Một tuần được mở luân xa và tập luyện ngồi thiền, cái đầu tôi cũng mở mang ra nhiều thứ lắm, đặc biệt là những gì được cho là “bí hiểm” như trường năng lượng của vũ trụ, khả năng kỳ diệu trong tự điều chỉnh để cân bằng cơ thể của “tiểu vũ trụ” con người. Cô Hồ Thị Thu tuy là Phó Chủ tịch Hội Tâm năng dưỡng sinh tỉnh Đắc Lắc (kiêm Trưởng ban Huấn luyện) nhưng có cách truyền đạt khá giản dị và đặc biệt là vô cùng hình ảnh: “Con người chúng ta cũng giống như một cỗ xe vậy. Cỗ xe đó chở đầy ước mơ, chở đầy khát vọng, nhất là khát vọng sống đối với những ai mắc chứng nan y…”.

Cũng theo cô Thu, cỗ xe ấy qua thời gian sẽ bị rệu rão. Vì vậy, đến với trường sinh học là tự bản thân mỗi người “tút tát” lại cái cỗ xe ấy để chở những ước mơ, chở những khát vọng ấy về đến bến. Không ai khác là chính mỗi con người chúng ta tự tiếp nhận năng lượng của vũ trụ để điều chỉnh lại cỗ xe của chính mình!”.
Cơ thể con người có khả năng tự cân bằng
Ngày đầu nhập môn, cô Hồ Thị Thu giảng giải: “Con người tồn tại trong vũ trụ và giao tiếp với môi trường xung quanh không chỉ bằng các giác quan và hàng triệu lỗ chân lông mà còn có những điểm đặc biệt trên cơ thể mà y học cổ truyền gọi đó là huyệt và huyệt đạo.

Trong các huyệt đạo trên cơ thể con người, có 7 huyệt đạo đặc biệt quan trọng mà trường sinh học năng lượng gọi là luân xa, ứng với các huyệt bách hội là luân xa 7, huyệt ngạnh trung là luân xa 6, huyệt đại chùy là luân xa 5, huyệt tâm du là luân xa 4, huyệt mệnh môn là luân xa 3, huyệt trường cường là luân xa 2 và huyệt hội âm là luân xa 1. Bình thường, các luân xa được phủ một lớp màn mỏng gọi là màn vô minh.

Luân xa giống như cánh cửa bị khóa. Khai mở luân xa có nghĩa là mở ổ khóa đó để cánh cửa có thể mở ra khép vào để đón nhận luồng chân khí của vũ trụ đi vào cơ thể con người và biến thành năng lượng của con người có khả năng tự điều chỉnh sao cho cân bằng nhất và có khả năng tự chữa được nhiều thứ bệnh. Có thể hình dung, hệ thống kinh mạch của con người lâu ngày giống như một ống cống thoát nước bị tắc nghẽn; muốn khai thông, cần mở luân xa, tức là mở các đại huyệt đạo ấy để đón nhận năng lượng từ vũ trụ vào cơ thể con người và tự chữa bệnh”. Nói như TS toán – lý Nguyễn Đình Phư (giảng viên Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, thành viên Hội Toán học Việt Nam và Hội Toán học Đông Nam Á), thì “Hệ thống luân xa là những điểm đặc biệt trên cơ thể, khi chúng được khai mở, con người có khả năng thu nhận nguồn năng lượng vô tận bên ngoài.

Yoga Ấn Độ quan niệm nguồn năng lượng này là khí prana, khí công Trung Quốc quan niệm nguồn năng lượng này là ngoại khí”. Cũng theo TS Nguyễn Đình Phư thì từ khi tiếp xúc với nền văn minh phương Đông, các nước phương Tây bắt đầu say mê phổ biến và sử dụng hệ thống luân xa. TS Nguyễn Đình Phư đã viết: “Tại Mỹ, Trung tâm bay thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) có nghiên cứu nhiều về hệ thống luân xa và các hiện tượng kỳ diệu do nhóm các nhà vật lý nổi tiếng R. Targ đảm nhận. Họ đã xuất bản nhiều sách về hệ thống luân xa, đáng chú ý là cuốn sách “Những bàn tay ánh sáng” (Hands of Light) và cuốn “Tỏa sáng” (Light Energing) của bà Barbara Ann Brennan, chuyên viên khoa học NASA”.

