Lời vào truyện.
Có bao giờ chúng ta nghe từ miệng một vị thiền sư dạy Đạo cho môn sinh như thế này chưa:
“- Này chư tử! Thuở còn trai trẻ, làm kiếm khách áo trắng, ta ít khi rút kiếm ra khỏi bao, rút ra là phải chém. Hàng tục sĩ gọi ta là Kiếm vương.
Này chư tử! Thuở còn trai trẻ, làm giang hồ kỳ thủ, ta ít khi chơi cờ. Khi đã chơi, một quân cờ đặt xuống – trọng lượng một quả núi – sẽ kết thành định mệnh. Định mệnh không lặp lại hai lần. Dòng sông đã chảy, vậy thì những quân cờ kế tục đi đến chung quyết. Không do dự. Không ngập ngừng. Người đời gọi ta là Kỳ vương.
Này chư tử! Kiếm vương ta cũng bỏ. Kỳ thủ ta cũng lìa, khoác tay nải, dép cỏ, nón mê lang thang học Đạo. Ba mươi năm chí thú tinh cần mới thấy được cửa vào. Mười năm lên núi sâu thiền tu, tịch mặc. Sở chướng đã trừ. Mê lầm đã tuyệt. Núi cũng là núi. Sông cũng là sông thôi. Kiếm vương kia thành Kiếm đạo. Kỳ vương kia thành Kỳ đạo. Tại sao như thế?
Này chư tử! Nay ta có mấy lời tâm huyết, như dao chém đá, như kiếm xuyên mây. Hãy nghe mà lập tâm lập hạnh. Đốt cháy kiến hoặc, dội tắt nghi tình, vào chốn ngũ trần mà thong dong tự tại.
Hãy nghe đây! Phàm người tu Phật, một niệm phóng đi, tác thành nghiệp báo. Vậy hãy như tay Kiếm vương kia, chớ có khinh suất mà ra chiêu, đừng cho ý tưởng tự do khởi động. Khi ngưng tụ sinh lực. Lúc buông xả nghỉ ngơi. Hãy xuất niệm như xuất kiếm. Đã xuất là phải đạt.
Này chư tử! Phàm người tu Phật, phải tinh luyện tư duy, khổ hạnh tư duy. Một tư duy đặt trên đối tượng. Một tư duy dẫn dắt hành động. Phải như tên Kỳ thủ kia, một quân cờ đặt xuống, trọng lượng một quả núi. Dòng sông không chảy hai lần. Đừng do dự. Đừng ngập ngừng. Quân cờ đặt xuống là tác thành định mệnh, tác thành nhân quả, nghiệp báo.
Này chư tử! Hãy xuất cờ! Hãy xuất niệm! Hãy xuất kiếm! Bước tới! Không ngoảnh đầu! Không có sinh tử giữa dòng chảy trôi liên lỉ! Không có sau trước giữa vòng tròn vô thỉ, vô chung!”
Bài giảng kia đã từ một tu viện thâm u trên núi cao, đâm xuyên qua mấy đỉnh mây mù, băng tuyết, rơi xuống, cắm vào giữa lòng các đô thị. Người ta tỉnh giấc, bàng hoàng. Ngàn năm Phật giáo kinh điển, từ chương, thụ động, tiêu cực, đắm say bùa chú, hương khói vật vờ; chơt đứng dậy, vươn cao, nắm định mệnh mình bước đi như thớt voi lâm trận, hùng dũng ho to, cánh sát cánh, vai sát vai…; ánh lửa trí tuệ bùng lên, thổi sinh khí, đem cái đẹp, sức mạnh và tự do tối thượng cho con người.
Phật giáo từ thời Khâm Minh Thiên Hoàng, đến đây, hậu bán thế kỷ XV, sống lại, mang cơ thể mới, tinh thần mới, dẫn Nhật Bản đi vào thời đại phú cường. Công lao ấy có ai ngờ rằng, có sự đóng góp từ trí tuệ của một người: thiền sư Dai-so-kim! Ngài tịch năm 1491, nơi một am thất nhỏ ở Keti phía nam Tây hải đạo.
