THẾ NÀO LÀ LÀM ĐIỀU TRÁI TIM MÌNH HÁT?

Minh Canh: Trước mắt Ban tổ chức rất chào mừng mọi người đến với buổi Trà đàm ngày hôm nay với chủ đề: “Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi”. Xin chào mừng tất cả mọi người ạ. (Mọi người vỗ tay)

Tiếp nối buổi Trà đàm cuối tháng hai với chủ đề về: “Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu dỏm và hồi sinh tình yêu đích thực”. Thì được sự phản hồi rất tích cực của mọi người nên BTC cũng mạnh dạn tổ chức tiếp buổi Trà đàm ngày hôm nay. Chủ đề nghiêng về công việc, kiếm tiền.

Rõ ràng trong cuộc sống thì chúng ta không thể ngừng kiếm tiền. Kiếm tiền là một nhu cầu thiết yếu để mà mình có thể sinh hoạt rồi lo lắng cho gia đình v.v… và v.v… Nhưng mà thực ra mỗi người chúng ta khi công việc căng thẳng mình cũng muốn an lạc, vui vẻ trong cuộc sống, không bị tiền nó cuốn theo quá thì làm cách nào bây giờ?

Xin giới thiệu diễn giả Trong Suốt, bản thân cũng là một doanh nhân khá thành đạt và anh có các cách suy nghĩ khác, khác với lối suy nghĩ thường ngày của mình và có thể giúp cho mình có một cuộc sống thảnh thơi hơn cho dù làm việc gì trong cuộc sống đi chăng nữa.

BTC cũng đã từng tổ chức hơn 30 buổi Trà đàm trong nước, ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Hôm nay là buổi thứ hai sau 5 năm mới quay lại Sài Gòn, thì hôm nay rất vui mừng khi thấy mọi người rất đông đủ ở đây, còn đông hơn đợt trước nữa. Bản thân nhiều người và ngay cả vợ chồng mình cũng theo những lời chỉ dẫn, hướng dẫn về cách suy nghĩ và cũng đã tìm thấy cảm giác bình an trong cuộc sống, trong việc kiếm tiền, công việc của mình nên BTC cũng rất muốn tổ chức buổi Trà đàm này để nhiều người biết được lối suy nghĩ mới, để mình xem xét, cũng rất là bổ ích. Dạ xin mời diễn giả Trong Suốt ạ. (Mọi người vỗ tay)

Trong Suốt: Hầu như các bạn ở đây chưa biết diễn giả là ai đúng không ạ? Những ai chưa biết diễn giả là ai giơ tay ạ, chưa biết gì về đời ông ấy cả.

(Nhiều người giơ tay)

Rồi! Nhiều đúng không ạ? Thì để giới thiệu một chút, tôi là doanh nhân – doanh nhân trong lĩnh vực internet, công nghệ thông tin. Cách đây khoảng 18 năm – năm 1999 thì Internet bắt đầu vào Việt Nam. Mình rất là thích và lúc đấy mình đang học ở Đại học Quốc Gia Hà Nội và học rất giỏi. Mình có thể nói là khi tốt nghiệp thì mình là thủ khoa của cả cụm và 4, 5 trường đại học luôn. Đứng trước bục rồi phát biểu trước toàn trường, v.v… Và tất cả mọi người đều tin rằng: “Cái ông này ông ấy sẽ đi nước ngoài làm tiến sỹ”. Học giỏi mà! Ngày xưa thì là như thế. Bây giờ còn thế không ạ? Bây giờ học giỏi vẫn đi nước ngoài đúng không nhỉ? Vẫn thế đúng không? Thế thì ai cũng nghĩ là: “Chắc là cậu Thắng này cậu ấy đi nước ngoài làm tiến sỹ rồi!”. Các thầy rất là hy vọng, bố mẹ rất là hy vọng.

Đùng một cái thì mình quyết định ở lại Việt Nam để làm một cái trang web gọi là: “Trái tim Việt Nam online”. Năm 2000 ấy, mình không đi làm tiến sỹ nữa. Mình bỏ cả học cao học luôn. Trốn học cao học nhiều quá bị các thầy đuổi luôn. Đấy! Các thầy cho một năm bảo lưu, xong rồi năm sau thì mình vẫn trốn. Thế là thôi, thế là không được học cao học nữa. Và mình bắt đầu kinh doanh từ đấy. Tại vì nếu mà để làm một trang web ấy, làm nhỏ thì là sở thích, nhưng làm lớn thì phải kiếm ra tiền. Không kiếm ra tiền thì không thể nào nuôi máy chủ, bộ máy, người làm, lập trình cho nó. Thế là khi mình ra trường 2001 thì mình bắt đầu khởi nghiệp và trải qua rất là nhiều chuyện.

Kể tiếp câu chuyện, chưa hết. Thì là bố mẹ mình không vui. Ở đây có ai mà ra trường chọn một con đường khác bố mẹ nghĩ không ạ? Đã từng trải qua chuyện đấy chưa ạ? Chọn một con đường khác với bố mẹ nghĩ, xong bố mẹ không vui với mình. Những ai có giơ tay ạ. Vào trường hoặc ra trường, tùy ạ. Mình chọn một con đường khác xong bố mẹ không vui.

(Nhiều cánh tay giơ lên)

Rồi, những người còn lại là con ngoan trò giỏi đúng không ạ? Làm bố mẹ vui lòng đúng không ạ? Mình thì không giỏi như các bạn nên bố mẹ mình rất là không vui. Bởi vì đã bỏ học tiến sỹ thì ok thôi, chấp nhận nhưng mà bỏ cả học cao học nữa… Đấy, thế thì khi bố mẹ không vui thì bố mẹ mình sẽ làm gì? Cứ đi làm về nhà bố mẹ sẽ nói là: “Con ơi, thời buổi này phải có bằng cấp con ạ, mình phải là tiến sỹ với cả thạc sỹ. Thời buổi cách đây 20 năm nó thế, còn bây giờ thì có thể khác rồi, thành ra con đi nước ngoài đi!”. Và mình cũng sẽ giải thích rằng: “Không, lựa chọn của con mới là chuẩn, bây giờ là thời đại mới của Internet, v.v…”. Nhưng theo các bạn bố mẹ mình có hiểu được không ạ? Chịu, làm sao các cụ hiểu thời đại Internet được. Các cụ nghĩ Internet là cái gì không biết, chỉ biết là con buôn thì không bằng tiến sỹ. Hết.

Cách đây 20 năm kinh doanh chỉ là buôn bán thôi. Bây giờ doanh nhân rất được tôn trọng nhưng cái thời đấy, năm 2000 Luật Doanh nghiệp Việt Nam mới ra đời. Mình có thể nói là một trong những doanh nhân đầu tiên của Việt Nam luôn đấy, ở trong cái luật doanh nghiệp đấy ấy. Thành ra là bố mẹ không vui rồi. Cách lựa chọn tốt nhất là gì? Mình phải ăn thật nhanh để vừa ngồi xuống bàn, bố mẹ mình vừa nói: “Con ơi đi nước ngoài là tốt…” thì đã ăn xong rồi. (Mọi người cười) Thế thôi! Khỏi phải đàm phán, giải thích gì hết, chạy lên nhà. Mình có một cái phòng nhỏ thôi, khoảng 10 mét vuông, phòng riêng. Ăn ào ào thật nhanh xong rồi chạy lên phòng. Thế là xong. Thế là theo các bạn thì mình phải trải qua cái đấy trong bao lâu? Trải qua kiểu ăn nhanh như thế, ngày nào cũng ăn nhanh như vậy. Trong bao lâu ạ?

Một bạn: Chắc đến khi lấy vợ ạ?

Trong Suốt: Hả? Đến khi lấy vợ á? Thế thì lâu quá! Hai năm. Hai năm là đủ béo lắm rồi. Ăn nhanh mà! Ngày xưa mình ăn bình thường lắm, không ăn nhanh đâu, hồi mà trước cái thời điểm đấy ấy thì mình cũng ăn chậm chậm bình thường thôi nhưng bây giờ mà nếu đi ăn cùng với bọn bạn thì bọn nó phải sợ mình hết. Vì vừa nói chuyện dở cúi xuống đồ ăn đã hết mất rồi. (Mọi người cười) Vì sao? Vì mình ăn nhanh quá. Xoẹt, xoẹt là hết.

Thế thì hai năm như vậy cũng rất là mệt mỏi. Đến năm 2001 thì rất may mắn là cái trang web của mình đạt được một cái giải thưởng gọi là: “Trí tuệ Việt Nam”. Bố mẹ mới thấy xã hội công nhận mình, xã hội cho mình giải thưởng chắc mình cũng làm tử tế chứ! Thế là các cụ mới đồng ý là: “Đi nước ngoài cũng vẫn là tốt nhất nhưng mà thôi, ở lại trong nước cũng tốt nhì.” Đấy, như vậy năm 2002 hay sao ấy, thì mình không phải ăn nhanh như thế nữa. Nhưng lúc đấy thói quen nó thành cố hữu rồi. Bây giờ ngồi xuống là ăn nhanh chứ không còn ăn chậm nữa. Nhưng mọi chuyện nó không suôn sẻ, mà làm kinh doanh ở Việt nam thì rất mệt. Mình phá sản tất cả khoảng ba lần. Cứ hai năm thì phá sản một lần. 2002 một lần, 2004 một lần, 2006 một lần, và phá sản toàn tập!

Lý do thì nhiều lắm. Lúc thì do mình thiếu khôn ngoan, lúc thì mình bị lừa nhưng tóm lại là cứ hai năm thì một lần phá sản. Và mỗi lần phá sản thì nó có rất nhiều hệ lụy. Mất cả tiền bạc, danh tiếng và nợ nần. Những ai phá sản sẽ hiểu. Ở đây ai đã từng phá sản rồi chưa ạ? Giơ tay ạ! Một, hai,… Rồi! Rất tốt ạ. (Cười) Khi phá sản thì ta mất hết, rất nhiều thứ, mất danh tiếng, mất tiền bạc, và có rất nhiều nợ nần. Thế thì năm 2006 – mình phá sản lần thứ ba đấy, theo các bạn sau khi phá sản ba lần mình có định làm tiếp không ạ? Ba lần phá sản mà vẫn làm tiếp. Bố mẹ thì bảo: “Thôi, về học tiến sỹ cho nó lành con ạ! Làm giáo sư tiến sỹ vẫn được mà, vẫn đủ khả năng mà, chứ đi kinh doanh mệt quá. Lúc thì thấy con căng thẳng bố mẹ cũng lo, lúc thì thấy côn đồ đến nhà, dọa chặt chân chặt tay các loại.” Nợ nần mà!

Thế thì theo các bạn có nên bỏ kinh doanh để cho nó lành không? Con người ai cũng đi theo tiếng gọi của trái tim mình hết. Tất cả các bạn ngồi đây cũng thế thôi. Và chẳng ai muốn làm việc mà trái tim mình không hát. Đấy là bản chất của con người. Còn đâu các bạn có được làm hay không thì không biết, nhưng mà các bạn, bạn nào cũng muốn làm cái việc mà trái tim mình hát. Có đúng không ạ? Các bạn có đồng ý không? Còn hoàn cảnh không cho phép thì mình không được làm trái tim mình hát. Chứ còn ai chẳng muốn làm trái tim mình hát. Khi mình yêu chẳng hạn, mình ở bên cạnh cái người mà làm trái tim mình hát. Người mẹ nuôi con, ở cạnh đứa con vì đứa con là cái người làm trái tim mình hát.

Đi làm cũng thế thôi, ai cũng muốn được làm cái điều mà trái tim mình hát hết, thích làm. Thì ở trường, cái nghề dạy học là nghề rất là hay, tiến sỹ rất hay nhưng mà rất tiếc trái tim mình không hát ở đấy, mình không hát ở cái bục giảng ở trường. Trái tim mình hát ở Internet, mình hát ở làm những việc làm trên mạng. Thế nên mình quyết định là dù đã phá sản ba lần thì trái tim mình vẫn còn hát ở đâu thì mình chạy ở đấy. Mình đã từng bỏ học tiến sỹ vì trái tim mình hát. Mình đã từng phá sản lần thứ nhất, lần thứ hai, thứ ba vẫn theo đuổi trái tim mình hát. Thì chẳng lý do gì mình lại bỏ lần thứ tư cả. Thế là mình quyết định làm theo cái điều trái tim mình hát là mở công ty lần thứ tư. Công ty bây giờ mình đang làm đây này.

Khi mở công ty thứ tư thì rất là khó khăn vì đang nợ nần, mở công ty rất khó. Cuối cùng điều gì đã làm cho mình vẫn tiếp tục theo đuổi nó? Tại vì mình nghĩ rằng được làm điều trái tim mình hát là sướng nhất, sướng hơn là có tiền luôn. Giàu có nhưng mà không được làm điều trái tim mình hát, giàu có mà không ở cạnh cô gái mà trái tim mình hát thì mình không nghĩ là tốt bằng việc: “Thôi, nghèo cũng được nhưng ở cạnh cô gái làm trái tim mình hát”. Công việc cũng như vậy, mình theo đuổi điều trái tim mình hát, mở lần thứ tư, mở công ty này. Thế nhưng khi mở công ty này thì mình nghĩ: “Không, mình không thể làm lại nó như ba lần trước được. Nếu mình định làm nó như ba lần trước thì khả năng phá sản lần thứ tư là rất cao. Mình quyết định là nếu mình mở công ty mới thì mình phải làm theo kiểu mới”.

Thế ba lần trước đặc điểm chung là gì? Là mình theo đuổi thành công. Ở đây mình bảo ai cũng theo đuổi thành công cũng đúng. Nhưng ba lần trước mình theo đuổi thành công mà mình mặc kệ hạnh phúc, mặc kệ sự bình an. Là mình có thể làm tất cả các việc để mình có kết quả, mình quên mất rằng mình đang đuổi theo một thứ mà cái thứ đấy làm mình bất an. Nên lần này mình quyết định là gì? Lần thứ tư này tôi làm kinh doanh ấy, phá sản hay không? Tùy! Trời cho thì không phá sản mà trời không cho thì phá sản.

Mình nhìn lại ba lần phá sản trước của mình, nhận ra rằng là gì? Đúng là mình đã chạy theo và bị tiền điều khiển. Mình chạy theo thành công. Tất nhiên tiền là một phần thành công. Thì kết quả là gì? Mình phá sản và không hạnh phúc. Nên lần thứ tư mình quyết định là bằng cách nào đấy, mình kiếm ra tiền nhưng không thể bị tiền điều khiển. Đấy là cái quyết tâm rõ ràng luôn. Mình sẽ không lặp lại sai lầm của ba lần trước là chạy theo tiền, rồi bị tiền điều khiển. Vì kể cả cách như thế thì có thành công đến mấy thì trong lòng mình cũng không bình an, không hạnh phúc. Mình quyết định là gì? Lần này phải biết cách, biết cách làm thế nào để kiếm ra tiền mà vẫn thảnh thơi. Thảnh thơi trong tâm hồn thôi, mình không cần thảnh thơi bên ngoài.

Mình không cần phải đi chơi golf. Bây giờ mình có thể nói là mình cũng chả chơi golf bao giờ luôn, chưa bao giờ luôn. Mặc dù bạn mình toàn đại gia rủ đi chơi golf nhưng không thích. Mình không cần loại thảnh thơi bên ngoài. Mình muốn kiếm ra tiền hay thành công ấy, mà thảnh thơi ở bên trong. Đấy, mình hạnh phúc ở bên trong, bình an ở bên trong, an lạc ở bên trong chứ không kiếm ra tiền và trong lòng mình cũng rối bời nữa. Đấy là cách đây mười năm, 2006 mình mở công ty bây giờ. Lúc đầu không phải như vậy, lúc đầu mình rất khó khăn để làm được điều đấy, bởi vì cân bằng được bên trong bên ngoài là rất khó. Nên lần đấy mình quyết định không theo kiểu cũ nữa. Thà thất bại còn hơn là mình cứ bị bất an, cứ theo đuổi một cái thành công ảo vọng nào đó còn cái sự thật ấy: hạnh phúc, gia đình thì tan nát. Mình không đồng ý như thế.

Thì sau khoảng mười năm đến giờ mình vẫn chưa phá sản tý nào. Công ty vẫn chạy tốt, nó chưa bị sao cả. Và đặc biệt bây giờ mình có thể nói là bên trong mình rất thảnh thơi. Kiếm tiền vẫn tốt, hơn ngày xưa nhiều: trả hết nợ, lấy được vợ, nuôi được con, xây được nhà, mua được xe, v.v… Nhưng cái đấy là phụ thôi, cái đấy là cái sẽ đến tự nhiên. Quan trọng là bên trong mình thực sự an lạc khi mình đi làm. Đấy, đấy là thành quả mười năm đấy. Sau đấy thì mình chia sẻ thôi vì mình biết cách rồi, biết cách làm rồi, chia sẻ cho mọi người, trong công ty của mình và ngoài xã hội. Thì đấy là lý do mà chúng ta có buổi Trà đàm ngày hôm nay. (Mọi người vỗ tay)

Ở đây có bao nhiêu bạn thích kiếm tiền? Giơ tay ạ. (Rất nhiều người giơ tay) À tốt! Giống mình ngày xưa. Mình thích kiếm tiền. Đấy là sự thật! Lý do mà mình không đi giảng, có lẽ là hai lý do, một là vì mình thích internet, nhưng thứ hai là mình thích kiếm tiền. Thích làm ra tiền, thích sáng tạo ra phần mềm, sáng tạo ra trang web và thích cái cảm giác làm ra tiền. Lúc nãy mình có nói mình là con người theo đuổi trái tim mình hát là vì thế. Tất cả các bạn ấy, dù có biết hay không biết thì bên trong mình vẫn theo đuổi cái điều trái tim mình hát. Đấy, đấy là các bạn có biết hay không thôi. Trái tim bạn hát ở đâu bạn sẽ chạy đến chỗ đấy; Trái tim bạn hát ở ai bạn sẽ tìm đến người đấy; Trái tim bạn hát ở công việc gì bạn sẽ đến tìm công việc đấy; Trái tim bạn hát ở cái trò giải trí nào bạn sẽ tìm đến trò giải trí đấy.

Chỉ có bạn biết hay không mà thôi. Ở đây có bao nhiêu bạn đã được và đang được làm điều trái tim mình hát giơ tay ạ. (Một vài cánh tay giơ lên) Đấy, không nhiều đúng không ạ? Rất ít, những bạn còn lại sao ạ?

Một bạn: Không biết.

Trong Suốt: Không biết trái tim mình hát ở đâu hay biết rồi mà không làm được ạ? Bao nhiêu bạn biết là trái tim mình hát ở điều gì – ở công việc gì đấy ạ, giơ tay ạ. À, nhiều hơn rồi ạ. Còn những bạn còn lại là không biết luôn? Không biết luôn ạ?

Một bạn: Không biết hát.

Trong Suốt: Sao ạ?

Bạn đó: Không biết hát.

Trong Suốt: Không ạ! Hát không hay chứ không phải là không biết hát. Có thể hát không hay nhưng mà nói là không biết hát thì vô lý, còn hát không hay thì có thể, đúng không ạ? Có bạn nào giơ tay, vừa giơ tay. Em giơ tay đúng không? Em thử mô tả công việc mà trái tim em hát là gì không?

Một bạn nam: Dạ em thích kinh doanh.

Trong Suốt: Được. Đưa cho bạn cái micro.

Bạn đó: Dạ con xin chào Thầy. Xin chào tất cả các anh chị em, các cô các chú ạ. Con tên là Viên Minh.

Trong Suốt: Viên Minh? (Mọi người xôn xao)

Viên Minh: Dạ.

Trong Suốt: Woa. Tên hay thế! (Cười) Quá hay luôn.

Viên Minh: Dạ con thì con trải nghiệm được cảm giác trái tim mình hát là bởi vì ngày xưa bố mẹ định hướng cho con một con đường khác, đó là con đường đi theo về bên quân đội. Nhưng mà ngay từ nhỏ, lúc đấy thì con chưa có nhiều trải nghiệm như bây giờ, chỉ biết là con chỉ thích kinh doanh kiếm tiền, hai là làm ông này bà kia, thích đi làm bên hành chính nhà nước. Đấy, thì vào lúc hết năm 12 bố mẹ định hướng cho con vào trong quân đội, con bảo con không đi, kiên quyết không đi. Dù làm cách nào con cũng không đi, thậm chí là ở nhà bố còn cố tình viết đơn để đi nghĩa vụ quân sự cũng trốn luôn. Để chọn con đường thi vào quản trị kinh doanh và học viện hành chính, con có hai đam mê đấy. Sau con đậu quản trị kinh doanh và con theo đuổi tới giờ. Đi học xong thì con cũng ra làm riêng, cũng mở quán cà phê, cũng mở công ty các kiểu rồi cũng phá sản hết.

Trong Suốt: Bây giờ đang ở trạng thái nào ạ?

Viên Minh: Dạ vẫn đang trạng thái theo đuổi đam mê của mình ạ và con vẫn đi…

Trong Suốt: Ý là đang phá sản, đang nợ hay không nợ…

Viên Minh: Bây giờ thì con hết nợ rồi!

Trong Suốt: Hết nợ rồi? Thế tốt rồi! Phá sản không nợ là chúc mừng rồi. Còn định theo đuổi tiếp không ạ?

Viên Minh: Dạ vâng, vẫn theo đuổi thôi.

Trong Suốt: Rồi, hoan hô bạn Viên Minh ạ. (Mọi người vỗ tay) Vẫn theo đuổi tiếp! Có

bạn nào đang được làm điều trái tim mình hát không ạ? Giơ tay ạ. Rồi mời bạn bên cạnh.

Một bạn: Dạ em chào anh, chào tất cả mọi người. Em tên là Minh Hiền ạ.

Trong Suốt: Wao! Toàn tên hay nhỉ! Minh Hiền.

Minh Hiền: Thật ra em không gắn bó với thích nghề nào hay thích một công việc nào mà em thuộc dạng kiểu rất là thích những thách thức. Bất cứ vị trí nào hay địa điểm nào mà giả sử như anh em bạn bè nói là: “Cái này khó lắm, không làm được đâu hoặc cái này là căng lắm” thì kiểu gì cũng nhảy vào. Và nhảy vào, chỉ đơn giản rất thích giải các bài toán như thế và cảm giác là trái tim mình hát có nghĩa là…

Trong Suốt: Giải toán ấy hả? Em thích giải toán ấy hả?

Minh Hiền: À, ý em nói giải toán nghĩa là bài toán, bài toán có thể là của doanh nghiệp.

Trong Suốt: Ví dụ. Cho một ví dụ đi cho mọi người dễ hình dung.

Minh Hiền: Ví dụ hiện tại em ở Hà Nội và em đang vào thành phố Hồ Chí Minh được bốn, năm ngày bởi vì chuỗi cửa hàng mà bọn em đang làm mới mở ở trong thành phố Hồ Chí Minh và hiện tại nó đang gặp vấn đề là doanh thu rất thấp.

Trong Suốt: Ừ.

Minh Hiền: Và tất cả mọi thứ nó đều tệ hơn so với mong muốn của toàn bộ mọi người. Thế là đại ca em bảo: “Thôi em cứ ở ngoài này, để làm nốt chuỗi shop ở ngoài Hà Nội, bây giờ em đi thì không biết làm thế nào set up lên cái hệ thống.”. “Thôi anh ạ, em rất thích vào thành phố Hồ Chí Minh.” Và lúc đấy em làm được.

Trong Suốt: Trái tim em hát ở giải quyết bài toán khó đúng không?

Minh Hiền: Vâng ạ.

Trong Suốt: Cũng hay.

Minh Hiền: Và cái cảm giác của trái tim hát có nghĩa là nó sẽ đập nhanh, có nghĩa là mình cảm thấy rất phấn khích, tức là mình nghĩ về nó thôi mình đã cảm thấy là tim mình đập nhanh hơn rồi. Mình thích nó hơn. Thì đấy là cái cảm giác của trái tim hát ạ.

Trong Suốt: Hoan hô Minh Hiền! (Mọi người vỗ tay) Bạn nào đại diện cho trường phái chưa biết hát ở đâu giơ tay đi ạ? Bạn nào có thể nói thử về chưa biết hát ở đâu, giơ tay ạ. Chưa biết trái tim mình hát ở đâu luôn, có bạn nào không ạ? Cứ nói thật có gì đâu. Mình chia sẻ thoải mái mà. Rồi, áo xanh, bạn áo xanh. Em là gì Minh? Hay là Minh gì? (Mọi người cười)

Bạn áo xanh: À. Em chào mọi người, chào các cô các chú. Em xin tự giới thiệu em tên là Thái Ngọc, hiện nay thì em đang đi làm. Lúc trước em học bên ngành kỹ sư cầu đường nhưng mà tại vì làm nó không có cảm giác là yêu nghề cho lắm ấy… Mà cảm giác của em lại là trồng cây cơ.

Trong Suốt: Trồng cây ấy hả? Woa, hay đấy nhỉ! Vì sao em thích trồng cây?

Thái Ngọc: Vì cũng kiểu như là cơ duyên ạ, em hay đọc trên “Tony buổi sáng” ấy ạ, thì lại thấy rằng nó phù hợp với tư tưởng của em, trồng cây là để tạo bóng mát và tạo ra cái thành quả, sản phẩm để phục vụ cho mọi người, mà cũng dựa trên tất cả mọi người ấy ạ, hình như là em thích trồng cây hơn.

Trong Suốt: Em có tự trồng cây không?

Thái Ngọc: Dạ nhà em có vườn.

Trong Suốt: À thế à! Ừ, được.

Thái Ngọc: Nhưng mà nếu chỉ trồng cây đơn thuần không thì không biết phải làm thế nào để mà có thể tạo nên một hệ thống lớn, để có thể phủ xanh trái đất ạ. (Cười)

Trong Suốt: Được, rất hay. (Cười)

Thái Ngọc: Em xin hết ạ.

Trong Suốt: Cảm ơn. Cảm ơn Thái Ngọc. (Mọi người vỗ tay) Rồi, thích tạo ra bóng mát cho mọi người đúng không ạ? Còn bạn nào có thể chia sẻ hoàn cảnh của mình không ạ? Đây, bạn nữ này.

Bạn nữ đó: Em xin chào anh, em xin chào tất cả mọi người. Em tên là Tuệ Hương.

Trong Suốt: Tuệ Hương? Woa, tên hay thế! Sao nhóm toàn tên hay nhỉ? Thái Ngọc cũng là tên rất hay luôn ấy.

Tuệ Hương: Tức là như thế này nè, ban đầu khi mà anh hỏi ấy, là mọi người ai đang được làm điều trái tim mình hát ấy, thì giơ tay.

Trong Suốt: Làm hoặc không.

Tuệ Hương: Dạ?

Trong Suốt: Làm hoặc không. Ừ.

Tuệ Hương: Nhưng mà em thì thuộc trường phái đặc biệt hơn một xíu. Tức là không biết thực sự mình có đang làm cái điều mình thích hay không.

Trong Suốt: Ừ. Không biết đúng không?

Tuệ Hương: Em cũng giống anh Viên Minh ấy. Tức là gia đình cũng định hướng để làm nhà nước, ông này bà kia. Em thì có một công việc, gần như sẵn luôn rồi. Tức là làm một số cái liên quan đến công an, của nhà nước luôn nhưng mà lúc đó thực sự em chỉ biết là em muốn làm doanh nhân thôi. Em muốn làm cái người đưa sản phẩm của mình còn người ta đưa tiền cho mình. Chứ không phải là làm cái người mà mình phải bớt tiền của người khác. Đó, thì may mắn là em được học về bên chuyên ngành marketing. Đáng lẽ em rất thích những thứ sáng tạo, nhưng mà sau khi tốt nghiệp xong em lại cũng không biết là mình nên đi tiếp con đường này hay là như thế nào? Thì rất vô tình là như thế này, khi đó em bước chân ra cuộc đời là em không có gì hết cả. Em tính xin vào một công ty chỉ để kiếm tiền, sau đó em sẽ học và em sẽ là một nhà quảng cáo. Thì nó rất trùng hợp, tức là em gặp được một người thầy. Em thì em vẫn chưa định hướng chính xác là em muốn làm gì, nhưng em rất muốn theo cái phong cách sống của người đó, cho đến bây giờ.

Trong Suốt: Ừ! Được, rất tốt.

Tuệ Hương: Và đó cũng là lý do mà em tới buổi Trà Đàm ngày hôm nay.

Trong Suốt: Rồi, hoan hô bạn Tuệ Hương. (Mọi người vỗ tay)

NẾU KHÔNG BIẾT TRÁI TIM MÌNH ĐANG HÁT Ở ĐÂU, THÌ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO?

