Tam quan chùa bạc màu thời gian, nhà tổ trầm mặc, mái ngói phong rêu, hàng cau cây mít xanh màu… Đây chính là nơi gắn liền với cuộc đời tu hành của Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Pháp chủ Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam vừa mới viên tịch.
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh Bùi Văn Quý, sinh năm 1917 trong một gia đình phật tử thuần thành tại thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Năm 1925, ngài được song thân cho phép theo hầu hòa thượng Thích Đàm Cơ chùa Phúc Long, xã Khánh Phú huyện Yên Khánh. Tại chùa, ngài được tôn sư chỉ dạy phật pháp và học chữ nho với cụ đồ Hiệng nổi tiếng trong vùng.
Đến năm 1929, ngài lại được tôn sư cho phép tham học với Sư tổ Thích Nguyên An tại tổ đình Vọng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sau 3 năm tu học, năm 1932, ngài được Sư tổ cho phép thụ giới sa di tại giới đàn Chùa Đống Cao, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Vào năm 1934, ngài đến tham học rồi y chỉ Sư tổ Thích Quảng Tốn tại tổ đình Viên Minh, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Năm 1937, ngài thụ cụ túc giới và bồ tát giới tại Đại giới đàn chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Sau đó, ngài tiếp tục cầu học ở nhiều sơn môn, tổ đình lớn như sơn môn Tế Xuyên, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, sơn môn Hương Tích, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hay tổ đình Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang…
Năm 1957, ngài trở về tổ đình Viên Minh đảm nhiệm phật sự cho đến khi Sư tổ viên tịch vào năm 1961 và từ đây, ngài kế đăng trụ trì tổ đình cho đến tận ngày nay.
Từ năm 1987, Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPG Việt Nam – Đại lão hòa thượng Thích Đức Nhuận mời ngài chủ trì hiệu đính Đại tạng kinh Việt Nam, tham gia các hoạt động phật sự của Giáo hội và đảm nhiệm nhiều chức vụ trong giáo hội như: Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Hà Tây; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Phó Pháp chủ rồi Pháp chủ GHPG Việt Nam; Đường chủ các hạ trường tại các tỉnh, thành phố, Đàn đầu hòa thượng các Đại giới Đàn tại các tỉnh, thành phố… Đồng thời, ngài còn có nhiều công lao cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc với tư cách là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiều khoá…
Tuy bận nhiều công việc phật sự, song sự nghiệp biên soạn, dịch thuật, chú giải, trước tác của ngài rất đồ sộ, có thể kể đến như kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Đại từ điển phật học, Phật tổ tam kinh, Phật học là tuệ học… Những công lao của ngài đối với đạo pháp và dân tộc đã được GHPG Việt Nam và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều huân huy chương cao quý. Song hình ảnh một vị cao tăng lấy việc cày cấy làm vui, tụng kinh niệm phật hàng ngày làm nghiệp trong ngôi chùa quê thật khác lạ, phi thường.
Ngài từng nói: “Suốt đời tôi chỉ mong được niệm phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi… Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”.
Sống thọ, hơn nữa lại khỏe mạnh, minh mẫn là điều ao ước thường trực của đại đa số con người. Song muốn vậy, theo ngài “trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm”, song cũng không thể loại trừ được vô thường, nghĩa là không tránh khỏi “sinh lão bệnh tử”.
Quan trọng hơn, đối với ngài, tuổi thọ không phải là thước đo giá trị con người như trong một lần trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ, ngài cho rằng: “Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 99 năm, ở chùa 94 năm, thụ Đại giới được 78 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi”. Cho nên, theo ngài: “Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”.
Cỗ Tết đối với mọi người thường mâm cao cỗ đầy, nhưng đối với ngài, “Cỗ tết nhà chùa” là:
Nhà chùa tết nhất nghĩ mà vui
Lộc phật ban cho đủ mọi mùi.
Giò thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác bánh
Chè Ba La Mật, Pháp Hoa xôi
Kìa mâm Bảo Tích bày trăm vị
Nọ đũa Kim Cương sắp bốn đôi
Chiếu giải Luật nghi nhà Trượng thất
Bạn cao Tăng đạo thỉnh lên ngồi.
Chợt nhớ năm nào vãn cảnh Chùa Ráng – chốn tổ Viên Minh, hình ảnh vị cao tăng rất đỗi bình dị, dáng cao gầy, lời nói đơn sơ, mộc mạc mà tràn đầy ý nghĩa. Những lời di huấn của ngài cũng chính là hiện thân của ngài – bậc long tượng chốn thiền gia, cây đại thụ của Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, ở ngài đã hội tụ viên mãn tinh thần Phật giáo Việt Nam. Cả cuộc đời ngài đã để lại rất nhiều di sản trân quý cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam, đồng thời, cuộc đời của ngài chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ tăng ni Việt Nam hôm nay và mai sau.
Bài viết liên quan
TÙY DUYÊN VÀ BẤT BIẾN
“Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên” chính là hành trang, là...
Th1
Phật tử xúc động hướng tâm về Tổ đình Viên Minh
Thông tin Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ...
Th1
Hành trình tỉnh thức
Đỉnh cao của kinh doanh chính là thiền và đỉnh cao của thiền chính là...
Th1
Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt và hành trình tỉnh thức
Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt (Shark Nguyễn Thanh Việt) được đông đảo khán giả truyền...
Th1
Shark Nguyễn Thanh Việt và cơ duyên giác ngộ Phật pháp
Shark Nguyễn Thanh Việt là một doanh nhân tiêu biểu thấm nhuần tư tưởng Phật...
Th1
Lời Di Huấn Của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ
Chúng tôi thì trước đây vẫn tu pháp môn Tịnh Độ. Chứ còn về Thiền...
Th1