Truyện ngắn sau đây thuật lại một trường hợp dạy Đạo của người. Thanh niên Ka-jo-ju sau khi thất vọng về đường công danh, tình yêu, sự nghiệp bèn tìm đến một tu viện trên non cao và thưa với Tu viện trưởng:
– Thưa ngài! Con đã thấy rõ bộ mặt thật của cuộc đời nên mong muốn giải thoát khỏi những đau khổ. Thế nhưng, con không có khả năng hành trì một thứ gì lâu dài. Không bao giờ con có thể sống nhiều năm trong thiền định, học tập, giới luật hay cái gì nghiêm túc tương tự như vậy. Con sẽ thối chí và rơi trở vào cuộc đời, dẫu biết rằng mình không còn chịu đựng được. Quyên sinh là biện pháp hay nhất, có lẽ… Thưa ngài! Vậy thì còn có con đường nào ngắn nhất, dễ dàng nhất dành cho những kẻ như con hay không?
– Có chứ! Tu viện trưởng một thoáng lạ lùng nhìn người thanh niên rồi trả lời – nếu con trung thực! Nhưng hãy cho ta biết là con đã học những thứ gì? Sở tri ra sao? Có thể có những khả năng như thế nào? Thảng hoặc, con thường hay tập trung tâm ý nhiều nhất vào chuyện gì?
Ka-jo-ju có vẻ nghĩ ngợi, sau đó, y thở dài thườn thượt:
– Ôi! Thực sự thì không có thứ gì! Con chưa nghĩ là mình phải nên như thế này hoặc nên như thế nọ! Vả chăng, mục đích của sự học cũng chỉ đưa đến hư vô và phù phiếm! Công danh, sự nghiệp giữa cuộc đời này cũng chỉ là giấc mộng đầu hôm. Hiện giờ gia đình con lại khá giả nên con không cần phải làm việc. Riêng về sở thích thì… tuyệt, con thích đánh cờ nhất! Cả đời dường như tâm trí con chỉ tập trung vào đó thôi. Trong vài cuộc tranh giải gồm những kỳ thủ già dặn bốn phương, thỉnh thoảng con cũng giật được phần thưởng ưu hạng.
– Rất tốt! Tu viện trưởng gật đầu – chưa đến nỗi phải bỏ đi. Nhưng mà điều này mới thật là quan trọng, con có niềm tin nào nơi ta không chứ?
– Con đã chọn lựa.
– Thế nào?
– Ngài là Kiếm vương – Thanh niên Ka-jo-ju chợt nói lớn – lại là Kỳ vương nữa. Ngài đã dùng sức mạnh của đạo đức và trí tuệ để thu phục nơi tu viện này những con ngựa hung hăng nhất, những tay giang hồ kiêu ngạo và bạc hãnh nhất… Không cần phải nói rằng người ta tín phục ngài như thế nào, ngài Tu viện trưởng ạ!
– Hỡi con, này Ka-jo-ju! Ta muốn hiểu cường độ tín phục ấy ở nơi riêng con thôi.
Nghe gọi đúng tên mình, Ka-jo-ju rúng động cả châu thân. Bất giác, thanh niên đưa mắt nhìn Tu viện trưởng, và y cảm thấy một sức thu hút kỳ lạ không cưỡng được.
Ka-jo-ju gật:
– Tín phục. Con hoàn toàn tín phục.
Tu viện trưởng chậm rãi quay qua bảo thị giả:
– Vậy hãy cho gọi tu sĩ Mu-ju đến đây cùng với bàn cờ của y.
Người được gọi là một tu sĩ trẻ, rất trẻ, vóc người tầm thước, dáng dấp nho nhã, khuôn mặt sáng rỡ, tròn trặn đầy phúc hậu.
– Mu-ju con!
– Bạch thầy, con nghe.
– Bao nhiêu năm con theo ta để học Đạo. Con mời cơm, ta ăn. Ta gọi, con dạ. Ta giẫy cỏ, con cuốc đất… Tình thầy trò giữa chúng ta thật không có gì đáng phải phàn nàn cả chứ?
– Dạ, quả thế thật.
– Ta còn muốn hỏi rõ hơn nữa. Từ trước đến nay, con không hề mảy may nghi ngờ gì nơi ta đấy chứ?
