Ở Việt Nam, trà là thứ không thể thiếu từ xưa trong mỗi nếp nhà. Uống trà cùng bằng hữu bên mái hiên thì không gì sánh bằng, có cúc vàng bên dậu, có mướp nở trên giàn, có sao thưa sáng tỏ, có ngõ nhỏ xôn xao, có ao nhà hương ngát, có vằng vặc trăng soi… để ngâm vịnh mấy câu ca, trao nhau ân tình bên chén trà toả hương sen; hương sói; hương nhài thì thật là tiên cảnh.
Trà uống để tiêu khiển, để hưởng nhàn thường nhật, để lòng mình lắng lại những suy tư, chiêm nghiệm cuộc đời, sống chậm để sống sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn trong khi dòng đời đang hối hả, không những thế, trà còn dùng trong việc ngoại giao, tế lễ, cúng tổ tiên, cúng Phật.
Viên Chiêu, thiền sư đời Lý Nhân Tông đã từng viết:
Tiễn chân ai bước đường xa
Miệng cười đưa một bình trà
tặng nhau
Trà là hình ảnh quen thuộc như cây đa đầu làng, con đò bến sông, trà không thể thiếu trong sinh hoạt, dù đời sống hiện đại có nhiều thức uống nhưng không thể thiếu quán chè xanh bên đường. Trà trở thành nếp sống văn hóa, đã đi vào lòng dân tộc. Các cụ ngoài Bắc uống trà và ngâm mấy câu thơ:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà liên tử ngâm nôm
Thúy Kiều
Thi nhân uống trà để cảm thương cho số phận người kỹ nữ trong “Tỳ bà hành” – tiếng đàn trên sông của Bạch Cư Dị:
Khách trọng lợi, kinh đường
ly cách
Mải buôn trà sớm tếch ngàn khơi
Thuyền không đậu bến mặc ai
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi
lạnh lùng
(bản dịch của Phan Huy Thực)
Trà là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ. Trà đã góp cho truyện ngắn “Chén trà trong sương sớm” của nhà văn Nguyễn Tuân một thành công lớn. Trà cũng là để cho thi nhân gửi ý, trao tâm:
Tình ngàn năm vẫn thế
Chỉ có oán hận sầu
Trà ngàn năm vẫn thế
Bát ngát mùi bể dâu.
Thiên hạ ví hoa với mỹ nhân đã nhiều, ông Tú làng Vị Xuyên lại gián tiếp ví trà với mỹ nhân. Mỹ nhân hơn trà chỗ biết nói, trà hơn mỹ nhân ở chỗ biết toả hương, ngọt giọng, mềm môi, lắng đọng lòng người… thật khó mà phân định nặng nhẹ, nhưng giống nhau ở chỗ được nâng niu, trân trọng, cảm nhận và thưởng thức… Nâng chén trà, ít ai uống vội vàng, uống một hơi như người cày đồng về nhà, khát nước, “kéo gáo” bên chum nước mưa, mà thường uống khoan thai, chậm rãi để lắng nghe hương vị của trà: Trà có vị đậm đà? Có hương thơm? Trà lài hay trà sen? Trà ngâu hay trà sói? Trà Lâm Đồng hay trà Bắc Thái? Mạn Hảo hay Ô long… Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đi tìm cái thú thanh cao không kém trong một “Áng hương trà”:
“Hương biếc tràn quanh nắp
đậy hờ
Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ
Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm
Ai biết mình sen rụng xác xơ”…
(Qua áng hương trà)
Nhà thơ Quách Tấn tiễn bạn ra đi:
“Hương trà chưa cạn chén
hàn ôn
Thuyền đã buông theo tiếng
sóng dồn
Ngắm vợi mây thu ùn
mặt biển
Gác chuông thành cổ đọng
hoàng hôn”.
Vần thơ khiến người trong cuộc bịn rịn tấc lòng, không muốn chia tay nhau. Còn uống chén trà trong sương sớm (Bình minh sở trảm trà) lại là cái thú của người dậy sớm, tận hưởng vẻ đẹp rực rỡ của một buổi bình minh. Uống trà cũng như uống rượu, ít khi người ta chịu uống một mình (độc ẩm). Mà dẫu có độc ẩm thì cũng tìm bạn nơi chính mình (là hai), với vầng trăng tình tứ nữa (là ba). Trong mỗi cuộc trà, tùy theo số người “đối ẩm” mà có tên gọi khác nhau: “Song ẩm” (hai người, có chén tống, chén quân) “tam, tứ ẩm” hay “quần ẩm” (ba, bốn người…).
