Nghe “rủ rê” của một bác sĩ đông y, chúng tôi đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Đồng Nai tắm thuốc chữa bệnh. Đây là cách hai trong một: thư giãn và tiêu trừ mệt mỏi, bệnh tật.

Theo lời của bác sĩ nói trên, Đông y quan niệm: cơ thể con người là một chỉnh thể, bên ngoài và bên trong liên hệ với nhau chặt chẽ qua hệ thống kinh lạc, huyệt đạo, mạch máu… Do vậy, tác động vào bên ngoài (bằng thuốc, xoa bóp –  bấm huyệt…) sẽ điều chỉnh được cả sự rối loạn trong cơ thể.

Háo hức và bất ngờ vì giá rẻ

Đến khu vực tắm thuốc, xông hơi và xoa bóp của Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai mới thấy ở đây lời đồn không ngoa, mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp, các thầy thuốc, nhân viên y tế  đón tiếp “khách hàng” niềm nở. Một vị nói nhỏ: “Ở đây không sợ phải mát xa rồi mát gần nha. Cũng không phải “bo” nữa”.

Đặc biệt, khách còn được kiểm tra sức khỏe trước khi tắm thuốc, trong đó có đo huyết áp vì người bệnh tim mạch không nên sử dụng phương pháp điều trị này.

Chúng tôi vào khu vực tắm thuốc. Ở đây có những cái bồn gỗ chứa khoảng 500 lít nước. Bồn đã được chuẩn bị nước. Một nhân viên y tế lấy bình nước sôi hòa vào bồn, dùng tay thử độ nóng. Sau đó, nhân viên này lấy chai nước thuốc hòa vào bồn. Cứ mỗi bồn là một chai.

DS. Nguyễn Đức Thu (Trưởng khoa Dược) cho biết: “Thuốc tắm chủ yếu là các loại thuốc kháng khuẩn,  khu phong, hoạt huyết,  bổ khí… Cụ thể: xà sàng tử  20g, phòng phong 15g, kinh giới 20g, đảng sâm 15g, quế 10g”.

Nước chuẩn bị xong, khách được nhân viên y tế chuẩn bị cho đồ tắm và hướng dẫn bước vào bồn. Tâm lý vừa thư giãn vừa chữa được bệnh khiến người tắm vô cùng thích thú, mùi dược liệu thơm rất dễ chịu. Đặc biệt là có cảm giác cơ thể nóng ấm hẳn lên, các cơ như giãn ra. Thông thường tắm khoảng 30 – 60 phút là đủ.

Doc Dao Tam Thuoc Ngam Tam Kien Khang

Một bệnh nhân đang tắm thuốc

Điều bất ngờ là cả quá trình tắm thuốc khoảng 1 tiếng đồng hồ, tính cả tiền nước, tiền điện, tiền thuốc, công phục vụ… tất tần tật chỉ 30 ngàn đồng/lượt. Hỏi: “Vậy có bị lỗ không?”. Một nhân viên cho biết đây là mức giá quy định của nhà nước và “không  có lời cũng làm để đạt mục đích điều trị”.

Tương tự, giá các loại xoa bóp – bấm huyệt, xông hơi ở đây cũng vô cùng rẻ chỉ vài ba chục ngàn/lượt. Một bệnh nhân cho biết, bị đau khóp đã lâu, này vừa được các bác sĩ ở đây cho uống thuốc lại vừa tắm thuốc nên sức khỏe dần hồi phục, khớp gần như không đau nữa. Được biết, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân đau khớp, cột sống…, được điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, trong đó có liệu pháp độc đáo là tắm thuốc kể trên, đã cải thiện sức khỏe rõ rệt, nhiều trường hợp khỏi hẳn, bằng chi phí không cao, phù hợp với đại đa số người dân.

Tại sao tắm thuốc lại chữa được bệnh?

BS.CKI. Phạm Văn Long – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai giải thích: “Thuốc thông qua sự tiếp xúc với da sẽ hấp thu vào cơ thể. Liệu pháp tắm thuốc chủ yếu được quyết định ở hiệu quả của thuốc. Thành phần có hiệu quả của thuốc thông qua sự tiếp xúc rộng rãi với da, ngâm tẩm mà thẩm thấu qua biểu bì, được da hấp thu vào trong cơ thể. Da là mô liên kết của rất nhiều mạch máu, tuần hoàn máu linh hoạt có thể nhanh chóng chuyển thành phần có hiệu quả của thuốc đến các vị trí trong cơ thể.