Trong Suốt: Không sao. Có những người khởi nghiệp ở tuổi bao nhiêu có biết không ạ? Hãng Ford ạ, 44 tuổi khởi nghiệp. Có những ông già 70 tuổi. Gà rán KFC đấy, 70 tuổi mới khởi nghiệp. Đến 70 tuổi mới biết hát ở đâu, chứ không phải là biết hát ngay từ đầu đâu ạ. Không phải là sinh ra cái lớn lên biết ngay mình hát ở đâu đâu. Ford phải 44 tuổi ông ấy mới nhận ra trái tim mình hát ở cái làm ô tô thật rẻ tiền cho người ta, thời của ông Ford ô tô rất là đắt. Ông bảo là tôi hát ở chỗ làm cái gì mà cũng là ô tô nhưng cả thế giới ai cũng có. Đấy, ông biết hát ở đấy. Hay gà rán đúng không? Hát ở rán cánh gà.

Nên không nhất thiết là mình phải có ngay một cái mà mình biết trái tim mình hát ở đâu. Không nhất thiết. Chả nhẽ mình lại phải đợi cho đến khi mình biết là hát ở đâu? Có khi là 70 tuổi mất rồi. Cho nên, biết mình hát ở đâu là điều rất tốt. Nhưng kể cả mình không biết mình hát ở đâu thì phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ ngay cái mình đang có. Đúng không ạ?

Mỗi người trong chúng ta ở đây ai cũng có một hoàn cảnh riêng đúng không ạ? Đang làm công việc nhất định chứ không phải là lựa chọn một cái gì nữa. Chúng ta bắt đầu từ cái chúng ta đang có. Cuối cùng thì cứ cho là mình được chuyển sang một việc tốt hơn đi. Nhưng nếu mình không hài lòng với việc mới, thì rồi mình cũng có được hạnh phúc đâu. Nên bài học đầu tiên của việc gọi là thảnh thơi trong công việc, hạnh phúc trong công việc là mình nhìn công việc hiện tại của mình và xem: “Liệu tôi có thể làm việc này một cách bình an hay không?”. Thay vì việc: “Tôi phải tìm một việc gì đó để tôi làm một cách bình an, hạnh phúc” thì hỏi mình xem: “Liệu tôi làm việc này mà trong lòng tôi cảm thấy bình an hay không?”.

Bước đầu tiên là như vậy. Vì nếu chúng ta không biết cách bình an với cái chúng ta có, thì dù chúng ta chuyển sang cái mới, ta lại bất an ở chỗ mới, theo kiểu mới. Chứ con người hay nghĩ là gì? “Nếu chuyển sang chỗ mới là vấn đề hết”, đúng không ạ? “Nếu yêu một cô mới thì sẽ hết vấn đề”, “Nếu yêu một anh mới thì vấn đề của tôi sẽ hết”. Nhưng bao nhiêu người đã làm được chuyện đấy rồi ạ? “Tôi đang độc thân” đúng không? “Nếu tôi yêu một ai đấy thì vấn đề của tôi sẽ hết.” Xong rồi có hết không ạ?

Một bạn: Lại có vấn đề mới.

Trong Suốt: Lại có vấn đề mới xuất hiện đúng không ạ? Bạn nào nói rất chính xác. “Tôi đang làm công việc, nếu chuyển công việc mới thì vấn đề của tôi sẽ hết.” Nghe quen không ạ? Nghe quen nhưng mà ở đây ai đã bỏ việc vài lần thì sẽ hiểu. Sang chỗ mới thì nào ạ? Lại một đống vấn đề mới, lại ông sếp mới, lại bạn bè đồng nghiệp mới, cạnh khóe kiểu mới, khó khăn kiểu mới.

Thế nên kỹ thuật gọi là thông minh nhất, là đầu tiên mình biết cách bình an tối đa với cái mình đang có chứ không phải là chăm chăm đi tìm cái mới để bình an hay để hạnh phúc. Hãy tập cách bình an tối đa với cái mình đang có. Ví dụ bây giờ mình đang bình an một với công việc, thì cố lên hai đã. Khi nào mình lên hai thì tập lên ba. Hãy tập cách bình an tối đa với cái mình đang làm trước khi mình đi tìm một cái mới. Bởi vì nếu mình tìm một cái mới trong tâm trạng là hạnh phúc đến từ bên ngoài, thì không bao giờ mình hạnh phúc được. Khi mình có công việc mới, mình bảo là: “Hạnh phúc đến từ công việc.” Rồi một thời gian sau thì sao ạ? Thấy thất vọng vì không có công việc nào suôn sẻ mãi được.

Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi 10

Nhưng nếu mình có một thái độ mới là gì? Hạnh phúc đến từ bên trong, cái bình an của tôi đến từ bên trong, từ cách tôi sống thì dù hoàn cảnh cuộc đời trao mình công việc gì, mình vẫn có thể bình an được. Và biết cách bình an thì thực ra mới biết cách thông minh để kiếm tiền. Người bất an kiếm tiền không nhiều đâu. Những người bất an ấy kiếm tiền chỗ này thì phá tiền ở chỗ khác. Hôm nay kiếm được, ngày mai hết. Nên cái sự bình an bên trong, hay nói cách khác là vững vàng cũng được. Bình an, vững vàng bên trong nó mới là cơ sở để chúng ta kiếm được nhiều tiền. Nếu chúng ta không có sự vững vàng bên trong, thì có lúc kiếm nhiều rồi cũng sẽ mất ở chỗ khác. Ở đây ai phá sản sẽ hiểu. Người phá sản nhiều lúc rất thành công luôn, có lúc kiếm rất nhiều tiền rồi mất sạch. Bởi vì bên trong họ không có sự vững vàng. Nên tiền đến là đi ngay lập tức, không đọng lại được, không giữ lại được.

Thế nên kỹ thuật đầu tiên để kiếm được nhiều tiền hoặc là hái ra tiền ấy, làm được nhiều tiền không phải là kỹ thuật kiếm tiền mà là kỹ thuật vững vàng ở bên trong. Vững vàng bên trong thì tiền đến nhiều hơn và giữ ở lại nhiều hơn. Mà điều này ít người biết lắm. Mọi người mải mê kiếm tiền ở bên ngoài, quên mất rằng là cơ sở để có tiền bên ngoài nhiều là sự vững vàng ở bên trong.

Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi 11

TỰ ĐÁNH GIÁ SỰ BÌNH AN, VỮNG VÀNG TRONG CÔNG VIỆC (THANG ĐIỂM TỪ 1-10)

Trong Suốt: Nên là các bạn thử hỏi với chính mình xem liệu hiện giờ, nếu tính thang điểm từ một đến mười thì cái công việc tôi đang làm ấy, tôi đang làm với sự bình an, vững vàng ở mức mấy điểm? Mọi người thử hỏi ngay mình bây giờ luôn đi. Tôi đang làm, không phải việc mới tôi sẽ làm mà việc bây giờ tôi đang làm thì tôi đang làm với sự bình an ở mức độ mấy? Từ một đến mười.

Ví dụ mình suốt ngày lao đi kiếm tiền, suốt ngày lo sếp mắng, suốt ngày lo bạn bè đồng nghiệp giành mất hợp đồng, v.v… thì là bình an ở mức độ rất thấp. Còn mình làm nó một cách thoải mái, không lo lắng sợ hãi, ít lo lắng sợ hãi, chắc chắn vững vàng thì ở mức độ cao. Mọi người hãy tự cho mình một số điểm đi ạ. Là: “Tôi đang làm cái công việc hiện tại với sự bình an, vững vàng trong tinh thần ở mức độ mấy?”. Cho mọi người một phút để suy nghĩ ạ. Thang điểm từ một đến mười.

(Mọi người im lặng suy nghĩ)

Xong chưa ạ?

  • Những ai đang làm công việc hiện tại với sự bình an và vững vàng bên trong ở mức độ 10 điểm giơ tay ạ? Giơ tay ạ? 1, 2, 3, rồi, rất tốt ạ!
  • Ai đang làm công việc hiện tại, với độ bình an bên trong và vững vàng bên trong tinh thần ở mức độ 9 điểm giơ tay? 1, 2, 3, 4, 5, 6, rất tốt.
  • Ai đang làm với mức độ 8 điểm giơ tay? 1, 2, 3, 4.
  • Ai đang làm ở mức độ 7 điểm giơ tay? 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Ai đang làm… À, 11, 12, nhiều hơn đấy, rồi.
  • Ai đang làm với sự bình an và vững vàng bên trong ở mức độ 6? 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12… 16, 17… rồi.
  • Ai đang làm ở mức độ 5 điểm, trung bình? Lúc bình an, lúc không, thỉnh thoảng thế này chẳng hạn: hoặc hôm nay trời đẹp thì thế này, nhưng mai thời tiết xấu lại khác, 5 điểm giơ tay ạ. Tôi là đang làm việc hiện tại với độ bình an và vững vàng ở mức độ trung bình, 5 điểm là loại trung bình. 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12… Rồi.
  • Ai đang làm với mức độ 4 giơ tay? 1, 2.
  • Ai đang làm 3 giơ tay? 1, 2! Bắt đầu hiếm rồi đấy.
  • Ai đang làm bình an và vững vàng ở mức độ 2 giơ tay ạ? (Không ai giơ tay)
  • Ai đang làm bình an ở mức độ 1 giơ tay ạ?

Rồi, bây giờ phỏng vấn những người 10 đã, đúng không ạ? Mời bạn nữ này, bạn giới thiệu một chút về tên tuổi, công việc gì đó.

Một bạn: Dạ, xin chào mọi người, con tên là Minh An hiện con đang đi học.

Trong Suốt: Học cấp ba hay học đại học?

Minh AnDạ, học đại học, việc học của con thì con cảm thấy rất thoải mái và nhiều bạn rất lo sợ là sau này ra trường sẽ không có việc hay gì đó, con thì cảm thấy rất là thoải mái. Tại vì trong thời gian đi học con cũng đi làm thêm một số. Nói chung con không có cảm thấy mình sợ gì hết, bây giờ nếu thả mình ra ngoài, mình cũng cảm thấy không sao hết.

Trong Suốt: Rồi, không sợ gì hết đúng không ạ? Rất tốt, bạn ấy vững vàng, bình an, vì bạn ấy không sợ gì hết. Mời bạn 10 điểm phía sau, sau bạn 10 điểm lúc nãy đấy, đúng rồi, bạn đeo kính đấy. Ai ấy nhỉ, bạn nào được 10 điểm ấy nhỉ? Lúc nãy 10 có ai nữa không? Thôi 9 vậy, 9 điểm đi ạ, lúc nãy bạn nào 9 điểm giơ tay lại đi ạ. Bạn này luôn, hai bạn này luôn.

Bạn đó: Dạ, chào Thầy, em tên đầy đủ là Lại Việt Văn, đang làm kinh doanh xăng dầu.

Em nhận mình 9 điểm thôi, tại vì…

Trong Suốt: 9 điểm thôi gì nữa! 9 điểm rồi thôi. (Thầy và mọi người cười lớn)

Việt Văn: Tại vì nếu 10 điểm thì em nghĩ đó là đạt tới trạng thái của sự giác ngộ. Em làm việc thì siết chặt bên ngoài, thả lỏng bên trong, không đặt nặng cái vấn đề thắng thua.

Trong Suốt: Ừ, không đặt thắng thua lên đúng không?

Việt Văn: Thắng hay thua thì em nghĩ là do nhân quả quyết định.

Trong Suốt: Tốt! Đấy bạn ấy bình an vì bạn ấy chấp nhận được. Thắng thua là do nhân quả quyết. Rất tốt! Bạn đằng sau ạ.

Bạn đó: Em chào anh Thắng, em chào các anh chị. Em tên là Thanh Hương, hiện tại thì em đang kinh doanh riêng. Lúc trước thì em cũng đi làm thêm, khi đi làm một khoảng thời gian gần năm năm thì em cảm nhận được là có lần em cũng có gặp anh Thắng, không biết anh Thắng có nhớ em không?

Trong Suốt: Có! Trông rất quen.

Thanh Hương: Dạ, thì em cũng có hỏi anh Thắng, tức là em có nhiều những cái bất an ở trong lòng, về mối quan hệ giữa mình với người sếp của mình. Mình luôn cảm thấy có gì đó không được thoải mái. Anh Thắng mới chia sẻ với em là em hãy làm sao để trong tâm cảm thấy thoải mái nhất. Thì em đã quyết định là em đi ra làm riêng, khi em làm riêng, tâm thái của em đó là không đặt nặng việc hơn thua. Mình làm, giống như anh Thắng có chia sẻ rằng mình làm làm sao để trong mình cảm thấy mình thoải mái nhất, mình cảm thấy là mình được là mình.

Cũng có những lúc khó khăn, cũng có những lúc mà mọi thứ nó đều đi xuống, nó đều rất là tồi tệ đối với mình. Nhưng mà em lại nhớ lại rằng, tất cả nó là thử thách, và em có nhớ anh Thắng nói với em là em hãy tưởng tượng những điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra với em. Và nếu như những điều tồi tệ nhất nó có thể xảy ra với em mà em có thể vượt qua được nó, em xem nó là một cách để em trưởng thành. Thì em sẽ thấy em vượt qua nó rất dễ dàng. Mọi sóng gió và mọi chuyện nó đều xảy ra với một người trẻ khởi nghiệp.

Em thấy là khi mình đặt cái tâm thái nó rất là thoải mái như vậy, mình cảm thấy là những chuyện đó đến với mình: “À có thể đó là một cái duyên, cũng có thể đó là một cái nghiệp.” Sự thực em không phải là người theo đạo Phật giáo, em là theo đạo Thiên Chúa giáo. Nhưng mà em lại cảm nhận được những triết lý của đạo Phật nó rất là hay. Và chính vì như vậy mà em làm công việc hiện tại, em cũng không dám đánh giá nó là 10 điểm, bởi vì nếu nó là 10 điểm, thì chắc là em nghĩ rằng em sẽ hết nỗ lực mất. Nên em nghĩ rằng với công việc hiện tại của em, em thấy vui, nhưng em cảm thấy em cần phải vươn lên hơn nữa, cần phải nỗ lực hơn nữa. Và mọi điều nó xảy ra với mình: vui buồn, tất cả những chuyện đó em cảm thấy nó rất là bình thường. Vui cũng không quá vui, mà buồn thì cũng không làm cho mình cảm thấy nó quá kinh khủng khiếp. Em cảm thấy là em sống như vậy em thấy rất vui và ngày hôm nay em cũng thấy cảm ơn anh Thắng nhiều. Sau rất là nhiều năm, thì ngày hôm nay em cũng gặp lại được anh.

Trong Suốt: Bao nhiêu lâu rồi?

Thanh Hương: Em nghĩ chắc phải ba năm rồi!

Trong Suốt: Ba năm rồi à, rất tốt! Chúc mừng bạn Hương. Rồi! (Mọi người vỗ tay) Bạn Hương có nói là mọi thứ xảy ra đều là thử thách, thay vì mình cho là sống với chết thì mình cho là thử thách để vượt qua, cũng là cách rất tốt. Thứ hai là bạn ấy đi chọn sự thoải mái chứ không chọn thành công. Thành công đứng số hai, tức là thành công cũng quan trọng, nhưng mình không thể đánh đổi thành công và lúc nào mình cũng lao đao được. Lúc nào trong lòng mình cũng bất an, thì thành công ấy thực ra không thể gọi là thành công được. Đúng không ạ? Cái thành công nào mà lúc nào trong lòng cũng thấy bất an, theo quan điểm của anh thì không gọi là thành công. Mình hãy chọn những cái gì mà mình có thể thành công nhưng mình không ở trong trạng thái bất an. Mọi người nghĩ là khó hay dễ ạ? Kiếm tiền phải bất an mới đúng nhỉ? Đúng không ạ?

Bạn nào 5 điểm đi ạ, nói đi ạ? Phát biểu đi ạ? Rồi mời bạn 5 điểm. Đấy mời em.

Bạn đóDạ con tên là Hồng Ngọc ạ, dạ con xin chào Thầy và tất cả mọi người.

Trong Suốt: Em thử nói xem là vì sao em đang bình an ở mức độ 5 điểm? Em đang làm gì, em làm nghề gì?

Hồng Ngọc: Dạ, em đang bán hàng ạ.

Trong Suốt: Rồi! Đang bán hàng, vì sao em nghĩ là 5?

Hồng Ngọc: Giống như em ấy, thiên về cảm xúc ấy.

Trong Suốt: Ừ!

Hồng Ngọc: Nếu mà mình có cảm xúc ấy thì mình làm tốt, còn mình không có cảm xúc thì mình làm không tốt. (Bạn ấy nói như gần khóc)

Trong Suốt: Những ai chèn ép em? Ai làm cho em bất an? Bà chủ, ông chủ, khách hàng hay là… đâu? Ai? Chỉ ai? (Mọi người cười lớn)

Hồng Ngọc: Thì em nghĩ đó là do chính mình thôi ạ.

Trong Suốt: Rồi bạn khác, khi nào em hết cảm xúc có thể quay lại với em, có bạn nào 5 điểm phát biểu đi ạ. 5 hoặc dưới 5, 5 trở xuống đấy ạ?

Một bạn: Dạcon chào Thầy và mọi người, con tên là Vĩnh Phúc, hiện là sinh viên công nghệ thông tin của đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh.

Trong Suốt: Làm sinh viên mà cũng bất an à? Trời! Làm sinh viên thì phải 10 với 9 chứ?

(Mọi người cười)

Vĩnh Phúc: Dạ, Thầy cũng là dân công nghệ thông tin thì chắc Thầy cũng biết là cái ngành này thì khá là dễ kiếm việc làm. Nhưng mà, con thì con thích kiếm được nhiều tiền hơn, cho nên cũng hay trăn trở về sau này không biết mình liệu có kiếm được nhiều tiền không.

Trong Suốt: Trăn trở và bất an đúng không?

Vĩnh Phúc: Mình có đạt được những thứ mình mơ ước hay không.

Trong Suốt: Bạn bất an vì tương lai không biết thế nào. Hiện tại thì rất ngon, nhưng mà vẫn 4 điểm. Vì không biết sau này lấy cô nào, đúng không ạ? À, quên nhầm, không biết sau này công việc thế nào? (Cười)

Vĩnh Phúc: Dạ!

Trong Suốt: Có một số người phụ nữ cũng thế thôi, hiện tại đang rất ổn, nhưng mà gì? Bất an vì không biết sau này lấy anh nào? Ở đây có ai bị thế không ạ? Nói thật đi ạ? Không biết sau này lấy ai nên bây giờ mình bất an luôn, từ ngày hôm nay cho nó quen dần đi là vừa. (Mọi người cười lớn) Lẽ ra em phải rất hạnh phúc mới đúng, vì em đang là sinh viên, em bất an vì một cái tương lai xa tít mù tắp, cứ cho là năm sau đi, đúng không? Rồi, hiểu rồi, hiểu vấn đề rồi.

Có bạn nào dưới 5 điểm phát biểu thêm một người nữa đi ạ. Rồi, mời bạn, áo tím.

MÌNH QUAN TÂM ĐẾN CÁI GÌ THÌ CÁI ĐẤY TRỞ NÊN VỮNG CHẮC VÀ RÕ RÀNG TRONG ĐỜI MÌNH

Bạn áo tím: Em xin chào Thầy và chào các bạn, mọi người ở đây ạ. Em tên là Trần Công ạ! Tên em, tên đầy đủ là Trần Đình Công.

Trong Suốt: Đình Công? (Mọi người cười lớn) Rồi. Rất tốt, Đình Công là gì, là người có công trạng với triều đình. (Mọi người cười)

Đình Công: Không, theo em biết thì chữ Đình có ý nghĩa là một cái gì lớn lao, chứ không phải như người Việt Nam hay gọi.

Trong Suốt: Đình có nghĩa là lớn đúng không? Công trạng mà lớn là công trạng lớn lao.

Chuẩn! Đình Công là người có công trạng lớn lao, chuẩn rồi, tiếp.

Đình Công: Dạ, công việc cụ thể của em là em là kỹ sư hàng hải, trước kia thì em có làm cho Vinashin. Em làm cho Vinashin một thời gian rồi em xin nghỉ, em làm cho công ty tư nhân. Cụ thể công việc của em là em tính cân bằng cho tàu, những cái tàu chở thiết bị siêu trường, siêu trọng đi nước ngoài ạ. Cách đây gần một năm, em có một anh cùng công ty, em và anh ấy đã mở công ty riêng, làm riêng. Cụ thể em bây giờ vẫn làm công ty cũ và công ty bên ngoài của em. Công việc thì có những lúc bị dồn, em vừa làm công ty này, và em làm công ty kia – công ty của em. Công ty riêng của em mở nó cũng trùng với lĩnh vực mà công ty em đang làm. Nó gây ra thứ nhất là cái thị trường của mình, mình đang làm, nó giống như mình cướp khách hàng của cái công ty mình đang làm. Cảm giác nó căng thẳng và khó chịu lắm.

Trong Suốt: Ừm, đúng rồi.

Đình Công: Mà, đôi lúc mình đi làm bên nước ngoài nữa, có những đơn hàng em phải qua Singapore em lấy về. Mà phải xin công ty cho nghỉ vài hôm, mà đơn hàng liên tục thì mình có làm liên tục thì mới có ăn có lời, mà xin nghỉ vài hôm đâu có được. Nhiều lúc nó căng thẳng, mà kiếm người không ra. Cụ thể công việc thì bọn em mới làm, cho nên để nuôi quân thì em chưa dám nuôi. Chỉ hai anh em hỗ trợ nhau, chia sẻ nhau làm thôi.

Trong Suốt: Em không nghỉ công ty cũ đi? Vì sao?

Đình Công: Thì em mới làm, cái thu nhập nó vẫn chưa có ổn định, lúc có đơn hàng thì em làm, không có đơn hàng thì anh em ngồi chơi thôi ạ. Cho nên giờ em nghỉ công ty cũ thì không được mà gắn bó 100% công sức của mình vào công ty cũ thì cũng không được. Mà chia ra thì…

Trong Suốt: Bất an đúng không?

Đình Công: Dạ!

Trong Suốt: Điển hình, trường hợp điển hình, tốt! Chuyện điển hình của việc là mình coi cái gì là quan trọng trong đời mình. Đấy ví dụ như lúc nãy bạn Hương bạn nói là làm cái gì mình thấy mình bình an thì cái đấy là quan trọng, thì mình theo đuổi bình an. Còn ngược lại, mình theo đuổi cái không phải là bình an ấy thì mình có cái gì? Ví dụ theo đuổi thành công, mình có gì? Mấy bạn vừa xong đấy, bạn Công đấy. Vì em không theo đuổi bình an nên cái em có bình an không? Không luôn đúng không? Không có bình an luôn. Người nào theo đuổi bình an sẽ có bình an, người nào đặt bình an là quan trọng thì mới có bình an được, người nào đặt bình an không quan trọng, mà thành công và tiền bạc mới quan trọng, thì không có bình an.

À, cái nghề của anh, anh quen rất nhiều đại gia luôn. Có những anh có thể nói là có hàng tỉ đô luôn, ít nhất là mấy trăm triệu đô. Nhưng mà anh ấy không hạnh phúc và không bình an luôn! Gặp anh, anh ấy sẽ nói là gì, anh nói là: “Anh nhiều lúc anh muốn bán hết đống này đi, bán hết cái đống này đi, đau đầu quá!”. Thỉnh thoảng lúc mà rất thân nhau rồi mới nói câu đấy, chứ còn nếu bình thường không bao giờ nói ra bên ngoài. Bình thường lúc lên báo ông ấy sẽ rất là oách, sáng rực rỡ luôn! Nhưng mà khi mình ngồi nói chuyện và khi người ta tâm sự: “Anh chỉ muốn bán quách chỗ này đi thôi, xong, cho nó đỡ phải nghĩ! Làm đại gia khổ quá, phải chiều đủ các bên, đại gia cũng chả có gì đặc biệt cả, chiều tất cả các bên, mệt!”.

Còn một anh nữa thì anh ấy chắc cũng phải có trăm triệu đô. Mắt anh ấy không bao giờ chớp được luôn! Mình ngồi nói chuyện với anh ấy mắt anh ấy mở như thế này. Thế là khoảng hai tiếng mình cảm thấy kỳ lạ quá. Mình bảo: “Sao anh không nháy mấy cái mắt cho em yên tâm? Không biết em có vấn đề gì với anh, cứ nhìn như thế này? (Mọi người cười) Mà anh đang nghĩ cái gì, ngồi với em, anh nghĩ cái gì?”. Anh bảo: “Anh đang nghĩ về chuột.” Mình bảo: “Sao đại gia anh lại nghĩ về chuột?”“Vì cái nhà máy bánh mì của anh ấy, nếu có có con chuột rơi vào, thì mai lên báo phát là cả doanh thu bánh mì của anh có khi đang rất to, mà trở thành phá sản luôn. Chỉ một con chuột có thể làm anh phá sản. Nên anh phải kiểm soát thứ nhất là hệ thống nhà máy để cho con chuột không rơi vào. Thứ hai là kiểm soát hệ thống báo chí, để lỡ nó có rơi vào thì không ai nói hết.”

Căng không? Đấy, một mắt thì mở nhìn nhà máy, mắt kia nhìn báo chí. Thì mắt mở là đúng rồi còn gì nữa? Không chớp nổi luôn! Đấy là một ví dụ điển hình về việc là gì? Theo đuổi tiền bạc mà không quan tâm đến bình an. Kết quả là anh ấy có tiền bạc. Có không? Nhưng có bình an không? Không!

Hồi ấy cách đây khoảng mười năm ấy, thì anh nghĩ lẽ nào lớn lên, sau này mình cũng thành công giống ông này, suốt ngày phải nghĩ về công việc. Lo, vì chức càng to thì càng phải lo nhiều, đồng ý không ạ? Mình là trưởng phòng mình phải lo cho cả cái phòng rồi, mình là giám đốc một công ty 100 người mình lo cho 100 người, mình là giám đốc công ty 1000 người mình phải lo cho 1000 người. Mình là giám đốc của công ty 10,000 người thôi là lo cho cả xã hội luôn. Lo cho cả các bên, khách hàng của mình, cơ quan nhà nước, chủ đầu tư, v.v…

Thế thì nguyên tắc căn bản là gì? Em quan tâm đến cái gì, thì em có cái đấy. Nếu em không quan tâm đến cái gì thì em mất cái đấy. Hai người yêu nhau xong không quan tâm đến nhau nữa, một người không quan tâm đến người kia nữa, thì cuối cùng, người kia có hiện ra không ạ? Mình đang yêu một cô chẳng hạn, xong mình chẳng quan tâm đến cô ấy nữa, mình quan tâm đi kiếm tiền. Thì kết quả mình còn tình yêu không ạ? Mình không còn tình yêu luôn. Vì mình chuyển quan tâm sang tiền rồi, thì tình yêu biến mất. Thế thôi! Người yêu và tình yêu biến mất. Đấy rất đơn giản.

Mình quan tâm cái gì thì cái đấy xuất hiện trong cuộc đời mình. Mình không quan tâm cái gì nữa, thì cái đấy không hiện ra trong cuộc đời mình nữa. Lúc yêu nhau quan tâm đến nhau thì gặp nhau suốt ngày. Lúc chia tay rồi, hết quan tâm thì sao ạ? Gặp nhau nữa không ạ? Ba năm rồi chả gặp. Mình quan tâm đến cái gì thì cái đấy trở nên rõ ràng, lớn lao trong cuộc đời mình. Mình không quan tâm đến cái gì thì cái đấy mờ nhạt trong cuộc đời mình hoặc là biến mất trong cuộc đời mình. Đó là một nguyên tắc rất là tâm linh đấy, nếu mọi người có thể hiểu. Nếu mọi người quan tâm đến bình an thì bình an nó trở nên lớn lao và rõ ràng trong đời mình. Và ngược lại, nếu mình quan tâm đến tiền bạc mặc kệ bình an, thì tiền bạc sẽ lớn lao trong đời mình còn bình an thì tan mất trong đời mình.

Khi mình quan tâm đến tiền bạc thì tiền bạc trở nên lớn lao trong đời mình. Lớn lao không có nghĩa là nhiều đâu, mà là quan trọng thôi, hiện ra nhiều hơn. Có khi suốt ngày đi ăn mình trả tiền cho người khác, đấy, hoặc là mình trở thành thủ quỹ công ty. Lớn lao mà, quan trọng mà! Khi mà mình hiểu điều đấy thì mình phải thông minh khi phải chọn quan tâm đến cái gì. Vì nếu mình không thông minh thì mình sẽ toàn quan tâm đến những cái linh tinh. Và những cái mà thực sự quan trọng thì mình lại không quan tâm. Trong câu chuyện của bạn Công thì bạn quan tâm đến cái gì? Chắc chắn là bạn không quan tâm đến bình an, đúng không? Nên bạn mới tiếp tục như vậy.

