Bài hơi dài nhưng rất hay.
*********
Dám hỏi đường ở nơi nao? (Cảm vấn lộ tại hà phương?)
Từ lâu đã muốn viết về bà – Dương Khiết, một người nữ đạ o diễn đầy tính cách như một hảo hán Lương Sơn Bạc, dám nghĩ, dám làm, không quỵ lụy trước quyền uy và tiền bạc. Bà là một Tôn Ngộ Không thực sự của đời thường. Một con người đã trả lời cho hậu thế câu hỏi :”Dám hỏi đường ở nơi nao?”…
Đây hành lý anh mang
Tôi cầm cương dắt ngựa
Đón bình minh buổi sáng
Chiều về tiễn hoàng hôn
Đạp bằng muôn dặm đường
Chiến thắng hiểm nguy lại xuất phát
Lại xuất phát …
Biết bao độ Xuân hạ thu đông
Biết bao lần đắng cay ngọt bùi
Dám hỏi đường ở nơi nao?
Đường dưới chân ta…
Đây là ca khúc sử dụng xuyên suốt trong phim Tây du ký 1986, truyền tải đầy đủ tinh thần dũng cảm, quyết tâm không chùn bước trước khó khăn gian khổ của thầy trò Đường Tăng trên chặng đường đi thỉnh kinh. Với âm nhạc như tiếng kèn xung trận, trầm bổng lâm ly, đem lại cho người nghe những xúc cảm, bồi hồi, tò mò đầy phấn khích như được theo chân bốn thầy trò và con ngựa Bạch mã rong ruổi trên con đường vạn lý.
Trên đây là bản dịch của lão PP và có lẽ là chuẩn nhất. Trên mạng nhiều bản dịch đều cách xa ý nghĩa nguyên tác đến mười ngàn tám trăm dặm, chắc để thích hợp cho việc hát lại âm điệu bài này bằng Việt ngữ.
Nhắc đến Tây Du Ký chúng ta không khỏi biết ơn Ngô Thừa Ân. Cuốn tiểu thuyết Tây du ký ông viết lúc đã ngoài 70 tuổi. Tây Du Ký được nhiều thế hệ người Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới yêu thích. Nó cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, biên tập ra nhiều vở kịch, quay thành phim truyện và truyền hình. Nhưng, để được xem một tập phim Tây Du Ký hoàn chỉnh nhất, sinh động nhất, sát với nguyên tác nhất, phải nói đến công lao của nữ đạo diễn Dương Khiết, bà đã dồn hết tâm sức và trí tuệ của mình cho phim truyền hình Tây Du Ký phiên bản 1986. Sau đó, nhiều đạo diễn đã quay lại hoặc muốn quay lại đều không thể vượt nổi phiên bản này mà thất bại hoặc chùn bước.
Vào ngày 15 tháng 4 năm 2017, Dương Khiết, 88 tuổi, đã qua đời vì bạo bệnh.
Cuộc đời của Dương Khiết gắn liền với “Tây Du Ký”. Thành tựu của bà, nỗi buồn, niềm kiêu hãnh và cả nỗi cô đơn buồn bực đều do “Tây Du Ký” mang đến cho bà.
Bộ phim truyền hình này bắt đầu bấm máy vào dịp Tết âm lịch năm 1982 và mất 6 năm để hoàn thành, đến nay vẫn được khán giả coi là tác phẩm kinh điển nhất. Đặc biệt là mỗi kỳ nghỉ đông và hè, các đài truyền hình khác nhau ở Trung Quốc vẫn phát đi phát lại nhiều lần. Dù là khán giả của thập niên 70, sau 80, sau 90, sau 00 hay thậm chí là sau 10, họ đều đã quen thuộc với nhiều tình tiết kinh điển của bộ phim truyền hình này, và họ có thể không nháy mắt kể lại một số tình tiết đã thuộc làu làu. Tây Du Ký của Dương Khiết đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ của bao thế hệ.
