Thông tin Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch, khiến Tăng Ni và Phật tử trên khắp đất nước cùng dâng tràn niềm xúc động tiếc thương vô hạn đối với bậc đại thạch trụ tòng lâm của Phật giáo nước nhà.

Tâm tưởng của hàng chục triệu Tăng Ni, Phật tử và nhân dân đang hướng về Tổ đình Viên Minh (Phú Xuyên, Hà Nội), nhất tâm niệm Phật tưởng niệm ngài. Báo Giác Ngộ ghi nhanh cảm xúc của một số Tăng Ni, Phật tử trong những ngày diễn ra tang lễ của Đại lão Hòa thượng.

Đại đức Thích Đồng Hòa(Chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP. HCM):

Vào tháng 9 năm 2020 chúng tôi được Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho phép đi ra Hà Nội làm thị giả Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (chúng tôi không gọi Ngài “Pháp chủ” vì ngài không muốn như thế). Lúc mới đến nơi, ban đầu chúng tôi hơi lo lắng vì làm thị giả cho bậc chân tu, đứng đầu GHPGVN. Tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên trong chúng tôi là thấy Ngài thật sự sống rất giản dị, mộc mạc. Ngài rất từ bi nên chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi không còn cảm giác lo lắng nữa. Lần đầu được chiêm bái Ngài, chúng tôi thấy Ngài cười khi đệ tử Ngài giới thiệu chúng tôi, và từ đó trong suốt thời gian gần Ngài chúng tôi luôn cảm thấy rất an lạc và rất may mắn vì được nghe nhưng lời dạy của Ngài, được ngồi niệm Phật trong đạo tràng ở đó Ngài đã hiện diện… Có một điều làm chúng tôi ngại, đó là mỗi khi Ngài xưng hô “con” và gọi chúng tôi là “thầy” hoặc “đại đức”… Dù biết vô thường nhưng Ngài không còn trụ thế, đây là mất mát rất lớn đối với GHPGVN, Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước và cả những người không theo đạo Phật.

Phật tử Bùi Thị Dung Huyền(Pháp danh Diệu An, sinh năm 1971, Hà Nội):

Gần một năm nay dù biết Cụ Pháp chủ đang dưỡng sức tại Bệnh viện Vinmec, nhưng tháng nào chúng tôi vẫn về chùa Giáng như là để xin hưởng chút năng lượng từ Cụ! Hôm qua đã nghe tin không lành và sớm nay ngủ dậy nhận được tin nhắn trong Group Pháp Hội Viên Minh, rằng Đức Pháp chủ đã viên tịch sáng ngày 21-10-2021. Thế là vị Sư mà tôi hằng kính quý nhất đã rời thế!

Còn nhớ từ khi 2 con của tôi còn nhỏ, đưa chúng về thăm chùa Giáng, được Cụ Pháp chủ xoa đầu ban phúc, được ăn những bữa cơm chùa với rau dưa trồng trong chùa. Tôi xin “chữ” của Cụ. Cụ bảo muốn đẹp thì đi tìm giấy điều về Cụ viết cho. Vâng lời, tôi nhờ sư huynh tôi qua Viện Hán Nôm để mua tờ giấy sợi vàng sợi bạc- ngày xưa thường dùng để viết sắc phong.

Mùng 5-9-2009 chúng tôi về chùa, Cụ hỏi xin chữ gì? Tôi ấp úng: Dạ, Cụ Tổ cho con chữ gì thì con xin chữ đó ạ. Cụ Tổ nghĩ một thoáng rồi nói: Con có 2 con trai, vậy cho chữ: “Tích Thụ Kim Hoa” nhé? Rồi Cụ giải nghĩa, tôi nhớ nôm na là “Trồng cây Phúc đức thì nở hoa”. Cụ viết chữ xong, còn ký chữ “Tuệ”, viết thêm chữ “Vĩnh” và đóng dấu triện vào. Với tôi, đó là một bức thi pháp tuyệt vời nhất mà tôi có được. Tôi đem Chữ của Cụ Tổ về, đặt đóng khung thật đẹp và treo đối diện với 3 ngài Tây Phương Tam Thánh ở nhà.