“Nghiên cứu cho thấy, thành phần polysaccharide chứa trong thuốc Đông y còn có tác dụng tăng cường miễn dịch; chất glycoside có thể chống viêm và điều tiết miễn dịch; loại alkaloid thì biểu hiện là có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Do thuốc Đông y có tác dụng điều trị 2 hướng, cho nên thông qua tắm thuốc không chỉ tăng cường chức năng miễn dịch, mà còn có thể khiến chức năng miễn dịch quá cao hạ xuống mức bình thường.

“Trong quá trình tắm thuốc, nhiệt độ của nước khá cao có thể khiến các mao mạch của cơ thể trương phồng ra, tuần hoàn máu nhanh hơn, nâng cao sự chuyển hóa của cơ thể. Và biểu hiện kích thích cơ giới của nước là sự tăng cường vận động hô hấp và chuyển hóa của thể khí. Khi ngâm tắm dùng áp lực thích hợp của nước đè lên mạch máu và ống lympho ở bề mặt cơ thể, có thể khiến lượng thể dịch hồi lưu tăng lên, dẫn đến sự tái phân phối của nước, cho đến tác dụng của sự điều chỉnh sự chuyển hóa ở cục bộ”.

BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ  (giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết thêm: “Theo y học hiện đại khi cơ thể được ngâm nước nóng thì xảy ra các tác dụng sau: mồ hôi tiết ra nhiều, tăng cường sự bài tiết nước tiểu do giãn mạch ngoại vi; nhịp tim tăng lên thông qua sự kích thích các cơ quan thụ cảm ở da làm tăng cường lưu thông máu trong cơ thể; huyết áp giảm, nhịp thở tăng lên; giảm hưng phấn của hệ thần kinh.

“Ngâm thuốc có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hóa, chống viêm, chống stress và điều hòa cơ thể. Đặc biệt, ngâm thuốc giải phóng cho cơ thể khỏi những cơn đau do co gân cơ, cứng khớp”.

Khác với kiểu ngâm thuốc “gia truyền”, ngâm thuốc ở bệnh viện được chú ý về mọi thứ: sức khỏe người ngâm và bệnh tật nếu có ở họ, chất lượng và tác dụng của dược liệu, hiệu quả điều trị nếu tham gia đủ liệu trình theo chỉ định của thầy thuốc…  Thêm vào đó là sự thư giãn, giải tỏa stress sau những ngày làm việc mệt nhọc. Mô hình tắm thuốc ở cơ sở y tế do đó cần được nhân rộng, để tất cả người lao động có thể được áp dụng điều trị.

CHỈ ĐỊNH CHUNG TRONG NGÂM THUốC:
Ngâm thuốc toàn thân:
– Viêm khớp và viêm đa khớp dạng thấp mạn.
– Đau và viêm dây thần kinh mạn.
– Đau lưng, đau dây thần kinh tọa cấp, mạn.
– Đau do co thắt cơ quan tiêu hoá và tiết niệu, sinh dục.
– Sẹo co kéo, mỏm cụt đau.
– Chống stress, an thần, điều trị mất ngủ.
– Giảm béo, giải độc.
Ngâm thuốc cục bộ:
– Bong gân, cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động.
– Chấn thương chi giai đoạn cấp, mạn, sẹo co cứng.
– Đau dây thần kinh.
– Viêm khớp: viêm đa khớp dạng thấp, gút…
– Một số bệnh rối loạn vận mạch.
– Tăng huyết áp, mất ngủ…
– Bệnh ngoài da: viêm da dị ứng, tổ đỉa, nấm, chàm…
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Bài và Ảnh của tác giả Nguyễn Hưng – Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Bài viết liên quan

Bát nhã tâm kinh

Tâm kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn Khi bồ tát Quán Tự Tại hành...

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải(1996)

Đạo Phật lấy giác ngộ làm cội gốc, Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhàrtha) tọa thiền dưới...

Khoá học giúp ra quyết định sáng suốt

Nếu bạn bỏ lỡ khoá học này, mình sẽ tiếp tục ra những quyết định...

Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ Tát – Quán Thế Âm – HT THÍCH THANH TỪ

Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời...

Bài thuốc ngâm chân và Văn hóa Đạo Hiếu của Người Dao

Và cái văn hóa đạo hiếu người dao nó có một câu chuyện rất là...

Giới thiệu về CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA

CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA là đơn vị chuyên về các bài...

Trả lời