Còn nếu bạn quan tâm đến bình an, thì hoặc bạn bỏ công ty cũ hoặc bạn bỏ công ty mới. Tự bạn sẽ quyết định như vậy, vì bạn thấy là mình không thể sống trong cảnh mà nó mệt mỏi như thế này nữa. Mệt mỏi cắn rứt luôn! Đúng không? Cắn rứt quá tại vì là mình đang làm ở công ty này, mình lại phục vụ một công ty đối thủ, công ty của chính mình ấy, thì quá cắn rứt luôn. Về mặt lương tâm nghề nghiệp nó đã không đúng rồi, nó không đúng về lương tâm rồi. Nhưng nếu bạn chọn bình an thì bạn mới có quyết định dũng cảm là bạn dừng, dừng một trong hai thứ. Nhưng bạn chưa chọn bình an, thì bình an nó chưa hiện ra với bạn.

Công hiểu không? Nếu em thông minh, giả sử nếu em gặp anh: “Anh Thắng ơi khuyên em”, anh sẽ khuyên em giống bạn Hương là hãy chọn bình an. Vì từ bình an sẽ sinh ra tiền. Đừng lo! Sự bình an, ổn định vững vàng về tinh thần ấy, sẽ là cái nơi tích trữ tiền ở đấy. Còn ngược lại, sự bất an ấy thì tiền có đến, rồi sẽ đi theo kiểu khác. Có những người tham ô tham nhũng rất giỏi đúng không? Rất nhiều tiền nhưng bất an. Cuối cùng tiền của họ cũng chả giữ được, mất ở chỗ khác, mất ở bệnh tật, mất ở con cái. Tự nhiên đứa con phá gia chi tử, phá tan tành tiền tham ô của bố.

Em bình an thì tiền mới ở lại với em được. Em bất an thì tiền nó có đến, thì nó cũng không ở lại với em được. Nên trong câu chuyện của em ấy, hãy chọn bình an, đừng chọn tiền nữa, chọn bình an đi, chọn một trong hai cách đều được. Em bỏ công việc này, xong làm công việc kia. Lúc đầu mạo hiểm, nhưng em có sự bình an trong tâm hồn hơn nhiều, rồi nó có thể thành công. Hoặc là em bỏ không làm công ty mới nữa, làm chỗ cũ cho nó thảnh thơi, cả hai đều tốt. Lựa chọn đấy thông minh hơn và trí tuệ hơn là lựa chọn như bây giờ của em. Và em muốn làm như vậy, thì em phải đánh giá cao sự bình an. Đúng không? Mình quan tâm tới cái gì thì cái đó trở nên vững chắc và rõ ràng trong đời mình. Đấy! Nhớ điều đấy. Còn nếu mình bối rối vì mình chẳng biết mình quan tâm đến cái gì. Còn mình đau khổ vì mình quan tâm đến cái sai lầm và quên mất cái quan trọng. À, bạn lúc nãy em tên gì ấy nhỉ, em sinh viên ấy?

Một bạn: Dạ, Vĩnh Phúc.

Trong Suốt: Vĩnh Phúc! Tên rất hay! Hạnh phúc vĩnh hằng, đấy Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc quan tâm đến là tương lai mình có kiếm được nhiều tiền không? Đúng không? Thì cái gì hiện ra?

Vĩnh Phúc: Dạ tiền!

Trong Suốt: Đúng rồi, nhưng có phải tiền nhiều không? Em quan tâm là: “có nhiều tiền không” cơ mà, nghĩa là gì, “nhiều tiền không” hiện ra. Đúng là tiền hiện ra thật, nhưng mà có nhiều không? Bấp bênh còn gì nữa? Em quan tâm đến sự bấp bênh tiền bạc đúng không? Thì em có một cái thực tại là bấp bênh tiền bạc. Bây giờ em chưa phải lo đi kiếm tiền, em đã ngồi quan tâm bấp bênh rồi. Còn em nghĩ như thế này chuẩn này, em nghĩ là gì: “Chắc chắn mình sẽ kiếm được nhiều tiền”, thì khác, “Tôi chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền, ít nhất là đủ tiền để sống thoải mái. Vì tôi có nghề nghiệp, xã hội này cần những người có nghề nghiệp như tôi. Tôi có ý chí, tôi có sức khỏe, tôi có tinh thần, tôi có vận may của tôi. Thì chắc chắn tôi sẽ kiếm được nhiều tiền.” Em quan tâm kiểu đấy, thì nhiều tiền hiện ra!

Dù em chưa có tiền thì cái cảm giác nhiều tiền hiện ra với em. Ngay bây giờ, chứ không phải đợi đến ngày đấy nữa. Mọi người hiểu không? Dù bạn ấy chưa có nhiều tiền trong tay thì cảm giác nhiều tiền vẫn hiện ra với bạn ấy, ngay trong ngày hôm nay. Còn nếu đang quan tâm đến bấp bênh của tiền bạc, thì em cảm giác gì? Bấp bênh, thiếu thốn hiện ra với em ngày hôm nay, đúng chưa? Lúc nãy bạn Văn, bạn nói là gì, thành công hay không là nhân quả đúng không?

Như vậy là gì, bạn ấy không quan tâm có nhiều tiền hay không có nhiều tiền. Mà bạn quan tâm đến việc là gì? Bình an! Thế nào cũng được chính là bình an chứ còn gì nữa. Thì bạn có cái gì? Bạn có bình an. Nhưng bình an có loại trừ tiền bạc không? Có phải vì bạn quan tâm đến bình an nên bạn không có tiền không? Văn có tiền không? Vẫn có đúng không? Bình an nó không loại trừ tiền bạc. Mà cuối cùng, tất cả mọi người trên đời đi làm để lấy tiền, thế có tiền để làm gì? (Mọi người xì xầm thảo luận) Đi làm có tiền thế tiền để làm gì ạ?

Mọi người: Để tiêu.

Trong Suốt: Tiêu để làm gì? Tiêu để làm gì ạ?

Mọi người: Lấy tiền để mua hạnh phúc.

Trong Suốt: Đúng rồi, cuối cùng là tiền để tìm sự thoải mái, đúng không? Có tiền cũng chỉ để thoải mái thôi. Mọi người đồng ý không ạ? Mình có tiền để thoải mái hay là có tiền để khổ sở ạ? Có tiền để thoải mái. Tất cả mọi người kiếm tiền cũng chỉ để thoải mái. Mình có mua xe, mua nhà, có đi xem phim, có ăn một quán ăn ngon, thì cũng để gì ạ? Thoải mái. Còn nếu mình có tiền xong rồi mình chả thoải mái, thì kiếm tiền để làm gì?

CÁCH BIẾN CÔNG VIỆC THÀNH PHẦN THƯỞNG

Minh Hiền: Những điều anh nói ấy ạ, em thấy nó rất là đúng. Em gặp một vấn đề đấy là em là một người thích danh lợi, thích được khen, thích được người khác công nhận những cái gì mình làm. Nói chung bất an của em đến từ việc mình cảm thấy là những kỳ vọng mình lớn quá, mình ép những người khác phải chạy theo những kỳ vọng của mình, nên nó rất là căng thẳng. Và nhiều khi em ép ngược lại cả những người bạn đồng hành và cả những người sếp nữa. Xong sau đó em phát hiện ra là nếu mà những người ở đằng sau nói xấu em, hoặc tức là không công nhận những gì em đang làm, em cảm thấy rất bực tức về những điều ấy.

Em cũng được nghe về nhân quả, chính là từ đại ca của em. Đại ca có thỉnh thoảng lại nhắc là phải thả lỏng ra. Nhưng mà trong quá trình em làm việc thì cái sự muốn kiểm soát mọi thứ lại nổi lên. Thế xong rồi lại nghĩ là: “Ờ, ok, đây là nhân quả”, tất cả mọi thứ được nghe rồi, nhưng mà đến khi vào việc rồi lại cảm giác như mình muốn gồng tất cả mọi thứ lên, không buông ra được!

Trong Suốt: Thì đấy, quay lại câu chuyện là em cho rằng em quan tâm đến cái gì? Đấy, câu chuyện giống các bạn lúc nãy đấy, em quan tâm đến cái gì? Em nói thử cho mọi người nghe?

Minh Hiền: Em nhìn thấy hình như em là một cái người rất quan tâm đến danh lợi, đến việc người khác đánh giá cao, công nhận mình.

Trong Suốt: Em quan tâm đến việc liệu người ta có công nhận mình hay không?

Minh Hiền: Dạ vâng!

Trong Suốt: Bên dưới, đúng không? Chẳng phải tiền luôn, đúng không?

Minh Hiền: Dạ vâng!

Trong Suốt: Mà liệu người ta có công nhận mình hay không? Giống như bạn lúc nãy là liệu mình có kiếm được nhiều tiền không? Giống như là bạn Vĩnh Phúc ấy. Em tên là gì ấy nhỉ?

Minh Hiền: Em tên là Minh Hiền ạ.

Trong Suốt: Minh Hiền. Bạn Minh Hiền bạn quan tâm là: “Liệu người ta có coi trọng mình hay không?”. Kết quả giống bạn Vĩnh Phúc ở chỗ, mình có một sự bấp bênh về coi trọng, đúng chưa?

Minh Hiền: Vâng.

Trong Suốt: Bạn Phúc là một trường hợp đấy, bạn quan tâm là mình có kiếm được tiền nhiều hay không nhỉ? Bạn có sự bấp bênh về tiền bạc, mặc dù bạn ấy đã phải đi làm đâu? Có thể rất nhiều người coi trọng em, nhưng em quan tâm kiểu đấy thì rồi em vẫn sẽ có cảm giác là liệu người ta có coi trọng mình hay không nhỉ? Làm em bấp bênh về sự coi trọng. Đấy, nên là em phải đổi cái quan tâm của em, tất nhiên cái nhân quả rất tốt, cái đấy là em nên học nhiều hơn. Nhưng đầu tiên em phải thấy rằng mình quan tâm một chỗ không đúng. Giống như bạn Phúc ấy, quan tâm sai bét rồi, đang là sinh viên quan tâm đến kiếm tiền làm gì? Em đang quan tâm một thứ không đúng. Quan tâm liệu người ta có coi trọng mình hay không là một sự quan tâm không đúng!

Vì sao lại không đúng? Có thể là do em đã được bố mẹ dạy là: “Con làm gì thì làm đừng để người ta cười bố mẹ”, đúng chưa? Hay “Làm gì thì làm đừng để hàng xóm nó nói cho, đừng để người khác cười.” Ở đây bao nhiêu người được bố mẹ dạy kiểu đấy rồi ạ? Làm gì thì làm, đừng để người khác cười. Những người khác thì sao, ít người thế thôi ạ, tưởng là xã hội Việt Nam bố mẹ toàn dạy thế mà? Bố mẹ các em ấy, lúc nào cũng chỉ lo danh dự thôi. Làm gì thì làm, không lo mình có hạnh phúc hay không mà lo người ta cười mình không!

Thế là nó ngấm dần cách giáo dục của bố mẹ mình sang mình, dần dần mình chỉ lo người ta nghĩ gì về mình, mình không lo là thật sự trong lòng mình có hạnh phúc hay không! Em đang quan tâm sai chỗ. Vì sao? Em đang đặt hạnh phúc của em vào tay người khác. Thế người ta là người xấu, nghĩ xấu về em, người ta là người tốt hiểu nhầm về em, tất cả những thứ đấy, là trong tay của người ta. Hóa ra hạnh phúc của em nằm trong tay người khác à? Cái quan tâm của em nghĩa là gì: “Thưa thiên hạ, hạnh phúc của tôi nằm trong tay các bạn!”. Đúng chưa? “Liệu các bạn có coi trọng tôi hay không?”, khác gì bảo là: “Tất cả hạnh phúc của tôi nằm trong tay các bạn, các bạn muốn xé, muốn vứt, muốn chà đạp, muốn gì cũng được. Vì hạnh phúc của tôi trong tay các bạn mà!”. Mà đối với họ thì cuộc đời em quan trọng hay cuộc đời họ quan trọng?

Minh Hiền: Họ ạ.

Trong Suốt: Họ quan trọng nên cái hạnh phúc, cái hình ảnh của em có là cái quái gì đâu trong mắt họ. Đúng không? Họ thỉnh thoảng nói xấu em vài câu, họ có chết không? Chẳng ai chết cả. Họ nói xấu em vài câu cho sướng miệng, họ có chết không?

Minh Hiền: Không ạ.

Trong Suốt: Không! Em đưa hạnh phúc của mình cho thế giới, mà thế giới chẳng quan tâm gì đến mình? Dại không? Em đưa hạnh phúc của em cho thiên hạ, cho những người nói xấu hay nói tốt về em. Mà những người đấy chẳng quan tâm gì đến em hết. Kết quả là gì? Em quan tâm đến cái sai lầm. Hạnh phúc của em, em đưa cho người khác, nằm trong tay người khác thì cái em nhận lại là gì? Là bấp bênh, đúng không? Đáng ra phải quan tâm đến việc mình nghĩ về mình thế nào, mình cảm thấy mình thế nào. Đấy mới là cái đáng quan tâm, chứ không phải người ta cảm thấy mình thế nào. Khi mình nói: “Người ta cảm thấy mình thế nào?”, chính là mình đưa hạnh phúc cho người khác. Nhưng em chuyển đổi một chút thôi: “Mình có cảm thấy mình oách không? Giỏi không?”. Em mong người ta thấy mình giỏi đúng không? Mong người ta thấy mình được việc, đúng không? Hãy chuyển đổi một chút thôi là: “Liệu mình có cảm thấy mình oách không? Giỏi không? Trách nhiệm không? Tử tế không? Thông minh, sáng tạo không?”. Đổi một tí thôi mà, thay chữ người bằng chữ mình thôi.

Ngày xưa là gì? “Liệu người ta có thấy mình giỏi không? Oách không? Thông minh không? Sáng tạo không?” Đổi lại một cái: “Liệu qua công việc ấy, mình có thấy rằng đúng là mình thông minh không? Sáng tạo không? Giỏi không?”. Chỉ đổi một chút thôi là đời em đã chuyển sang hướng mới rồi. Vì hạnh phúc của em bắt đầu nằm trong tay em. Đấy, thay vì nằm trong tay người khác, lúc này bắt đầu nằm trong tay em. Đổi! Buổi sáng tỉnh dậy thay vì mở mạng lên xem đã ai chê mình câu nào chưa nhỉ thì nhìn vào gương xem là: hôm nay mình thấy mình thế nào, nếu mình thấy chưa ổn thì mình sửa cái mình thấy mình chưa ổn đấy. Ví dụ bảo: “Hôm nay tự nhiên sao mình lại dại thế, mình đi làm cái điều đấy, thật không nên!”. Thì sáng dậy mình sửa, sửa cái điều không nên đấy. Chứ không phải hôm nay bọn nó thấy mình dại thế. Việc của bọn nó chứ! Đúng không? Đời mình có là gì với bọn nó đâu, mà sao quan tâm đến việc nó nghĩ về mình nhiều thế. Em đổi sự quan tâm của em lại. Nhớ là gì, em quan tâm đến cái gì, thì cái đấy trở nên vững chắc, rõ ràng trong cuộc đời em.

Em quan tâm đến việc là mình thế nào trong mắt người khác, thì đời em lúc nào cũng chỉ nằm trong mắt người khác thôi. Nhưng nếu em quan tâm đến việc mình thế nào trong mắt mình, thì đời em bắt đầu xuất hiện trong mắt em. Và khi đấy em bắt đầu nghĩ rằng nếu mình thế nào là quan trọng trong mắt mình, thì mình cần phải thay đổi cách nghĩ về chính mình. Mình không còn phải là nô lệ cho thế giới nữa, mình bắt đầu trở thành người chủ thế giới của mình, chỗ nào mình chưa ổn, mình sửa.

Ví dụ ngay từ hồi bắt đầu đối với anh, công việc không phải là chỗ để chiến thắng thiên hạ mà công việc là chỗ để thấy bài học của riêng mình. Nên là rất nhiều thứ xảy ra, mình học bài học cho riêng mình chứ không phải là mình cố gắng để cho thiên hạ nghĩ về mình. Do đó, kể cả mình có phá sản đi nữa thì mình học được vô số bài học, nên là khi mình nhìn vào chính mình, càng ngày mình càng thấy mình ổn lên, thế là mình hạnh phúc rồi. Mình ngày hôm nay tốt hơn, hiểu biết hơn, kinh nghiệm trải nghiệm nhiều hơn ngày hôm qua, thế là mình vui rồi. Thấy được như vậy thì cái nghề của em lập tức thành phần thưởng ngay.

Khi đấy cái nghề của em trước đây ấy, nó là một cái sự trao hạnh phúc cho người khác, thì biến thành phần thưởng của em. Em thích thử thách đúng không? Vì khi em có nhiều thử thách, em trưởng thành nhanh hơn rất nhiều, cái nghề của em tự biến thành một phần thưởng với chính em luôn. Thay vì cái nghề của em là một nơi mà lúc nào cũng lo người khác nghĩ gì về mình thì nó biến thành phần thưởng với chính cá nhân em, mà không cần người khác nghĩ gì về em hết, em cứ giải quyết xong một việc, thì có phần thưởng không? Kể cả giải quyết không xong một việc mà học bài học được, cũng là phần thưởng, thế là cái công việc của em biến thành phần thưởng.

Minh Hiền: Tại vì em biết tính em thích khen và đại ca em cũng biết em thích khen. Thế xong sau đó thì khi nào mà em được khen một chút là thích lắm, kiểu như làm việc rất ngon, thế nhưng mà đại ca biết em thích khen nên là không khen, không thèm hỏi luôn.

Trong Suốt: Đấy, thế lúc đấy hạnh phúc của em nằm ở đâu? Trong tay đại ca hay trong tay mình?

Minh Hiền: Thế là lúc đấy mình cảm thấy buồn khủng khiếp luôn.

Trong Suốt: Đúng rồi, em đang bảo: “Đại ca ơi, hạnh phúc của em đang nằm trong tay đại ca”, em khổ là chắc rồi. Đại ca hôm nay vui, đang vui đúng không? Khen tá lả. Ngày mai vợ đại ca giận đại ca, đại ca đập bàn bảo: “Mày chẳng ra cái gì hết”, thế là em khổ đúng không? Như vậy hạnh phúc của em không ở trong tay của đại ca nữa, mà cả ở trong tay vợ đại ca! (Mọi người cười) Đúng chưa, đúng không? Tại sao phải sống như vậy? Em hãy biến cái công việc của em thành phần thưởng cho chính em đi! Phần thưởng là gì, là mình làm được việc, mình trưởng thành là mình được thưởng rồi, đấy, chỉ sửa một tý thôi. Công việc biến thành phần thưởng, mà Hương lúc nãy chắc chắn công việc là phần thưởng, vì sao? Vì bạn ấy học được cái gì đó. Như vậy, cái ấy của bạn Hiền ấy, nó làm cho ta thấy một điều mới nữa là gì? Là hãy tìm cách biến công việc thành phần thưởng, chứ không phải công việc là cái gọi là hình phạt của mình với cuộc sống.

Biến công việc thành phần thưởng, bởi vì gì? Công việc nó làm cho mình học được rất nhiều bài học, mình thay đổi được rất nhiều cái chưa đúng bên trong mình và học được rất nhiều cái đúng. Với cách nhìn công việc như vậy thì công việc trở thành phần thưởng ngay lập tức. Còn phần thưởng là nơi để cho người ta đánh giá mình đúng hay sai, tốt hay xấu nó nằm trong tay người đánh giá mình thì công việc mất tính phần thưởng. Đó là hình phạt. Đấy, khen một câu thì mình sướng, nhưng chê một câu mình khổ, công việc trở thành hình phạt ngay mà.

Một bạn: Em muốn chia sẻ.

Trong Suốt: À, chia sẻ đi, chia sẻ đi.

Bạn đó: Bạn ấy là do thiếu sự tôn trọng, thiếu nên người ta mới cần sự tôn trọng. Tức là từ trước đến giờ bạn ấy thiếu sự tôn trọng, nên mới cần người khác tôn trọng. Nói chung là trong công việc bạn ấy có nỗi sợ, sợ người khác không tôn trọng mình, cho nên là lúc nào bạn ấy cũng cảm thấy cần sự tôn trọng của người khác. Điểm đó là điểm yếu, nói chung là khó nói lắm, nhưng mà cái gì mình thiếu thì mình mới cần, nếu mà mình cho nó đủ thì mình không cần nó nữa.

Trong Suốt: Ừ! Mình có rất nhiều cái thiếu, trong đó có thiếu tôn trọng đúng không? Nhưng nếu mình tập trung vào cái thiếu, thì mình sẽ có cái gì? Lại thiếu tiếp! Nên phải tập trung vào cái đủ. Em có nhiều điểm tốt đúng không? Tập trung vào cái đấy, cái đủ ấy. Rõ ràng nếu mình nhìn công việc như là một chỗ để trưởng thành ấy, thì mình nhìn thấy cái đủ, vì dù có thất bại, dù có sai lầm thì vẫn là được, học được thứ gì đấy mà, nên em sẽ tập trung vào cái đủ. Đời em sẽ đủ lên, đấy.

Còn tất nhiên em có nhiều cái thiếu, nhưng nếu suốt ngày mình lo cái thiếu đấy, thì mình giống như “giật gấu vá vai” ấy, giật chỗ này vá chỗ kia, thì sẽ chưa giải quyết được. Còn nếu em muốn giải quyết tận gốc vấn đề, cái anh vừa nói xong mới chỉ là ngọn của vấn đề thôi, nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì đúng, em phải đi vào bên trong em nhiều hơn: “Hóa ra mình thiếu tôn trọng. Vì sao mình thiếu tôn trọng?”. Và sửa cái “vì sao” đấy, cái đấy nó vượt qua cái chủ đề Trà đàm hôm nay.

Hôm nay mình chỉ nói về kiếm tiền thôi đúng không? Thảnh thơi thôi đúng không? Nếu quan tâm đến cái đấy thì có thể đọc thêm các bài của Trong Suốt, nghe thêm, thậm chí học thêm. Còn quay lại câu chuyện “Hãy biến công việc thành phần thưởng”, các em nên nhìn công việc, tìm cách biến nó thành phần thưởng trong cuộc đời mình, thay vì biến nó thành cái nơi để mình bị đánh giá, bị khổ sở thì tìm cách biến nó thành phần thưởng. Và một cách đơn giản để biến thành phần thưởng là gì? Là nơi học bài học của cuộc đời. Không nhất thiết phải làm việc đấy mãi, học xong đi chỗ khác. Bạn Công đấy, học xong đi chỗ khác, có gì đâu! Học xong đi chỗ khác có vấn đề gì đâu? Nhưng hãy biến thời gian mình đang làm ở công việc đấy thành phần thưởng.

Ở đây có ai làm một việc mãi cả đời không? Chắc là không đúng không? Anh bị phá sản ba bốn lần, đấy, ai cũng không nhất thiết phải làm mãi công việc đấy. Nhưng hãy biến cái quá trình mình làm nó thành phần thưởng, khi mình biến công việc thành phần thưởng ấy, thì chắc chắn là mình sẽ có sự bình an, vững vàng hơn nhiều. Và cách biến công việc thành phần thưởng là gì? Hãy nhìn nó là nơi học bài học của cuộc đời mình, để trải nghiệm, thay đổi chính mình, đấy là một cách tốt.

Quay lại lúc nãy, mình đi làm việc để làm gì? Để kiếm tiền thì chắc chắn là gì? Nếu mình chỉ coi công việc là chỗ kiếm tiền, mà không liên quan gì đến bình an hạnh phúc, chắc chắn là mình có thể có tiền, theo kiểu đấy, ít tiền hoặc nhiều tiền nhưng mình sẽ không có được sự bình an, giống anh bạn mà hai mắt lúc nào cũng mở, anh ấy giàu nhưng không có bình an, tại vì anh chỉ quan tâm đến tiền bạc, thành công và danh tiếng thôi.

Anh ấy đúng là có tiền bạc, anh có thành công và anh có danh tiếng, nhưng anh thiếu một sự quan tâm quan trọng: Bình an vững chãi ở trong tinh thần. Nghĩa là người cân bằng khi làm việc, nếu mình cân bằng thực sự thì mình phải quan tâm đến cả hai, tức là thành công trong công việc là quan trọng rồi, mình được trả tiền công đi làm thuê, được trả tiền để thành công, mình đi làm chủ mình cũng thế, mình được trả tiền để cho thành công của chính mình. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến thành công mà quên quan tâm đến sự bình an vững vàng bên trong, chắc chắn là sai lầm. Kết quả của nó cùng lắm là có thành công thôi, mà thiếu sự bình an vững vàng bên trong – mà đấy là cái lý do người ta kiếm tiền để đạt được.

Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi 12

CÂU CHUYỆN “BÁC NÔNG DÂN VÀ KHU VƯỜN”

Trong Suốt: Có một câu chuyện như này: Có một bác nông dân. Ở đây có ai đóng vai làm bác nông dân không ạ? Chuyện của Trong Suốt hay có người đóng vai, có ai sẵn sàng đóng vai bác nông dân không ạ? (Một bạn giơ tay) Nông dân, ai tính cách hơi nông dân một tý, bạn này hơi thành phố quá, bạn nào tính cách nông dân không ạ? Khu bên này có ai muốn làm nông dân không?

Một bạn: Trồng cây. (Cười)

Trong Suốt: A! Bạn trồng cây, đúng rồi, chuẩn, chuẩn, chuẩn! Bác nông dân Thái Ngọc. Ngày nảy ngày nay có một bác nông dân tên là Thái Ngọc rất thích trồng cây, vườn cải của bác rất là ngon và bác sống bình an ở một khu vườn. Hàng ngày Thái Ngọc ra vườn trồng cải, ngắm chim hót líu lo và nằm nghỉ dưới tán cây. Một hôm có một tỷ phú đi qua. Cần một tỷ phú. Tỷ phú sướng lắm, tỷ phú mà. Bạn nào thích làm đại gia không ạ? Đại gia cũng được, đại gia đi qua, ai thích làm đại gia giơ tay đi ạ! Rồi, đại gia Vĩnh Phúc nhé? Đại gia Vĩnh Phúc đi qua vườn bác nông dân Thái Ngọc và thấy bác nằm thảnh thơi thoải mái quá mới vào xem là có gì hay, thì mới thấy bắp cải. Thế là, với bản tính thích ăn rau – rau sạch đấy! (Mọi người cười) Hàng sạch đấy, thế là đại gia Vĩnh Phúc mới bảo bác nấu tôi nồi cải. Ăn xong thì quá phê luôn! Quá ngon! Vĩnh Phúc mới nói với bác Thái Ngọc : “Sao bác lại phí phạm tài năng của bác ở đây thế?”. Bác bảo: “Tôi có phí gì đâu, tôi đang ở đây hạnh phúc sao lại nói tôi phí phạm?”.

“Tôi sẽ hiến cho bác một kế, mà chắc chắn bác sẽ hạnh phúc, bác sẽ sướng hơn bây giờ nhiều, giàu hơn bây giờ nhiều. Bây giờ bác hãy biến cái công nghệ trồng cải của bác thành một công ty, tôi sẽ giúp bác về vốn này, cho bác vay tín dụng này để cho bác biến vườn cải của bác thành trang trại cải rất lớn bán khắp Việt Nam luôn, lúc đấy bác sẽ rất giàu, bác sẽ mở công ty to có hàng nghìn người lao động, bác sẽ là một ông chủ lớn, cái món cải của bác sẽ làm cho bác vô cùng giàu, chứ vườn cải của bác bây giờ chỉ đủ cho bác ăn thôi, chả có tý gọi là tương lai, không kiếm được nhiều tiền, bác đi về đâu?”

Bác nông dân Thái Ngọc nghĩ một lúc rồi bảo: “Thế cuối cùng thì theo anh sau khi kiếm được nhiều tiền tôi nên làm gì? Đúng rồi, tôi đồng ý là có thể việc anh nói sẽ xảy ra và tôi sau một thời gian rất vất vả mở doanh nghiệp, rồi thuê công nhân, rồi vay tiền ngân hàng, trả lãi suất, bán hàng, tính toán lỗ lãi, đúng là tôi có lãi thật nhưng để làm gì?”.

“Lúc đó thì bác muốn làm gì thì làm, có từng đấy tiền mà, có nhiều tiền thì muốn làm gì thì làm, theo tôi có tiền bác nên mua một trang trại to”“Thế trang trại để làm gì?”“Ngày ngày bác đi qua đi lại, nhìn những luống cây của mình”, đúng không? Trong trang trại to mà, “Mình bình an hạnh phúc ở trong một cái trang trại to, ngày ngày đi qua đi lại nhìn những con thú trong trang trại, lùm cây trong trang trại mỉm cười hạnh phúc vì mình đã là một người có một cuộc sống hạnh phúc.” Thì Thái Ngọc bảo: “Thì ngày nào từ sáng đến tối, tôi chẳng đi qua lùm cây của mình, ngắm con chim huýt sáo, rồi nằm ngủ có khác gì cái ngày 30 năm sau anh miêu tả đâu?”.