Mã Đức Hoa, người đóng vai Trư Bát Giới, là người khóc nhiều nhất trong tang lễ Dương Khiết. Anh cho biết vào ngày 14 tháng 4, vợ anh đã mơ thấy đạo diễn Dương Khiết. Khi đó anh có linh cảm không lành, anh nói với vợ: “Chúng mình phải đi gặp đạo diễn Dương ngay.” Kết quả là ngày hôm sau anh nghe tin bà qua đời, “Tôi cảm thấy như sấm dậy từ trời xanh. Tôi không thể tin được.” Trên Weibo, Mã Đức Hoa đã đăng một lời tri ân tới Dương Khiết, nói rằng: “Đạo diễn Dương Khiết giống như một người cha nghiêm khắc, lại giống một người mẹ hiền lành, càng giống một ân sư cần mẫn”.
Dưới bàn tay của bà, “Tây Du Ký” đã nổi tiếng hơn 36 năm, với tỷ lệ phát lại hơn 3.000 lần tại Trung Quốc và lượng khán giả hơn một tỷ người.
Đối với nhiều người, cái tên Dương Khiết là một sự tồn tại nhưng xa lạ. Trên thực tế, nếu không có sự kiên trì của bà, bộ phim thần kỳ đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ này sẽ không thể ra mắt, và sẽ không có nhiều diễn viên trở nên nổi tiếng trong một sớm một chiều. Bà đã thành tựu được nhiều người, nhưng đã nợ bản thân mình.
Bởi vì, để quay thành công “Tây Du Ký”, bà phải một mình một gươm, một ngựa, rong ruổi chặng đường hiểm nguy không kém với thầy trò Đường Tam Tạng. Tính cương trực của bà đã phải nếm chịu biết bao khổ cực cay đắng, chịu biết bao nhục nhằn ân oán. Sau khi vượt qua vô vàn thị phi và tranh cãi, bà đã để lại cho đời một món quà hậu hĩnh vô giá.
Là “nữ đạo diễn đầu tiên của Trung Quốc”, cuộc đời của bà, dũng cảm, hào hùng và chân thật, không chỉ tạo nên một huyền thoại truyền hình, mà còn tạo nên một con người huyền thoại.
“Dám hỏi đường ở nơi nao, đường dưới chân ta”
Vào tháng 11 năm 1981, tại cuộc họp của các lãnh đạo nhóm văn nghệ đài truyền hình, vị lãnh đạo đã hỏi Dương Khiết, lúc đó đang là đạo diễn bộ phận hý kịch ( kịch và ca nhạc sân khấu) của xưởng phim truyền hình CCTV, “Nếu cho cô đem” Tây du ký ” làm thành một bộ phim truyền hình, cô có dám không? “. Dương Khiết lập tức trả lời:”Có tiền thì dám, tại sao lại không!”. Nhiều người nghi ngờ, một đạo diễn hý kịch đi làm phim truyền hình liệu có thể thành công?. Nhưng phải nói vị lãnh đạo này có một đôi mắt tinh tường và sành điệu, chọn đúng người để đặt lên vai cô ta một gánh nặng ngàn cân.
Dương Khiết không tin vào chuyện ngang trái tà ma, bà lập tức bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị: đọc kịch bản, chọn cảnh, tuyển vai…Trong quá trình quay phim, để tìm được bối cảnh thiên nhiên đẹp nhất, Dương Khiết lúc ấy gần 60 đã cùng ê-kíp lội suối băng đèo đi gần như khắp mọi miền đất nước để tìm cảnh.