Các làng quê miền Trung người ta cũng trồng trà, hái trà non một tim hai lá trong sương sớm, bứt nụ trà để biến chế dành cho ngày tết. Các khu vườn, cây trà cao ngang tầm người, thường gọi cây chè, lá dày lớn màu xanh đậm và láng, trổ hoa 5 cánh trắng, nhỏ bằng cúc áo, khi nở, nhụy vàng thơm nhè nhẹ. Ngày hè, ven đường quốc lộ thường có quán nước chè xanh, chè nấu trong nồi đất, múc bằng chiếc gáo dừa, ánh vàng sóng sánh thoảng hương thơm, ngọt chát. Nâng chiếc bát chiết yêu uống từng hớp nhỏ, ngọt ngào tình đất, rưng rưng tình người. Dừng chân bên quán nước, người lính trẻ Quang Dũng uống bát trà xanh nóng làm vơi cơn khát, dịu bớt nhọc nhằn. Tiếp tục hành quân lên đường, nhưng vẫn còn vướng đọng bóng giai nhân:
Tiền nước trả em rồi nắng gắt
Đường xa choáng váng núi và mây
Hồn lính vấn vương vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay
(Quang Dũng )
Trà đã đưa nhà thơ Tùy Anh trong những ngày viễn xứ, trở về với nếp sống Cố đô Huế bên bóng dáng mẹ hìền, bát nước chè xanh đầy hương vị quê hương, với tình mẫu tử thiêng liêng cao như trời, rộng như biển, không thể phai mờ trong khung trời kỷ niệm !
Bát nước chè xanh
Mẹ dành cho mỗi sáng
Con thường uống cạn
trước khi đến trường…
Con đã xa khung trời kỷ niệm
mỗi lần nhớ bát nước chè xanh
Nhớ về mẹ có đôi mắt trìu mến
Vẫn còn in trong bát nước
long lanh…
(Tùy Anh )
Xuân về trong ba ngày tết, nâng tách trà nhớ lại xuân xưa, bên quê nhà với muôn vàn kỷ niệm, chắp cánh dư âm từ tiềm thức trở về chốn cũ quá vãng, mãi còn ngân vang trong lòng người viễn xứ, uống trà đàm đạo để sống lại với hồn quê hương sông núi. Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, lại ung dung tự tại, cuộc đời nhàn hạ vui thú với gió trăng:
Khi vườn sau, khi sân trước
Khi điếu thuốc, khi miếng trầu
Khi trà chuyên năm ba chén
Khi Kiều lẩy một đôi câu.
Đại văn hào Nguyễn Du thưởng thức trà với tâm sự:
Khi hương sớm lúc trà trưa
Bàn lan điểm nước đường tơ
họa đàm
Các nhà Nho, dù có một cuộc sống đơn giản mấy đi chăng nữa, vẫn không thể thiếu trà trong cuộc sống thường nhật. Trà giúp các nhà Nho có thêm chất liệu cho cuộc sống tinh thần, làm lòng mình thêm lắng dịu, bù đắp giá trị tinh thần cho nếp sống thanh đạm:
Mai sớm một tuần trà.
Canh khuya dăm chén rượu
Mỗi ngày mỗi được thế
Thầy thuốc xa nhà ta …
Lê Quý ÐĐôn quan niệm về nghệ thuật uống trà “Một chén lòng sạch bong, hai chén lòng phơi phới, đến chén thứ bảy thì dưới hai cánh tay như có cánh thổi lên làn gió mơ màng..”. Có người cho rằng uống như vậy thì hơi nhiều, nhưng chén trà của các cụ là chén mắt trâu, chén hạt mít. Uống trà là một thú vui tao nhã, ý nghĩa thật mênh mông, tâm hồn thăng hoa đến bất tận.
Nhấp ngụm trà thơm khà một tiếng
Trăng vàng rớt xuống đáy
ly nghiêng
Quỳnh hoa hương ngát đầy
cõi mộng
Có phải ta vừa lạc chốn tiên …
Người ta có thể uống trà một cách im lặng và nhiều khi sự im lặng đó ẩn chứa nhiều điều. Trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác.