Câu chuyện đến đấy là hết rồi, mỗi thế thôi ạ. (Mọi người vỗ tay)

Đố mọi người biết câu chuyện nói lên điều gì? Có bạn nào xung phong không ạ? Mời em, đây, bạn này.

VÌ SAO PHẢI QUAN TÂM ĐẾN SỰ BÌNH AN, COI TRỌNG SỰ BÌNH AN?

Một bạn: Dạ thưa Thầy con tên là Minh Hùng.

Trong Suốt: A! Lại Minh Hùng, hôm nay toàn tên hay luôn! Trong nhà Phật chữ “Minh” là trí tuệ, “Minh” là ánh sáng, là giác ngộ đấy, “Hùng” là sự dũng cảm, mạnh mẽ, rồi Minh Hùng.

Minh Hùng: Theo con thì cái điều mà con thấy được ở câu chuyện này là sự hạnh phúc và bình an nó không nằm ở phía bên ngoài. Mà tức là mình sẽ làm gì và có cái gì là từ phía bên trong của chính mình. Ví dụ như anh nông dân Thái Ngọc kia vốn sẵn anh đã hài lòng với cái hiện tại của anh ấy rồi, và ngay cái hiện tại của anh thì anh đã rất hạnh phúc rồi thì tới 30 năm sau nữa, có nhiều tiền hơn nữa thì nếu đã hạnh phúc thì anh ấy cũng sẽ hạnh phúc như vậy, và chưa chắc là cái điều mà anh tỷ phú kia nói tới đã là cái hạnh phúc. Bởi vì theo như câu chuyện của Thầy là gì? Là anh tỷ phú nói là tới lúc đó sẽ có nhiều tiền mình có thể thích làm gì thì làm nhưng mà lúc đó liệu mình có cảm thấy bình an không thì là câu chuyện khác.

Trong Suốt: Tốt, cảm ơn bạn Minh Hùng, rất tốt. Có thể thấy rằng là gì? Là cuối cùng đi kiếm tiền để làm gì? Cũng là để hạnh phúc thôi mà, để thoải mái đúng không? Thế bây giờ tất cả các bạn ngồi đây muốn là sau 40 năm nữa mình có nhiều tiền và hạnh phúc hay hạnh phúc luôn bây giờ? Dại gì không hạnh phúc bây giờ luôn? Vì cuối cùng có nhiều tiền thì cũng mua trang trại rồi nằm giống như bây giờ thôi. Em có vườn đúng không? Thì đấy! Mình muốn mình có bốn mươi năm kiếm tiền và đau khổ rồi mới có hạnh phúc, tuổi già, hay tìm cái hạnh phúc ngay từ bây giờ luôn? Bởi vì hạnh phúc ngay từ bây giờ là điều có thể làm được, ngay bây giờ có thể làm được, vừa có thể kiếm tiền vừa bình an được bằng cách, việc đầu tiên mình làm là: “Hãy coi trọng sự bình an! Hãy quan tâm đến sự bình an!”.

Trong Suốt: Một bác sĩ chẳng hạn, ngày có bốn ca, Minh Canh đâu rồi, biến mất rồi à? Một bên là tôi làm bốn ca thì tôi nhiều tiền hơn, một bên là làm ba ca và tôi có bình an, chọn cái gì? Có nhiều tiền sẽ mua được nhà, mua được xe, có thể mua được vợ đẹp, thậm chí có thêm cô bồ, nhiều tiền mà, hay là tôi làm ba ca và tôi bình an ngay từ hôm nay? Bác sĩ Minh Canh trả lời, em chọn cái gì?

Minh Canh: Em chọn ba ca bình an.

Trong Suốt: Chọn ba ca bình an đúng không ạ? Đúng rồi, tại sao không chọn ba ca bình an? Mình quan tâm đến cái gì, thì cái đó trở lên rõ ràng vững chắc. Ở đây anh không nói là mình không kiếm tiền, rõ ràng anh cũng kiếm tiền và trong khi kiếm tiền cũng có lúc căng thẳng. Có lúc căng thẳng chứ! Làm gì có chuyện kiếm tiền mà lúc nào cũng vui vẻ được. Nhưng mình quan tâm đến sự bình an của mình hơn là kiếm tiền, nên là khi mà mình qua lúc căng thẳng rồi thì mình lập tức quay về tìm bình an ngay, chứ mình không tìm căng thẳng hơn nữa trong cuộc đời mình. Đấy chính là khi mình bắt đầu quan tâm đến bình an, đến sự vững vàng bên trong tinh thần mình. Ví dụ là mình kiếm tiền, đúng không? Mình gặp đối tác xong, mình về phòng đọc sách vì đọc sách đem cho mình trí tuệ và bình an, chứ mình không đi làm thêm một cuộc kinh doanh nữa, mặc dù đúng là thêm cuộc nữa có thể khá hơn một tý thật, nhưng để làm gì? Khi mình nghĩ xem để làm gì, mình không biết để làm gì luôn.

Mở thêm một cuộc kinh doanh mới thì mình có thêm một số tiền mới hoặc một cơ hội mới nhưng bình an của mình thì biến mất. Ngược lại mình dành thời gian đọc sách, suy nghĩ thì bình an của mình tăng lên, mà nhờ nguyên tắc là gì? Mình quan tâm đến cái gì thì cái đấy hiện ra rõ ràng và vững chắc, mình quan tâm tới người nào, người đấy hiện ra thì mình phải chọn sự quan tâm của mình cho nó đúng. Có lẽ cái thay đổi đầu tiên quan trọng nhất là từ nhận thức chứ không phải là phương pháp đâu, mọi người nghĩ là phải có phương pháp gì để cho vừa kiếm tiền vừa bình an, hóa ra không phải.

Đầu tiên là nhận thức, nhận thức của mỗi cá nhân ấy là: “Cái gì là quan trọng đối với cuộc đời của tôi”, đấy, liệu có phải là thành công về tiền bạc và danh vọng không? Hay có những thứ mà thực ra quan trọng hơn mà lâu nay tôi không để ý, ví dụ như sự bình an, sự an lạc trong tâm hồn của tôi, chứ không phải những thứ bên ngoài. Hay ví dụ như niềm vui khi trưởng thành, khi tiến bộ trong công việc. Cái nào quan trọng hơn? Tiền quan trọng hơn hay là niềm vui khi mà học được bài học trong công việc quan trọng hơn? Bạn nào trả lời tiền quan trọng hơn thì bạn ấy chỉ có tiền thôi, còn bạn nào trả lời niềm vui khi mình trưởng thành trong công việc, khi mình tiến bộ trong công việc, học hỏi trong công việc, quan trọng hơn thì mình có thêm niềm vui nữa. Cuối cùng mình quan tâm đến cái gì thì mình có cái đấy mà, mình quan tâm đến cái gì thì cái đấy đến.

Quan tâm cái gì, thì cái đấy hiện ra - Trongsuot.com

CUỐI CÙNG BẠN THỰC SỰ QUAN TÂM ĐẾN CÁI GÌ?

Trong Suốt: Các bạn ở đây thử hỏi xem cuối cùng mình quan tâm đến cái gì? Liệu chỉ có phải là tiền không? Tiền và thành công ai cũng quan tâm nhưng liệu có phải mình đang chỉ quá quan tâm đến một thứ không? Mình quên rằng cuộc đời này có những giá trị sống khác mà nó còn quan trọng hơn cả tiền luôn, bởi vì người ta làm ra tiền cũng chỉ để vì cái đấy thôi. Làm ra tiền cũng để thoải mái! Tại sao mình không thoải mái sớm hơn? Còn bác nông dân tại sao bác phải đi làm những cái kia nếu thoải mái rồi? Mọi người thử hỏi xem, thử hỏi chính mình xem liệu mình đã quan tâm đủ đến sự bình an, sự vững chãi, thoải mái trong tâm hồn mình chưa? Hay mình đã quên những thứ đấy, và mình quá quan tâm đến việc thành công và thành công hơn nữa, có tiền và tiền nhiều hơn nữa.

(Một bạn giơ tay)

Mời bạn đấy, bạn bên trên đấy!

Một bạn: Chào mọi người, chào Thầy, mình tên là Thanh Thảo ạ.

Trong Suốt: Thanh Thảo, thảm cỏ xanh, rồi.

Thanh Thảo: Thật ra thì hồi nãy cũng có nghe Thầy hỏi về thang điểm từ một cho đến mười mấy thì mình chưa có giơ tay tại vì mình cũng không có nằm trong cái khoảng đó, mình nghĩ là chắc có cái điểm âm, đúng không?

Trong Suốt: Âm à? Được, mời bạn tâm sự đi ạ!

Thanh Thảo: Tôi bắt đầu mở công ty… sau khi đi làm, tôi nghĩ tôi phải kiếm tiền hơn nữa. Tôi đã mở công ty và làm tới thời điểm này, song song tôi chọn một vị trí cao hơn và tôi đang làm một trưởng phòng của một công ty và tới bây giờ tôi đang kết thúc bằng một con số 0. Có nghĩa là tôi cũng đã nghỉ việc ở công ty đó với vị trí trưởng phòng với một mức lương cũng khá tốt so với mong đợi của tôi. Và công ty tôi sau khi mở ra, với vốn ban đầu là không có và đặt mục tiêu chung thì tôi đã mua một căn nhà trả góp. Nói tóm lại là bây giờ tôi có những khoản tiền phải trả và tôi đang bị đồng tiền lôi kéo tôi vào cuộc, nếu như không có tiền thì tới tháng các ngân hàng đòi nợ, tôi sẽ thanh toán bằng cái gì?

Trong Suốt: Tóm lại là không có việc làm?

Thanh Thảo: Không có việc làm, công ty thì đang bị âm.

Trong Suốt: Rồi, rồi, không có việc làm này. Vấn đề của bạn ấy là không có việc làm, công ty thì lỗ, nhà thì đang trả góp và không có tiền để trả.

Thanh Thảo: Công ty thì chưa lỗ, nhà thì một khoản đang vay, và thậm chí là tôi đang có một khoản tiền để tôi thanh toán cho công ty thì cũng bị người ta lấy trộm mất. À có nghĩa là tới thời điểm này, bị âm cơ.

Trong Suốt: Không có tiền! Bị âm tiền? Thì trả nhà, sống lay lắt, không mua được nhà thì trả thôi có gì đâu? Nếu mình chọn sự bình an, thì việc đầu tiên là mình không mua cái nhà đó nữa, đúng không? Việc đầu tiên mình không mua cái nhà vì mình đang phải trả tiền cho cái nhà. Mình không có tiền, mất bình an ngay, đừng có mua nhà.

Thanh Thảo: À không, nhà tôi mua trước khi tôi mở công ty cơ.

Trong Suốt: Không, tóm lại bạn đang phải trả cái nhà đúng không? Đừng có mua nữa, bỏ luôn, bỏ cái nhà đó luôn.

Thanh Thảo: Bây giờ tôi, tôi, tôi… trắng tay bởi vì sao? Là vì tôi cũng muốn là định hướng lại, xem lại, tôi xoay quần như thế.

Trong Suốt: Đúng rồi, chính xác, vấn đề của bạn là gì? Có nhiều tiền hơn thì lại muốn nhiều hơn nữa.

Thanh Thảo: Tôi thì tôi không muốn nhiều hơn.

Trong Suốt: Thì đấy! Muốn chồng làm nhiều hơn này, muốn nhà nhiều hơn này. Còn muốn gì nữa, nếu có nhiều tiền hơn sẽ muốn thêm nữa đúng không? Nhà xong thì muốn cái gì? Xe, đất, con phải học trường nước ngoài, con đi nước ngoài. Con người luôn luôn nghĩ rằng: “Nếu tôi có đủ rồi tôi không muốn thêm nữa.” Nhưng thử hỏi xem cách đây 20 năm, hồi trẻ đấy, mình mơ ước là mua một chiếc xe Dream đúng không? Hoặc là trẻ hơn nữa bố mẹ mình mua được cái ti vi màu, trẻ hơn nữa là mua chiếc xe đạp, tôi đã trải qua tất cả thời đấy rồi, thì bây giờ có hết chưa ạ? Mọi người cơ bản là có xe đạp này, xong có Dream này, xong ti vi màu này, thì mình mơ cái gì ạ? Có đủ không ạ? Phải có ô tô chứ! Bây giờ cả thế giới, tất cả người Việt Nam đều mơ có ô tô, nhưng có ô tô rồi thì sẽ mơ gì? Có đủ không ạ? (Cười) Biệt thự đúng không ạ? Biệt thự ven biển, đúng không ạ?

Nghĩa là gì? Con người ấy, khi mà có nhiều hơn thì tưởng rằng thế là đủ. Khi mà không có thì nghĩ rằng nếu mình có xong là mình sẽ ổn đây. Khi mà chưa có ti vi thì chắc là có ti vi xong thì mình sẽ sướng lắm đây, khi chưa có chồng thì chắc là có chồng xong đời mình ổn lắm đây. Nhưng có nhiều hơn thì sao? Muốn nhiều hơn hay là không muốn nữa ạ? Có nhiều hơn là muốn nhiều hơn. Bây giờ chẳng ai mơ ti vi nữa, vì ti vi quá dễ thì lại mơ nhà, nhưng giả sử ai cũng có cái nhà thật đẹp đi, theo mọi người có thỏa mãn không ạ? Rồi sẽ muốn cái gì hơn cái nhà cho mà xem! Không, phải có hai cái nhà chứ! Một cái nhà cho thuê, một cái nhà ở chứ! Đúng không ạ? Sau hai cái nhà rồi sao ạ? Phải mua cái nhà cho con, cho cháu.

Cái vấn đề của tiền bạc là như vậy, có thì sẽ muốn nhiều hơn. Cái vấn đề của bạn là đi vào cái vòng xoáy của việc là có và muốn nhiều hơn – không bao giờ ra được, bạn có lương 700.000 thì bạn sẽ muốn có cái tương đương với 700.000, nhưng khi bạn có lương 4 triệu bạn sẽ tìm một cái mà cái 4 triệu bạn gần thỏa mãn được để bạn cố, khi bạn có 8 triệu thì bạn sẽ tìm một cái ở mức 8 triệu, không bao giờ chuyện đấy dừng lại.

Bây giờ bạn có lương đến 20 triệu hay là hơn nữa thì rồi bạn cũng sẽ mua cái nhà mà 20 triệu mấy mới mua được cho mà xem. Khi mình có lương 20 triệu thì tại sao mình mua một cái nhà rẻ tiền, mình mua cái nhiều tiền hơn chứ, thế là mình lại nợ trả góp đúng bằng số tiền lớn như bây giờ luôn. Cái vòng xoáy đấy không bao giờ dừng lại được, vì sao? Vì bạn vẫn chưa chọn bình an, bạn vẫn chọn những thứ bên ngoài bạn, chứ không phải bình an bên trong bạn, bên ngoài bạn thì không bao giờ dứt: Chồng là một loại bên ngoài; Tiền, nhà là những loại bên ngoài; Trường quốc tế là loại bên ngoài.

Không phải chỉ bạn Thảo đâu, khi các bạn chọn một cái bên ngoài thì sẽ có cái bên ngoài mới hấp dẫn hơn, hay hơn, thú vị hơn đang đợi, đúng chưa ạ? Mình có một công việc lương 4 triệu thì sẽ có một công việc lương 8 triệu hấp dẫn đâu đấy đang đợi mình, mình có cái nhà trả góp ở chung cư, thì sẽ có một cái nhà biệt thự ở đâu đấy đang đợi mình. Cái bên ngoài luôn luôn đợi mình không bao giờ hết. Nhưng có một thứ mà không cần bên ngoài, ở bên trong mình, mình có thể làm được ngay lập tức, đó là sự bình an. Đấy! Bạn có thể làm được ngay, cái đấy mới thực sự là của bạn.

Những thứ bên ngoài kia mất đi rất là dễ. Đấy, ví dụ bạn bị trộm một khoản tiền, đúng không? Là cả công ty bạn mất khả năng thanh toán luôn! Và mất thanh toán thì nhà bạn mất luôn. Khi công ty mất thanh toán thì nhà mất, cái vòng xoáy của bạn, chỉ một mắt xích bị đứt thì đứt cả cái vòng xoáy đấy luôn. Cả vòng xoay chỉ cần đứt một mắt xích là đứt tất cả vì cái này móc vào cái kia: có lương thì mới trả được nhà, có nhà mới giữ được chồng – ví dụ thế, giữ được chồng con. Một mắt xích bị đứt là đứt hết. Nếu mình sống dựa trên một hệ thống một chuỗi mắt xích mà đứt một cái thì đứt hết vậy mình sống có bấp bênh không?

Bạn có là đại gia thì cũng bấp bênh, vì tôi có vô số bạn là đại gia và phá sản tôi biết, đang đại gia phá sản là bình thường. Ông chỉ mất một khoản tiền không to lắm đâu nhưng cái mắt xích này kéo mắt xích khác nên đổ bể luôn, bán cả nhà bố mẹ đi không trả hết, có hai, ba nhà máy rồi cũng phá sản hết. Vì sao? Vì bạn đã có một lựa chọn thiếu sáng suốt là đặt cuộc đời của mình trên một dây xích mà lúc nào một mắt xích đứt là mất hết. Còn sự bình an bên trong bạn thì không cần dây xích nào nó vẫn bình an được, cái đấy không cần phải đợi mắt xích. Bạn phải chọn cái đấy. Trong trường hợp của bạn bây giờ phải thoát ra cái vòng xoáy ấy đã, thoát đã. Bây giờ mình cho bình an quan trọng nhất thì sẽ làm cái gì để bình an chứ không phải làm cái gì để có thêm.

Ví dụ nhé, nếu tôi rơi vào trường hợp của bạn, tôi sẽ không lấy cái nhà đấy nữa. Thoát! Thoát khỏi những chỗ mà gây cho mình bất an, đầu tiên phải thế đã. Vì sao? Vì cái vòng xoáy của bạn bao giờ mới dứt ra được? Bạn vay ở đâu ra tiền để trả cho cái nhà? Vay đâu ra tiền để giải quyết công ty? Vay thế nào được? Mà có vay được thì cũng theo đuổi tiếp một sự bất an liên tục! Hãy làm cái nghề bạn làm giỏi nhất ấy, đừng mở công ty làm gì cả, đừng mở vội. Hãy làm nghề giỏi nhất để có một số tiền đủ sống đã. Đừng mua nhà vội, hãy ở cái nhà mà số tiền đấy cho phép bạn ở. Nếu lương bạn mười hai triệu thì hãy tìm cái nhà cho thuê mà đúng với mười hai triệu, ổn đã.

Bạn chắc là em mình thôi. Khi em có sự ổn định trong lòng mình ấy – trong lòng của em ấy, lúc đấy hẵng là lúc đi tìm thêm tiền. Em đi tìm tiền trong sự bất an thì em chỉ có sự bất an thôi. Bước một của em là gì? Chọn bình an đã, thoát ra khỏi tất cả những cuộc chơi, tất cả những cái gì mà đem đến bất an cho mình. Bước một thoát xong có thể mình trở thành người rất khiêm tốn. Mình trở thành người rất bình thường và khiêm tốn, không oách như trước nữa: Không phải là bà giám đốc, không phải là người có nhà, không có gì hết. Trong mắt người khác mình có thể là một kẻ thất bại. Chả sao cả, mắt họ nhìn mình thì liên quan gì? Họ có sống trong đời mình đâu mà mình quan tâm đến họ nhìn mình thất bại hay không thất bại. Nhưng trong lòng mình có sự bình an, đấy là quan trọng nhất. Rồi từ sự bình an vững vàng đấy mình bắt đầu xây dựng từ đầu.

Nhưng có xây dựng gì thì xây dựng, giống như ông bán rau ấy, mình phải hiểu là mình xây dựng không phải để đánh đổi sự bình an của mình lấy tiền bạc thì hẵng xây dựng. Lúc đấy thì xây dựng là chuẩn, lúc đấy mình sẽ từ từ mà tiến bộ thôi. Có thể tăng trưởng chậm hơn, nghèo hơn nhưng bình an mình lớn hơn. Mà khi bình an lớn hơn, hạnh phúc lớn hơn thì tiền bạc dễ dàng đến với mình hơn, vì mình sáng suốt hơn, thông minh hơn. Đấy là cách làm giàu một cách vững chắc.

Còn cách làm giàu không vững chắc là gì? Mình có lương 8 triệu thì mình sẽ mua cái nhà ở mức 12 triệu mới trả được, mình có 12 triệu mình sẽ mua cái xe ở mức 20 triệu mới trả được, cả đời mình chỉ có với lên trên thôi xong đứt mắt xích là đứt hết. Và em còn trẻ, 85 thì vẫn còn trẻ lắm, 85 thì mới ba mấy tuổi thôi đúng không? 32 tuổi, 33 tuổi vẫn còn làm lại tất cả mọi thứ từ đầu được. Đừng sợ gì cả, làm lại từ đầu đi, làm lại từ đầu với một tinh thần mới. Đòi hỏi sự dũng cảm nhưng mà đúng đắn, thoát ra khỏi câu chuyện đấy hoặc một từ đơn giản hơn là “Hãy chọn bình an”. Chọn bình an, đừng chọn những cái kia nữa. Mình chọn cái gì cái đấy hiện ra. “Chọn bình an.”

Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi 13

THÁI ĐỘ ĐỐI MẶT CẦN THIẾT KHI CÔN ĐỒ ĐẾN NHÀ ĐÒI NỢ

Trong Suốt: Ngày xưa khi anh bị phá sản ấy, anh cũng giống em, bị đòi nợ. Côn đồ đến nhà đòi chặt chân chặt tay mình, nợ mà, nợ tiền, ở đây ai đã từng bị côn đồ dí chưa ạ? Ai từng trải qua cái đấy chưa ạ? Chắc chưa đúng không ạ? Khi em nợ tiền thì có hai loại người, em nợ người tử tế thì họ đòi tiền em kiểu tử tế, em nợ tiền những người mà họ có tư duy không tử tế, họ sẽ thuê người xấu đến đòi tiền em. Đấy là phạm pháp nhưng đấy là cách sống của xã hội. Thì hồi đấy anh kinh doanh và anh nợ một người mà mình không bao giờ nghĩ họ hành xử như vậy nhưng cuối cùng họ hành xử như vậy thật. Mặc dù rất nổi tiếng luôn, nói ra đây rất nhiều người biết nhưng họ hành xử như thế, cách họ sống như thế. Đơn giản là khi mình nợ tiền họ, họ đòi bằng miệng không được thì đòi bằng côn đồ. Khi mình không có tiền trong tay, đang phá sản lấy đâu có tiền! Côn đồ đến đòi thì mình làm gì? Có hai lựa chọn:

– Một đi vay để trả, vay ông này lại trả ông kia mà, như vậy thì có gặp bất an tiếp không ạ? Bất an chồng bất an, đúng không ạ? Bất an chồng bất an vì mình vay một ông mới, trả ông này vay ông mới thì biết thế nào. Chưa kể là mình bất an vì lúc nào mình cũng phải lo trả trả trả.

– Cách thứ hai là mình nói thẳng với côn đồ: “Đây, chân tôi đây, tay tôi đây, chặt đi!” Xong. Tôi chọn bình an, tôi không chọn chạy trốn, tôi cũng chả chọn vay mới, ông chặt thì chặt nhưng chặt xong không có tiền, chắc chắn luôn. Còn nếu ông để tôi kiếm tiền thì lương tháng hồi đấy của tôi được 1.000$, tôi trả cho ông trong 30 năm sẽ hết tất cả số nợ, 1000$ mỗi tháng thì mỗi năm là 3.600$, 30 năm là khoảng bao nhiêu? khoảng 120.000$ chẳng hạn, 120.000$, trả hết, 30 năm mới trả cho ông được nhưng ông chỉ có hai lựa chọn thôi: Hoặc là ông chặt chân tay tôi hoặc là ông để tôi kiếm tiền trả nợ. Ông không có lựa chọn nào ép tôi kiểu khác được nữa. Đấy là một lựa chọn đến từ bình an đấy.

Không bình an là gì? Là đi vay khắp nơi rồi tìm mọi cách xoay xở như em bây giờ đấy, tìm đủ các loại xoay xở để có được cái này, có được cái kia. Mình chấp nhận luôn là mất, mất nhà đấy. Anh chấp nhận mất thân thể luôn, mất chân mất tay luôn. Còn em chấp nhận mất nhà được rồi, không đến nỗi mất chân tay đúng không? Nhưng khi chấp nhận xong thì sao? Điều gì xảy ra? Mình mất tay mất chân không ạ? Đầu tiên họ nghĩ mình nói đùa vì có ông nào có kế hoạch trả nợ kỳ quái thế trong khi bố mẹ mình thì vẫn có nhà! Họ hy vọng gì? Bố mẹ mình bán nhà để trả nợ, đúng không? Họ hy vọng vì mình đang ở cùng nhà bố mẹ, bố mẹ mình có cái nhà đấy chắc bán được, bán xong cũng được mấy tỉ trả nợ. Mình đã không lựa chọn trò đấy, mà đúng hơn là mình chẳng có lựa chọn, mình không có lựa chọn vì nhà đấy đâu phải của mình đâu, nhà của bố mẹ mà! Mình bán nhà xong bố mẹ ra đường ở à? Mình lựa chọn là chân tay mất thì mất, đấy, bình an của tôi đấy, tôi không phải vay thêm một khoản nào nữa để tôi trả khoản nợ đấy.

Thế thì đầu tiên họ không tin và họ đến nhà dọa bố mẹ: “Nếu ông bà không trả nợ cho thằng con ông bà thì nó bị chặt chân chặt tay là chắc.” Nhưng mình may mắn có ông bố cao thủ. (Mọi người cười) Ông không hề biết là mình nợ bao nhiêu, ông chỉ nói: “Vì con tôi, tôi biết nó chắc chắn không làm gì phạm pháp, nếu nó có vay nợ anh thì nó sẽ trả nợ anh theo kiểu luật quy định chứ không có cái kiểu dọa chặt chân chặt tay để trả nợ. Anh làm thế là phạm pháp, nếu anh làm thế tôi báo công an”, xong đuổi thằng côn đồ đấy về, thế thôi. Cũng may bố mình là người luôn lựa chọn bình an. Chứ nếu bố mình bảo: “Ôi sợ quá! Tôi sẽ bán nhà trả nợ cho nó”, thì là chọn bất an đấy.

Thế thì khi mình chọn sự bình an, mình có hành xử rất kỳ quái nhưng cuối cùng ông côn đồ bảo mình thế này: “Thật ra anh được thuê để đòi nợ em. Theo yêu cầu của bên thuê là anh sẽ phải theo em từ sáng đến tối, lên công ty, đến nhà bạn, lẽo đẽo đi theo cho cả thiên hạ nó sợ, nó khiếp luôn! Nhưng anh nhận ra rằng đấy không phải là cách có kết quả, nên anh sẽ uống nước ở dưới chân Vincom”, hồi đấy mình làm ở Vincom, “Nhưng nếu ông chủ của anh gọi đến thì em bảo là anh vẫn theo em từ sáng đến tối.” (Mọi người cười)

Thế là 2 tháng liền cậu uống nước dưới chân Vincom, lúc nào về mình cũng vẫy tay chào, xong tháng thứ 3 không thấy đâu nữa luôn. Và khoản nợ đấy thì không phải mất 30 năm mà sau khoảng 2 năm mình trả được hết chỗ nợ đấy vì mình làm ăn tốt hơn. Khi mình bình an trong lòng rồi thì tiền nó đến dễ hơn nhiều mà, mình làm ăn giỏi hơn nên là cuối cùng mấy tỉ mình trả trong 2 năm chứ không phải 30 năm. Xong!

Và quan trọng là mình trưởng thành hơn rất nhiều, mình thấy rằng là gì? Hóa ra cái người chọn bình an mới là người thông thái còn người chọn lo sợ luôn luôn là người không thông thái. Không phải chỉ chuyện đấy mà còn những chuyện khác nữa. Ví dụ như ông đại gia mắt mở to này này, ông ấy chọn lo sợ chứ ông không chọn bình an. Ông chọn thành công mà thành công đi kèm với lo sợ là chắc rồi. Khi nào mình chọn thành công thì ai chẳng lo mất thành công, sợ mất thành công đúng không? Em chọn danh dự, em chọn được lời khen thì lúc nào chẳng lo mất người khen. Thế là cái kiểu thành công đấy đi kèm với lo sợ và chính là khi mà chọn tiền bạc, thành công, chính là đi kèm với chọn lo sợ cùng một lúc. Còn mình cho thành công, tiền bạc là số hai, bình an là số một. Thà mất chân mất tay mà bình an còn hơn là đi vay chỗ này đập chỗ kia thì cuối cùng cái mình có lại là tất cả. Nên ở đây, cái mà hôm nay anh nói, nó là một loại trí tuệ chứ không phải một loại gọi là thói quen sống bình thường vì người bình thường ai cũng chọn thành công, ai cũng cho bình an là phụ hết.

