Chữ Thiền trong Tiếng Việt được phiên âm từ chữ Dhyàna trong tiếng Phạn. Phiên âm đầy đủ là “Thiền na”. Dịch nghĩa là “tĩnh lự”, “tư duy tư”. Dhyàna là một thuật ngữ Phật giáo. Như vậy trước tiên Thiền là một hành vi tôn giáo.

Nhắc đến Thiền, người ta còn hình dung đến Thiền tông (Zen). Môn phái Phật giáo này xuất hiện muộn nhất nhưng bám rễ, phát triển và ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Trung Quốc, Nhật Bản,…

Tuy vậy từ gốc tiếng Anh của Thiền định là Meditation dùng để chỉ trạng thái tập trung tư tưởng cho một chủ đề triết học hay tôn giáo.

Ranh giới giữa triết học và tôn giáo thường xuyên không rõ ràng. Nhưng ta có thể khai quát có hai hình thức Thiền định chính: Thiền liên quan đến tôn giáo và Thiền không liên quan đến tôn giáo.

Thiền tôn giáo

Nếu bản chất của loài người là sinh hoạt cộng đồng thì tôn giáo là hiện tượng lịch sử có bề dày nhất.

Mỗi cộng đồng dân cư đều xây dựng cho mình một hệ thống tín ngưỡng. Ví dụ đơn giản như các bộ lạc nguyên thủy thờ vật thiêng (gốc cây, tảng đá thiêng…), tiến tới hệ thống thần linh có thứ bậc và được nhân cách hóa.

Các tôn giáo lớn đều có người khởi xướng (Giáo chủ), hệ thống giáo lý, bộ phận truyền giáo, các quy ước lễ hội và luật lệ kiêng kỵ.

Tôn giáo vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của quá trình phát triển tư tưởng.

Trong tất cả các tôn giáo, các kỹ thuật phát triển năng lực tinh thần, tư tưởng đều xây dựng trên cơ sở thiền định.

Thiền tôn giáo là các kỹ thuật tập trung tinh thần nhằm đạt tới sự giác ngộ tâm linh. Bao gồm sự câu thông với Thượng đế – Chân lý tối thượng hoặc sự liễu ngộ cuộc sống trong tính hiện thực của nó.

Trong các tôn giáo thần khải (đạo Thiên chú, đạo Hồi…), thiền định đưa đến việc phát triển Đức tin. Sự câu thông với Thượng đế được hỗ trợ tích cực bởi nghiên cứu giáo lý. Giáo lý quan trọng nhất chính là Kinh thánh được cho là thể hiện ý chí của đức Chúa Trời.

Hai hình thức phổ biến nhất và thường hỗ trợ cho nhau trong một buổi sinh hoạt Thiền tôn giáo gồm cầu nguyện và trầm tư.

Phật giáo nguyên thủy và hầu hết các tôn giáo bản địa khác trên lục địa Ấn thường sử dụng kỹ thuật Chỉ(1) và Quán (2). Qua đó mối quan hệ nhân quả giữa các sự vật, hiện tượng được bộc lộ. Khiến cho thiền giả giác ngộ được tính vô thường của Vũ Trụ.

Phật giáo Đại thừa với sự phát triển đa dạng của nó, hòa nhập tích cực với các tôn giáo bản địa. Vì vậy mà các hình thức thiền trong Phật giáo Đại thừa rất phong phú.

Thông qua các hình tượng các vị Bồ Tát (3) mà các giá trị trong cuộc sống được khắc họa rõ rệt hơn. Ví dụ như có vị Bồ tát của Trí huệ (Văn Thù Bồ Tát), vị Bồ Tát của Đức Hạnh (Phổ Hiền Bồ Tát)… Bằng cách phấn đấu lý tưởng của vị Bồ Tát, thiền giả sẽ nhận chân được hiện thực cuộc sống.

Trong quá trình siêu việt bản ngã đó, thiền giả cụ thể hóa bốn đức tính: từ – bi – hỷ – xả.