– Phải nói ngược lại, bạch Thầy – giọng tu sĩ trẻ chợt như viên đá nặng ngàn cân – phải nói là con tín phục Thầy một cách tuyệt đối.
– Rất tốt! Vậy này Mu-ju! Ngay bây giờ ta yêu cầu ở nơi con sự tín phục “kim cương bất hoại” đó.
– Xin vâng.
Tu viện trưởng – chính là vị thiền sư Dai-so-kim – chợt đứng dậy, bước tới bức tường phía đông. Ở đó có treo một thanh kiếm cổ, vỏ nạm bạc khảm xà cừ, nhưng tuế nguyệt đã phủ lên đấy một lớp bụi đục. Gần nửa thế kỷ nay, ngài không đụng đến thanh kiếm ấy. Cái thời Kiếm vương trai tráng oanh liệt dường như mới hôm qua đây thôi. Ngài thò tay. Một tiếng động khẽ vang lên. Kiếm đã ra khỏi vỏ. Mũi kiếm sắc lạnh ngời ánh thép xanh biếc.
Thiền sư Dai-so-kim quay lại, đứng thẳng như một cỗi tùng gân guốc.
– Này Mu-ju! Ngài nói chậm rãi – con hãy chơi cờ với chàng thanh niên này. Và nghe đây! Nếu con thua, ta sẽ chém đầu con, nhưng ta hứa là con sẽ được tái sanh vào cõi phúc lạc. Nếu con thắng, ta sẽ chém đầu chàng thanh niên. Suốt đời anh ta mê mải ham thích trò chơi đó, nếu để thua thì chém đầu y chẳng oan tí nào.
Hai người lạnh toát sống lưng nhìn Tu viện trưởng; và trong thoáng giây đó, họ đều hiểu rằng ngài nói thật.
Thanh niên Ka-jo-ju đứng trân, bất động, loáng thoáng theo hơi gió buốt lạnh câu nói xa xưa của Kiếm Vương: “Ta ít khi rút kiếm ra khỏi bao, rút ra là phải chém!” Bất giác, thanh niên đưa tay sờ lên cổ mình, mồ hôi lấm tấm, gai lạnh. Tu sĩ Mu-ju chỉ thoáng một giây sợ hãi như tí gợn trên mặt hồ rồi mất. Trọn đời bằng vào đức tin tuyệt đối nơi đức thầy, nên việc giao phó định mệnh không phải là điều đáng suy nghĩ lâu.
Giữa thiền đường, lư trầm nghi ngút. Cơn gió lạnh lẽo lùa qua liếp cửa. Thiền sư Dai-so-kim ngồi xuống sau làn khói lung linh mờ ảo, tay nắm chặt đốc kiếm trịnh trọng với phong độ của một bậc tôn sư. Không khí đọng lại, trang nghiêm và tĩnh mịch đến ghê người.
Cả hai người hoàn toàn bị khiếp phục. Họ bắt đầu bước vào ván cờ sinh tử.
Ván cờ không còn là trò chơi nữa. Là cái gì nghiêm trọng nhất trên đời này. Ván cờ chính là cuộc đời. Ván cờ chính là sinh tử. Và cả hai hoàn toàn tập trung tâm ý vào đó không một mảy may dám xao lãng.
Chỉ vài nước khởi đầu, thanh niên đã sớm hiểu là mình đang đối đương với một địch thủ kỳ tài và già dặn. Tu sĩ trẻ lại un đúc được đức trầm tĩnh của thiền môn. Đó là những yếu tố đáng ngại. Mồ hôi từ tráng chàng thanh niên chảy dài xuống ngực. Tu sĩ Mu-ju đã chiếm ưu thế mất rồi. Và như một lão ngựa tự tin, sung sức – chỉ cần sải từng bước đều đặn giữ khoảng cách đầu ngựa.
Chiến thắng chỉ còn là thời gian.