Dấu chân của bà rải rác khắp núi non rừng thẳm, bóng dáng bà in hình trong các chùa chiền, hang động. Chính vì nhất tâm quay phim thực cảnh nên bà đã ăn uống đạm bạc, màn trời chiếu đất, chịu đựng rất nhiều gian nan vất vả. Đã thế còn “Ốc lậu thiên phùng liên dạ vũ”, tựa như nhà đã nghèo, mái tranh dột nát lại còn gặp suốt đêm mưa gió. Có nhiều vấn đề nan giải ập đến khiến bà nhiều lúc tưởng chừng chống đỡ không nổi. Có kẻ ghen ghét tâu với lãnh đạo rằng bà lấy danh nghĩa quay phim, nhưng chủ yếu là đi hưởng thụ danh lam thắng cảnh. Lập tức lãnh đạo đài truyền hình ra lệnh ngừng quay và cắt luôn kinh phí, tài chính bị gián đoạn. Thật là tồi tệ, trong khi đang lặn lội vượt núi băng đèo để quay thì bị rơi vào tình trạng không tiền, diễn viên và ê kíp không còn tiền nhóm bếp, Dương Khiết đành bỏ tiền túi của mình để ứng phó, cộng thêm mọi người trong đoàn, kẻ ít người nhiều góp vào để bộ phim được tiếp tục quay.
Dù điều kiện khó khăn đến mấy, bà cũng không hề cẩu thả khi lựa chọn những diễn viên với trình độ thẩm mỹ cao. Dù là chọn nhân vật chính hay vai phụ, bà không chỉ yêu cầu phù hợp với bản tính của nhân vật mà còn phải sống động.
Ngoài ra, bà cũng có những tiêu chuẩn cao và yêu cầu khắt khe đối với diễn xuất của các diễn viên. Sau khi vẽ đường cho các diễn viên, Dương Khiết luôn yêu cầu quay lại ngay cả khi họ mắc một lỗi lầm rất nhỏ. Nhiều lúc diễn lại nhiều lần vẫn không xong, bà cũng không ngần ngại khiển trách thẳng thừng.
Trau chuốt từng chi tiết và trau dồi kỹ năng diễn xuất cho diễn viên, sáu năm sau, cuối cùng thì bà cũng đã vượt qua chặng đường chông gai, mở ra một thời đại thịnh vượng bùng cháy cho phim truyền hình, và thậm chí còn thống trị màn ảnh nhỏ trong gần 40 năm. Tây Du Ký chính thức được chiếu trên truyền hình, bà đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình chào đời sau 6 năm “mang nặng đẻ đau”.
Trên thực tế, chỉ những người có niềm tin vững chắc mới có đủ bản lĩnh để vượt qua gông cùm xiềng xích và những ràng buộc để đi đến thành công. Tình yêu dành cho nghệ thuật của Dương Khiết đủ độ sâu để không chấp nhận những khiếm khuyết dù là nhỏ nhất. Với tinh thần thập toàn thập mỹ, đã tốt lại muốn tốt hơn, cuối cùng bà đã cho ra một tác phẩm để đời, một giai tác vĩnh hằng.
Tuy nói rằng, trên đường lấy kinh phải trải qua chín chín tám mươi mốt nạn, bộ phim Tây Du Ký trong quá trình quay 6 năm cũng chẳng kém như vậy.
Trong đoạn cuối lời bài hát “Dám hỏi đường ở nơi nao?” là đoạn:
Biết bao độ Xuân hạ thu đông
Biết bao lần đắng cay ngọt bùi
Dám hỏi đường ở nơi nao?
