy hướng dẫn, vào Phương pháp tu tập, và vào Chính bản thân mình
Loại bỏ Nghi ngờ rằng người Thầy không đủ phẩm chất, rằng Pháp không dẫn tới kết quả, và rằng mình không đủ khả năng
*
Lúc khởi đầu, tối thiểu hãy có niềm tin rằng thầy có thể giúp được mình
Lúc ở giữa, tối thiểu hãy nhận ra rằng pháp tu đang giúp mình tiến bộ
Khi ở cuối, tối thiểu là biết mình hạnh phúc và sẽ không khổ đau dù hoàn cảnh nào xảy tới
*
Lúc khởi đầu, trung bình là tin vào sự giác ngộ của người thầy
Lúc ở giữa, trung bình là biết rõ rằng pháp tu sẽ giúp mình giác ngộ
Khi ở cuối, trung bình là chỉ quan tâm giúp mọi người và chẳng còn vấn đề gì với bản thân mình
*
Lúc khởi đầu, tốt nhất là tin tuyệt đối rằng thầy là Phật
Lúc ở giữa, tốt nhất là nhận ra giác ngộ đã có sẵn và pháp tu chỉ đơn giản giúp mình đừng quên điều đó
Khi ở cuối, tốt nhất là biết rằng thầy với mình không khác
*
Mỗi niềm tin có ba giai đoạn:
Tự khởi phát do duyên nghiệp, Được củng cố bằng kinh nghiệm và Không thể lay chuyển do chứng ngộ
Tùy khả năng của mình, mỗi người đi qua ba giai đoạn này của ba loại niềm tin
Hãy biết rõ mình ở đâu và đừng dừng lại, tiến lên bước tiếp theo
Cầu chúc cho mọi người tập con đường này đều đạt được niềm tin Không thối chuyển
*
Toàn bộ vũ trụ vật lý đều vận hành dựa trên nhân quả
Mọi khổ đau hay sung sướng cũng do nghiệp mà sinh
Tin nhân quả và hiểu về nghiệp là điều tiên quyết
Đây được gọi là đứng trước ngưỡng cửa của thực hành
Mọi sung sướng đều đến từ nghiệp tốt
Mọi khổ đau đều do nghiệp xấu nảy sinh
Tránh làm điều xấu và tăng cường làm điều tốt
Đây gọi là bước vào cửa của thực hành
Một nghiệp tốt bắt đầu từ tâm tốt
Một nghiệp xấu bắt đầu từ tâm hiểu biết sai lầm
Tốt hay xấu đều xuất phát từ tâm
Làm việc với tâm là ưu tiên của người trí tuệ
Hãy chúc lành bất cứ khi nào có thể
Trong cầu thang, bãi đỗ xe, với một người lạ gặp trên đường…
Hãy bắt đầu từ những người mình yêu thương
Và phát triển tới những người mình không thích
Khi đau khổ, chẳng hạn như tức giận
Hãy hỏi mình: điều này đến từ đâu?
Nhận ra tâm, chứ không phải cái bên ngoài, là nơi nó bắt đầu
Tập thói quen quay vào bên trong giải quyết
Bố thí lời chúc lành, là tạo ra nghiệp thiện
Cố gắng điều phục tâm, là trì giới nghiêm minh
Luôn quay vào với tâm, là tinh tấn hết mình
Hạn chế phản ứng với bên ngoài, là thực hành nhẫn nhục
Làm tất cả những điều trên, đã bắt đầu hạnh phúc
Nhưng chỉ tạm thời, vì sự thiếu trí tuệ vẫn còn
Vào lúc này, học giáo lý là điều buộc phải làm
Để hiểu rõ Khổ và Nguyên nhân của khổ
Cần hiểu đúng về Vô thường, Vô ngã
Hiểu tính Không và mọi pháp do Tâm
Biến những điều này thành Chánh kiến của mình
Suy ngẫm chúng từ kinh nghiệm trong đời sống
Những giải thích trên là vô cùng ngắn gọn
Gợi ý cho hành giả các bước đi
Nhưng học và hiểu chúng thôi cũng chẳng có ích gì
Nếu hiểu biết không đi kèm kinh nghiệm
Điều đặc biệt của con đường Trong suốt
Là khéo léo và không bị ngăn ngại trong pháp thực hành
Cô đọng hiểu biết và kinh nghiệm trong một âm thanh
Cả trí tuệ và đại bi trong một câu thần chú
Cả tự lực và tha lực đều vẹn toàn đầy đủ
Cả nhĩ căn lẫn ý căn đều diệu dụng viên thông
Lúc giúp người thì oai lực vô cùng
Lúc tĩnh lặng thì chiếu soi rạng rỡ
Xin kính lễ
LỤC TỰ ĐẠI MINH TÂM CHÚ
– Trong Suốt –

Bài viết liên quan

Tâm thư từ lá gan

TÂM THƯ GỬI TỪ GAN Gửi anh – bạn NGƯỜI thân mến, Tôi Lá Gan...

Thiền tông Việt Nam cuối thể kỷ 20

THIỀN TÔNG VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XX (tiếp-3) SƠ TỔ TRÚC LÂM (1258-1308) Vua...

TẬP LUYỆN ĐỂ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT

CƠ HỘI DUY NHẤT DÀNH CHO CÁC BẠN ĐANG BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG. KHÔNG ĐẾN...

Tại sao Phật Tử phải tu Thiền – HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi nói thẳng về đường lối tu Thiền mà hiện chúng tôi...

Tại sao phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được....

LÀM SAO NHIẾP ĐƯỢC TÂM ?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật...

Trả lời