Ka-jo-ju quên ngoại cảnh, quên bản thân, quên cả việc sống chết. Ngay giây phút này – tình yêu, công danh, sự nghiệp, ưu hận – là những đám mây đen bị xua tan một cách nhanh chóng. Tâm trí Ka-jo-ju hoàn toàn chú mục vào cái đam mê duy nhất của đời mình. Phong độ, sinh lực, thiện xảo, sự thông minh dễ dàng trở lại với chàng. Thế là Ka-jo-ju khôn khéo gỡ từng thế một. Tuy nhiên, tu sĩ Mu-ju vẫn tranh tiên. Rất chậm, vững chãi, từng bước vây hãm thành trì, không một sơ hở tối thiểu để cho chàng thanh niên lập lại thế quân bình.
Đột nhiên, thanh niên Ka-jo-ju bỏ thủ, bỏ thành trì, hy sinh quân mã, tung những đòn chớp giật. Lớp chết, lớp khác xông lên với khí thế quyết tử. Lấy công làm thủ là chiến thuật bình thường, nhưng tự hy sinh quá đột ngột, liều lĩnh và táo bạo như vậy thì quả là Mu-ju mới thấy lần đầu. Đến lượt tu sĩ trẻ toát mồ hôi, từng giọt, từng giọt rỏ xuống bàn cờ. Ka-jo-ju chỉ chờ có thế. Chỉ cần một thoáng bối rối, lưỡng lự của đối thủ là y chém đông, chém tây những thế táo bạo – nhưng chỉ là hư chiêu – rồi rút về an toàn, bình chân như vại.
– Đệ tử vây Ngụy, cứu Triệu, hao tổn tâm cơ là chỉ mong cái thế bảo toàn – Ka-jo-ju thở phào nói – Thật ra, nếu đệ tử không thất vọng tình đời thì không đi những thế tuyệt mạng như vậy. Vì từ bi, vì trung hậu và chơn chất mà tiểu sư phụ mất thế thượng phong. Hiện giờ tiểu sư phụ dẫu hơn quân nhưng chuyện thắng bại khó biết phần ai.
Lợi dụng khi quân mã của tu sĩ đang tản mác đó đây, thanh niên kéo đôi pháo giăng về giữ trung quân. Binh lính và ngựa chặn ở ven sông. Một xa chợt đông, chợt tây, chợt tấn, chợt thoái xông xáo giữa chốn thiên binh vạn mã. Tu sĩ trẻ bắt đầu thấy mình yếu thế. Tự tin một thoáng lay động là phía tả tiền đã bị viên hổ tướng của địch phá vỡ. Lão ngựa già của đối phương được hai chốt hộ vệ chặt chẽ, hờm sẵn đã lâu, bây giờ hung hăng nhảy đến thí mạng. Thế là đôi pháo bất khuất kiên cường của tu sĩ bị loại khỏi vòng chiến.
Mu-ju đã rơi vào thế thủ. Thỉnh thoảng vẫn đánh trả những đòn đầy trầm tĩnh và nội lực nhưng thanh niên vẫn đón đỡ dễ dàng. Vào phút bất ngờ nhất, thanh niên Ka-jo-ju tung quân dự bị. Hai pháo giữ nhà đồng loạt vọt qua sông, tung đòn tối hậu.
Tu sĩ đã nguy cơ thập tử nhất sinh.
Thanh niên len lén đưa mắt nhìn vị sư. Đấy là một khuôn mặt trong sáng đầy trí tuệ do bao năm tinh cần giới luật. Ôi! Một chân dung thật đẹp ở trong một tinh thần cao khiết. Thanh niên nghĩ. Vị tu sĩ này từ hòa và đôn hậu hết mực, mang linh hồn trong sáng như viên bạch ngọc không tỳ vết nhiễm ô; đâu có hắc ám, bụi bặm, hiếu chiến, táo tợn và đa sát như ta? Ôi! Một nhân cách như vậy mà bị kết liễu cuộc đời thật uổng lắm thay! Ta là gì? Một kẻ du thủ du thực, vô tích sự, ăn bám mẹ cha và xã hội; nếp sống dơ dáy, hư hỏng, nội tâm đầy dẫy những ham muốn bất chánh và hèn hạ. Giá trị đời ta chỉ có thế thôi. Rơm rác còn có ích hơn ta.
