Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp nằm trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Đây là một trong những thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam do Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ khôi phục lại từ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được Phật hoàng Trần Nhân Tông thành lập vào đầu thế kỷ 14.
Thiền viện tiến hành đặt viên đá đầu tiên vào năm 2013, nhưng mãi đến năm 2019 mới được chính thức xây dựng. Nơi đây, trước kia là bãi tập kết sỉ quặng của các đơn vị khai thác mỏ. Sau bao năm tháng miệt mài lao động của tăng ni và Phật tử cùng với sự ủng hộ của chính quyền các cấp, giờ đây khu đất hoang phế ngày nào đang trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với Phật tử và du khách gần xa đến tu tập và chiêm bái.
Với diện tích khuôn viên hiện tại là 3,6 ha, thiền viện đã tiến hành xây dựng 2 hạng mục chính. Hạng mục quan trọng nhất chính là Tòa tam bảo. Tòa tam bảo là nơi thờ Phật, chư Tổ và Chư vị tăng ni có những đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là nơi lưu giữ Tam tạng kinh điển nói chung và những tác phẩm thiền học thời Trần do Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ thu thập và biên dịch. Tòa Tam bảo cũng là nơi sinh hoạt và tu học của tăng ni và Phật tử.
Điểm nhấn của Tòa Tam bảo chính là Tượng Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu tọa lạc phía trên cùng. Hạng mục chính thứ 2 là Cổng tam quan. Cổng Tam quan của Thiền viện được thiết kế dựa trên hình ảnh Tháp Huệ Quang, nơi thờ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Cổng Tam quan như nhắc cho những ai đến thiền viện chiêm bái nhớ về chốn tổ Yên Tử.
Một ngày ở Thiền viện bắt đầu vào lúc 3 giờ sáng. Sau 3 hồi chuông thức chúng, Chư Tăng Ni và Phật tử tại thiền viện thức dậy để chuẩn bị tọa thiền. Giờ tọa thiền buổi sáng bắt đầu vào lúc 3 giờ 30 và kết thúc vào lúc 5 giờ. Sau khi xả thiền xong, mọi người thư giản trong giây lát và chuẩn bị cho giờ tiểu thực. Giờ tiểu thực bắt đầu vào lúc 5 giờ 30. Sau khi tiểu thực xong, mọi người chuẩn bị lao tác. Lao tác ở thiền viện giúp cho thiền sinh được vận động để máu huyết lưu thông và đòi hỏi thiền sinh phải công phu trong khi làm việc. Giờ lao tác thường chỉ kéo dài trong vòng khoảng 3 giờ đồng hồ.
Sau giờ lao tác, thiền sinh có khoảng 45 phút nghỉ ngơi. Sau đó là giờ thọ trai. Đây là bữa ăn chính trong ngày ở thiền viện. Cũng giống như giờ tiểu thực và giờ lao tác, thiền sinh cũng phải dụng công tu tập, ăn trong chánh niệm.
Sau giờ thọ trai, thiền sinh có khoảng 1,5 giờ để nghỉ ngơi. Sau giờ nghỉ ngơi, thiền sinh có thể học Phật pháp hoặc lao tác. Thời khóa tiếp theo trong ngày là sám hối. Sau khi sám hối xong, thiền sinh chuẩn bị cho thời khóa cuối cùng trong ngày, tọa thiền. Giờ tọa thiền tối bắt đầu vào lúc 7 giờ 00 và kết thúc vào lúc 8 giờ 30. Sau thời thiền tối, thiền sinh có thể đọc sách hoặc học tập cho đến 10 giờ. Khi 3 tiếng chuông báo giờ chỉ tịnh, thiền sinh đi ngủ để chuẩn bị cho thời thiền sáng hôm sau. Thời khóa biểu sinh hoạt ở thiền viện khép kín như thế để giúp cho thiền sinh luôn thúc liễm thân tâm, không buông lung trong tu tập.
Trở lại với dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đó là một dòng thiền nhập thế tích cực. Ông tổ sáng lập ra nó không chỉ tu cho mình mà còn quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội. Chẳng hạn như, năm 1304, Ngài đã xuống núi đi khắp nơi để dạy người dân thực hành Thập thiện. Tiếp nối truyền thống đó, Tăng Ni tại Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp ngoài việc tu tập cũng hướng dẫn cho Phật tử tu học.
Bên cạnh đó, để góp phần cùng với xã hội giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, Thiền viện thường xuyên tổ chức những khóa tu mùa hè dành cho TTN. Đến với các khóa tu, TTN được học những bài học đạo đức từ giáo lý Phật Đà, được hướng dẫn hành thiền và được vui chơi sau những ngày học tập căng thẳng.
Thiền viện ngày nay không phải như những gì đã ăn sâu trong tiềm thức của một số người là nơi chỉ dành cho người già. Thực sự nó là một nơi dành cho tất cả mọi người.
Nguồn: FanPage: Thiền Viện Trúc Lâm Chính Pháp Tuyên Quang
Bài viết liên quan
CÁI GIÀ Ở SẴN TRONG TRẺ .
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ. Một hôm Phật đi khất thực trong thành...
Th11
Mohamed Aziz – Người bán sách được chụp ảnh nhiều nhất thế giới
Đây là Mohamed Aziz, 72 tuổi, người bán sách được chụp ảnh nhiều nhất thế...
Th11
Một vĩ nhân
Người đàn ông này không phải là một kẻ ăn xin hay một kẻ lang...
Th11
Thiền Sư Minh Chánh và bài thơ nổi tiếng
Không nói ngắn chẳng nói dài,Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai.Tìm hay, lại hóa...
Th11
“Công danh cái thế màn sương sớm,…” Thiền Sư Minh Chánh
Giảng tại chùa Phổ Đà TP Hồ Chí Minh – Mùa an cư 2001 Hôm...
Th11
TIẾNG GỌI THẦY TỪ PHƯƠNG XA
Khốn khổ thay! Chúng sinh như con với ác nghiệp và ác hạnh, Ðã trôi...
Th11