Trong một tuần lễ theo học môn trường sinh học, toàn bộ 32 học viên khóa 60 năm 2013 của chúng tôi ai cũng được khai mở 6 luân xa từ 2 đến 7, trừ luân xa số 1 là luân xa hỏa xà không được phép khai thông và khai thác. Tiếp đến là việc ngồi thiền. Tại lớp học, tôi được nghe giảng giải và đã thu thập được nhiều điều bổ ích về thiền. Cũng cần nói thêm, với cá nhân người viết bài này, thiền là một bộ môn luyện tập không quá xa lạ. Từ nhỏ, khi còn lon ton chạy đến nhà các võ sư trong làng học võ, tôi đã phải ngồi thiền “ít nhất là hết một cây nhang” (chừng ba mươi phút). Lớn lên, đặc biệt là từ lúc bị bệnh đến giờ, tôi cũng thường xuyên ngồi thiền để luyện mắt (vì bị tổn thương vùng đáy mắt). Nhờ vậy, trong lớp học, tôi là số ít học viên ngồi thiền “kiên trì” nhất và còn ngồi với thế kiết già nữa (thế này nếu không quen sẽ không thể ngồi được ngay từ đầu).
Tôi bước đầu tự chữa bệnh
Cô Hồ Thị Thu giải thích: “Một khi luân xa đã được khai mở, bà con ngồi thiền để thu nhận năng lượng vũ trụ thì có nghĩa là đang tự dưỡng sinh và trị bệnh cho bản thân mình”. Tùy theo khả năng, các học viên có thể chọn một trong ba tư thế ngồi thiền là kiết già, bán già hoặc xếp bằng. Tất cả đều ngồi thẳng lưng, lòng bàn chân hướng lên trên, hai bàn tay ngửa đặt lên đầu gối. Bắt đầu một buổi ngồi thiền, các giảng huấn thường ra hiệu lệnh: “Mắt nhìn thẳng, hít mũi thở miệng ba lần…”, rồi thì “Nhắm mắt lại, miệng ngậm, hít thở bằng mũi, vô thức…”. Lúc nhắm mắt lại và hít vào thở ra bằng mũi như khi đang ngủ chính là lúc các luân xa hoạt động. Hoạt động chính của các luân xa là thu nhận nguồn năng lượng từ bên ngoài – năng lượng vũ trụ – vào cơ thể con người, giúp cơ thể có năng lực dồi dào để từ đó tự khai thông những bế tắc của kinh mạch, huyệt đạo, tự đưa nguồn năng lượng ấy đi khắp lục phủ ngũ tạng và trị bệnh. Trong quá trình ngồi thiền, điều quan trọng nhất là tịnh tâm, là vô thức. Có tịnh tâm, có vô thức thì mới thu nhận được năng lượng vũ trụ. Có thể hiểu tịnh tâm là mục tiêu cao nhất của việc ngồi thiền. Những giảng huấn ở đây khuyên: Trong mọi hoàn cảnh, người ngồi thiền đều phải tạo được trạng thái tâm lý thật thoải mái, bình tĩnh và khiêm hòa, vứt bỏ mọi tham – sân – si… ra khỏi đầu óc, tạo được “thân ở trong muôn loài, tâm ở trên muôn loài”, tạo được “nhân cách chân không”…
Khi ngồi thiền phải vứt bỏ mọi thứ ra khỏi đầu để tập trung vào luân xa số 6. Luân xa số 6 nằm ở giữa trán, tại đại huyệt ngạnh trung, nằm giữa huyệt thần đình và huyệt ấn đường; có liên quan đến vỏ não, tuyến tùng và tuyến yên. Luân xa thứ 6 được ví như “con mắt thứ ba” của con người, đưa năng lượng vào đây nhằm điều chỉnh toàn bộ hệ thần kinh. 5 luân xa còn lại, luân xa nào cũng đều quan trọng (vì đây là những đại huyệt đạo theo Đông y). Tuy nhiên, với riêng tôi, người bị bệnh tụy và tiểu đường nhiều năm, tôi còn chú trọng đặc biệt đến hai luân xa khác là luân xa số 5 có tác dụng làm thông khí huyết và luân xa số 3 có tác dụng chữa các bệnh gan, mật, tụy, thận…
Thú thật, lúc ban đầu đến với cơ sở ứng dụng năng lượng trường sinh học của “bà tiên áo trắng” Hồ Thị Thu, ngoài tư cách là một con bệnh thực sự, tôi vẫn không thể bỏ qua thói quen xem xét với tư cách là một nhà báo. Nhưng dần dần, tôi từ kẻ đi “điều tra” đã trở thành một môn sinh thực sự, một “tín đồ” thực sự của môn trường sinh học”. Thế rồi, qua một tuần luyện tập, tôi không còn một chút nghi ngờ gì về phương pháp dưỡng sinh và trị bệnh bằng ứng dụng năng lượng trường sinh học mà cô Thu là người chủ xướng và dang ra tay “cứu nhân độ thế” ngay tại nhà riêng của cô ở suối nước nóng Hội Vân – quê hương Phù Cát (Bình Định) của tôi.