Trong 100 người ở đây, nếu ai thông minh thì hãy đổi cách nghĩ, ai hiểu câu chuyện ngày hôm nay thì đổi cách nghĩ, tiền bạc chỉ là số 2 thôi. Tiền bạc, thành công bao giờ cũng đi kèm với sợ hãi nên không thể là số 1 được, đừng để nó là số 1. Lúc nào tối đa cũng là số 2 thôi, vậy cái gì là số 1? Sự bình an bên trong mình. Muốn bình an phải có trí tuệ, làm gì có chuyện bình an mà không có trí tuệ, đúng không ạ? Ngồi lẩm nhẩm A Di Đà Phật mà không có trí tuệ thì kẻ cướp đến đòi cái là sợ ngay nhưng khi mình chọn bình an thì mình sẽ đi tìm trí tuệ, cái hay ở chỗ đấy. Mình đi tìm trí tuệ chứ mình không thể nào bình an không mà không có trí tuệ. Khi các em chọn sự thanh thản, vững chắc, bình an trong lòng mình thì nó sẽ tự dẫn mình đến loại trí tuệ làm cho mình bình an nên là các em chọn bình an rồi trí tuệ sẽ đi theo.

Khi mình bình an rồi thì tiền bạc, hạnh phúc sẽ đến theo cái bình an đấy. Nên bước đầu tiên ấy, em hãy chọn cách bình an, hãy chọn bình an trên tiền bạc. Rồi do mình chọn bình an thì trí tuệ sẽ mò đến. Tại sao khi chọn bình an trí tuệ sẽ mò đến? Khi mình chọn bình an thì mình sẽ vẫn bất an mà đúng không? Nên là mình phải tìm loại sách vở, tìm người thầy, tìm các phương pháp để mình bình an hơn và như vậy trí tuệ sẽ mò đến.

Trong số học trò của anh có mấy người phá sản, phá sản rồi mới đến gặp mình đấy. Việc của mình là gì? Thay vì bảo họ: “Hãy gồng mình lên”, thì mình bảo: “Hãy bán hết đi và trốn đi chỗ khác” để chọn bình an. Cần trốn thì trốn mà cần bán hết tài sản thì bán vì phải chọn bình an. Còn khi họ chọn bình an rồi, họ thấy họ cần thêm trí tuệ để bình an thêm nữa họ lại tìm trí tuệ, đấy là cách thông minh nhất để vẫn có thể có thành công mà không mất đi sự an lạc. Vì khi có trí tuệ rồi là có cả tiền bạc đi kèm luôn. Đây là nói về mặt lý luận như vậy nhưng mà ở đây có ai đã trải qua sẽ hiểu.

Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi 14

CÂU CHUYỆN PHÁ SẢN CỦA MỘT BẠN ĐÃ GÂY DỰNG CÔNG TY HƠN 20 NĂM

Trong Suốt: Bạn đang cầm kính kìa, đấy! Có muốn kể chuyện mình không? Đạt?

Minh Đạt: Dạ!

Trong Suốt: Có kể chuyện được không? Kể một chút thôi. Nếu ngại thì kể vừa vừa thôi, xem là mình lựa chọn bình an như thế nào. Đây là một ví dụ về chọn bình an, kể qua về cuộc đời bạn ấy một chút. Đầu tiên là chọn tiền bạc và thành công thì khổ như thế nào và sau khi chọn bình an thì cái gì sẽ xảy đến, em kể qua đi.

Minh Đạt: Vâng, xin chào tất cả các bạn mình là Minh Đạt, thưa Thầy em cũng xin kể qua một chút. Thì trước em cũng đã kinh doanh bên giáo dục và cũng đã chọn thành công làm hàng đầu. Trong thời gian làm, bước đầu cũng có thành công nhưng sau rồi cũng có những vấn đề, sự cố. Và khi cái việc thu không dự trù chi thì mình bắt đầu trở thành nô lệ của tiền bạc, và đồng tiền nó quay mình, nó điều khiển mình. Thời gian đó, trên con đường công ty đi đến phá sản, thì em đã may mắn được gặp Thầy và chặn đứng việc khiến nó phá sản đó. Và sau khi mà đã cho phá sản rồi, cũng mới đây thôi, cách đây mấy tháng thôi thì em đã chọn nhặt nhạnh một ít còn lại, tất nhiên vẫn còn nợ nần nhưng em nhặt nhạnh một ít còn lại và bắt đầu chuyển sang một phần kinh doanh nhỏ khác. Thưa Thầy thực sự là cái này nó đến một cách rất tự nhiên là em đã chọn cho mình cái bình an. Đồng thời còn một chút em đưa ra kinh doanh và cái này em cảm giác được trong đấy mình đang có sự bình an và tiền bạc cũng đã đến, ít thôi nhưng cũng đến và em vẫn đang chọn bình an và cho rằng đấy là cách chọn sáng suốt của mình.

Trong Suốt: Rồi. Cảm ơn Minh Đạt, câu chuyện bạn Đạt mình có thể kể kỹ hơn là như thế này. Bạn kinh doanh giáo dục đúng không? Trước đây ấy, mở trường đúng không?

Minh Đạt: Trước thì em kinh doanh giáo dục và khi mà thu không đủ chi thì các bạn sẽ thấy ngay, tiền mặt bằng rất cao, tiền lương của giáo viên, lương của nhân viên, của bao nhiêu chi nhánh mình phải lo. Và khi đó nó xoay mình như chong chóng, trong cái vòng xoáy đó mình cảm giác vô cùng bất an. Có lúc mình cảm giác mình vô cùng rối, rối bời lên! Và thực ra nhiều lúc mình xử lý nhiều vấn đề, hoàn toàn mình cho rằng: “Sao mình ngu ngốc thế!” và coi như tất cả những cái đó nó làm cho mình không thấy tiền bạc đâu mà chỉ thấy cả một sự thất bại kéo kèm theo đó. Và đấy là thời gian cũng đã qua, còn bây giờ thì em cũng có một chút chuyển sang một bên mà gọi là kinh doanh thì cũng không đúng, nhưng cũng làm một chút như vậy để chọn lấy hạnh phúc, bình an.

Trong Suốt: Bạn Đạt lúc đầu bạn ấy chọn thành công là số 1. Đúng không? Lúc đầu, lúc mà chưa gặp thầy ấy thì bạn chọn thành công là số 1. Bạn cũng mở trường, cũng có tiếng tăm, nổi tiếng thương hiệu tốt nhưng mà đi kèm với nó là bất an. Thành công là số 1 thì bất an là chắc rồi, đúng không?

Minh Đạt: Đúng ạ!

Trong Suốt: Mà bất an thì có sáng suốt được không ạ? Bất an sớm muộn gì cũng mất sáng suốt, mà mất sáng suốt thì sao? Không có tiền nữa, phá sản. Cái vòng xoáy của sai lầm đấy là tôi cho thành công là số 1, bình an là phụ thế là tôi mất sáng suốt, sớm muộn gì trong quá trình đấy khôn 3 năm dại 1 giờ đã đủ phá hết rồi còn gì nữa, đúng chưa? Khôn 30 năm dại 1 giờ cũng phá hết! Thế để cho các em thấy một ví dụ là gì? Khi tôi chọn thành công là số một thì chắc chắn là bất an sẽ đi cùng cái đấy, mà bất an mãi rồi sớm muộn sẽ mất sáng suốt và khôn 3 năm dại 1 giờ. Bạn có thể xây dựng mất 10 năm, 20 năm nhưng bạn phá sản thì chỉ cần 1 năm thôi, đấy có phải là chọn thành công mà dại không? Phá sản!

Chọn thành công là duy nhất, là số 1 là quá dại. Thế thì khi bạn gặp thầy, đang trên đà phá sản, bạn đang gắng gượng để giãy giụa. Thì thầy bảo bạn là: “Thôi giãy gì nữa, đừng giãy nữa, bán hết tất cả những gì có thể bán được, thoát”. Vì giãy là vẫn chọn bất an. Giãy mà! Giãy giụa là vẫn cố gắng cứu vớt cái mình đã thành công 20 năm. Ai làm 20 năm chả tiếc! Nhưng bạn đã có một quyết định rất dũng cảm là bạn nghe lời thầy, bạn không tiếc nữa, bán với giá siêu rẻ luôn. Nếu người bình thường bảo mình điên rồi, ông xây dựng cái này chắc phải mất mấy chục năm, một đống tiền, giờ ông bán có mấy trăm triệu trong khi khôn ngoan khéo léo có khi bán được gấp 10 lần, 20 lần chỗ đấy.

Vẫn bán, bán để thoát ra khỏi sự bất an. Sự điên rồ nhất mà bạn ấy có thể làm thì cuối cùng lại có vẻ đúng nhất. Thay vì bạn ở cái nhà đẹp đẽ trả góp thầy bảo thuê nhà đi. Ở nhà đẹp làm gì? Không có tiền ở nhà đẹp làm gì, đúng không? Không có tiền thì ở cái nhà đấy làm gì? Tại sao đang phá sản lại ở cái nhà tử tế? Đang phá sản thì thuê cái nhà ọp ẹp mà ở mới đúng chứ? Nhưng mà bình an ở cái nhà không đẹp, thuê nhà nhưng bình an. Ở cái nhà rất đẹp nhưng suốt ngày lo trả tiền có bình an không ạ? Bất an, đúng không ạ? Thì bạn ấy làm một bước rất khó là chọn sự bình an trên thành công, bình an số 1, thành công số 2, kết quả là bạn ấy mất tiền, thì đằng nào cũng mất nhưng mà không mất sự bình an nữa. Và khi có bình an rồi bạn xây dựng lại từ đầu, vẫn ổn mà, tiền lại đến mà, tiền chỉ là thứ đến và đi theo nhân quả đấy, vừa nãy bạn nào nói đấy, bạn Văn vừa nói đấy.

Tiền chỉ là nhân quả, mình có nhiều nghiệp tốt thì tiền nó đến, nhiều nghiệp xấu thì nó đi, thế thôi, đơn giản thế thôi. Tiền chẳng phải mình kiếm nổi, không phải do mình giỏi mà có. Có đầy người không giỏi lắm nhưng tiền vẫn nhiều mà, đầy người giỏi nhưng có tiền đâu! Khi hiểu điều đấy, khi mình tìm bình an thì bạn Đạt tìm thêm một thứ đó là trí tuệ. Vì làm thế nào để bình an bây giờ nếu không có trí tuệ, có làm được không? Rất khó, nên là bạn đi tìm trí tuệ. Bạn sẽ gặp những người như thầy. “À đây! Phải hiểu tiền là nhân quả, phải bớt bám chấp, bớt tham lam gì đó”, ông thầy sẽ nói câu trí tuệ và mình sẽ theo. Thậm chí không có thầy nhưng có sách cũng được.

Thế hóa ra bạn chọn bình an lại là thông minh. Tại sao thầy nói bạn Đạt bạn kể? Thầy nói bạn Đạt kể vì để cho Thảo nhìn thấy, em cũng là một kiểu phá sản, đúng chưa? Em cũng là một kiểu phá sản, có khác gì đâu? Và việc của em bây giờ là chọn bình an, thoát khỏi phá sản đấy chứ đừng giãy giụa nữa. Em đang khổ vì em giãy giụa chứ em không khổ vì phá sản. Em vẫn đủ cơm ăn áo mặc thì sao lại gọi là khổ, đúng không? Đủ ăn đủ mặc tại sao gọi là khổ? Em khổ không phải vì phá sản, em khổ vì em giãy giụa để không phải phá sản, để mình không bị rơi vào cái phá sản. Nhưng rơi vào rồi còn đâu nữa, giờ em phải thoát ra.

Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi 15

Thanh Thảo: Hôm nay còn sống, còn ngồi đây còn cơ hội nhiều.

Trong Suốt: Còn đây, còn uống nước, có tiền uống nước không? Có, đúng không? Thì sao gọi là khổ? Em không khổ, em khổ vì cái giãy giụa chứ không phải em khổ vì em phá sản. Đừng giãy giụa nữa, hãy chọn bình an lên trước, nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc phá sản đấy, cần thì làm lại từ đầu, cần thì thuê nhà. Đây, bạn Đạt bạn ấy già hơn em đúng không? Đạt bao tuổi? 60 chưa? Đạt 60 chưa?

Minh Đạt: Dạ! Năm nay em 60 rồi ạ!

Trong Suốt: 60, bạn ấy xây dựng 20 năm một sự nghiệp như vậy mà bạn còn cam tâm bán rẻ bỏ đi thì em cũng có gì kinh khủng lắm đâu! Hiểu không? Hãy chọn bình an đi, còn nếu không em sẽ bị sao? Em đi chọn tiền và thành công, em chạy theo tiền thì cái gì điều khiển đời em? Tiền điều khiển đời em, em rơi vào vòng xoáy như của bạn Đạt vừa kể lúc nãy đấy, vòng xoáy của tiền bạc, hết thì lại thiếu, thiếu thì lại vay, vay lại thiếu, cả đời mình thậm chí mười năm không thoát ra nổi cái vòng xoáy đấy, đúng không? Trong khi bạn ấy thoát cái thoát được luôn, một năm sau thoát được hết! Cơ hội của em còn đầy ra nhưng em phải đổi cái lựa chọn của em. Cái này thật sự là điều khó, đặt bình an và trí tuệ số 1 là rất khó nhưng nếu làm được thì hạnh phúc mà không làm được thì bất an. Chọn! Cuối cùng mình kiếm tiền cũng để hạnh phúc và thoải mái đúng không?

Tại sao mình lại chọn một thứ mà dẫn mình đến bất an làm gì? Tại sao mình không đặt bình an và trí tuệ lên số 1? Các bạn có thể về nhà nghĩ cái này, đặc biệt là những bạn đang có lựa chọn nên nghĩ về cái này. Lời khuyên chân thành của anh là: Bình an là số 1, có bình an thì trí tuệ đi theo. Còn chọn tiền bạc và thành công là số 1 thì bất an, bất an thì vô mình nhầm lẫn đi theo, chứ còn trí tuệ không theo, trí tuệ không theo bất an, sai lầm sẽ đi theo, quyết định nhầm lẫn sẽ đi theo, lựa chọn nhầm lẫn sẽ đi theo.

Nếu bạn Công tiếp tục như vậy sớm muộn gì bạn cũng sẽ hủy hoại đời bạn, chắc chắn luôn. Riêng cái việc mà em làm thế đã không đúng rồi, nhân quả sẽ không tha cho em. Thật đấy! Đừng làm thế nữa, bỏ một trong hai thứ, bỏ. Hãy mạnh dạn chọn bình an, giống bạn Đạt ấy. Lúc đầu sẽ hơi khó khăn và sợ hãi, đúng không? Lúc đầu khó khăn mà, không biết đi về đâu, không an toàn nhưng mà nếu so với việc là mình cứ làm cả hai nơi như em thì thực sự mình bình an hơn. Chọn một đi.

Bạn Hương bỏ công việc đấy, Hương bỏ việc đúng không? Đấy mới là lựa chọn đúng, mình bình an hơn khi bỏ việc. Em có thể bỏ việc, tập trung vào cái mới đi, có gì đâu, khổ tý thì chấp nhận thôi, cùng lắm là thất bại. Nhưng bình an ở bên trên, mà bình an thì trí tuệ đi theo, đi kèm theo.

Tại sao có những ông già 70 tuổi khởi nghiệp mà thành công? Vì ông chọn cái gì? Chọn bình an. Ông ấy 70 tuổi, quá khôn rồi để hiểu đặt cái gì lên phía trên rồi, đúng không? 44 tuổi thành công cũng thế thôi, 44 tuổi đủ khôn rồi, thường khởi nghiệp sớm ít người thành công lắm.

Anh khởi nghiệp sớm phá sản 3 lần. Mà may là mình gặp được Phật Pháp mới có thành công ngày hôm nay, chứ nếu mình cứ tiếp tục không gặp Phật Pháp thì cuộc đời mình gọi là rối loạn, tiền thì có thể có nhiều nhưng mà không hạnh phúc. Giống cái ông bạn của mình đấy, triệu phú hay tỷ phú nhưng mà lúc nào cũng đau đầu với cả không nháy được mắt. Mình theo đuổi cái đấy để làm gì? Có nhiều bạn trẻ, rất may là trẻ có một cái rất hay là có quyền sai lầm, nhưng mà cần gì phải trẻ mới được sai lầm? Già sai lầm được miễn là mình có trí tuệ, sai lầm không sợ, sai lầm học được bài học xong lại đi tiếp.

Ở đây có ai nghe xong muốn chuyển việc không ạ? (Cười) Hoặc là cách hay nhất là cần gì chuyển việc, mình làm cái việc của mình bây giờ ấy với thái độ khác và mình đã có một sự bình an mới, làm để học hỏi đã thấy khác hẳn. Em là Tuệ gì ấy nhỉ?

Tuệ Hương: Tuệ Hương!

Trong Suốt: Em vừa làm vừa học hỏi đúng không? Thế thôi. Thế là được phần thưởng của em rồi còn gì nữa, công việc biến thành phần thưởng rồi, mà phần thưởng là bình an là chắc rồi. Em làm để ra tiền thì mới không phải là phần thưởng còn làm để học hỏi kiểu gì chẳng là phần thưởng. Học hỏi mà ra tiền thì càng tốt, phần thưởng gấp đôi đúng không? Ở đây có ai vừa có công việc vừa có phần thưởng giơ tay xem nào? Công việc chính là phần thưởng giơ tay ạ. (Nhiều cánh tay giơ lên) Rất tốt, có ai vừa có phần thưởng vừa có tiền không ạ? (Nhiều cánh tay giơ lên) Thế thì tốt quá rồi còn gì nữa, đấy, nếu thế là tốt nhất. Công việc của anh cũng thế thôi, vừa là phần thưởng vừa có tiền. Tại vì cuối cùng về sau mình phát hiện ra mình chẳng phải là làm vì tiền, mình làm vì mình rất muốn sáng tạo, còn tiền là phương tiện để hỗ trợ việc sáng tạo thôi, tiền là phần quan trọng nhưng nó không phải là mục tiêu, là phương tiện thôi, tiền chỉ là phương tiện để em làm điều em muốn. Bạn Thảo hiểu vấn đề chưa? Có về dự định làm gì không?

Thanh Thảo: Em đã có quyết định rồi!

Trong Suốt: Quyết định thế nào?

Thanh Thảo: Em muốn xem cái hướng của em đi sắp tới đây có phù hợp với định hướng của em không.

Trong Suốt: Nói đi, em nói đi.

Thanh Thảo: Nhà thì chắc chắn là bán.

Trong Suốt: Tốt! Hoan hô!

Thanh Thảo: Khi mà quyết định thì cần có thời gian để quyết định.

Trong Suốt: Được! Em có thể liên lạc thêm với bạn Đạt đấy, bạn Đạt trải qua đúng khủng hoảng của em mà cho nên có thể khuyên em những lời phù hợp. Được.

Thanh Thảo: Thật ra em tới đây là em đã có những quyết định rồi, nhưng mà thật sự đôi khi trong những giai đoạn mình chưa biết được là mình bình tĩnh được hay chưa? Và có buổi trà đàm ở đây và em tới tham dự.

Trong Suốt: Em có thể gặp Đạt này, hoặc liên lạc với anh cũng được – chuyên gia giải quyết khủng hoảng, (mọi người cười) từ tiền đến tình, các loại chuyện trên đời luôn, mọi vấn đề đều có giải pháp, vấn đề là mình chọn thái độ đúng, kể cả bỏ nhau, yêu đương.

Thanh Thảo: Tại vì bao nhiêu sự việc dồn vào một lúc, tại vì nó đổ vào một lượt mình cũng không có giai đoạn dài hơn để đón nhận một chút một. Cho nên khi xảy ra như vậy, lúc ngồi với công an, lẽ ra những người mất tiền họ ngồi phải buồn lắm, em cười thôi. Thì anh công an hỏi chứ: “Tôi lần đầu tiên mới thấy cái bà này, mất tiền mà tại sao lại cười?”. Em bảo chứ: “Thì nó đâu còn gì để mất nữa đâu, có cái mạng nếu từ chỗ quán tôi đi tới đây mà tôi bị tông xe một cái thì tôi chết là tôi mất hết.”

Trong Suốt: Thanh Thảo là tên tốt đấy. Được! Rất tốt.

Thanh Thảo: Cho nên là sự lạc quan và những cái mình nghĩ tới là còn sống nghĩa là mình còn đội ơn. (Vừa nói vừa sụt sùi)

Trong Suốt: Sáng suốt! Sáng suốt!

Thanh Thảo: Em tới đây cũng để lắng nghe, để khẳng định lại niềm tin. Khi mình có đọc, có nghe nhưng mình chưa thấy bằng mắt mình, tại vì em cũng là một người từng cảm nhận nhiều và cũng gặp được nhiều nhưng mà cảm giác của em tin được ở đó thì em sẽ tin, đó là cái mà em tới đây.

Trong Suốt: Quá tốt! (Mọi người vỗ tay) Mọi người biết truyện “Tái ông thất mã” chưa ạ? Biết rồi đúng không ạ? Trên Trongsuot.com có truyện đấy đấy, Hà Mã đấy! Mọi người nên đọc đi. Ở đây những bạn nào vẫn đang gặp khó khăn thì nên đọc truyện đấy, hoặc là truyện Zangthalpa, trên trang web: Tuyenphap.com.

Ở đấy anh kể một chuyện rất đầy đủ và dài về việc mất ngựa, mất nhưng lại là được, được nhưng lại là mất! Đấy! Mất chưa chắc đã là mất, được chưa chắc đã là được! Bạn Đạt ấy mất hóa ra lại chả phải mất, đúng chưa? Mà các em mỗi khi thành công tưởng là được nhưng bên dưới nó là một đống bất an chưa chắc đã là được. Mất chưa chắc đã là mất mà được chưa chắc là được. Vì thế nên là người có trí tuệ nhìn xuyên qua được và mất, hiểu được bản chất của được và mất, thì lúc đấy được mất không ảnh hưởng đến họ nữa. Các em nếu mà muốn đi xa hơn, muốn bình an thì phải có trí tuệ. Còn bình an mà không đi kèm trí tuệ thì rất nguy hiểm vì nó rất giả tạo. Nên các em muốn có bình an, cái loại bình an “xịn” ấy thì phải đi tìm trí tuệ.

Các em có thể nghe trà đàm, trà đàm thực ra là trí tuệ đấy, cái trà đàm anh nói ấy, buổi này là trí tuệ này. Có rất nhiều trí tuệ dẫn đến bình an. Mọi người nếu tìm bình an thì sẽ tìm đến những loại trí tuệ đấy. Trong đấy có một loại trí tuệ rất cổ xưa mà đem đến bình an tuyệt đối là trí tuệ gì ạ? Trí tuệ của Phật. Cổ xưa vì nó cũ lắm rồi nhưng mà nó đem đến bình an xịn. Bình an gọi là vô điều kiện. Đấy, đầu tiên là bình an ít điều kiện nhưng dần dần thành bình an vô điều kiện!

Nếu bạn nào quan tâm đến loại bình an đấy, loại trí tuệ đấy thì sau buổi ngày hôm nay thì có thể đọc thêm trên các trang như là Trong Suốt này (https://www.facebook.com/Trongsuot/), rồi tham gia những trang, câu lạc bộ trên mạng ấy như Hoa Sen Trên Lửa. (https://www.facebook.com/groups/hoasentrenlua) Để mình hiểu hơn về các loại trí tuệ đấy nó như thế nào, ứng dụng vào đời mình như thế nào. Hoa Sen Trên Lửa, hoa sen là rất đẹp còn cuộc đời em sống ở xã hội hiện đại như là lửa, rất là nhanh rất là nóng, rất là mạnh, đấy. Nhưng mà hoa sen vẫn có thể sống ổn trên lửa nếu có trí tuệ. Thì các bạn có thể vào Trong Suốt này, Hoa Sen Trên Lửa, thậm chí trong tương lai có thể tham gia vào câu lạc bộ Búp Sen để chúng ta có thể học được những cái sâu sắc hơn.

Còn bây giờ là mình sẽ dành cho giải đáp. Cơ bản ý ngày hôm nay là gì? Ý ngày hôm nay cơ bản là nếu bạn chọn tiền và thành công là số một trong cuộc sống thì chắc chắn là bất an sẽ đi kèm. Bất an đi kèm thì sai lầm sẽ đi kèm. Ngược lại nếu bạn chọn bình an lên trên tiền bạc và thành công thì bình an sẽ đến và trí tuệ sẽ đi kèm. Lựa chọn là như thế nào là của mỗi người, mà tốt nhất là hãy chọn gì ạ? Hãy chọn bình an và trí tuệ.

Thông điệp ngày hôm nay là thế đấy ạ. (Mọi người vỗ tay) Còn bây giờ hỏi đáp đến

khi nào hết giờ thì thôi. Mời bạn kia chưa nói câu nào từ nãy giờ! Xin mời bạn!

LIỆU CÓ PHẢI CHẤP NHẬN TÔI NGHÈO ĐỂ CÓ SỰ BÌNH AN?

Một bạn nam: Xin chào Thầy, xin chào quý vị! Tôi có một câu hỏi về câu chuyện của người nông dân mà nãy Thầy kể đó. Xin cám ơn Thầy, câu chuyện rất là hay. Và tâm đắc nhất là câu chuyện Thầy đối diện với xã hội đen lúc đầu và các khó khăn. Thì nếu như hình ảnh một người nông dân họ chọn bình an nhưng cái bình an của họ là bình an dưới túp lều đó thì liệu cuộc đời mình chọn bình an dưới túp lều hay mình chọn là một người nông dân – tôi đi tìm những phương pháp để tôi cải biến cuộc đời tôi khỏi kiếp nghèo ở trong túp lều tranh đó. Như cái của Thầy có một cái trí tuệ, giúp được người nông dân lên thành thị đi học các phương pháp để mở rộng sản xuất mà vẫn bình an, mà vẫn giàu có. Hơn là người nông dân chọn bình an hạnh phúc thì đời tôi nghèo, cái bình an đó yên phận. Như vậy có mấy loại bình an: Một cái bình an yên phận với một cái bình an giống như Thầy nói là Hoa Sen Trên Lửa đấy. Hôm nay tôi đến đây là lần đầu.

Trong Suốt: Thì toàn lần đầu là chính! (Cười)

Bạn nam đó: Nên không biết của Thầy là hướng đến Hoa Sen Trên Lửa hay là bình an của người nông dân ở trong túp lều an phận với nghèo đói mới gọi là bình an.

Trong Suốt: Hiểu ý của em. Em tên là gì nhỉ?

Bạn nam đó: Dạ, Duy Giác.

Trong Suốt: Duy Giác? Woa! Toàn tên hay thế nhỉ! Ngày hôm nay toàn tên Phật không à. Duy Giác là chỉ có giác ngộ thôi. Tên đấy tu hành là chắc rồi! Có tu không? Rồi sẽ tu hành là chắc. Tên như pháp danh trên chùa. Tên bố mẹ đặt tên đấy hả? Bố mẹ đặt tên hay chùa đặt?

Duy Giác: Dạ một người khác đặt.

Trong Suốt: Tên rất hay.

Tất nhiên là mọi người nhìn thầy xem, nhìn anh xem, anh có phải là ông nông dân không? Không rồi đúng không? Mình có ngồi trên lửa không? Có! Kinh doanh trên lửa là chắc, đã kinh doanh là trên lửa. Chủ doanh nghiệp trên lửa là chắc. Đúng là mình ngồi trên lửa là cái chắc rồi. Nhưng mình bình an và mình đi dạy cái bình an đấy cơ, chứ mình không đi dạy bình an kiểu không làm gì. Tại vì sao? Vì không làm gì thực chất cũng không bình an được. Vì ông nông dân đấy có người đến bắt đầu mua đất của ông ấy, nghĩa là ông nông dân ấy vẫn phải đối diện với đủ các vấn đề cuộc sống! Làm sao có chuyện bình an? Vấn đề của mình là mình đối diện nó trong sự bình an!

Nghĩa là gì? Nghĩa là mình ưu tiên bình an trước, ông nông dân đấy vẫn có thể ra thành phố học công nghệ cao về cải tiến, v.v… nhưng ở dưới cái việc đấy của ông ấy là khao khát làm giàu mãnh liệt hay là vẫn ưu tiên sự bình an lên trên? Đấy! Cái ông mà khao khát làm giàu mãnh liệt thì sớm muộn sẽ khổ vì khi ông đã chọn thành công nghĩa là ông đã chọn cả thất bại và bất an! Còn ông bảo: “Tôi học, tôi sẽ lên thành phố để học các công nghệ cao rồi về quê tôi làm nhưng nếu không được thì thôi!”, cái khó nằm ở chỗ là “Không được thì thôi” đấy. Vì bình an là trên hết mà, nếu không được thì tôi lại quay về cái máng lợn, lại thử làm một kiểu khác chứ không có vấn đề gì hết. Cái khác nhau là nằm ở thái độ của ông ấy.

