Hơn 20 năm sống ở đất Hà Thành có lẽ ấn tượng nhất với mình đó là những hàng cây cổ thụ chạy dọc thành quách xưa cũ (Hoàng Thành Thăng Long và Tứ Trấn,…) những bài hát về Hà Nội của Phú Quang hay Trần Tiến, hay tinh thần “bát phố” trong một bài viết trên VNexpress của nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh người có một bài thơ rất nổi tiếng mà nhiều chùa chiền và nhà thờ có để hai câu mà “quên” ghi tên tác giả:
“Khi mê bùn chỉ là Bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có Sen”
Nhờ sống ở thủ đô ngàn năm văn hiến mà mỗi dịp tết đến xuân về mình lại học được cái thú chơi cây của người Tràng An xưa, để hàng năm ngoài việc về quê mua cho bố mẹ cúng ông bà tổ tiên một cành đào tết thì mình lại tự sắm cho mình một “lão mai“ nhỏ nhắn trên bàn trà, mỗi lần khách tới chơi đốt chút khói trầm phảng phất, và mỗi lần như thế mình lại có thêm cảm hứng sống, cảm hứng viết và nhớ tới bài thơ “Cáo Tật Thị Chúng” của Ngài Mãn Giác Thiền Sư:
“Xuân qua trăm hoa dụng,
Xuân tới trăm hoa cười
Việc trước mắt còn mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.“
Trước kia chưa chưa đi sâu vào Thiền và nghiên cứu Phật pháp mình chỉ có cảm xúc và ấn tượng bởi mai trắng Miền Bắc (còn gọi là hàn mai, nhị độ mai hay nhất chi mai,…) như biểu tượng cho một người quân tử thanh bạch, tinh khôi, biết vươn mình trong sự khắc nghiệt của những cơn gió đông cuộc đời, để “cứ tưởng xuân tàn hoa rụng hết” nhưng trong cái khó khăn nghiệt ngã vẫn tôi rèn và nở những đóa hoa trong trắng tinh khiết cho đời. Khi biết tới Thiền tới Triết lý nhà Phật thì mình mới thêm hiểu ý của Thiền sư nói về cuộc sống sinh diệt của luân hồi cứ đến đi mãi nhưng vẫn còn đó một thứ thường hằng bất biến đó là chân tâm phật tính, là bản thể chân như của mỗi người vậy.
Hè vừa rồi mình có nhân duyên được “tập tu”, nhập hạ tại Nội viện Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt, giữa một “Tùng Lâm” với những gốc thông già cao ngút vươn mình giữa trời xanh mây trắng, lại có những gốc đào già, có những gốc thì gần như chết, chơ cành, có những gốc thì rỗng thân chỉ còn mỗi vỏ và vài nhánh nhỏ,…có lẽ đào Bắc không hợp với các khí hậu nóng lạnh bốn mùa thất thường trong một ngày của Đà Lạt, nhưng mình ấn tượng nhất với những gốc đào rỗng rang như thế, nên sau một lần tọa Thiền buổi sớm mình chợt nẩy ra một ý thơ thiền:
“Gốc đào già, giữa tùng lâm
Thân rộng lặng, lòng mênh mông,
Xuân đã qua, hè lại tới
Giữa nắng vàng, vẫn đơm bông.”
Nó tựa như cuộc đời con người vậy dù trải qua bao cay đắng ngọt bùi đến khi luống tuổi cũng không tránh khỏi quy luật lão bệnh tử, mang trong mình còn nhiều tổn thương, mất mát nhưng vẫn luôn lạc quan tươi vui mang lại những bông hoa đẹp cho đời, tựa như vẫn luôn có mùa xuân trong lòng vậy.
Rồi lại tới những “lão thông” già.
Có lẽ mỗi lần tới Đà Lạt, trong cái không khí se se lạnh, mình cứ ấn tượng nhất với mình là những gốc thông già vươn mình giữa bầu trời trong xanh giữa những áng mây trắng tinh khôi trong những ngày nắng đẹp.
Xa xa kia trong chốn tùng lâm là một cội thông già vững chãi xung quanh thân già được bao bọc một cụ hoa giấy có lẽ cũng không kém phần “cổ thụ” cây quấn bám lên tít tận ngọn cao và những cây tầm gửi mình cũng không rõ tên lá thì to vươn dài tới ngọn có lẽ là phải 20 tới 30 mét, mỗi lần đứng trên thư viện hoặc bảo tháp mình nhìn hệ sinh thái quây quần đó thật đẹp, giản dị mà vẫn rất ấn tượng giữa chốn thiền môn u tịch, nó lại làm mình nhớ tới những vị Thiền sư, nhưng vị cao tăng đã đã già nhưng vẫn là nơi nương tựa cho bao nhiêu những tăng ni, phật tử và người trẻ như mình khi chợt “thức tỉnh” có một đường sáng để đi, để công phu tu luyện cho được “cái tâm trong” ấy, để cho trí ngày một sáng, để thêm hoài bão “yêu thương và tận hiến” nốt quãng thời gian còn hiện diện trên đời như lời của một vị thầy đầu tiên (thanhan) của mình dạy. Hay như vần thơ rất cảm động của anh Đỗ Trọng Khơi khi mình đi cùng Thầy tới thăm anh, mình rất ấn tượng và cứ lắng đọng tâm tư mãi:
“Sung thì chát, gừng thì cay.