Thanh niên nhè nhẹ thở dài. Và lòng từ bi khởi lên dịu dàng xâm chiếm lòng chàng. Ôi! Cuộc đời vô giá trị của ta nên hy sinh cho cuộc đời có giá trị.
Nghĩ thế xong, thanh niên khôn khéo tạo những sơ hở, chỉ những kỳ thủ trứ danh mới biết được. Một thế, hai thế. Vậy là quá đủ cho tu sĩ lấy lại quân bình rồi chiếm luôn ưu thế tấn công.
Thanh niên Ka-jo-ju biết mình sẽ thua, lát nữa thôi, nhưng chàng không đổ mồ hôi, không lạnh lưng, không lạnh gáy. Một an tĩnh mênh mông, thân thiết vây phủ tâm hồn chàng. Chưa bao giờ mà chàng chờ đợi cái thua – nghĩa là chờ đợi cái chết – một cách dịu dàng, trong sáng, bình lặng và thanh khiết như vậy.
Tu sĩ trẻ ngần ngại. Ngón tay vừa thò xuống quân cờ định mệnh, vội rút lui… Cũng vì lòng từ bi mà tu sĩ không nỡ hạ thủ.
Bàn cờ bất động giữa hai người.
Đối với những tay cờ ưu hạng, không có thế cuối cùng, Ka-jo-ju hiểu vậy, và vì đã nguyện hy sinh nên bỏ tay xuống…
Bỗng một làn khí lạnh lướt qua. Tu sĩ Mu-ju thoáng thấy thiền sư Dai-so-kim đứng dậy chập chờn sau làn khói hương. Và một tia chớp phủ chụp xuống đầu chàng thanh niên. Tu sĩ nhắm mắt lại, khẽ tuyên Phật hiệu…
Thiền đường lặng ngắt như tờ. Tu sĩ trẻ định thần mở mắt ra. Mắt y chợt tròn vo, kinh ngạc. Cái đầu với tóc tai rối bù của chàng thanh niên đã bị cạo nhẵn thín. Và giọng thiền sư Dai-so-kim trầm ấm, mồn một bên tai:
– Chỉ cần có hai điều, Ka-jo-ju con hỡi! Ây là sự hoàn toàn tập trung tâm ý và lòng từ bi. Hai yếu tố quan trọng của Đạo Giác Ngộ. Thế mà hôm nay con đã học được cả hai. Con đã tập trung tâm ý có hiệu quả vào ván cờ. Sau đó vì lòng từ bi mà con nguyện hy sinh mạng sống mình. Thôi, hãy ở lại đây, áp dụng kỷ luật của chúng ta trong tinh thần đó. Giải thoát sẽ là kết quả đương nhiên như mũi tên đến tiêu điểm theo đường nhắm đúng.
Thanh niên Ka-jo-ju đưa tay lên sờ đầu mình, chàng mỉm cười.
Bài viết liên quan
ĐỪNG CÓ ẢO – TƯỞNG!
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ . Hôm nay Thầy có ít lời nhắc...
Th10
NHÌN LẠI MỘT ĐOẠN NHÂN DUYÊN.
( S P. Hòa Thượng Thường Chiếu ) Tôi đi tu từ lúc 7 tuổi,...
Th10
Chiếc áo cũ
Câu chuyện được kể lại từ thời Phật giáo Thiền tông hưng thịnh, tức là thời đại Kiếm Thương (Kamukara), trong khoảng thế...
Th10
TIN NHÂN QUẢ, TẠO PHƯỚC ĐỨC, SỐNG CHÂN THƯỜNG
TIN NHÂN QUẢ, TẠO PHƯỚC ĐỨC, SỐNG CHÂN THƯỜNG -Nguyễn Thế Đăng Phật giáo là...
Th10
Tu để làm gì? Bao giờ Tu?
NHỮNG ĐIỀU TRƯỚC ĐÂY THƯỜNG NGHĨ… Trước đây cứ nghĩ rằng người giỏi hơn sẽ...
Th10
Ý niệm về tiền – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
TIỀN, TRÍ TUỆ và SỰ BÌNH AN. Đợt này em tập trung không dùng điện...
Th10