Đường dưới chân ta…
Đây cũng là cảnh tượng chân thực về quá trình quay phim của Dương Khiết, dù có nguy hiểm gian nan cũng không hề thay đổi mục tiêu của mình. Sigrid Undset, nữ nhà văn Na Uy đoạt giải Nobel Văn học năm 1928 đã nói :”Nếu một con người có đủ niềm tin, anh ta có thể làm nên những điều kỳ diệu”. Niềm tin của một người mạnh mẽ bao nhiêu thì cuộc sống của họ sẽ phi thường bấy nhiêu. Niềm tin là sức mạnh, và với sự hỗ trợ của sức mạnh này, những ai dũng cảm tiến về phía trước sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
“Hoàng quyền, phú quý, sợ cái gì những giới luật thanh quy”. Dương Khiết nổi tiếng chính trực, không hề sợ hãi trước quyền uy và luật lệ vô lý. Bà sẵn sàng đối chất với lãnh đạo, thậm chí người nhà mình. Nhiều người kinh ngạc, tại sao bà lại có những dũng khí như vậy? Điều này cũng bắt đầu với sự giáo dục của bà.
Bà sinh ra trong một gia đình văn hoá thế tục, cha bà là người hoạt động cách mạng rất nghiêm khắc với sự giáo dục con cái. Ngay từ khi biết chữ, bà đã được yêu cầu chỉ đọc sách cách mạng và không được phép đọc các tiểu thuyết khác.
Nhưng bà luôn lợi dụng khi cha mình bận rộn để lén lút đọc những cuốn tiểu thuyết giấu trong ngăn kéo, theo thời gian, bà không chỉ hấp thụ được những kiến thức từ những cuốn sách cách mạng mà còn cả những hơi thở của văn học cổ điển Trung Hoa và thế giới.
Trong thời gian quay phim, để đạt được hiệu quả tốt nhất, Dương Khiết đã nhiều lần tranh luận cãi vã với lãnh đạo, khiến nhiều người cũng bất bình với bà. Mở đầu Tây du ký là một giai điệu không lời bằng nhạc hợp thanh điện tử, nhưng đầy khí thế, hào hùng, thể hiện được toàn bộ tinh thần của phim. Nhạc do Hứa Kỉnh Thanh sáng tác đã trở thành giai điệu quen thuộc với khán giả. Nhưng ban đầu, các chuyên gia và báo chí cho rằng không thích hợp, quá đậm nét Tây Âu. Dương Khiết đã viết thư cho lãnh đạo, nói thẳng thừng :”Giao cho tôi quay, tôi quyết định. Đợi tôi quay xong, khi ấy phẫu định cũng không muộn”. Những lời nói quả quyết này đã khiến lãnh đạo phải im lặng. Bà không bao giờ nhân nhượng hay thỏa hiệp bất cứ điều gì về sự can thiệp vào bộ phim, mặc dù đã làm mất lòng nhiều lãnh đạo nhưng bà vẫn giữ nguyên những bản nhạc phim như một món quà trời cho.
Theo lời kể của người chồng thứ hai của Dương Khiết là Vương Sùng Thu :”cô ấy là một “Tôn Ngộ Không” thực thụ trong xương cốt, với đức tính chính trực và khí phách không sợ trời, không sợ đất”. Chính vì điều này mà Dương Khiết, một con người dám làm dám chịu, đã có được một tình yêu khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Bà sống rất ăn ý với chồng , bà hơn chồng 14 tuổi. Trong những niên đại bấy giờ, mối quan hệ của họ thật khó chấp nhận. Bà đã bỏ ngoài tai mọi lời đồn đại, hoàn toàn thoát khỏi khuôn khổ trần tục mà đến với Vương Sùng Thu. Sự thực chứng minh, hoá ra bà đã đúng. Bởi vì, từ đầu đến cuối, chọc ngoáy là của người khác, còn hạnh phúc là của chính mình. Trong quá trình làm phim “Tây Du Ký”, quay phim duy nhất là Vương Sùng Thu, người đã làm việc chăm chỉ và vô cùng có trách nhiệm với công việc. Trong công việc, họ là đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ những nhọc nhằn, trong cuộc sống, họ là người nhà đùm bọc lẫn nhau.