Với Lạt Ma giáo(4), sự đồng nhất bản thân với một hình thức hóa thân của Đấng Giác ngộ xảy ra triệt để hơn. Bằng cách tập trung vào thần chú đặc thù cho Đấng Giác ngộ, Thiền giả từng bước loại bỏ bản ngã của mình. Cho đến khi đồng nhất được với Hóa thân (5) thì thiền giả kịp quán chiếu được quá trình loại bỏ bản ngã. Mặt khác trực giác được đánh thức triệt để khi thiền giả quan sát và hòa nhập với Mạn-đà-la(6). Mỗi Mạn-đà-la(6) tương ứng với một Hóa thân.

Zen cực kỳ sống động. Không bị bó buộc bởi các thứ lễ rườm rà. Người thầy khai tâm cho đệ tử bằng mọi cách. Bằng hình tượng, bằng âm thanh… hay bằng một mệnh đề trực quan bất chấp tính lô-gic (công án)…

Mục đích của những sự kiện này khiến cho thiền giả lìa tâm phân biệt, lìa vô minh(7). Trong lúc đó trực giác phát huệ. Kể từ đó thiền giả có bước ngoặt lớn và tự hoạch định con đường cho mình. Quá trình thiền định chuyển sang nội chứng sâu sắc. Tuy nhiên không có pháp môn nào mà năng lượng bị tiêu hao ghê gớm như trong Zen.

Không hề thiếu những kẻ sơ cơ trở nên khùng điên khi tiếp cận công án… Cũng không thiếu những người tưởng nhầm đắc ý, nói năng càn rỡ.

Hình thức sống động của Zen thấm đượm vào mọi mặt của đời thường của các dân tộc Đông – Bắc Á và lưu vực Hồng hà.

Cắm hoa (Ikebana), bắn cung, nấu món ăn, gấp giấy (Origami), bấm huyệt chữa bệnh, viết chữ… tất thảy đều trở nên đạo.

Hình thức trầm tư trong các bộ môn này thường bị khuất sau yếu tố động. Tuy nhiên trong thành công của các nghệ nhân, tôi nhận thức nơi đó bao gồm các kinh nghiệm thiền chứng sâu sắc.

Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý rằng ranh giới của Zen với những bộ môn thế gian vừa nếu rất hiện hữu. Không nên đồng nhất hình thức trầm tư trong những bộ môn này với Thiền Phật giáo Đại thừa.

Có những nội dung Thiền mà không nhằm đạt sự giác ngộ tâm linh. Chúng không hội tụ đủ các yếu tố tôn giáo. Tuy vậy những người cổ súy nhiệt tình thường giới thiệu những nội dung này như một tôn giáo để trục lợi.

Thiền phi tôn giáo

Thực ra nói Thiền phi tôn giáo không giúp hành giả đạt tới sự giác ngộ tâm linh là có phần phủ nhận vai trò của những nội dung này.

Hầu như chúng là cầu nối từ những trí óc ưa khám phá ở mọi thời đại đến với tôn giáo.

Loại Thiền phi tôn giáo phổ biến nhất là thiền cầu quyền năng.

Vì nhu cầu, tham vọng của con người là vô cùng đa dạng. Nên có vô số hình thức Thiền cầu quyền năng ngõ hầu thỏa mãn những nhu cầu trên.

Thiền cầu quyền năng phổ biến nhất là các hình thức Thiền tập nâng cao sức khỏe.

Vay mượn các thế tập của Hatha Yoga (8) cho trạng thái tĩnh, kết hợp với các động tác thể dục cho trạng thái tập động, loại hình Thiền này khắc phục được nhiều bệnh lý thông thường. Tuy nhiên độ sâu của trầm tư là không đáng kể.

Thường hành giả chỉ nội quán được tình trạng an bình, sung mãn của thân thể. Hoặc có thêm hình thức tự ám thị: “Tôi khỏe mạnh trong thân thể  cũng như trong tâm hồn”.v.v

Nhưng nhu cầu của con người, cũng như sức khỏe và thân thể là vô thường. Do đó con người không thể thoát ra khỏi cơn khát này. Nhu cầu về sức khỏe là khôn cùng. Hành giả vẫn chưa ý thức được bản chất của đời sống. Cho đến một lúc nào đó y gục ngã trong cơn đau bệnh cuối cùng. Niềm an lạc rời bỏ y và tâm thức lại phiêu du trong vô minh.