Tấm thân nhang khói một ngày thắp lên”
Hôm rồi có nghiên cứu về Ngài Minh Châu Hương Hải Thiền sư người đã có công khôi phục Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đời Trần ở thế kỷ 18, với mình Ngài cũng là một vị cao tăng đắc đạo, đọc đến vần thơ thể hiện tinh thần VÔ TÂM, VÔ TRỤ của nhà Thiền:
“Nhạn bay ngang trời
Bóng chìm đầm lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý lưu giữ bóng hình”.
Đó cũng chính là tinh thần “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang mà ngài Lục tổ Huệ Năng vừa nghe đã chợt ngộ để phát tâm từ biệt mẹ già lên đường tìm Đạo.
Sư ông Trúc Lâm – Trưởng lão Hòa Thượng – Thiền sư Thích Thanh Từ cũng đã có những phút giây như thế trong bài thơ Mộng rất ý nghĩa:
“Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng”
Nhưng vừa rồi đọc được cuốn của Thầy Nguyễn Thế Đăng về Ngài “Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Đời và Đạo không hai” mình lại chợt nghĩ nếu đã hiểu được lẽ vô thường của cuộc đời, biết được cuộc đời là mộng rồi thì tại sao ta không sống với tinh thân VÔ NGÃ VỊ THA trong cái mộng huyễn ấy. Để rồi cũng như tinh thần của nhà thiền “lấy huyễn để độ huyễn” hay như Sư Ông Trúc Lâm thỉnh thoảng có “nhắn khách mộng” là thôi thì đằng nào cũng mộng thì hãy “mộng vui” vậy.
Như thế thì thiết nghĩ chẳng cứ phải đợi đến tết đến xuân về mới vui, mà mỗi phút giây mình sống lúc nào cũng có “chúa xuân” trong lòng như lời dạy của Ngài Phật Hoàng Trần Nhân Tông vậy:
“Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng. “
Và để kết thúc bài xin trích lại bài thơ Cuộc đời qua mắt tôi” mà mình cũng rất thích của HT Thích Thanh Từ:
Chiếc thân tứ đại khói
Sinh hoạt thế gian mây
Thành công khối nước đá,
Thất bại chùm ngọt tan
Nhục vinh bong bóng nước,
Thương ghét hạt sương mai
Khổ vui trong giấc mộng
Danh lợi bóng chim bay.
Tháng ngày cái chớp mắt,
Còn mất nước trăng lay.
Chung cuộc cơn gió thoảng
Viên mãn bầu trời trong
Chúc quý vị đạo hữu có một cái tết an vui, một mùa xuân “trong lòng” luôn ấm áp, tươi tắn và đầy tình yêu thương với cuộc đời.
Pháp Định – Trúc Phổ Tỉnh
Thiền Viện Trúc Lâm Chính Pháp Tuyên Quang
Bài viết liên quan
Chuyện khởi nghiệp xuất bản của ‘đầu tàu’ một công ty sách trẻ
Đứng trước những khó khăn, thách thức do nhiều yếu tố thời đại mang lại,...
Th3
Nếu có lúc
Nếu có lúc bạn thấy lòng trống trải Nên hiểu rằng đó là lẽ tự...
Th3
Đơn thuốc đau răng của bạn – Bs. Lê Tráng
Thật may mắn và hạnh phúc khi có những người bạn học cũ, mỗi người...
Th3
Ý nghĩa Khóa tu Bát Quan Trai Giới 1 ngày 1 đêm
Bát quan trai giới là một phép tu hành của người tại gia áp dụng...
Th3
VỀ HƯƠNG VÂN CÁI BỒ TÁT – Đạo Sa Môn
Phật Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát sống cách chúng ta 5.000 năm. Thời gian...
Th3
BÍ ẨN VỀ BỒ TÁT MINH VƯƠNG: VỊ CHÚA NGUYỄN THAY ĐỔI LỊCH SỬ VIỆT NAM
Bạn có bao giừo tự hỏi? Từ một quốc gia nhỏ bé ở vùng Bắc...
Th3