Tôi không bao giờ quên hình ảnh Cụ Tổ ngồi cầm liềm đẽo từng viên gạch để tận dụng khi xây lại Tam bảo. Không bao giờ quên có lần giữa trưa nắng to về chùa mà thấy Cụ Tổ cứ đứng ở chỗ công nhân đang múc ao, Sư ông Vịnh ra giục, Cụ vẫn không vào. Tôi hỏi Cụ: Sao nắng vậy mà Cụ Tổ cứ đứng ngoài đây? Cụ kể: Hồi xưa chúng tôi phải kéo xe cải tiến ra tận ngoài đê để lấy đất về tôn nền làm chùa. Trước đây là đồng ruộng sâu lắm. Giờ được thế đất cao như thế này là bao công sức của huynh đệ. Nên bây giờ múc ao thì chỉ cần chỗ nào có mạch nước là không nên múc nữa… Sư ông nháy mắt: “Cụ xót đất của Cụ đấy”…

Có lần, trong mùa đông lạnh giá, thấy Sư già đun ấm nước rồi pha vào xô rồi nói để xách lên cho Cụ thay y áo, tôi ngỏ ý xin cúng cái bình đun nước nóng để lắp luôn vào nhà tắm. Thế nhưng Sư già lắc đầu nguầy nguậy: Cụ không dùng đâu!

Có lần thấy chùa có Trường hạ nhưng không có ti-vi, Huynh trưởng của tôi ngỏ ý cúng ti-vi cho các sư xem thời sự, nhưng Cụ Tổ từ chối. Cụ luôn đau đáu nói về đạo pháp dân tộc, nhiều khi Sư ông thị giả lo Cụ nói nhiều sẽ mệt, nhắc Cụ vào nghỉ, nhưng Cụ vẫn “lờ” đi không muốn dừng, bởi thấy các Phật tử chúng tôi ngồi kia nghe mà như đang uống từng lời Cụ… Mỗi lần được nghe Cụ giảng pháp, nói chuyện, tôi cảm nhận rằng, bên cạnh việc giáo hoá chúng sinh, Cụ còn có nhiều nỗi lòng, nhiều lo lắng ẩn trong những câu chuyện của Cụ. Cụ như luôn thao thức và trăn trở về đạo pháp dân tộc!

Đức Đại lão Hòa thượng, dân gian thường gọi là "Tổ Ráng", trong đời sống thường nhật ở chốn Tổ Viên Minh - Ảnh: Nhuận Thường
Đức Đại lão Hòa thượng, dân gian thường gọi là “Tổ Ráng”, trong đời sống thường nhật ở chốn Tổ Viên Minh – Ảnh: Nhuận Thường

Phật tử Hằng Chi(Pháp danh Diệu Hà, Hà Nội):

Cách đây hơn 15 năm, lần đầu tiên, con được phước duyên cùng các chị em về chốn Tổ Viên Minh mà chúng con hay gọi thân thương là “Tổ Ráng” để cúng dường Trường hạ. Hôm đó, sau khi cùng các chị em đạo hữu bày lễ xong, con xin phép Ni trưởng cho con được đi quét sân. Đang quét sân thì con thấy Thầy đi từ nhà Tổ lại, con buông chổi, chắp tay cúi đầu đảnh lễ. Thầy hỏi con: Ở đâu về đây? Con thưa bạch Thầy về con. Thầy nhẹ nhàng hỏi: đã quy y chưa con? Con trả lời rằng chưa.