Nếu ông có thái độ đúng đắn, cho rằng mọi thứ thành công hay không là do duyên. Mình chỉ cố hết sức thôi còn được hay không là do nhân quả, là do duyên đấy! Thì cái cố đấy nó không bị mất đi sự bình an! Mình phải hiểu là thế này, mình kinh doanh nhưng mà to hay nhỏ, thành công hay phá sản là do đủ duyên. Việc của mình là chỉ phải cố thôi. Chứ còn mình không thể nào đánh thắng cái duyên được! Nên là gì? Nên là mình không kiểm soát bắt nó phải như ý mình muốn mà nếu nó có trái ý mình thì mình chấp nhận và tìm cách xoay sở. Nó chỉ đơn giản vậy thôi, trái ý thì chấp nhận và xoay sở còn ngày xưa trái ý thì tức giận và cuống quýt lên để kiểm soát. Thực chất thì nó chỉ khác một chút ở thái độ thôi! Chứ còn nếu các em bên ngoài nhìn vào cũng không biết một người có bình an hay không đâu.

Vì những ông mà khoe tài sản tiền bạc các thứ ra ấy, tại sao phải đi khoe? Để người ta thấy mình ổn! Tại sao những người nghệ sĩ nổi tiếng cứ đi khoe? Vì sao? Muốn thế gian thấy mình ổn! Xong rồi một ngày đùng cái phát hiện ra là gì? Mẹ mình nợ mình mấy chục tỷ xong rồi khóc lóc trên mạng. Trong khi trước đấy cũng khoe rất là giỏi, đời rất là đẹp, ăn mặc rất lịch lãm. Tất cả những người đi khoe ấy chỉ cố chứng minh thế giới là tôi ổn mà thôi! Trong khi người ổn sẵn rồi thì khoe cái gì bây giờ? Chẳng khoe cái gì cả! Thế nên là giàu có, tiền bạc, tài sản không nói lên điều gì hết! Thậm chí đó chỉ là một sự cố tỏ ra mình ổn mà thôi. Mình không nên nhìn vào bên ngoài để đánh giá xem một người họ như thế nào. Chỉ có người đấy hoặc là người đủ gần gũi họ mới hiểu rằng tâm trạng họ thế nào mà thôi.

Và cuối cùng chất lượng sống của mình có nằm ở tài sản không ạ? Cuối cùng thì một ngày mình ăn 3 bữa cơm và ngủ 1 cái giường. Mình không thể nào ngày ăn 4 bữa cơm luôn! Mình không thể ngủ trên 2 cái giường một lúc được. Nằm trên 2 cái giường đau đầu, đau lưng hơn đúng không ạ? Vắt chân này sang bên kia. Đấy! Mình có 10 cái nhà thì cũng ở trên 1 cái nhà, trong 1 căn phòng và 1 cái giường mà thôi! Như vậy là gì? Đời sống vật chất của mình trông thì tưởng là cần rất nhiều thứ. Thực ra nó cần đơn giản thôi: 3 bữa cơm và 1 cái giường. Vậy thì nhà thuê với nhà mua khác gì nhau? Cái nhà đi mua cũng chỉ là nhà thuê mấy chục năm thôi mà. Đúng không ạ?

Mình mua cái nhà, ví dụ năm mình 40 tuổi, mình mua cái nhà mình sống đến 80 tuổi, có phải thuê 40 năm không? Cái nhà đi mua cũng là nhà đi thuê 40 năm, chả khác gì nhau. Cuối cùng mình cũng chỉ xài 1 cái giường, 3 bữa cơm, hết. Thế nên là gì? Cái nhu cầu vật chất của mỗi người thực chất nó không nhiều như mình tưởng. Thực chất là như vậy. Thế mà mình đánh đổi sự bình an để lấy những thứ không cần thiết! Để làm gì? Tuy nhiên như bạn Duy Giác bạn nói có đúng. Cái thầy nói ngày hôm nay không phải loại bình an mà “tôi chui vào cái vỏ ốc để bình an.” Vì bình an đấy nó không có trí tuệ nên cuối cùng cũng không bình an được đâu mà mình phải đi tìm cái loại bình an khác. Loại bình an giữa đời thường này này. Như lúc nãy thầy nói đấy, thay vì mình tìm công việc mới để mình bình an hơn thì tìm cách bình an ngay trong hoàn cảnh mình có này. Cái đấy là cần trí tuệ!

Bác nông dân có thể giống như thầy này, vẫn phải sáng tạo ra những cái mới cho công ty của mình, cho xã hội của mình nhưng mình sáng tạo ra với tinh thần là gì? Thành công thì tốt, không thành công thì sao? Về nhà vợ nuôi. Có gì đâu! Vợ mình nói thế thôi chẳng lẽ không kiếm cho mình ăn ngày ba bữa được à?

THẾ NÀO LÀ “ĂN 3 BỮA 1 NGÀY – NGỦ 1 CÁI GIƯỜNG”?

(Thầy quay sang hỏi vợ)

Trong Suốt: Có kiếm được không, vợ? Vợ nuôi thì khó đâu! Lương vợ mình 8 hay 10 triệu một tháng đấy nhỉ? 10 triệu là đủ nuôi chồng nuôi con rồi! (Mọi người cười) Thật đấy! 10 triệu là nuôi vô tư! Để ăn thôi mà, ăn 3 bữa, ngủ cái giường, thì 10 triệu có đủ không? Học trường điểm này, đi xe xịn này mới tốn tiền chứ! Còn vợ mà có 10 triệu để nuôi chồng thì sao? Em đi kiếm tiền rồi anh dạy con cho, khỏi phải cho con đi học trường nào hết, ở nhà mình sẽ dạy nó. Mà mình chỉ dạy nó đến nhân chia cộng trừ thôi. Lớp 5 thôi, cuối cùng các em có nhớ kiến thức phương trình bậc 2, có mấy ai nhớ không? Rồi là tụ điện, con quay, có ai nhớ không? Ròng rọc có ai nhớ không? Như vậy kiến thức từ lớp 6 trở lên có cần đâu? (Mọi người cười to) Đúng chưa? Chẳng ai nhớ cả! Còn đâu vi phân, tích phân thì không ai nhớ nổi tí nào luôn! Đúng không? Đến ròng rọc là không nhớ rồi. Ròng rọc là lớp bảy.

Đúng chưa? Như vậy là sao, nếu giả sử mình vẫn sáng tạo, cố gắng hết cỡ nhưng mình phá sản thì sao? Về bám váy vợ. (Mọi người cười) “Em ơi nuôi anh nhé! Anh ăn chỉ ba bữa thôi, mà anh chỉ ăn hai bữa thôi!” Đấy! Tiết kiệm một bữa hẳn hoi. “Con thì không phải cho nó học trường nào nữa, ở nhà anh dạy! Dạy giỏi hơn trường là cái chắc!” Vì sao? Mình sẽ dạy nó cái sự thật chứ còn trường dạy nó không thật lắm. Trường dạy nó đi kiểm soát thế giới, đúng không? Trường dạy nó: “Thành công là trên hết”, chứ mấy ai bảo là: “Con ơi vui vẻ là trên hết!”. Mấy bố mẹ bảo thế đâu! “Con cứ làm gì trong lòng con thấy đúng là trên hết!”. Mà bố mẹ sẽ bảo là gì? “Con phải làm gì để thành công hơn người chứ”. Mấy ai bảo con là: “Con chẳng cần hơn ai hết! Con chỉ cần tự thấy mình tiến bộ hơn chính mình qua mỗi ngày là thành công lắm rồi con ạ.”

Đấy thì ở nhà dạy có khi con mình lại sướng hơn. Đúng không? Ăn 3 bữa, ở 1 cái giường. Ở 1 cái giường thì có khó lắm đâu? Thế đại gia tỷ phú họ ngủ được trên mấy cái giường? Tối ngủ được trên mấy cái giường ạ? (Mọi người cười) Chỉ một cái thôi, to hơn giường mình thôi chứ không thể nào ngủ trên 2 cái giường được! Đấy. Thế nên là bạn nào muốn bình an thì lấy vợ cũng được! Lấy vợ để khi nào phá sản vợ nuôi. Đấy là nói đùa cho vui. Nhưng giả sử mình không có vợ thì sao?

Một bạn: Bố mẹ nuôi.

Trong Suốt: Bố mẹ nuôi? Chuẩn! (Mọi người cười) Được, bạn này nói đúng, không có vợ thì về bám chân bố mẹ. Thế bây giờ không có bố mẹ nữa thì sao? Bố mẹ mất rồi thì sao?

Một bạn: Xã hội nuôi.

Trong Suốt: Xã hội nuôi. Trong câu truyện trong một buổi trà đàm trước mình có nói đấy, có người khi tái sinh, Diêm Vương hỏi: “Ông sau này muốn tái sinh làm một người nuôi cả thiên hạ hay là một người cả thiên hạ nuôi?”. Ông này ông muốn sướng mà, ông chọn là gì?

Mọi người: Cả thiên hạ nuôi.

Trong Suốt: Cả thiên hạ nuôi. Kết quả là ông làm gì ạ?

Mọi người: Ăn xin.

Trong Suốt: Ăn mày! (Mọi người cười to) Thế thôi! Thì nếu bố mẹ không nuôi thì sao? Mình ra ngoài đường cho thiên hạ nuôi. Cả thiên hạ nuôi cũng oách chứ đúng không ạ? (Mọi người cười)

Nhưng trước đấy thì không cần ăn xin vội, mình có sức khỏe, mình đã đến mức mất sức khỏe đâu! Mình đi bốc vác! Ở Hà Nội có một cái phố là Giảng Võ chuyên cửu vạn, bốc vác! Thế là tự nuôi được mình rồi! Để nuôi được mình rất là dễ, mọi người cứ lo là không nuôi được mình, thực ra là quá dễ luôn! Bốc vác, nuôi tốt!

Một bạn: Bốc vác?

Trong Suốt: Bốc vác, đúng rồi! Không, đấy là không nói đùa, nói thật. Khi mình lấy vợ mình ấy, mình nói với vợ là: “Em yên tâm! Anh tuy là công ty lúc nào cũng bấp bênh nhưng mà không sao vì anh có sức khỏe! Nếu cần gì anh ra bốc vác, công ty phá sản anh bốc vác và không phiền em đâu, không phải lo. Lấy anh không phải lo hệ lụy gì hết. Cùng lắm là đi bốc vác vẫn nuôi được chính mình!”.

Nghĩa là thực chất để nuôi mình là không khó! Bác nông dân nuôi mình không khó. Tuy nhiên như vậy thì sao? Lúc đấy công việc có phải nguồn vui không? Nếu nuôi mình không khó thì công việc có phải nguồn vui không? Một nguồn vui chứ còn gì nữa? Một sự thử thách đúng không? Một sự học hành, một sự trưởng thành nằm ở đấy! Công việc nó chính là một phần nguồn vui của mình! Còn nếu mình làm việc để nuôi mình ấy thì nó mới khó, bắt đầu mới thấy mình mất vui chứ! Ở đây có bạn nào ăn 4 bữa một ngày không ạ? Khó đúng không ạ? 4 bữa thì mệt lắm.

“NUÔI CON”, “NUÔI BỐ MẸ” THỰC SỰ LÀ NHU CẦU CỦA AI?

Một bạn nữ: Anh ơi em hỏi chút là nếu như mà nuôi mình và mình có thể tiết giảm nhu cầu của mình xuống thì nó dễ nhưng mà trách nhiệm xã hội như là nuôi con. Chồng có thể tự nuôi đi, nhưng mà mình nuôi con mình cũng muốn cho con những điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình. Hoặc là trách nhiệm mình nuôi bố mẹ mình, hoặc bố mẹ mình bệnh tật gì đó thì trong điều kiện đó…

Trong Suốt: Anh hỏi em, nuôi con là nhu cầu của em hay của con? Nuôi cho nó bằng bạn bằng bè, học trường tốt rồi ăn sữa ngon, nước ngoài, v.v… Theo em là nhu cầu của em hay của con? Của ai? (Mọi người xì xào bàn tán)

Bạn nữ đó: Chắc chắn là của em.

Trong Suốt: Đúng rồi!

Bạn nữ đóNhưng em nghĩ là con nó cũng thích!

Trong Suốt: Không! Nhưng nó không phải nhu cầu! (Mọi người cười to) Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Đứa con mình nó không có tất cả những nhu cầu đấy đâu! Đấy là nhu cầu của mình tưởng tượng. Mình tự áp lực cho mình chứ con nó không áp lực mình. Nuôi con dễ mà! Ở đây những ai hồi nhỏ gia đình khó khăn giơ tay ạ? Đây, đây là một người. (Thầy tự chỉ mình) Đói ăn mà vẫn sống, đói ăn này, mặc quần rách, ăn thì đói, đến lúc còn sang ông hàng xóm vay bát gạo. Ở đây ai đã trải qua cái đấy chưa ạ? Thì mình vẫn ổn mà có vấn đề gì đâu?

Mình có nói là bố mẹ mình phải cho uống sữa nước ngoài gì đâu? Học trường điểm đâu? Chả bao giờ mình nói câu đấy cả. Con không bao giờ chê cha mẹ khó. Nên là nuôi con là nhu cầu của cá nhân mình! Mà nhu cầu đấy cũng đến từ không phải của mình luôn. Nhưng mà gì? Vì mình quá sợ, mình sợ con mình không bằng bạn bằng bè hoặc là quá sĩ diện, phải bằng bạn bằng bè nó mới oách. Chỉ là do mình quá sợ hoặc quá sĩ diện thôi. Còn đâu con mình kiểu gì nó cũng sống được, nhất là xã hội này còn dễ hơn nữa. Ngày xưa khó khăn như vậy mà còn sống được thì xã hội này sống được là dễ.

Đấy! Mình quan điểm như vậy thì nuôi con trở thành dễ. Anh nói với vợ là có tiền học trường xịn, không tiền thì về trường làng, hết tiền nữa thì về bố dạy. (Mọi người cười) Thế là xong! Chứ em đừng lo việc học của con. Em đừng lo là kiếm tiền để sau này con học trường này, trường kia rồi đi nước ngoài, đừng lo! Đấy! Có tiền thì học trường xịn mà ít tiền rồi thì sao? Đang từ trường xịn chuyển sang trường làng. Mà tự nhiên đang trường làng mà không có tiền để đóng tiền học nữa thì sao? Về nhà bố dạy. Xong, phải dễ không? Nuôi con dễ dàng chưa ạ?

Bạn nữ đóNếu bố không dạy được thì sao ạ?

Trong Suốt: Bố kiểu gì mà toán lớp năm không dạy được? (Mọi người cười to) Dạy nó từ lớp một đến lớp ba.

Bạn nữ đóChơi không được với con luôn cơ?

Trong Suốt: Thì mẹ dạy! (Mọi người cười to) Có gì đâu. Mà vứt con ở nhà không ai dạy thì sao? Nó vẫn sống như thường. (Thầy và mọi người cười)

Như vậy phải hiểu là nuôi con xịn là nhu cầu của mình. Đấy! Tương tự như vậy, bố mẹ mình, nếu em nói chuyện với bố mẹ, hỏi: “Bố mẹ thích con nuôi bố mẹ theo kiểu nào?”. Bố mẹ nào cũng bảo: “Bố mẹ già rồi, cần ít thôi con ạ. Quan trọng là bọn mày sống hạnh phúc.”, bọn mày chính là mình đấy! Bố mẹ già rồi không cần nhiều đâu. Thật ra nuôi bố mẹ xịn cũng là nhu cầu của mình nốt. Thật đấy! Nuôi bố mẹ xịn cũng là nhu cầu của mình. Về hỏi bố mẹ biết ngay, già rồi ăn được bao nhiêu? Già rồi ăn nhiều chỉ có ốm, ăn nhiều ốm luôn! Già rồi chơi được bao nhiêu? Chơi nhiều ốm nốt! (Thầy và mọi người cười) Nghĩa là già nên nhu cầu của bố mẹ cũng rất là thấp, bố mẹ chỉ mong con cái quan tâm thôi, thực ra ông già bà già ấy, chỉ mong nhận được sự quan tâm chứ không phải mong nhận được vật chất.

Đấy, quan tâm nó quan trọng hơn vật chất nhiều. Người già họ cần tình cảm, không phải vật chất! Họ cũng có lương hưu, họ cũng có tài sản mấy chục năm của họ, họ có thể sống được, sống một cách tàm tạm được. Họ cần sự quan tâm. Thế mà mình lại tưởng là họ cần vật chất nên mình cho vật chất còn mình không cho họ sự quan tâm. Thì họ có hạnh phúc đâu! Bố mẹ già chỉ cần quan tâm thôi mà. Con cái đưa bố mẹ đi chơi nước ngoài, kể cả như thế đi nữa thì thật ra ở dưới là gì? Bố mẹ cảm thấy được quan tâm chứ không phải là bao nhiều tiền. Có ít tiền mua bố mẹ gói bánh, bố mẹ nhận được sự quan tâm hơn là gói bánh giá bao nhiêu tiền. Bố mẹ cần được quan tâm.

Suy ra tất cả những cái em nói từ nãy tới giờ là nhu cầu của em hết. Thế nên em chỉ cần đổi cách nghĩ của mình thôi. Đó là bố mẹ mình chỉ cần mình quan tâm, con mình thì không bao giờ chê bố mẹ nghèo hết. Thế cuối cùng còn lại là chính mình, mình muốn sống kiểu nào?

TÍCH TRỮ BAO NHIÊU LÀ “ĐỦ” ĐẢM BẢO CHO TƯƠNG LAI?

Bạn nữ đó: Nếu như trong tình huống thực sự cần phải có tài chính đảm bảo như là một bệnh hiểm nghèo xảy ra với con mình hoặc với bố mẹ mình có thể là ngay hiện tại hoặc có thể là mình phải dự trù đến điều đó trong tương lai. Tức là mình phải có một khoản tiền như vậy. Thì mình nên nghĩ như thế nào?

Trong Suốt: Dự trù bao nhiêu cho đủ? Bao nhiêu cho đủ với bệnh tật? Bao nhiêu cho đủ? Em có 100 triệu, em bị hỏng thận đi. Em có 100 triệu em đi chữa kiểu 100 triệu, em có 1 tỷ em đi chữa bệnh kiểu 1 tỷ, có 10 tỷ chữa kiểu 10 tỷ. Nếu ung thư đi nữa thì thôi rồi, bao nhiêu cho đủ bây giờ? Chết vẫn hoàn chết, anh có những người bạn nhà rất giàu nhưng bố họ chết rất sớm. Ung thư thì làm thế nào?

Không tiền bạc nào có thể chống chọi đủ với bệnh tật. Nên là mình có bao nhiêu mình để dành bấy nhiêu, thế thôi! Chứ còn bệnh tật nặng hơn tí nữa thì không chống nổi. Mà nếu mình nhiều tiền thì mình sẽ đưa người thân ra nước ngoài, ít tiền thì trong nước, không có tiền thì ở nhà, đấy là sự thật, thì mới đúng. Vì mình tin rằng tiền bạc chống chọi được với bệnh tật nên mình tích trữ tiền. Nhưng một ngày nào đó cái bệnh đó mạnh hơn số tiền mình có thì sao? Có đủ không ạ? Không! Thế nên là tích được bao nhiêu thì tích. Chứ không phải là tích để chống được cái bệnh này bệnh kia. Chịu!

Đấy là quan điểm bệnh tật của anh. Chẳng hạn anh cũng có bố mẹ, có vợ, có hai đứa con. Nếu quan điểm bình thường là phải kiếm tiền để tích trữ phòng khi bệnh tật đúng không? Nhưng mình đã quá hiểu là gì? Nhà Phật có khái niệm gọi là vô thường! Khi vô thường đến, cái bệnh đấy nó lớn hơn số tiền mình có thì bao nhiêu tiền cũng không đủ. Thế nên mình không dại gì mà đánh đổi sự bình an của mình lấy tiền. Vì khi mà bệnh đến tiền có đủ đâu! Mình vẫn tích tiền lại nhưng mình không tích lại trên tinh thần là “số tiền này đủ để chống bệnh” nữa. Mà gì? “Nếu đủ duyên thì nó giải quyết được bệnh tật mà không đủ duyên thì nó chả giải quyết được cái gì hết, nó là vô ích!”. Với tinh thần đấy thì em mới không lo. Còn không thì suốt ngày em lo. Thế bây giờ anh hỏi em là bao nhiêu tiền thì chống được bệnh tật? Quan điểm của em?

Bạn nữ đó: em là nếu mà tinh thần của em không phải nghĩ theo hướng là đủ duyên mà em nghĩ theo hướng là em cố gắng hết sức. Chẳng hạn như con em bị bệnh nan y đi nhưng mà em muốn tìm sự bình an trong tâm hồn nên em không làm hết sức của mình tích trữ đủ tiền…

Trong Suốt: Thì anh hỏi em bao nhiêu là đủ đấy, là câu hỏi anh vừa hỏi em xong đấy. Tại vì em đang có một khái niệm là “đủ tiền”. Anh bảo khái niệm đấy bị sai. Mình vẫn nên tích trữ hết sức, làm hết sức của mình để cứu đứa con nhưng mình nên bỏ cái khái niệm là gì? Là phải tích trữ “đủ”. Vì khi ấy mình không bao giờ thấy đủ, vì không bao giờ thấy đủ nên mình luôn bất an! Bất an đến từ việc bao nhiêu là đủ và như vậy em cố hết sức em vẫn không đủ. Còn cố hết sức mà em không nghĩ rằng là phải đủ nữa thì tự nhiên mình bình an ngay. Vì em đã làm việc tốt nhất của em là cố hết sức rồi. Khi em đã cố hết sức rồi, em có đứa con bị nan y, em cố hết sức rồi thì em sẽ bình an. Đúng không? Mình cố hết sức rồi mà! Nhưng có con bệnh nan y này, mình cố hết sức rồi nhưng mình cộng thêm một khái niệm là phải đủ thì dù cố hết sức xong nhưng vẫn không bình an. Đúng không? Vì cố xong thì cái đủ của em vẫn chưa đạt, mà bao nhiêu là đủ thì em không bao giờ biết. Thế nhỡ xong bệnh này lại sinh ra bệnh khác. Bao giờ là đủ?

Thế nên là gì? Trách nhiệm gánh vác là rất tốt. Mình chỉ cần bỏ khái niệm “bao nhiêu là đủ” đi, mình chỉ một khái niệm là mình cố hết sức. Còn cố rồi mà không đủ duyên thì con mình vẫn chết, mẹ mình vẫn chết. Cố rồi đủ duyên thì bố mẹ mình sống. Chứ còn đủ thì không bao giờ đủ.

Nhật Bản cách đây khoảng bốn, năm năm, nhà máy điện hạt nhân của họ bị động đất. Ở Fukushima có một cái nhà máy điện hạt nhân. Khi xây dựng ấy, họ đã xây dựng một hệ thống phòng chống động đất đến 9 độ Richter – Là cực cao vì thông thường 6, 7 độ đã cực kỳ tàn phá rồi. Nhật Bản cao nhất chỉ 8 độ thôi. Thế mà đúng đợt động đất đấy, nó 9,1 độ Richter. Chỉ hơn 0,1 thôi! Mà phá hủy toàn bộ và rò rỉ hạn nhân ra biển luôn.

Thế xây bao nhiêu cho đủ bây giờ? Nước Nhật giàu như thế, giỏi như vậy mà họ cũng không thể chống nổi vô thường – là 9,1. Lúc xây là 9 đúng không? Nhưng vô thường là 9,1 cơ! Thế là tan vỡ, hạn nhân chảy, nhiễm xạ hết cả khu vực. Thế thì tóm lại là gì? Nhật họ giàu như thế, giỏi như vậy, họ cũng không chống nổi động đất, không chống nổi vô thường thì đúng hơn. Thì mình, mình kiếm bao nhiêu tiền thì đủ chống bệnh bây giờ?

Cứ cho là mình giỏi đi, 100 tỷ đi, nhỡ bệnh cần 101 tỷ thì có 100 tỷ vẫn là vô nghĩa! Thế hệ em là rất tốt, chỉ cần bỏ khái niệm “đủ”. Bao nhiêu là đủ? Không có! Không bao giờ có cái gì là đủ trên đời này cả! Đủ hay không là ở tâm lý của mình. Đối với anh, ngủ 1 cái giường, ăn 3 bữa cơm, vợ nuôi là đủ. Thế là đủ. Đối với bạn anh là mua 100 cái biệt thự thì mới đủ. Thế mà cũng là đủ! Vậy thì cái đủ càng thấp thì càng hạnh phúc. Còn cố thì vẫn cố mà! Bây giờ số tài sản của anh đã nhiều hơn nhu cầu của anh nhưng anh vẫn làm việc kiếm tiếp bởi vì công việc là niềm vui, không còn là cái để làm mình thấy đủ nữa.

Bây giờ mình làm việc không phải để mình có đủ cái gì cả. Vì mình có đủ từ cái ngày mình nợ rồi. Từ cái ngày côn đồ đến đòi chặt chân chặt tay mình. Mình đã cảm thấy mình đủ rồi, khi mình đang nợ mấy tỷ đồng mình đã thấy mình đủ rồi. Vì mình nghĩ lại, mình nghĩ là gì? “120.000 đô trả trong 30 năm là xong. Còn mình thì có nhà của bố mẹ, ăn 3 bữa 1 ngày, thôi không lấy vợ lấy con nữa là xong.” Vì hồi đó chưa vợ mà. Không lấy vợ đẻ con nữa. Tức là mình đủ ngay khi mình đang nợ mấy tỷ đồng. Chứ mình không đợi là mình phải trả hết nợ, lấy được vợ, mua được nhà rồi mới gọi là đủ. Em hiểu ý anh nói không? Đấy, như vậy là đủ rất sớm. Anh đủ ngay khi anh đang nợ, ngay khi người ta đang dọa chặt chân chặt tay mình đã thấy đủ. Chứ mình không đợi đến ngày 10 năm sau mình đã trả hết nợ, xong mình đã thành một ông chủ lớn mình mới thấy đủ.

Và tất cả những ông chủ lớn anh quen chưa ông nào nói với anh là ông thấy đủ hết. Chưa một ông nào nói là ông ấy đủ. Ông nào cũng nói là: “Anh đủ lắm rồi”, nhưng mà gì? “Anh có dự án này phải xây xong đã”, “anh phải xây xong cái bãi biển kia đã”, “anh phải bán cái ngân hàng này cho người khác đã”, là mới đủ. Có ông nào thấy đủ đâu! Tất cả những ông đấy chưa ông nào thấy đủ hết. Vì thế không bao giờ có cái gọi là đủ. Đủ, chính xác là đủ nằm ở đây. (Thầy chỉ vào tim) Nên là em đổi cái đủ của em đi. Đấy, nhu cầu nuôi con xịn không phải nhu cầu của nó, vậy đủ đơn giản là đủ ăn đủ mặc. Xong thế là đủ.

Bạn muốn chạy theo rồi bị tiền điều khiển, hay làm ra tiền mà vẫn thảnh thơi 16

Mình cũng thế, mình cũng chỉ ăn được 3 bữa, ngủ trên 1 cái giường. Đấy thế là đủ. Bố mẹ cũng chỉ cần tình cảm của mình là đủ. Nên đủ nó rất là bé. Còn không bao giờ có một loại đủ nào chống bệnh tật, rủi ro hết. Rủi ro, bệnh tật là vô thường! Không có cái gì chống lại được vô thường trên đời này hết! Bằng chứng là nhà máy Nhật Bản không chống được 9,1 Richter.

Với cách nghĩ như vậy thì đời em đủ ngay từ lúc em đang ngồi đây này. Tất cả những người đang ngồi đây lập tức thấy đủ luôn. Đủ ngay lập tức khi mình đang ngồi đây! Và khi mình thấy đủ thì mình thấy bình an. Khi mình thấy bình an thì trí tuệ, sáng suốt nó sẽ đến, khi mình thấy thiếu thì bất an. Bất an thì sự sai lầm sẽ lần mò đến. Tham lam, sợ hãi, tất cả đều đến khi mình bất an.

Đấy! Nên là hãy tập cách đủ ngay từ khi đang ngồi ngay chỗ này, ngay khi đang ngồi đây này. Em chỉ cần nghĩ theo kiểu mới thôi. Anh thấy em cũng đủ rồi còn gì nữa đúng không? Đủ chưa? Cả đời em luôn ấy, cả câu chuyện của em luôn đủ chưa?

