Thưa Thầy, khi xưa đức Phật và các thầy Tỳ-kheo không phải lao động nên có nhiều thì giờ tọa thiền. Bây giờ chúng con lao động nhiều, nên tối ngồi thiền hay bị ngủ gục. Như vậy chúng con tu bao giờ mới có kết quả?
ĐÁP
Đây là điều đáng ngại cho một số người sơ cơ mới vào Thiền viện. Khi Phật còn tại thế, chư Tỳ-kheo mỗi ngày đi khất thực một lần, trưa thọ trai, chiều và tối ngồi thiền. Các Ngài dồn hết tâm lực để tu, nên sớm ngộ đạo, ngay trong đời chứng quả. Các con phát tâm tu trong giai đoạn này là thời mạt pháp có nhiều duyên không thuận. Vì vậy mà thầy phải vạch một hướng tu cho tạm ổn để các con tu. Biết rằng lao động, cuốc đất, xịt thuốc… làm chết côn trùng sâu bọ, giới sát giữ không tròn, tổn thương lòng từ bi. Nhưng vì hoàn cảnh đất nước nghèo, chúng ta phải lao động mới có cơm ăn, đi khất thực thì không thuận hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện tại. Chẳng lẽ bây giờ chúng ta bó tay không tu, vì thế phải uyển chuyển tu theo hoàn cảnh. Thời xưa chư Tỳ-kheo dồn hết ngày giờ cho việc tu nên các Ngài mau đắc đạo. Bây giờ các con phải lao động ngày một buổi, tuy tối ngồi thiền bị buồn ngủ vì mệt nhọc, nhưng còn nhớ tu vẫn có lợi ích hơn là không tu.
Chủ trương của thầy ngày nay giống Tổ Bá Trượng. Các con phải tu trong hoạt động, trong việc làm, chớ không phải chỉ tu trong lúc ngồi thiền. Ngay trong lúc cuốc đất, nhổ mạ, cấy lúa, nhổ cỏ… cũng là giờ chúng ta tu. Thầy thường nhắc: các con làm cái gì chỉ biết làm cái đó. Cuốc đất chỉ biết cuốc đất, nhổ mạ chỉ biết nhổ mạ, cấy lúa chỉ biết cấy lúa… tâm các con không nghĩ tưởng chạy theo việc khác, tâm lúc nào cũng tỉnh sáng. Như vậy lúc lao động là lúc tu, chớ đâu phải không tu. Trong lúc các con lao động đừng phóng tâm ra ngoài, làm chỉ biết làm và thấy được niệm lo ra của mình để làm chủ mình, đó là tu trong việc làm. Như vậy là suốt ngày lúc nào cũng tu, nếu các con chỉ tu trong lúc ngồi thiền tụng kinh thì tu quá ít, sức tỉnh giác quá yếu, không đủ sức làm chủ mình trong hoàn cảnh khó khăn.
Các con đừng đặt ngồi thiền là trên hết, mà phải tu trong việc làm, trong mọi hoàn cảnh, lúc nào cũng phải tỉnh, phải thấy được mình. Đừng để tâm chạy ngược chạy xuôi như trâu hoang thì rất tai hại, mà phải cầm vàm cầm roi chăn giữ nó. Các con phải biết rõ đường hướng tu mới không thiệt thòi, không còn băn khoăn than thở vì ngồi thiền ngủ gục khó tu.
– HT Thích Thanh Từ –
Bài viết liên quan
TƯ TƯỞNG BÁT NHÃ TRONG THIỀN HỌC CỦA THIỀN SƯ PHÁP LOA
Dẫn nhập Tư tưởng Bát Nhã là cốt tủy của văn hóa Phật giáo. Tư...
Th3
Hương người đức hạnh ngược gió bay khắp mười phương
Trong Kinh Pháp Cú số 54, Đức Phật đã dạy: Người Phật tử giữ đúng...
Th3
Tâm thái Thiền
Khi nói đến thiền ta thường liên tưởng đến vị Phật ngồi thiền tĩnh lặng...
Th3
Mười Bức Tranh Chăn Trâu Trong Thiền Tông – HT Thích Thanh Từ Giảng giải
TRANH SỐ 1: “TÌM TRÂU” Lời dẫn: Thiền Sư Quách Am. Dịch&Giảng: Hoà Thượng –...
Th2
Sơ Tổ Trúc Lâm – Trần Nhân Tông (1258 – 1308)
Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng...
Th1
THẤT TÌNH LỤC DỤC KHIẾN CON NGƯỜI TA PHẢI SA ĐỌA 6 NẺO LUÂN HỒI…!!!
1.Thất tình: Bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như: Vui mừng,...
Th1