Thầy hỏi tiếp: Trước đây theo lễ thế nào mà nay về chùa cúng dường Trường hạ? Con thưa: Dạ, thưa con theo nếp gia đình, ông bà dạy con phải biết sống kính trên nhường dưới, thương yêu mọi người…

Thầy nhìn con và dạy: Xuống nhà ngang, gặp bác Thường, ghi danh để làm lễ quy y, lần sau về đây chúng tôi quy y cho… Con sụp lạy tạ Thầy vì trong kiếp đời này, con thấy mình tuy phận mỏng mà hồng phúc sâu dày nơi cửa Phật nên mới có được phước duyên may mắn lớn quá.

Thầy ơi, cuộc sống trong thân người vất vả với bao loan toan, nhưng con luôn sống theo lời Thầy dạy chúng con, nếu theo Phật, hãy noi gương Phật mà sống,… Những năm qua, con luôn hướng về nơi ấy, nơi có bóng Thầy, theo gương Thầy, ngày ngày con ráng sửa thân, tâm mình sao cho không thẹn là con của Thầy. Mọi khó khăn của cuộc sống cũng dần qua đi, mỗi ngày con thấy an vui hơn khi luôn nhớ lời Thầy dạy, biết đủ là hạnh phúc, sống đơn giản, nghĩ đơn giản, mọi sự an lành sẽ đến.

Thầy trụ thế 105 năm, cả cuộc đời thầy là bài Pháp nhũ dạy chúng con. Thầy lấy chính cuộc đời mình để dạy chúng con bằng công hạnh hành trì đạo pháp, sống chan hòa với bà con nơi chốn thôn quê thanh tĩnh. Cả đời Thầy là một bài pháp, lìa bỏ tham sân, danh, lợi không màng.

Thầy ơi! Thời gian qua đi nhưng cả đời này và mãi mãi về sau con không bao giờ quên được hình ảnh thân thương của thầy trong bóng áo nâu và tiếng khua nhẹ của đôi guốc gỗ,… hình ảnh thân thương ấy, nụ cười thân thương ấy luôn in vào tâm khảm của con. Với con, ngay lúc tạ thế, Thầy đã là hình ảnh của Đức Phật trong chúng con.

Hôm nay con xin được cung nghinh bái kiến đóa sen vàng, Thầy ơi!

Xả bỏ xác phàm, về cõi Tịnh

Hào quang phóng tỏa ráng mây vàng

Hương thanh thơm ngát tràn cõi lạc

Đài sen ảnh hiện dáng an lành

105 năm tại vị hành trì pháp

Gieo hạt thiện lành cùng chúng sinh

Công hạnh về đời thành đạo quả

Trí tuệ rạng ngời bóng từ bi

Thầy ơi!

Liên hoa một đóa đón chân Người

Xả bỏ thân phàm, tịnh lạc ơi

Trần gian bất quá trăm năm ấy

Cội từ tâm đạo, trí vun bồi

Liên hoa cửu phẩm ấy tâm Người

Lòng từ rải khắp chúng sinh thương

Trí huệ bao la muôn lời pháp

Đạo hạnh một đời rạng muôn nơi

Liên hoa chín phẩm là căn gốc

về đời viên mãn một quả tu

Lợi, danh xa lánh hành trì pháp

Trưởng dưỡng đạo tâm truyền lại đời

Sen vàng một đóa thơm cõi tịnh

An lành hóa độ cõi Chân Như

Như đài gương chiếu quang tịnh chiếu

Mặt đất rải đầy sắc hoàng kim…

Chư Hòa thượng thăm lại thiền thất đơn sơ của Đại lão Hòa thượng tại Tổ đình Viên Minh - Ảnh: Bảo Trinh
Chư Hòa thượng thăm lại thiền thất đơn sơ của Đại lão Hòa thượng tại Tổ đình Viên Minh – Ảnh: Bảo Trinh

Phật tử Đỗ Thiên Hoàng(Pháp danh Thuận Đức, Công tác tại Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ, Hà Nội):