Bạn nữ đó: Em là người có đủ!

Trong Suốt: Đấy, thế thôi, thế là xong rồi đúng không? Nếu mà đủ rồi thì làm gì chẳng thấy niềm vui. Khi đủ rồi thì làm gì chẳng là vui. Có khó khăn cũng là một bài học tốt, thử thách cũng là một cái để vui.

NHƯ THẾ NÀO LÀ CỐ GẮNG HẾT SỨC?

Bạn nữ đó: Nhưng mà em hay bị cái vấn đề về cố gắng hết sức á. Thì giống như trong môi trường đi làm em được rèn luyện cái sức của mình càng ngày càng giãn ra được. Và em được rèn luyện điều đó trong giai đoạn đi làm ở công ty nước ngoài. Từ năm này mình nhìn ngược lại năm kia mình thấy cái level của mình lên dữ dội về sức chịu đựng, về khả năng nhận công việc, khả năng hoàn thành công việc, các skills nó tăng lên rất nhiều! Thì như vậy thế nào được gọi là hết sức?

Trong Suốt: Tùy quan điểm hết sức. Theo quan điểm của anh thì hết sức là gì? Khi mình làm một cái gì đấy, ví dụ mình giảng cho một người này, hết sức là gì? Là trong lúc đấy mình làm cái mình cho là đúng nhất! Thế thôi, là hết sức. Mình làm cái cho là đúng nhất. Em đi làm ấy, em làm cái em cho là đúng nhất thì là hết sức. Ông sếp yêu cầu em phải làm 200 công việc mới hết sức nhưng em bảo làm đúng thì 150 là hết sức. Ông sếp bảo 80 thôi nhưng em rất trách nhiệm, em thấy là: “Không! Việc này 80 là hỏng hết việc, thế là thiếu trách nhiệm!”, em sẽ tự làm 150% của em, thì đó là hết sức. Không có tiêu chuẩn hết sức nào đúng với tất cả mọi người.

Tiêu chuẩn của anh là gì? Mình làm cái đúng nhất, cái lương tâm mình bảo làm đúng nhất thì là hết sức. Đấy, lương tâm mình bảo là gì? Việc này nếu mà 5 giờ mình về là hỏng, thì đúng là mình được trả lương đầy đủ nhưng mà hỏng việc thì mình sẽ ở lại đến 6 giờ, đối với anh là hết sức.

Nuôi con cũng thế thôi. Nuôi con thế nào là hết sức? Không phải là nai lưng ra kiếm tiền cho nó hết sức. Mà là mình làm điều mình cho là đúng nhất với con mình, thế là hết sức. Còn đúng nhất là thế nào thì do trí tuệ của em – của mỗi người là khác nhau. Đúng nhất nó không có điểm chung nào hết. Đúng không? Làm sao mà đúng nhất của anh và đúng nhất của em lại gặp nhau được? Nhưng đối với em cái đây đúng nhất thì là hết sức rồi.

Bố mẹ mình ốm đi. Cũng thế, đúng nhất không phải là đi làm mọi thứ, căng thẳng hết cỡ để có tiền để trả cho bố mẹ. Có khi đối với anh đúng nhất là gì? Là động viên bố mẹ cái thân thể này kiểu gì cũng mất, nên bố mẹ vừa ốm và vừa vui, đừng có lo. Đấy là anh thấy đúng nhất.

Đấy, đúng nhất của mỗi ngươi là khác nhau. Còn thế nào là hết sức? Hết sức là làm cái điều mình cho là đúng nhất. Còn nếu mình thấy chưa đúng mà mình đã dừng thì là chưa hết sức. Thế thôi. Đấy, sống như thế thôi. Còn do trí tuệ mình tăng trưởng thì cái đúng nhất của mình nó khác. Như vậy thì cái đúng nhất đúng với cả đứa con của mình luôn. Con hãy làm điều đúng nhất. Mẹ làm điều đúng nhất. Khi nào con thấy nó vẫn chưa đúng mà con đã bỏ, thì có nghĩa là con chưa làm điều đúng nhất. Đấy. Ví dụ như là phạm lỗi thì phải xin lỗi, mà chưa xin lỗi đã nhảy đi chơi rồi, thì đấy là chưa đúng nhất. Thì hãy làm điều đúng nhất đi. Cái đúng nhất đấy, nó sẽ không gây ra cho em sự căng thẳng. Vì em đang được làm điều đúng. Thế thôi, đúng nhất chỉ thế thôi.

Anh luôn làm điều đúng nhất. Và đối với anh đúng nhất nghĩa là làm hết sức. Ngồi đây anh nói những cái đúng nhất, không bịa đặt dối trá, không chứng tỏ ta đây. Đối với mình thế là đúng nhất. Còn được bao nhiêu, ích lợi bao nhiêu thì ích lợi, mình không kiểm soát. Đấy là đúng nhất, như vậy đối với anh là hết sức. Còn có người quan điểm hết sức là gì, là từng bạn ở đây về đều hạnh phúc, thì anh chịu rồi, anh không làm theo kiểu đấy được. Đúng không? Ở đây có 100 người thì có thể có 20 người về hạnh phúc, 5 người về thoải mái và 30 người về bảo vớ vẩn và không đi nữa. Nhưng anh vẫn cho là hết sức. Vì anh nói điều tử tế nhất anh có thể nói ra được. Anh kể những câu chuyện đúng đắn nhất anh có thể nghĩ ra được. Anh không làm cái gì mà trái với lương tâm của mình trong cả một buổi như thế này. Thì điều đấy đối với anh là hết sức.

Anh nghĩ anh chỉ cần thế là đủ, làm điều đúng nhất. Mà bên trong lương tri của mình luôn nói điều đúng nhất nên cái hay là ở chỗ đấy. Trong em ấy, thực chất em chỉ cần lắng nghe một chút là nó bảo điều đúng nhất là cái gì ngay. Còn bên ngoài đúng nhất là cái gì thì mình chịu. Mỗi người có một mong muốn riêng, đúng nhất riêng, đúng không? Làm sao mình thỏa mãn tất cả mọi người được? Đại ca của em có đúng nhất của đại ca, đúng không? Nhưng chưa chắc đã là đúng nhất của em. Làm sao mình làm để thỏa mãn đại ca được? Đấy, thế nhưng mà do mình có tăng trưởng trí tuệ thì cái đúng nhất của mình nó ngày càng ích lợi cho người khác và cho mình hơn. Thế là được rồi. Mình chỉ cần thế thôi. Trí tuệ tăng trưởng theo thời gian.

Con mình mình không thể bảo nó làm điều vĩ đại ngay từ bé được. Bảo nó làm điều đúng nhất đi. Mỗi đứa có một kiểu sống riêng của nó. Nhưng nó luôn làm điều đúng nhất nó có thể làm, thế là thành công rồi. Cần gì phải thành ông này bà kia. Có khi nó thấy bơm xe đúng nhất. (Mọi người cười) Cũng nên đúng không? Có khi con anh lớn lên bơm xe đúng nhất cũng nên, anh cũng chẳng biết được. Anh không định cho nó học nước ngoài với cả gì gì đấy. Nếu anh có tiền lúc đấy, anh sẽ tính. Còn bây giờ nó còn đang nhỏ thì tính đến làm gì. Mà nhỡ lúc đấy mình tính rất là oách, học trường xịn của Mỹ xong lúc đó mình chẳng có tiền. Thì tính làm gì? Nên thôi, con mình mình cứ thế, làm điều đúng nhất. Có thể sẽ là bơm xe đầu ngõ đúng nhất. (Mọi người cười) Mình vẫn thấy là mình không có gì sai với nó hết. Mình vẫn thấy là mình làm hết sức của mình rồi. Đấy, đó là kinh nghiệm, cách nghĩ của anh. (Mọi người vỗ tay)

Có bạn nào hỏi thêm không ạ? Mình sẽ hỏi đáp từ giờ đến cuối giờ. Ngày mai sẽ có buổi trà đàm tại Đà Nẵng về chủ đề: Dạy con theo tinh thần Phật Pháp để có một đứa trẻ trí tuệ.

(Một vài bạn giơ tay)

BÌNH AN PHẢI ĐI KÈM VỚI TRÍ TUỆ

Vĩnh Phúc: Dạ thưa Thầy và mọi người, em là một người trẻ tuổi nhưng lúc nãy em lại có tư tưởng là đặt nặng vấn đề về tiền bạc nên em nghĩ em cũng nhận khá nhiều sự chỉ trích từ mọi người.

Trong Suốt: Mặc kệ họ. (Mọi người cười to) Chỉ trích của họ liên quan gì đến mình? (Mọi người cười) Mình nghĩ gì mới quan trọng chứ, đúng không?

Vĩnh Phúc: Và đằng sau đó nó có câu chuyện của riêng em.

Trong Suốt: Ừ.

Vĩnh Phúc: Nhưng mà em kể ra câu chuyện này cũng nhận được nhiều sự chỉ trích nữa.

Trong Suốt: Kệ!

Vĩnh Phúc: Nhưng mục đích em đến đây là để nhận sự chỉ trích và xoá bỏ đi cái tư tưởng đó.

Trong Suốt: Được. Em nói đi.

Vĩnh Phúc: Em thì khá may mắn so với nhiều bạn bè và gia đình em cũng có điều kiện tốt hơn nhiều người. Cho nên từ nhỏ cuộc sống của em cũng suông sẻ hơn mấy bạn. Và cho nên mặc dù lúc nhỏ và hiện tại em cũng có nhiều ước mơ như là thành đạt, có biệt thự, có xe hơi nhưng mà em chưa thực sự cố gắng hết sức mình. Và năm lớp mười một em có người bạn gái và chúng em quen nhau đến tận năm ba của đại học. Cô ấy thì rất là giỏi, thực sự rất giỏi, giỏi hơn em luôn. Và rồi khi lên đại học thì việc học của em nó cũng bình thường thôi. Cũng không phải là tệ lắm. Nhưng mà em chưa bao giờ cố gắng hết sức mình.

Rồi đến đầu năm ba đại học, thì vấn đề học tập nó hơi trục trặc, làm em bị nản chí. Em cứ nghĩ là thôi thì cứ học xong rồi có một công việc, rồi cứ nghĩ là ngày đi làm, chiều về đi chơi, vậy là được rồi. Hoặc là nếu bây giờ không sống được ở thành phố thì thôi về quê sống với ba mẹ cũng không có bị chết đói. Nhưng mà cô ấy thì khác. Bạn em là người có hoài bão, có ước mơ, và rất là chăm chỉ học tập cũng như là nỗ lực hết mình để đi xa hơn. Cho nên là tụi em đổ vỡ. Và cô ấy nghĩ rằng em thì không có tương lai. Nhưng mà em nghĩ cái đó là cô ấy đã đúng. Tại vì em đã lười biếng học tập, em đã nản chí…

Trong Suốt: Ha ha…

Vĩnh Phúc: Cho nên trong lòng em giống như là xuất hiện cái sự mặc cảm.

Trong Suốt: Ừ.

Vĩnh Phúc: Và bây giờ em rất muốn để vươn lên, giống như là để chứng tỏ và để thể hiện bản thân mình.

Trong Suốt: Ừ.

Vĩnh Phúc: Nghĩa là mình sẽ không phải là người thất bại. Cho nên em là người đặt nặng cái vấn đề về tiền bạc.

Trong Suốt: Ừ, hiểu rồi. Như vậy vấn đề của em, thực ra em không thiếu tiền đúng không?

Vĩnh Phúc: Dạ đúng rồi!

Trong Suốt: Em muốn chứng tỏ bản thân mình để cho mình không mang tiếng là một kẻ thất bại. Vì cái vết thương của em đã từng xảy ra. Và vì là một kẻ thất bại nên là người ta bỏ mình đi. Đúng không?

Vĩnh Phúc: Dạ đúng rồi!

Trong Suốt: Như vậy em đang muốn chữa bệnh?

Vĩnh Phúc: Và cô ấy cũng quá giỏi cho nên nhiều lúc cũng suy nghĩ là không biết sau này mình lấy người ta thì cũng đỡ hơn, giống như Thầy nói là về vợ nuôi.

Trong Suốt: Vợ nuôi đúng rồi. Ha ha. (Mọi người cùng cười) Đấy là mình vậy thôi chứ vợ có nuôi hay không lại là chuyện khác. Có khi vợ bỏ luôn cũng nên. Đúng không?

Vĩnh Phúc: Dạ, cô ấy chỉ cần một người có thể bay cao bay xa cùng cô ấy, cô ấy nói rằng cô ấy không thể một mình gánh cả hai ước mơ, gánh cả hai cuộc đời.

Trong Suốt: Nhưng mà em có yêu cầu cô ấy gánh em đâu?

Vĩnh Phúc: Dạ?

Trong Suốt: Em yêu cầu cô ấy gánh em à? (Mọi người cười) Ngay lúc yêu nhau đã bảo là em hãy gánh anh à?

Vĩnh Phúc: Không không, lúc yêu nhau thì không có.

Trong Suốt: Thế sao cô ấy lại bảo là: “Em không gánh cả hai cuộc đời”?

Em có dấu hiệu làm cô ấy phải gánh đúng không? (Mọi người cười) Bỏ ăn bỏ chơi đúng không? Đúng không?

Vĩnh Phúc: Dạ, thì em và cô ấy ở cùng một quê. Nhưng mà lúc vào năm ba đại học, cô ấy lại muốn lập nghiệp và sinh sống tại Hồ Chí Minh. Nhưng mà năm ba đại học em đã quá nản chí rồi cho nên em nói với cô ấy là thôi thì chắc mai mốt về quê sống cho rồi.

Trong Suốt: À! (Mọi người cười)

Vĩnh Phúc: Rồi, thế người ta mới nói là anh về quê thì em ở đây rồi làm sao? Rồi xảy ra mâu thuẫn và đổ vỡ.

Trong Suốt: Rồi. Được, một ví dụ điển hình của việc bình an đến từ không làm gì. (Mọi người cười) Đúng chưa? Thì về quê bố mẹ nuôi còn gì nữa? Năm ba đại học tuổi trẻ đầy ước mơ mà lại nghĩ rằng thôi học xong về quê có gì bố mẹ nuôi. Có phải là bình an đến từ không làm gì không? Đúng chưa?

Vĩnh Phúc: Dạ!

Trong Suốt: Điển hình luôn. Thiên hạ có câu là: Nồi tròn úp vung tròn. Nồi méo, úp gì? Đố mọi người biết là gì? Là gì ạ? Biết không ạ? Có ai hiểu không ạ? Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo. Không biết đúng không ạ? Dân miền nam không biết rồi. Nghĩa là gì, nghĩa là nếu ông tròn thì ông sẽ lấy bà vợ tròn. Ông méo, thì sao? Bà vợ méo. Kiểu gì cũng có bà vợ hợp với ông. “Con ạ, đừng lo. Sau này nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo.” Bố mẹ hay khuyên mấy cô gái ế ấy. (Mọi người cười) Nghĩa là gì? Con có méo tí thì sao, thì cũng có chàng trai méo mò đến. Đó là cách an ủi của bố mẹ, khi mà em gọi là không biết lo lắng về tương lai. Cô ấy là vung tròn hay vung méo?

Vĩnh Phúc: Dạ tròn.

Trong Suốt: Em là nồi gì? (Mọi người cười lớn) Cô ấy là vung tròn, em là nồi gì? Em nồi méo thì không hợp nhau đâu. Hai người bỏ nhau vì không hợp nhau. Chứ không phải là vì tính như em vẫn hay nghĩ đâu. Một năm nữa khi em vươn lên em mạnh mẽ thì em thành nồi tròn, thì lại có cô tròn mò đến. Còn em cứ méo mãi thì sao? Thì cô méo sẽ mò đến đừng lo.

Vĩnh Phúc: Dạ, đúng là em đang rất vươn lên nên là…

Trong Suốt: Đúng rồi!

Vĩnh Phúc: Cũng hơi lo lắng.

Trong Suốt: Tình yêu là vấn đề của thời điểm. Không phải vấn đề của đúng người. Đúng người mà sai thời điểm thì cũng vô ích. Tình yêu mọi người tưởng là vấn đề đúng người để cưới nhau đúng không? Không phải. Hiếm người lấy người đúng với mình lắm. Toàn lấy người đúng thời điểm nhất. Thường là yêu nhất xong rồi bỏ. Thường người ta nói là một người phụ nữ có ba người đàn ông. Người đàn ông thứ nhất là mình yêu nhất, xong rồi bỏ. Ông thứ hai là yêu mình nhất rồi cũng bỏ. Ông thứ ba? Đến đúng lúc nhất. Thế là mình gì? Mình cưới. Đấy. Sự thật tất cả cái đấy Phật gọi là duyên. Tóm lại là có người gặp phát lấy luôn. Nhưng thông thường ấy là lấy cái người đúng thời điểm nhất chứ không phải là người hợp với mình nhất. Thời điểm đấy em với cô ấy không hợp nhau – một cách dễ hiểu. Lúc đấy em đang thích méo. Mà cô ấy lại thích tròn. Hợp nhau được không?

Vĩnh Phúc: Dạ không!

Trong Suốt: Cô ấy bảo là em chẳng có tương lai gì cả.

Vĩnh Phúc: Dạ đúng rồi ạ.

Trong Suốt: Nhưng ba năm nữa khi em thích tròn rồi ấy, lại gặp được một cô tròn. Thì lại hợp nhau, cưới. Thích tròn mà cô ấy lại trở nên thích méo, thì sao? Lại thôi, chả cưới được nữa. Tình yêu chỉ là vấn đề thời điểm thôi. Tóm lại thời điểm đấy em đang muốn một thứ và cô ấy lại muốn một thứ khác. Hai người không hợp nhau nên bỏ. Đấy, nó chỉ đơn giản là vấn đề thời điểm. Em và cô ấy không có hợp nhau ở lúc đấy. Tuy nhiên, đối với nhà Phật, vấn đề tình yêu không phải là vấn đề, mà vấn đề thứ hai quan trọng hơn là hạnh phúc của em đến từ cái gì? Có phải cứ buông xuôi là hạnh phúc không? Cứ thả ra hết là hạnh phúc không? Không phải! Cái mà người phụ nữ họ cần ấy, là một người đàn ông không phải là giàu có, thành đạt, mà là một người có thể dựa vào được. Phụ nữ cưới chồng là vì thế. Một chỗ dựa, chỗ dựa thôi, không phải là giàu có thành đạt mới là chỗ dựa. Tối thiểu dựa về tinh thần. Có nhiều người phụ nữ không cần dựa vật chất đâu, chỉ cần tinh thần thôi. Cô ấy cảm thấy em không phải là chỗ dựa. Vì em không có sức mạnh tinh thần.

Cái em thiếu là một sức mạnh về tinh thần. Mà sức mạnh tinh thần đấy nó không phải tự nhiên mà có được. Thông thường nó đến từ thử thách, đến từ công việc, đến từ khó khăn, đến từ cố gắng vươn lên. Còn cái người đàn ông mà bảo: “Thôi tôi cứ về nhà bố mẹ nuôi” thì người đàn ông đấy không có sức mạnh tinh thần để người phụ nữ nương tựa vào. Mà người phụ nữ lấy chồng là để tựa. Nghĩa là cô ấy không muốn lấy em là vì thế. Còn sau này, có thể em vẫn thất bại nhé, nhưng mà em có sức mạnh tinh thần. Vẫn đầy người muốn cưới em. Đấy. Cái em thiếu là cái sức mạnh tinh thần đấy. Và em không thể buông xuôi mà có sức mạnh tinh thần được đâu. Em phải vươn lên. Đúng! Em về quê chăn vịt thì khó có sức mạnh tinh thần lắm. (Mọi người cười) Mà ở thành phố chăn gì?

Một bạn: Chăn rau.

Trong Suốt: Chăn rau? Ha ha. Ở thành phố làm việc, vươn lên cố gắng và hãy coi đấy là cái để rèn luyện mình. Hãy coi cái vươn lên này, cái cố gắng thành công này là cách để rèn luyện, thì động lực đấy là đúng nhất. Còn em cố gắng thành công chỉ là để lấy được vợ, thì lấy xong rồi thì sao? Thôi đúng không? Thôi dù sao ván đã đóng thuyền, chim đã vào lồng, cá đã cắn câu. Thì thôi, hết cố gắng. Cái động cơ cố gắng để lấy vợ là cái động cơ sai bét. Hãy cố gắng để mà trưởng thành.

Vĩnh Phúc: Dạ em cố gắng để kiếm vợ.

Trong Suốt: Sai luôn. Chứng tỏ xong rồi chán. Bỏ.

Vĩnh Phúc: Vâng đúng rồi ạ.

Trong Suốt: Cố gắng đấy sai luôn vì em sẽ chứng tỏ rồi em chán. Có một cô đến là mình chán. Hãy cố gắng để mà trưởng thành. Hãy thử thách để mà vững vàng. Hãy cố gắng để mà có trí tuệ và bản lĩnh. Cố gắng rất đúng luôn. Và cố gắng ấy không bao giờ ngừng cố gắng cả. Vì trí tuệ nó là vô hạn. Bản lĩnh là vô hạn. Đấy, em cố gắng vì điều đấy. Còn trí tuệ và bản lĩnh rồi, chẳng lẽ không có gái theo? Yên tâm, kiểu gì cũng có gái theo. Em chỉ cần đáng tin là có gái theo rồi. Có nhiều cô rất đẹp nhưng mà lấy một anh rất bình thường. Nhưng anh ấy cực kỳ đáng tin. Nên cô ấy có chỗ dựa về sự trung thực. Còn đàn ông khác chả ai trung thực với cô ấy, chả dựa được, đấy.

Em hãy cố gắng đi, cố gắng để có trí tuệ, bản lĩnh. Đấy, chứ đừng cố gắng để chứng tỏ mình. Sai! Cố gắng để có trí tuệ. Công việc chính là nơi để rèn luyện cực kỳ tốt luôn. Để mình có trí tuệ và bản lĩnh. Anh có ngày hôm nay cũng là vì phá sản, vì gặp côn đồ. Chứ nếu mình ở nhà chăn vịt thì sao? Thì làm gì có ngày hôm nay ngồi nói chuyện với mọi người thế này? Làm sao mà giúp thế giới được? Cố gắng đi, em nên cố gắng, mà cố gắng để mình trở thành một người đàn ông có trí tuệ và bản lĩnh, để giúp được mình và người khác. Vì buổi hôm nay mình nói nhiều đến sự bình an. Thế nhưng mình phải nhớ rằng không có sự bình an nào thiếu trí tuệ đượcKhông có bình an nào thiếu bản lĩnh được đâu! Không có đâu! Bình an mà không có bản lĩnh thì sao? Thì một ngày có ai đó đến cướp một phát là mất ngay. Đúng chưa? Đấy, cố gắng đi. Cố gắng có trí tuệ.

Vĩnh Phúc: Dạ, em cảm ơn Thầy và mọi người!

Trong Suốt: Ừ.

(Có nhiều cánh tay giơ lên xin được hỏi)

Bạn nào mà chưa nói, em nói mất rồi. Đấy, bạn này chưa nói, đấy. Ưu tiên mỗi người nói một lần thôi. Một hai lần là cùng.

Một bạn nữ: Em chào Thầy và chào tất cả các cô chú và các bạn ạ. Có thể trong tất cả các bạn ở đây thì em khá là ít tuổi đời và chưa có một công việc. Trong cuộc sống thì em thấy em có vấn đề về suy nghĩ và cảm xúc của em, cảm giác như là không được yên tâm, lúc nào đầu mình cũng bị suy nghĩ, suy nghĩ. Hết suy nghĩ này nó dừng lại, mình đã điều khiển cho nó dừng lại rồi mà các suy nghĩ khác lại ập tới. Cảm xúc khác nó lại ập tới.

Trong Suốt: Không thể có bình an mà thiếu trí tuệ. Em muốn là không suy nghĩ?

Bạn nữ đó: Dạ em muốn làm sao để mình có thể điều khiển được cảm xúc và suy nghĩ của mình để mình được thấy yên ổn hơn, dừng lại ở một điểm nào đó mà mình thôi mình không có suy nghĩ nhiều như thế nữa.

Trong Suốt: Cái em thiếu là gì? Trí tuệ.

Bạn nữ đó: Dạ, làm sao để mình có thể?

Trong Suốt: Học, học, học trí tuệ đi! Em học Phật Pháp đi. Em sẽ có trí tuệ.

Bạn nữ đó: Thưa Thầy, Thầy chỉ cho em học ở chỗ nào.

Trong Suốt: Đấy em tham gia vào nhóm Búp Sen đi. Thầy dạy. Thầy sẽ dạy. Em tham gia vào nhóm Búp Sen, thi đỗ vào nhóm ấy. Tại vì sao? Em không thể bình an mà không có trí tuệ được đâu. Hôm nay mình nói nhiều về bình an, bởi vì thầy không muốn tập trung vào nó. Chứ còn làm gì có loại bình an nào mà không có trí tuệ. Em muốn không nghĩ gì làm sao không nghĩ được? Em phải có trí tuệ em mới không nghĩ. Ví dụ câu chuyện của bạn lúc nãy. Bạn Văn này này. Phải hiểu rằng là gì? Thành công hay thất bại là do nhân quả thì bạn ấy mới có thể là bình an được. Đúng không? Chứ còn thành công hay thất bại là do tôi quyết định, thì ai chẳng muốn đi quyết định làm điều tốt, làm những chuyện to, rồi nhân quả xấu đến mình lại bất an.

Em phải hiểu những trí tuệ căn bản của nhà PhậtNhân quả này, vô thường này, bất toại nguyện này. Nếu em không có những trí tuệ ấy, mà em đòi bình an thì rất khó. Cũng có nhưng tạm tạm. Em nghĩ nhiều vì em chưa chấp nhận được nhân quả. Em nghĩ nhiều vì có nhiều chuyện trên đời em chưa chấp nhận được nên em mới nghĩ nhiều, chứ nếu chấp nhận hết rồi thì nghĩ gì. Em nghĩ nhiều vì em chưa chấp nhận được chuyện gì đó, anh không biết chuyện gì nhưng nếu gặp riêng nói chuyện anh sẽ hiểu rõ hơn. Nhưng tóm lại là có những chuyện em chưa chấp nhận được. Hoàn cảnh sống, người yêu, bố mẹ, cái gì đó xảy ra… Em không chấp nhận được bởi vì em không hiểu nhân quả, không hiểu vô thường. Em hiểu nhân quả, vô thường xong em tự chấp nhận được. Chấp nhận xong em bình an ngay. Còn trước cái bình an đấy, em có thể sáng tạo, em làm ra tiền, v.v… đó là việc của em, nhưng việc đầu tiên của em là phải có trí tuệ. Có trí tuệ sẽ chấp nhận, chấp nhận sẽ bình an.

Bạn Văn này bạn ấy hiểu về nhân quả, nên bạn ấy có trí tuệ, nên bạn ấy chấp nhận là có thể thất bại, có thể thành công, đó là chấp nhận. Chấp nhận xong bình an đến. Khi bình an rồi em sẽ sáng suốt. Và sáng suốt rồi tiền sẽ đến. Đấy, bình an và tiền bạc liên quan đến nhau đấy. Còn tiền ít hay tiền nhiều là duyên của mỗi người. Nếu có phúc phận, mình có phúc phận nhiều ấy thì mình có nhiều tiền, mình không có đủ phúc phận thì tiền đến rồi cũng đi mất. Đấy thì nhà Phật nói như vậy. Mình có đủ nghiệp tốt thì tiền kiểu gì cũng mò đến. Và nếu phúc phận không đủ thì bao nhiêu tiền đến rồi cũng ra đi thôi. Có câu gì liên quan đến phúc phận Trong Suốt nói ấy nhỉ? (Thầy chỉ vào quyển lịch)

Đấy đấy, trong quyển này, trang bao nhiêu? Tháng ba à? Rồi, lợi hại không? Đấy, muốn cái có luôn! Đây rồi: “Đừng quá mong muốn một cái gì đấy, vì nếu phúc phận của mình không đủ, thì chẳng có được.” Đừng quá mong muốn một cái gì đấy, vì nếu phúc phận – nghiệp tốt của mình ấy – không đủ thì chẳng có được. “Đừng quá sợ mất một cái gì đấy, vì nếu phúc phận của mình đủ, thì không mất đi được.” Đừng quá sợ mất một cái gì đấy vì nếu đủ phúc phận, đủ nghiệp tốt ấy thì không mất đi được. “Vì thế, hãy lo xây dựng nghiệp tốt và tránh những nghiệp xấu.” Câu này trong Tháng ba đấy.