Trong sự gấp gáp nhịp sống đô thị hôm nay mấy ai uống trà cầu kỳ, nghiêm cẩn như pha trà bằng nước mưa, nước giếng mà Nguyễn Tuân đã miêu tả? Ai đi thuyền hứng nước lòng lá sen, ủ trà trong từng bông búp sen chưa nở? Ai mỗi sáng đun nước bằng than hoa, tiểu đồng hầu trà, chỉ vài ba chén mắt trâu thay cho bữa sáng? Tìm được một nơi thanh tịnh, bỏ lại phía sau bao ưu phiền, nhọc nhằn, toan tính để thưởng ngoạn chén trà cùng tâm tình “trà tam rượu tứ” kể không phải dễ… Có còn không một phòng thưởng thức trà mà khi bước qua cửa, ẩm khách “lội” qua dòng nước, “dẫm” qua hàng sỏi để gột rửa, giũ sạch bụi trần dư tạp để bước vào không gian trầm mặc của trà thất mà cứ ngỡ lạc vào “cửa thiền”?
Nhẹ nâng một chén trà Thiền
Bình tâm nhìn khói ưu phiền
thoảng bay
Cuộc đời – một giấc mộng say
Trăm năm nhìn lại… Mới hay…
Vô thường !
(Thiền trà – Thiện Hùng)
Trà là tri âm, tri kỷ: Ta-hương trà-bóng trăng nữa là ba. Nhưng cũng có khi trà mang đến cho ta tình huynh đệ giữa những người cùng sở thích, âu đó cũng là một hạnh phúc:
Cứ ngỡ trọn đời chỉ mình ta
Cô liêu quạnh bóng giữa
hương trà
Đâu ngờ men đắng đưa người đến
Huynh đệ sum vầy một tiếng ca
(Tri âm trà )
Cũng có khi không cần phải tìm kiếm đâu xa những tri âm hay tri kỷ. Người hiểu ta, thương ta, lo lắng cho ta như là mẹ, bao dung như là chị, nũng nịu với ta như là em gái, người mà bình đẳng với ta trong mọi lo toan gánh nặng cuộc đời , hành trình trọn kiếp, người mà xa thì ta nhớ mong, gần thì ta hờn giận… đó là vợ ta vậy. Tác giả Tràm Cà Mau đã cho ta cảm nhận một buổi trà ban mai như vậy:
Cùng em nâng chén trà hương
Khi ngày mới chớm khói sương
mịt mờ
Trăm năm thu ngắn một giờ
An vui hạnh phúc bên bờ thần tiên
Thơ ca về trà đã nhiều, thơ về trà cụ (dụng cụ pha trà) cũng không kém phần phong phú: ”nhất thuỷ nhì trà tam pha tứ ấm” Thái Bá Tân có những câu thơ thế này:
Để uống trà thơm bên gốc bách
Rửa chén hàng ngày trong
suối tiên.
Là người sành uống trà, chắc ai cũng từng nghe nói:
Thứ nhất Thế Đức gan gà
Thứ nhì Lưu Bội thứ ba
Mạnh Thần
Thế Đức, Lưu Bội và Mạnh Thần là 3 loại ấm pha trà làm bằng đất Tử sa, ngoài ra màu ấm và khay ấm phải là “ấm da tru, khay gỗ gụ”.
Chỉ là một chén trà thôi mà biết bao triết lý nhân gian lắng đọng: Trà kinh-Trà luận-Trà đạo-Trà thiền… để rồi chúng ta lại có dịp thưởng thức những thi phẩm bất hủ, triết lý nhân gian qua mỗi chén trà.
Bài viết liên quan
Ý niệm về tiền – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
TIỀN, TRÍ TUỆ và SỰ BÌNH AN. Đợt này em tập trung không dùng điện...
Th10
KHÓA TU “TÌM LẠI CHÍNH MÌNH” CHO THẾ HỆ TRẺ
CHƯƠNG TRÌNH TRẢI NGHIỆM DÀNH CHO GIỚI TRẺ Chủ đề: TÌM LẠI CHÍNH MÌNH Thời...
Th10
KHÓA TU “NGÀY THU AN LẠC” và XUẤT GIA GIEO DUYÊN
*** Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Được sự cho phép của...
Th9
ĐI ĐỂ TRỞ VỀ!
* Ai đang sống nơi đây, phút giây phút giây ngày tháng? Muôn chim thú...
Th1
[ TIÊU CHÍ THỰC HIỆN ] Các chương trình của Clb An Lạc
Để đảm bảo cho Clb An Lạc hoạt động đúng định hướng xuyên suốt của...
Th1
ĐI ĐỂ TRỞ VỀ…kỳ 3 – Phần III – LINH THIÊNG ĐỀN BÁC và HÀNH TRÌNH NHẶT RÁC TỪ TÂM
Hành trình Đi để trở về Ba Vì Dời khỏi nhà sàn, cả đoàn cùng...
Th1