Tôi cảm thấy may mắn khi bản thân mình cũng có cơ duyên được gặp Tổ nhiều lần, lần nào cũng có những cảm xúc vì có những lời Tổ dạy. Tôi nhớ nhất là vào năm 2016, cùng một nhóm Phật tử đưa một vị Thượng tọa ở tỉnh Đồng Tháp đến đảnh lễ Tổ. Rồi sau đó nhóm Phật tử chúng tôi có đưa Thượng tọa đi thăm quan vùng Tam Cốc, Bích Động. Có điều là khi đến Tam Cốc, Bích Động thì Thượng tọa nhất định không xuống thuyền, chỉ ở trên bờ thôi và bảo chúng tôi cứ đi vui chơi thoải mái. Lúc trên đường về Hà Nội, Thượng tọa mới nói lý do vì sao không xuống thuyền, đó là lúc đảnh lễ Hòa thượng Pháp chủ, Hòa thượng có hỏi: Sau đây thì Thượng tọa đi đâu? Thượng tọa bạch lại với Hòa Thượng rằng sẽ đi Tam Cốc, Bích Động. Hòa thượng Pháp chủ trầm ngâm vài phút rồi nói: “Thượng tọa nên đi thăm các chốn tổ đình ở Hà Nội, hay Bắc Ninh”.

Đến lúc này chúng tôi thật sự xúc động và hối hận vì đã không biết đến điều này. Chúng tôi đã hiểu rằng Tổ đã khuyên không nên đi đến chốn lao xao, mà chỉ nên đi đến nơi tổ đình thanh tịnh. Hàng Phật tử tại gia chúng tôi chưa đủ hiểu được hết ý nghĩa này nên mới bày ra việc đi thăm quan du lịch hôm đó. Đây là điều tôi nhớ nhất về lần gặp Tổ và nhớ những lời sư phụ truyền lại lời Tổ dạy và đây là bài học cho chúng tôi. Tôi cũng thường kể lại câu chuyện này cho các đồng tu và đặc biệt là những vị thầy trẻ mà tôi biết và tự răn mình.

Phật tử Phí Thành Phát(thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh):

Hôm nay đọc thông tin về việc Đức Pháp chủ Phổ Tuệ viên tịch, chúng con vô cùng xúc động, từ đáy lòng trào dâng niềm tiếc thương vô hạn đối với bậc đại thạch trụ tòng lâm của Phật giáo nước nhà. Chúng con sinh ra và sống ở vùng đất phương Nam, chúng con còn kém duyên chưa có dịp được về đảnh lễ Ngài, nhưng đều được học ở ngài qua các video pháp thoại, kinh sách,…

Pháp âm của Ngài cùng với lối sống giản dị, thanh cao của “lão nông Tăng” vẫn cửu trụ Ta-bà và sẽ làm kim chỉ nam cho người học Phật mang lại lợi ích cho đạo, cho đời. Nơi phương Nam chúng con nhất tâm hướng vọng về phương Bắc nơi tổ đình Viên Minh, đồng niệm danh hiệu Phật kính nguyện giác linh Đại lão Hòa thượng Cao đăng Phật quốc.

Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ

Bài viết liên quan

Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam

Tiết trời Hà Nội ngày 21-10-2021 (16-9 âm lịch) thật đặc biệt, sáng còn nắng...

Hành trình tỉnh thức
Hành trình tỉnh thức

Đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền và đỉnh cao của thiền chính là...

Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt và hành trình tỉnh thức
Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt và hành trình tỉnh thức

Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt (Shark Nguyễn Thanh Việt) được đông đảo khán giả truyền...

Shark Nguyễn Thanh Việt và cơ duyên giác ngộ Phật pháp
Shark Nguyễn Thanh Việt và cơ duyên giác ngộ Phật pháp

Shark Nguyễn Thanh Việt là một doanh nhân tiêu biểu thấm nhuần tư tưởng Phật...

Lời Di Huấn Của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ
Lời Di Huấn Của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ

Chúng tôi thì trước đây vẫn tu pháp môn Tịnh Độ. Chứ còn về Thiền...

Lời dạy tha thiết của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Lời dạy tha thiết của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

‘Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì...

Để lại một bình luận