Là học viên có nhà ở gần, nên hàng ngày cứ buổi sáng tôi chạy xe đến luyện tập và nghe giảng lý thuyết; chiều tối về nhà tôi tự luyện (ngồi thiền) đúng theo hướng dẫn của cô Thu. Ở ngày học thứ hai, tôi cùng với mọi người được mở tiếp hai luân xa 5 và 4; trong đó, luân xa 4 có tác dụng chữa trị các bệnh về tuần hoàn, tim mạch, huyết áp…

Cô Thu nói: “Khi khai mở hai luân xa này, người bị bệnh tiểu đường sẽ được đả thông khí huyết, đường trong máu sẽ được đẩy ra theo đường tiểu tiện rất nhiều. Do vậy, nếu như sau luyện tập, đi tiểu tiện thấy nước tiểu vàng như nghệ thì quý cô bác chớ có ngạc nhiên…”. Kết thúc buổi tập thứ hai, tối về nhà, tôi tiếp tục ngồi thiền hơn tiếng đồng hồ, và sau đó là đi tiểu tiện. Quả thật khi đó màu nước tiểu của tôi giống hệt nước chè khô đậm đặc.

Rồi nữa, những giảng huấn của lớp thường xuyên nói rằng nếu những ai bị bệnh nan y phải dùng thuốc tây thì phải dùng đúng liều lượng, như người bị tiểu đường phải chích insulin (như trường hợp của tôi) thì nên chích, còn lại những ai chỉ sổ mũi nhức đầu sơ thì tuyệt đối không được dùng thuốc tây mà chỉ chịu khó ngồi thiền là khỏi. Cuối buổi tập thứ ba, tôi về nhà muộn trong tiết trời se lạnh ở xứ nóng khiến cho cơ thể bất an – cảm sốt. Nếu bình thường, tôi đã chạy thẳng ra tiệm thuốc tây để xử lý vấn đề, nhưng nay tôi không cần đến thuốc tây mà chỉ ngồi thiền hơn tiếng đồng hồ. Và, điều kỳ diệu đã xảy ra: Tôi hết cảm cúm và sốt!

Theo KHẮC DŨNG – Báo Lao Động

Bài viết liên quan

Bát nhã tâm kinh

Tâm kinh trí tuệ cứu cánh rộng lớn Khi bồ tát Quán Tự Tại hành...

Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải(1996)

Đạo Phật lấy giác ngộ làm cội gốc, Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhàrtha) tọa thiền dưới...

Khoá học giúp ra quyết định sáng suốt

Nếu bạn bỏ lỡ khoá học này, mình sẽ tiếp tục ra những quyết định...

Ý Nghĩa Hình Tượng Bồ Tát – Quán Thế Âm – HT THÍCH THANH TỪ

Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời...

Bài thuốc ngâm chân và Văn hóa Đạo Hiếu của Người Dao

Và cái văn hóa đạo hiếu người dao nó có một câu chuyện rất là...

Giới thiệu về CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA

CÔNG TY CỔ PHẦN DAO DƯỢC TRIỆU GIA là đơn vị chuyên về các bài...

Trả lời