Một số người lắm chuyện còn chê cười không tin vào mối nhân duyên của họ, nhưng họ không bao giờ nghĩ rằng hai người đã ở bên nhau hơn 40 năm, và tình yêu của họ vẫn nồng thắm như ngày nào. Sau khi nghỉ hưu, cả hai sống ở ngoại ô Bắc Kinh. Dương Khiết đã quá mệt mỏi khi làm phim trong những năm đầu, bị ốm và cần người phục vụ, Vương Sùng Thu suốt ngày không rời vợ một bước.
Nhưng cõi nhân thế, chia tay luôn bất ngờ ập đến. Trước khi Dương Khiết qua đời, Vương Sùng Thu, người cũng độ tuổi cổ lai hy đã vô cùng đau đớn, khóc lóc như một đứa trẻ. Đối với Dương Khiết, nắm tay chàng gần nửa thế kỷ, có tình cảm và sự lãng mạn vô bờ bến, cuộc đời này bà đã cảm thấy viên mãn.
Dương Khiết không mưu cầu danh lợi, không sợ quyền lực, không ngại chỉ trích và dư luận, nên đã cho ra đời những tác phẩm lý tưởng, và bà cũng làm chủ được hôn nhân của mình.
Dương Khiết nói, “Trạng thái tốt nhất của cuộc sống là sống được chân thật.” Trạng thái tốt nhất của một người là làm theo những suy nghĩ chân thật của trái tim, thoát khỏi gông cùm, phá bỏ định kiến và lựa chọn cuộc sống như ý muốn.
Nếu bạn yêu những gì bạn yêu thích và làm những gì bạn muốn làm, bạn có thể sống một cuộc sống tự do và không bị gò bó.
“Những tiếng vỗ tay dành cho diễn viên, còn tôi chỉ cô độc một mình”.
Sau khi “Tây Du Ký” được phát sóng, đã chấn động toàn quốc, độ nổi tiếng vượt xa sức tưởng tượng, đồng thời cũng tạo nên một huyền thoại về người xem.
Theo lẽ thường, bà nên vui mừng sung sướng. Nhưng sau đó bà thổ lộ rằng “Tây Du Ký” là một nỗi đau không thể xóa nhòa trong lòng tôi và tôi thà rằng để bộ phim này không thành công”.
Hóa ra Singapore mời các thành viên trong đoàn phim sang biểu diễn, Dương Khiết đã thành lập một “đoàn biểu diễn đi nước ngoài” và tập dượt rất kỹ lưỡng. Ai ngờ rằng ba diễn viên chính đều xin nghỉ phép cùng một lúc, khiến chương trình không thực hiện được, và Dương Khiết đã chỉ trích họ nặng nề khi xẩy ra chuyện này. Ba người đều tức giận, cáo trạng đến giám đốc và tuyên bố không đi diễn với Dương Khiết tại Singapore. Khiến viên giám đốc đài, người đã từng bất bình với bà đã giải tán đoàn biểu diễn và loại bỏ bà.
Một số diễn viên chính sau khi đóng Tây Du Ký đã là những tên tuổi lớn trên bầu trời phim giải trí, họ đang được người dân Trung Quốc chào đón cuồng nhiệt, và họ cũng sẵn sàng quên đi người đã làm cho tên tuổi họ trở thành huyền thoại, họ sẵn sàng vì lợi ích riêng của mình mà quay lưng lại. Kể từ đó, những người đến nhà Dương Khiết trước đó vào ra đông như trẩy hội giờ thì vắng tanh, và những người từng thân thiết với bà cũng ngày càng xa lánh, bà hoàn toàn bị cô lập. Bà cũng nhìn thấu được sự nóng lạnh bất thường của con người.