Tóm lại là hiểu nhân quả thì sẽ bình an. Đừng quá mong muốn vì không đủ phúc, không đủ nhân quả nghiệp tốt ấy, cũng chả có được. Mình muốn trở thành đại gia giàu có nhất Việt Nam, đừng quá mong muốn điều đấy. Không có đủ phúc thì sao? Thì làm sao là đại gia giàu nhất Việt Nam được? Đúng không? Mình sợ cái nhà mình đang ở bị ngân hàng lấy mất, đừng quá lo lắng! Nếu đủ phúc phận thì ngân hàng không lấy nổi của mình luôn. Lại có tiền đến từ kiểu khác. Đấy, vì thế nên lo làm điều tốt và tránh điều xấu. Đấy là trí tuệ đấy. Cái em cần học là cái đấy. Còn có cái đấy rồi thì đời em sẽ khác. Ở Sài Gòn có Vani này, bạn Vani này.

Tuệ Hương: Dạ thầy của em ạ.

Trong Suốt: À, à thế à? Sư phụ Vani của Tuệ Hương đấy. Đấy, bạn Vani bạn ấy cũng làm ăn kinh doanh đấy. Bạn đấy về tiền bạc thì khôn lắm nhưng mà tình yêu thì bạn ấy cũng thường thôi. (Mọi người cười) Chuyện tình yêu đừng có hỏi bạn ấy, hỏi chuyện làm ăn thì được nhưng tình yêu thì đừng. Cả đời yêu một người thì chắc không có nhiều kinh nghiệm đâu. Tình yêu phải hỏi những người mà lên bờ xuống ruộng ấy thì mới là cao thủ. Ở Đây có bạn nào học trò mình mà lên bờ xuống ruộng không nhỉ? Diệu Thảo đâu rồi? (Mọi người cười) Đấy, tóm lại là nếu tìm tham mưu trong chuyện tình yêu thì câu hỏi đầu tiên là: “Chị yêu bao nhiêu người rồi?”. Nếu dưới số mười thì… (Mọi người cười) Thôi dưới số năm, dưới số năm, số ba thôi nhỉ? Dưới số ba thì thôi đừng nói chuyện nữa. Đi tìm người khác.

Em khổ vì sao? Bạn nữ này, em khổ vì tình hay là vì tiền?

Bạn nữ lúc nãy (hỏi về cách điều khiển cảm xúc, suy nghĩ): Thưa Thầy là dạo trước không có tốt nhưng dạo này thì cũng tốt rồi, em không có khổ vì người ấy nữa. Tiền thì em nghĩ là có bao nhiêu rồi cũng sẽ tiêu hết bấy nhiêu thôi.

Trong Suốt: Ừ.

Bạn nữ đó: Nên em cũng không có ham và cũng không có cần nhiều. Nhưng em cứ có cảm giác là trong cuộc sống có một cái gì đó nó cứ làm cho mình phải suy nghĩ hoài, nghĩ hoài. Không phải là suy nghĩ để cho mình có thể hoàn thành được công việc gì đó hay là mình làm một cái việc gì đó hoặc là mình có thể hoàn thành một sản phẩm gì đó cũng được, mà mình cứ suy nghĩ kiểu như là nó không có tính kiên trì. Nó làm cho mình suy nghĩ nửa chừng nửa vời rồi để đó. Kiểu như là mình cứ bận rộn để suy nghĩ vậy đó. Hay do em chưa có một công việc làm nên lúc nào trong đầu em cũng…

Trong Suốt: Có thể, có thể.

Bạn nữ đó: Nên là tay chân em nó rảnh quá nên…

Trong Suốt: Có thể!

Bạn nữ đó: Nên là cái đầu nó suy nghĩ liên miên.

Trong Suốt: Có thể, có khả năng.

Bạn nữ đó: Nên là em không biết bây giờ phải điều chỉnh như thế nào nữa. Với lại giống như lúc đầu Thầy có nói em không biết nghe trái tim mình hát chỗ nào.

Trong Suốt: Rồi, của em phải gặp bác sỹ hoa súng. (Mọi người cười) Gặp Vani trước đi xong rồi khi nào bác sỹ hoa súng vào Sài Gòn, khi nào bác ấy vào anh sẽ bảo. (Mọi người cười)

Đùa chứ mọi người gọi anh là bác sỹ hoa súng. Gặp riêng anh thì anh mới có thể giúp em được vì nó hơi phức tạp. Nhưng mà được, anh có thời gian anh sẽ nói chuyện với em. Hôm nay thì không kịp rồi nhỉ? Hôm nay anh phải đi mất rồi. Anh phải đi Đà Nẵng. Lần sau, một tháng nữa quay lại. Bác sỹ hoa súng chuyên giải quyết các chuyện liên quan đến tình, tiền, gia đình, sức khoẻ, tâm sinh lýphụ nữ, đàn ông và trẻ em… (mọi người cười) người già nữa, quên. Lần sau. Còn bạn nào nữa không ạ? Mấy giờ rồi?

Một bạn: Dạ, 5h15 ạ.

Trong Suốt: 15 phút nữa, còn 15 phút để hỏi. Bạn nào chưa nói, ưu tiên những bạn chưa nói?

Một bạn: Dạ, cái này quan trọng lắm Thầy.

Trong Suốt: Quan trọng lắm cũng để sau. (Mọi người cười) Bác sỹ hoa súng vào sau mà, còn vào.

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ KHUYÊN ĐƯỢC BỐ MẸ?

Trong Suốt: Bạn này chưa nói lần nào đúng không?

Bạn đó: Em xin chào Thầy, chào tất cả mọi người.

Trong Suốt: À rồi, em nói đi.

Bạn đó: Dạ, câu hỏi thì chắc là cũng có nhiều để hỏi nhưng em muốn chia sẻ cuộc sống của mình. Để cho mọi người có thể lạc quan hơn.

Trong Suốt: Ừ.

Bạn đó: Em thì thật ra bây giờ rất là ok, tất cả mọi suy nghĩ, hành động đến công việc khi em đã lựa chọn và em thấy ok. Nhưng em nói đến quãng thời gian về trước, em kết hôn năm 2002, và năm 2005 thì ly hôn. Sau khoảng thời gian đó thì mình cố gắng xây dựng một cuộc sống gia đình tốt, khi ly hôn một mình thì về kinh tế cũng rất là ok, cũng rất là tốt. Nhưng em vẫn quyết định dừng lại vì em thấy cuộc hôn nhân đó không mang lại bình yên và hạnh phúc cho mình. Lựa chọn rời miền Bắc vô Sài Gòn sinh sống, một mình, không tham gia kinh doanh như là ở ngoài Bắc nữa mà đi vào cái ngành học chính thức của em đó là giáo viên. Không bạn bè, không người thân, không mối quan hệ, nhưng tự mình bằng cái trình độ chuyên môn của mình đi làm, và cảm thấy rằng lựa chọn của mình là đúng thì mình mang lại bình an cho mình. Đó là rời bỏ tất cả những cái gì mà mình thấy là bất an, là không ổn.

Từ nãy em nghe Thầy nói, là em luôn đồng ý và cảm thấy Thầy nói rất đúng về cái sự lựa chọn bình an cho bản thân của mình. Quan điểm của em cũng vậy, không cần thiên hạ nghĩ gì về mình, mọi người nghĩ gì về mình, mình tốt hay xấu là do bản thân mình. Và mình muốn tốt với bản thân mình thì những hành động của mình, và những việc làm của mình đối với mọi người để cho họ nhìn thấy mình tốt, mình phải làm bằng thật tâm, làm bằng chuyên môn, trí thức, nhận thức của mình và bằng cái trái tim của mình chứ không thể chỉ bằng lời nói. Bởi vậy khi mà em nghe mấy bạn trẻ có nói về làm gì để lo được cho con, làm gì để lo được cho ba mẹ hay làm gì để lo được cuộc sống của mình tốt hơn, thì em cũng đồng tình vì đó là cuộc sống xã hội thôi.

Thế nhưng mà, quan trọng là bản thân của bạn thấy tốt, tâm của bạn thấy an lạc, bình yên trước cuộc sống gia đình đó, mối quan hệ đó, công việc đó thì tất cả mọi người xung quanh bạn mới tốt được và mới bình yên được. Em chỉ muốn chia sẻ với mọi người rằng mọi khó khăn đều có hướng giải quyết. Tất cả những cái gì khó khăn tới cho mình đều là duyên, phúc, phận, phước, báu, nghiệp từ kiếp trước và kiếp này mình gây ra. Bởi vậy hãy làm việc thiện thật nhiều, chia sẻ những gì mình có thể chia sẻ được và bao dung với người khác và đừng chấp nhất và đừng làm bất kỳ những điều gì tổn hại đến mọi người. Em chỉ có những điều vậy thôi.

Trong Suốt: Ừ, rất tốt. (Mọi người vỗ tay) Rất tốt. Được, còn bạn nào nữa không ạ? Còn bạn nào mà chưa nói câu nào ấy. Góc kia đúng không nhỉ? Tít ra xa xa kia.

Một bạn: Dạ, em chào Thầy và mọi người ạ.

Trong Suốt: Em giới thiệu qua về mình một chút đi. Bạn nào nói thì có thể giới thiệu tên với cả nghề.

Bạn đó: Dạ em tên là Hoàng Tâm ạ, em đang làm marketing ở một trường Anh ngữ ạ. Về bản thân em thì em không có nhiều vấn đề, ý là em nhận ra vấn đề của em và em đang tìm hướng để giải quyết. Em cũng không có chia sẻ gì về bản thân, nhưng mà về ba mẹ em, nói chung ba mẹ em bị chi phối bởi tiền bạc rất nhiều và em cũng đang rất mong muốn giúp đỡ ba mẹ em. Em biết là thay đổi bản thân mình trước rồi tiếp đến là ba mẹ. Nhưng mà hiện tại em thấy được nhiều cái khổ của họ nhưng mà em vẫn không làm được gì hết ạ. Thì em cũng không biết có cách nào mà nó đơn giản, để một người mà có quá nhiều định kiến rồi có thể thay đổi được tư duy đó được không?

Trong Suốt: Em phải nói chuyện cụ thể ra, còn nói là bố mẹ rất định kiến thì chịu.

Hoàng Tâm: Dạ, có nghĩa là ba mẹ em cứ mong muốn có tiền, có thể là tiền thì đang bị nợ nần, đang bị nợ nần rất nhiều nhưng lại muốn xây nhà to. Mà trong khi em và em trai em thì không có muốn ở căn nhà. Em trai em chia sẻ thực sự rồi là: “Tụi con không có muốn ở nhà to.” Nhưng ba mẹ em muốn nhiều hơn, muốn có căn nhà để người ta nhìn vô rồi nói chung là trầm trồ các kiểu. Cái tư tưởng đó cũng nhiều người có nhưng mà em cứ thấy ba mẹ em bị cuốn theo cái vòng đó thì em cũng không biết cách nào để giúp họ một cách nhanh chóng để đi ra khỏi cái đó.

Trong Suốt: Đầu tiên là em có uy tín với ba mẹ không?

Hoàng Tâm: Dạ?

Trong Suốt: Em có uy tín với ba mẹ không? Em có đủ uy tín với ba mẹ em không?

Hoàng Tâm: Uy tín?

Trong Suốt: Ừ, vì mình nói muốn người ta nghe thì phải có uy tín đúng không?

Hoàng Tâm: Hồi trước đây thì em nói chuyện với ba mẹ rất nhiều thì cũng uy tín một phần nhưng mà sau này thì thực sự em thấy chán em không nói luôn, và giờ y như là em mặc kệ vậy nhưng bên trong em, em bị đau khổ về họ rất nhiều.

Trong Suốt: Em muốn khuyên một người em phải có hai thứ: Một là em phải có uy tín, nghĩa là em phải đáng tin. Hai là em phải có tình cảm.

Em thuộc loại phe đối địch thì em có đáng tin mấy người ta cũng chẳng nghe, đúng không? Suốt ngày em chửi người ta, em nói đúng mấy người ta có nghe không? Em phải có hai thứ để khuyên bố mẹ, một là em phải có uy tín và hai là phải có mối dây tình cảm. Có những người chỉ có người tình cảm nói người ta mới nghe, có những người thậm chí người uy tín nói người ta không nghe, nhưng người có tình cảm nói người ta sẽ nghe. Nếu em có cả hai thì em mới khuyên được bố mẹ. Còn trước khi em có cả hai cái đấy mà em muốn khuyên được bố mẹ thì vô cùng khó, đúng không? Giống như em bây giờ ấy, có một người không có uy tín đến khuyên em, em có nghe không? Nói cực kỳ đúng nhưng chẳng uy tín gì cả, chẳng biết ông này ông nói phét hay ông nói thật, em có nghe không?

Hoặc là chẳng tình cảm gì cả, ghét nhau mà đến khuyên. Một người em ghét nhất công ty em đến khuyên em một cái gì đấy em có nghe không? Chắc chắn là không. Nên là nếu thực dụng mà nói là em phải xây dựng hai thứ đấy, song song với việc khuyên bố mẹ thì phải xây dựng hai thứ đấy, xây dựng tình cảm và uy tín. Ví dụ, mẹ thì thích tình cảm đúng không? Thì em phải tìm cách mua chuộc tình cảm để cuối cùng là mẹ về phe mình. Em vừa nói thực ra bố em là chính đúng không? Em phải mua chuộc mẹ em bằng tình cảm để dần dần mẹ em nghiêng về phía em. Còn đàn ông, bố cứng đầu hơn đúng không? Tình cảm không thắng được thì đem sự thật ra mà nói.

Hoàng Tâm: Sự thật là như nào ạ?

Trong Suốt: Thiếu gì cách, nhưng em muốn đến đấy em phải làm cái việc kia đã. Đầu tiên là em đã mua chuộc được mẹ chưa đã? Chưa đúng không?

Hoàng Tâm: Em biết là khi mà em có uy tín ở đây ví dụ như em thành công đi, em kiếm được nhiều tiền thì chắc chắn lời nói của em sẽ có trọng lượng, thì khi đó ba mẹ em sẽ dễ nghe hơn.

Trong Suốt: Không cần phải thành công, với kiếm được nhiều tiền. Em chỉ cần cho bố mẹ em thấy em là một người đúng đắn thôi. Cần gì thành công với nhiều tiền. Ví dụ thế này, em nói thế này: “Con chắc chắn với bố là bố xây cái nhà này xong tuổi thọ của bố giảm năm tuổi”. Đúng đắn mà, vì sao? Bố phải đi lo một đống thứ để xây cái nhà đúng không? Là một loại khổ, đúng không? Lo vay nợ đúng không? Trong khi nhà mình không có tiền. Có phải là lo lắng nó làm giảm tuổi thọ không? Có, đúng không? Đúng chưa? “Nhưng mà xây cái nhà này xong bố có uy tín rất là to với cả mọi người, bố phải lo giữ cái uy tín đấy, bố lại giảm tuổi thọ lần thứ hai. Suốt ngày phải lo giữ uy tín mà. Cái ông có nhà to sao đái bậy ngoài đường được! Nhà to thế này không đái bậy rồi, không nói bậy, nên bố suốt ngày phải giữ uy tín cao cao thế này, bố rất là khổ, con thấy rất là thương bố.” Thế thôi, còn bố có nghe không là việc khác. Nhưng ít nhất là đúng.

Người ta nói “Nói phải củ cải cũng nghe”. Chưa cần bố em nghe theo em, nhưng những lời đấy gieo vào tâm hồn bố em rồi bố em sẽ trải nghiệm nó trong cuộc sống và sau một năm, hai năm, bố em thấy: “Ừ, con gái mình mới là đúng.” Như vậy em chỉ cần nói những điều đúng, làm điều đúng thôi không nhất thiết phải bắt bố mình nghe lời.

Em cứ nói đi rồi một hai năm sau bố em sẽ nhận ra, và nếu nói nhiều liên tục thì cái hạt giống em gieo vào bố em nó sẽ sâu sắc hơn. Thế thôi, còn đâu con người học bằng kinh nghiệm, không học bằng lý luận. Tất cả những cái anh nói hôm nay, bạn nào có kinh nghiệm sẽ hiểu, không kinh nghiệm thì phải về trải nghiệm đi mới hiểu. Bố em không thể nào nghe lời em, mà bố em sẽ nghe lời em bằng kinh nghiệm của bố em. Khi mình hiểu như vậy thì mình để không gian, để thời gian cho bố mình trưởng thành. Chưa chắc bố mình đã trưởng thành bằng mình đâu. Em cần cho bố em không gian, thời gian để trưởng thành. Em sẽ là người gieo hạt giống, thế thôi, thế là đủ rồi. Đừng cố gắng kiểm soát cuộc đời bố em. Bố em bao nhiêu tuổi rồi?

Hoàng Tâm: Dạ năm mươi mấy.

Trong Suốt: Năm mấy tuổi nghĩ như vậy, bao nhiêu lâu thì em mới thay đổi được người năm mấy tuổi? Theo em trong thời gian bao lâu? Trong một lời nói được không? Không thể trong một lời nói được, nó là một quá trình dài và cái em cần đầu tiên là kiên nhẫn. Em xác định ngay là bố mình không phải là cái người thay đổi trong ngày một ngày hai được. Mình sẽ kiên nhẫn gieo những hạt giống tốt để dần dần bố mình thay đổi. Và những lời anh vừa nói xong ấy, thì nghe rất khó nghe, giảm năm năm tuổi thọ là rất khó nghe nhưng là những hạt giống cực kỳ tốt để người ta phải nhớ. Em nói lời nhẹ nhàng người ta không nhớ. Em hãy nói những lời để người ta phải nhớ. Rồi cuộc đời người ta, trải nghiệm người ta sẽ dạy người ta bài học. Em chỉ cần nói những lời mà làm người ta phải nhớ thôi, còn phần còn lại là của người ta. Nhưng vì lời nói là đúng nên sớm muộn người ta trải nghiệm được. Mình nói đúng mà, mình nói sai mới sợ chứ nói đúng sợ gì.

Tất cả những cái anh nói ngày hôm nay là đúng thì sớm muộn gì những người ở đây cũng trải nghiệm hết. Thế thôi, em chỉ cần như thế thôi, với một người cứng đầu như bố em thì đừng hy vọng giải quyết ngay lập tức.

Thứ hai là mình chỉ là người gieo hạt thôi còn đâu kinh nghiệm của bố em mới là mặt trời, là ánh sáng để cây sự thật nó lớn lên. Bố em mới là người làm cái cây đó lớn lên, em chỉ là người gieo hạt giống vào đấy thôi, còn bố em sẽ học bằng kinh nghiệm sống, năm năm, mười năm, hai mươi năm đi nữa và em sẽ phải rất kiên nhẫn. Em chỉ cần kiên nhẫn và đúng đắn thôi. Nếu em sai thì đương nhiên không giúp bố em được rồi, đúng không? Nhưng em không kiên nhẫn thì cũng chẳng giúp được bố. Đấy, kiên nhẫn và đúng đắn gieo những hạt giống còn bố sẽ là người làm nó trưởng thành.

Hoàng Tâm: Em có một cái khó khăn đó là thực sự em chán cái cách suy nghĩ của ba mẹ em nên em không tiếp cận họ được và càng lúc em càng rời xa họ ấy. Trước đây em rất là thân thiết với họ.

Trong Suốt: Không được, em không thể khuyên một người mà mình không có tình cảm và uy tín được, lúc nãy anh nói rồi đấy. Nếu em thực sự muốn giúp bố mẹ thì em phải có sợi dây tình cảm với bố mẹ, thế thôi. Em không thể là kẻ thù của bố, khuyên bố, bố không nghe đâu. Em về xây dựng sợi dây tình cảm đi. Em xác định đây là công cuộc của 20 năm, thế cho nó thoải mái, đúng không? Công cuộc 20 năm thì xây dựng tình cảm từ từ, nói từ từ, có khi năm năm sau đổi rồi nhưng em xác định thế đi cho trong lòng mình có sự kiên nhẫn. Tuổi trẻ là hay nóng ruột, đúng không? Nhưng mà tưởng tượng đi, bố năm mươi mấy năm rồi, bảo bố đổi làm sao mà nhanh thế được.

Bố của thầy, để thầy đổi được bố mất mười năm. Thầy không phải là kém đúng không? Vừa có uy tín, vừa có tình cảm, vừa có Phật Pháp, đủ hết chưa? Tất cả công nghệ trong tay có hết. (Mọi người cười) Nhưng mà lúc mình bắt đầu khuyên bố là năm bao nhiêu? Năm 2006 là bố mình đã 70 tuổi rồi. Bây giờ sửa cái người 70 tuổi trong bao lâu? Một năm à? 10 năm đằng đẵng. Bây giờ bố bắt đầu mới niệm Phật, bắt đầu mới thay đổi. Đến thầy mà còn mất 10 năm, em lại đòi bố em đổi ngay, không có đâu. Nhưng mà nhớ hai nguyên tắc, một là uy tín, hai là tình cảm. Hai cái đấy phải nhớ, nếu không em bỏ một trong hai thứ, là bố em chẳng nghe em đâu. Cái đứa chẳng có tình cảm với mình, đến khuyên mình chẳng nghe là cái chắc, đúng chưa? Ít nhất là tình cảm ấy nó không tệ, nó không quá tốt thì đừng để nó quá tệ.

Hoàng Tâm: Em cám ơn Thầy ạ.

Trong Suốt: Rồi.

Minh HiềnCho em có ý kiến với bạn ấy.

Trong Suốt: Được.

Minh Hiền: Thực tế là mình cũng gặp cái trường hợp như bạn nhưng mà không phải với bố mẹ mà là với bạn và đồng nghiệp của mình. Mình cũng nghĩ rằng điều này mới là tốt cho người ta và mình cảm thấy rất khổ sở, khó chịu khi mà người ta không làm theo những điều mà mình cho là tốt. Thì cái thời điểm đấy mình có nói chuyện với đại ca. Đại ca cũng là người tu tập và giới thiệu mình vào đây, thì bảo mình xác định luôn là cả đời họ không thay đổi luôn, chấp nhận một điều là cả đời họ không thay đổi luôn. Vấn đề mình khổ không phải là khổ vì người ta không thay đổi mà mình khổ vì mình muốn người ta giống như ý mình.

Trong Suốt: Đại ca quá hay nhỉ, nghe giống giọng Trong Suốt thế.

Minh Hiền: Đúng là Trong Suốt mà Thầy, mới thi đỗ thôi ạ, bảy năm mới thi đỗ.

Trong Suốt: À thế à? Thi đỗ rồi à? Thảo nào! Nghe đúng giọng của mình. (Mọi người cười) Bảo sao có người nói giống mình thế. Đúng rồi, em bổ sung câu đấy là tốt. Phải chấp nhận rằng bố mẹ mình sẽ không bao giờ thay đổi. Trước khi giúp bố mẹ phải chấp nhận rằng có thể bố mẹ mình chẳng bao giờ thay đổi hết. Đấy.

Minh Hiền: Thì em, em buộc phải chấp nhận là tất cả đồng nghiệp bên cạnh em không thay đổi. Hồi trước em nghĩ là rác hết. Sau khi chấp nhận điều đấy em mới phát hiện ra một điều rất khủng khiếp em không thể chấp nhận được đấy là em rất giống các bạn, rất giống đồng nghiệp của mình, chỉ là những người theo đuổi những thứ khác nhau.

Một người bạn đồng nghiệp của em, em nghĩ là một đứa rất rác rưởi, chỉ thích váy hồng, thích một vài thứ quần áo thôi và em nghĩ con người không thể như thế được. Sau đó em xác nhận em rất là ham muốn có công ty to và em ép mọi người phải theo cái ham muốn của em. Một điều khủng khiếp em phải phát hiện ra đấy là cái công ty em muốn nó to lớn ấy cũng chỉ tương đương với cái váy hồng thôi.

Trong Suốt: Giỏi, tốt! Hoan hô bạn. Minh Hiền thảo nào, hay là tu đi, tên Minh Hiền tu được đấy, em tu đi.

Minh Hiền: Em bị sốc vì chuyện đó. (Trong Suốt cười) Và sau đó em phát hiện ra mình giống mọi người và khi mình giống mọi người thì mình bắt đầu cảm thấy là thương cả mình và thương cả mọi người luôn, thì đấy là nó có tình thương xuất hiện ở trong đấy. Chứ không đời nào mình chấp nhận một cái người như mình rất ham muốn nhiều thứ to lớn mà bằng một cái người chỉ thích một cái váy thì sau đó mới phát hiện hai đứa đều giống nhau cả.

Trong Suốt: Nhà Phật gọi là bám chấp. Ông bám chấp vào cái váy thì chả khác gì bám chấp vào công ty to, đúng chưa? Thậm chí chả khác gì bám chấp vào làm điều tốt luôn. Bằng nhau, về mặt vô minh là bằng nhau. Được, rất tốt. Minh Hiền đúng không? Tên em đại ca nào đặt?

Minh Hiền: Bố mẹ em đặt.

Trong Suốt: À thế chuẩn rồi. “Minh” trong nhà Phật là trí tuệ và giác ngộ. Tu đi! Đời em tu thì em mới khá lên được. Mà đại ca thi trước em thi sau thì chuẩn rồi còn gì nữa, theo chân đại ca là chuẩn rồi. Đại ca có đến đây không?

Minh Hiền: Khổ sở vật vã bảy năm mới thi được.

Trong Suốt: Đại ca của em ở Hà Nội hay ở đây?

Minh Hiền: Ở Hà Nội ạ.

Trong Suốt: Ừ, được. Đại ca ở Hà Nội. Em vào đây sống bao lâu, có lâu không?

Minh Hiền: Em vào công tác chắc khoảng hai, ba tháng gì đấy.

Trong Suốt: Ừ, thế bao giờ ra Hà Nội thi đi.

Minh Hiền: Không biết là thứ hai này được thi luôn ở trong này không?

Trong Suốt: Cũng được, tốt rồi, hoan hô. (Mọi người vỗ tay) Thi nghĩa là gì? Anh có dạy một lớp, tất cả những cái này ấy, nó đến từ trí tuệ nhà Phật thành ra nếu muốn nó sâu sắc phải học cái trí tuệ đấy, anh có dạy cái lớp đấy. Còn thi nghĩa là gì? Vào lớp đấy thì phải thi, thi dễ lắm, thi biết đề trước rồi.

Minh Hiền: À, em xin lỗi chưa kết thúc lại vấn đề đó là bạn thử nghĩ xem bố mẹ bạn chỉ mơ ước một cái nhà rất là to ấy, thì nó có tương đương với việc mình đang mơ ước bố mẹ mình thay đổi hay không? Nhỡ lúc nào mà thấy bằng nhau ấy thì thấy rằng là mình giống bố mẹ lắm, và mình sốc và mình cũng cảm thấy thương bố mẹ vì bố mẹ cũng khổ sở như thế.

Trong Suốt: Được, tốt. Thôi được rồi. Rồi, hôm nay tạm dừng ở đây. Hẹn gặp lại các bạn.

(Mọi người vỗ tay)

Trong Sài Gòn bây giờ bắt đầu hình thành câu lạc bộ rồi các bạn có thể đăng ký tham gia từ bây giờ luôn. Bây giờ có phóng sinh rồi đúng không? Ngoài Trà đàm còn có phóng sinh. Phóng sinh là một nghiệp rất tốt. Lúc nãy mình nói làm nhiều nghiệp tốt và tránh nghiệp xấu đấy. Mọi người rất nên tham gia, một tháng chỉ hai lần thôi vào ngày rằm và ngày mùng một. Có hai điểm, một buổi sáng một buổi tối các bạn có thể lựa chọn để tham gia. Bạn Diệu Thảo sẽ là đầu mối, sau buổi hôm nay có gì liên lạc với thầy cũng là đầu mối này luôn.

Rồi, chúc mọi người sẽ vừa giàu mà lại vừa an lạc. Cảm ơn mọi người.

Lưu ý: Trên đây chưa phải là cách giải quyết tận gốc mọi vấn đề mà bạn đang gặp phải. Nếu bạn muốn tìm đến một con đường hướng tới tu hành Phật Pháp chân chính có cơ hội giúp vượt thoát khổ đau.

Xem thêm: Danh sách file ghi âm và đánh máy : các buổi Trà Đàm Trong Suốt

FB Trà đàm Trong Suốt 

Bài viết liên quan

Khoá học giúp ra quyết định sáng suốt

Nếu bạn bỏ lỡ khoá học này, mình sẽ tiếp tục ra những quyết định...

Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ Tát – Quán Thế Âm – HT THÍCH THANH TỪ

Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời...

Bài thuốc ngâm chân và Văn hóa Đạo Hiếu của Người Dao

Và cái văn hóa đạo hiếu người dao nó có một câu chuyện rất là...

Giới thiệu về CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA

CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA là đơn vị chuyên về các bài...

Giới thiệu về thương hiệu “Cổ Trầm”

Từ thuở Bách Việt bờ cõi mênh mang cho đến Thăng Long ngàn năm thương...

Giới thiệu về Trầm Hương – About Agarwood – cổ trầm

Trầm hương là gì? Sự hình thành trầm hương trong các cây Dó bầu chứ...

Trả lời