Vô vàn các hình thức Thiền khác nữa nhằm thỏa mãn nguyện vọng tìm cầu quyền năng của con người. Nhưng càng đồng nhất bản thể với quyền năng, y càng lìa xa điều mấu chốt: ý thức về bản chất của đời sống.

Có rất nhiều hình thức tôn giáo bản địa sơ khai không giúp con người đạt được tiến bộ tâm linh. Nếu hình thức Thiền nào giúp hành giả hòa nhập nổi bản ngã của mình vào đại ngã của Vũ Trụ thì đó là Thiền tôn giáo.

Ngược lại nếu hình thức Thiền chỉ làm tăng cường bản ngã của hành giả thì đó là Thiền phi tôn giáo.

Trong phần tiếp theo, ta sẽ xét xem Thiền năng lượng Tình thương có bản chất tôn giáo hay không. Nhưng muốn vậy trước tiên ta phải định hình được khái niệm thế nào là Thiền năng lượng Tình thương.

Chú thích:

[1] Chỉ: Thuật ngữ Phật giáo. Loại bỏ tạp niệm – những ý nghĩ vu vơ để tập trung ý thức cho một chủ đề nhất định.

[2] Quán: Thuật ngữ Phật giáo. Dùng ý niệm để quan sát một đối tượng hoặc một chủ đề giáo lý đặc biệt nào đó.

[3] Bồ Tát: Thuật ngữ Phật giáo. Chỉ người có tâm cầu giác ngộ.

[4] Lạt Ma giáo: Phật giáo Đại thừa ở Tây Tạng, tu hành theo những phương pháp đặc biệt, được phát triển trên cơ sở Phật giáo kết hợp với một tôn giáo bản địa là đạo Bonpa.

[5] Hóa thân: Thuật ngữ Phật giáo. Cùng với “Pháp thân” và “Báo thân” tạo thành điểm đặc thù của Phật giáo Đại thừa. Hóa thân đề cập đến khả năng thị hiện theo hoàn cảnh của các bậc giác ngộ nhằm mục đích cứu vớt chúng sinh.

[6] Mạn-đà-la: tranh, tượng Mật tông. Có nghĩa là viên mãn. Trang tượng nhằm hỗ trợ cho việc trì tụng kinh điển thì gọi là Kinh pháp Mạn-đà-la. Các Mạn-đà-la gồm các pháp khí, thủ ấn thì gọi là Tam muội Mạn-đà-la.

[7] Vô minh: Thuật ngữ Phật giáo. Theo nghĩa đen để chỉ người không hiểu Tứ diệu đế, lý luận Duyên khởi, Chân đế thế gian và không khai khiếu.

[8] Hatha Yoga: Là nền tảng của tất cả các môn Yoga.

Trích Chương I – Thiền Năng Lượng Sách “Ba trụ cột Thiền năng lượng” của Bác sỹ Đông Y Đoàn Hải An

Bài tiếp theo: Thiền năng lượng

Bài viết liên quan

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ!

* Ai đang sống nơi đây, phút giây phút giây ngày tháng? Muôn chim thú...

[ TIÊU CHÍ THỰC HIỆN ] Các chương trình của Clb An Lạc

Để đảm bảo cho Clb An Lạc hoạt động đúng định hướng xuyên suốt của...

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ…kỳ 3 – Phần III – LINH THIÊNG ĐỀN BÁC và HÀNH TRÌNH NHẶT RÁC TỪ TÂM

Hành trình Đi để trở về Ba Vì Dời khỏi nhà sàn, cả đoàn cùng...

Đi Để Trở Về Kỳ 3 – Phần 4: TRỞ VỀ VỚI NGÔI NHÀ CỦA TÂM AN LẠC

Tiếp nối dòng chia sẻ của Hành trình đi để trở về kỳ 3, Ngôi...

1 hành trình đáng nhớ… !

Hơn 3km đi bộ, trong không gian núi rừng, ánh điện nhập nhằng mờ ảo,...

HƯƠNG SEN ĐẦU HẠ

“Hương các loại hoa thơm Không ngược bay chiều gió Nhưng hương người đức hạnh...

Trả lời