Trong chương trước tôi đã giới thiệu cốt lõi của Thiền là năng lượng. Chương sau tôi sẽ trình bày các bài tập để giải quyết những vướng mắc cụ thể về năng lượng. Riêng chương này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tại sao lại chọn Tình thương như một con đường.

Ở đây tình thương là khái niệm khó có thể định danh. Trong nhận thức của mỗi người, ai cũng từng mủi lòng trước những người đang gặp nghịch cảnh. Đôi khi ta cũng tự than thân. Nhưng đó chưa phải là tình thương.

Trong tình yêu đôi lứa, ta thương yêu và cũng được thương yêu. Đó vẫn chỉ là minh họa cho một khía cạnh của tình thương mà thôi…

Trong gia đình, tình cảm giữa những người thân yêu với nhau cũng rất đáng trân trọng. Nhưng tình cảm đó vẫn giới hạn trong những người ruột thịt, vì thế vẫn mang tính ích kỷ…

Tình thương thì khác thế! Đó là tình cảm siêu việt, không bị giới hạn và không hề phân biệt.

Thật vậy! Tình thương không giới hạn trong gia đình. Giống như người thầy thuốc tâm huyết đầy lương tri, cảm thông với người bệnh. Đau cái đau của người, lo cái lo của người. Tình thương không phân biệt đối tượng được thương yêu với chủ thể. Không thấy được người được thương. Không thấy ta đang thương người.

Thế nên khi thấy người gặp nghịch cảnh mà ta động lòng thương hại thì chưa phải là tình thương. Đồng thời với lòng trắc ẩn trong tâm thức ta đang tràn ngập sự cảm thông và nhu cầu được chia sẻ sâu sắc.

Sự đồng cảm đó mạnh mẽ và sâu sắc đến nỗi ta biết đối tượng đang cần ta giúp cái gì và như thế nào. Còn đối tượng thì bình yên ngay trở lại sau đó.

Tình cảm trong tình yêu lứa đôi thì cũng có tính cảm thông mạnh mẽ vào sâu sắc. Nhưng trong tình yêu vẫn tồn tại sự kiện trao đổi năng lượng: cho – nhận. Hoặc ích kỷ – nhận năng lượng về mình; hoặc là dâng hiến – trao năng lượng cho bạn.

Tình thương thì không vậy. Hài hòa, uyển chuyển! Không phân biệt người cho, kẻ nhận. Không ích kỷ, không dâng hiến!

Khi yêu nhau, người ta tạo nên những kênh dẫn năng lượng. Đó là hệ thống phức tạp gồm những kỷ niệm, những ước mơ chung.v.v… Các kênh dẫn này được nối bằng hệ thống ngôn ngữ như ký hiệu, tín hiệu hoặc ánh mắt riêng giữa đôi tình nhân.

Tình thương đến với nhau không cần kênh dẫn cũng không cần ngôn ngữ. Ngay cả từ “đến”, từ “cảm nhận” đã làm cho tình thương trở nên hữu hạn. ( Thật đáng tiếc! Nhưng đó là bởi vì chúng ta đang lạm dùng ngôn ngữ để diễn đạt tình thương).

Tình cảm đạt được trong quan hệ mẹ – con, bố – con cũng rất thiêng liêng. Nhưng chưa đạt tới tình thương vì có sự ngộ nhận trong đó.

Xưa nay ai cũng giáo dục con cái phải biết ơn ông bà tổ tiên và bố mẹ đã sinh, thành, dưỡng, giáo nên con trẻ.

Không thấy ai nói lời biết ơn con trẻ đã dạy cho ta biết tình phụ – tử, mẫu – tử ngọt ngào.

Không có chúng thì không có đâu tiếng cười hồn nhiên quét sạch những bụi cáu suy tư trên khuôn mặt già.

Trẻ em là nguồn năng lượng thanh sạch nhất chữa được bách bệnh cho người già (và người lớn nói chung).

Sự khốn khó qua bao thế hệ khiến cho chúng ta mắc bệnh kính trọng vật chất. Không đánh giá đúng các giá trị tinh thần to lớn mà trẻ em hào phóng ban cho.

Hãy biết ơn con trẻ dạy cho ta biết yêu thương! Đừng biến con trẻ thành dụng cụ phóng chiếu bản ngã của mình.

Hỡi ôi! Vô Vọng!

Khi sinh con, ai ai cũng gửi gắm vào con ngàn điều ước vọng. Mong con thành đạt hơn người để rạng danh ông bà, cha mẹ. Mỗi lần khoe khoang thành công của con là mỗi lần bản ngã của ta phì đại ra. Mỗi lần thất bại của con, ta giấu giếm để che chắn cho bản ngã của chính mình mà không bị thương tổn.

Nhân danh tình cảm ích kỷ này ta gò ép con trẻ phải học hành, ăn mặc và cư xử theo những lề luật mà ta cho là đúng.

Nhân danh tình thương, ta áp đặt con trẻ theo các giá trị bản ngã của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận công lao dạy dỗ của mẹ cha. Nhưng trong quá trình giáo dưỡng, xin các bậc phụ huynh đừng áp đặt chúng. Cần nâng niu, trân trọng, cảm thông và biết ơn con trẻ.

Giữ cho chúng được hồn nhiên!

Khi gần con trẻ ta nên biết ơn chúng. Đồng thời tôn trọng và cảm thông với các thiên thần tí hon.

Thế là ta đã ở gần khái niệm tình thương lắm rồi.

Tình thương đích thực siêu việt hơn tình cảm đơn thuần.

Tình thương không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, không phân biệt đối xử và vô ngã (1).

Vì vậy tình thương là con đường hoàn hảo để nối liền ta với người. Tình thương là phương pháp cao cả nhất giúp ta nhận thức thế giới. Qua đó ta đạt được tâm thức Vũ Trụ . Đặc điểm của tâm thức này là: sự biết ơn và chia sẻ.

Thông qua tình thương, ta hòa nhập cuộc đời trọn vẹn.

Thông qua tình thương, ta làm chủ được mọi cảm xúc.

Khi đó ta vui, ta buồn, ta phẫn nộ và yêu thương… hồn nhiên như trẻ con.

Tình thương chính là con đường!

Hãy hòa nhập vào dòng yêu thương.

[1] Vô Ngã: Thuật ngữ Phật giáo, ý chỉ mọi sự vật đều không có thực thể tồn tại độc lập.

Trích Chương III – Thiền Năng Lượng Sách “Ba trụ cột Thiền năng lượng” của Bác sỹ Đông Y Đoàn Hải An

Bài viết liên quan

10 điều răn dưỡng sinh – Hải Thượng Lãn Ông

Vệ sinh phép giữ thân mình Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là Mười...

Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn thiền căn bản

Bạn phải không được suy nghĩ quá nhiều. Nếu suy nghĩ, bạn phải suy nghĩ...

Xuân

Lũ mục đồng xua Xuân về lối cũ Phía núi xa ráng quái nuốt tầng...

PHẬT PHÁP TRỊ TẬN GỐC TÂM BỆNH

Lần này cũng như các lần trước, đoàn bác sĩ lên thăm bệnh cho Tăng...

Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN

Cuộc đời tôn giả MỤC KIỀN LIÊN Tác giả: HELLMUTH HECKER Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU Lời nói...

Thuyết luân hồi

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh...

Trả lời