Là một người “thỉnh kinh” thực tế, bà không mưu cầu danh lợi, chỉ muốn thực hiện lý tưởng nghệ thuật của mình. Sự lạnh nhạt và mưu cầu danh lợi trong nhân gian, khiến bà đau trong tim, bà không thể chấp nhận được sự cúi đầu hèn hạ để thu vào lợi nhuận cho mình của các diễn viên vai chính trong phim mà bà đạo diễn. Trong một cuộc phỏng vấn, bà vẫn bị ám ảnh bởi vấn đề này, “Chương trình thì nóng bỏng, các diễn viên thu được tiếng vỗ tay với hoa tặng, và tôi chỉ cô đơn một mình.” Vài năm sau, khi nhắc đến những sự kiện đã qua trong hồi ký của mình, bà vẫn không thể giấu được sự ớn lạnh trong từng lời nói. Chính vì vậy, bà không muốn xem lại bộ phim truyền hình đã tiêu hao 6 năm ròng rã của mình. Đang xem truyền hình mà bắt gặp chiếu Tây Du Ký là bà liền chuyển sang kênh khác.
Trong cuộc đời của mỗi người, luôn có một số điều mà người ta không muốn nhắc đến một lần nữa. Những năm tháng trôi qua, cũng không thể nguôi đi, những tiếng thở dài vẫn không thể nguôi ngoai.
Có người từng nói, “Thái độ của một người đối với danh lợi quyết định chiều cao của anh ta trong cuộc sống.” Dương Khiết luôn trung thành với bản thân, yêu ghét phân minh và không bao giờ lạc lối trong thung lũng danh lợi. Một “Tây Du Ký” đã lập nên tượng đài phim truyền hình, bà cũng dùng sinh mệnh để phổ một bản nhạc ca tụng muôn thuở sự chính trực trong phim cũng như đời bà.
Trong một chương trình, người dẫn chương trình đã hỏi Dương Khiết: “Bà nghĩ điều gì là thật nhất trong cuộc sống?” Dương Khiết trả lời ngay: “Chân thật, con người phải sống chân thật.” Bản thân bà là một người như vậy.
Vì lý tưởng theo đuổi đến tột cùng, không hề cúi đầu trước khó khăn.
Vì nghệ thuật, bà đã cố chấp không hề còng lưng quỳ gối.
Vì khao khát hạnh phúc, không hề khuất phục trước thế tục.
Cả đời người, phẩm chất thuần khiết, cần phải tẩy rửa lại. Bà đã làm được điều này đúng như tên gọi của bà “KHIẾT”. Bà mang theo một linh hồn tinh khiết, sạch sẽ không dính chút bụi trần, thong dong bước lên mây, bay về cõi thần tiên. Để lại cho đời một bộ phim trác tuyệt, sưởi ấm nhân gian.
********
Bài Viết của tác giả chú Peter Pho, xin chia sẻ cùng cả nhà.
Bài viết liên quan
Ý niệm về tiền – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
TIỀN, TRÍ TUỆ và SỰ BÌNH AN. Đợt này em tập trung không dùng điện...
Th10
KHÓA TU “TÌM LẠI CHÍNH MÌNH” CHO THẾ HỆ TRẺ
CHƯƠNG TRÌNH TRẢI NGHIỆM DÀNH CHO GIỚI TRẺ Chủ đề: TÌM LẠI CHÍNH MÌNH Thời...
Th10
KHÓA TU “NGÀY THU AN LẠC” và XUẤT GIA GIEO DUYÊN
*** Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Được sự cho phép của...
Th9
ĐI ĐỂ TRỞ VỀ!
* Ai đang sống nơi đây, phút giây phút giây ngày tháng? Muôn chim thú...
Th1
[ TIÊU CHÍ THỰC HIỆN ] Các chương trình của Clb An Lạc
Để đảm bảo cho Clb An Lạc hoạt động đúng định hướng xuyên suốt của...
Th1
ĐI ĐỂ TRỞ VỀ…kỳ 3 – Phần III – LINH THIÊNG ĐỀN BÁC và HÀNH TRÌNH NHẶT RÁC TỪ TÂM
Hành trình Đi để trở về Ba Vì Dời khỏi nhà sàn, cả đoàn cùng...
Th1